Ngày 19/11/2021, Đức Hồng y Chủ tịch Gianfranco Ravasi đã chủ tọa Hội nghị toàn thể của Hội đồng Tòa thánh về Văn Hóa dưới dạng trực tuyến với chủ đề “Thuyết nhân bản cần thiết”, có sự tham gia của 30 hồng y, giám mục và thành viên, cùng với 33 vị cố vấn. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi Sứ điệp đến Hội nghị.
Xin giới thiệu Sứ điệp của Đức Thánh Cha qua bản dịch tiếng Việt của Nữ tu Anna Ngọc Diệp, OP.
Kính thưa quý vị,
Tôi xin gửi đến quý vị lời chào thân ái nhân dịp Hội nghị toàn thể của quý vị, đã bị hoãn lại trước đây vì đại dịch và cuối cùng đã được tiến hành, dưới dạng trực tuyến. Đây cũng là dấu hiệu của thời đại chúng ta đang sống: trong thế giới kỹ thuật số, mọi thứ đều trở nên gần gũi đến khó tin, nhưng lại không có sự hiện diện thân tình.
Hơn nữa, đại dịch đã thách thức nhiều điều chắc chắn mà mô hình kinh tế và xã hội của chúng ta dựa trên, làm lộ ra những yếu kém của nó: các mối tương quan cá nhân, phương pháp làm việc, đời sống xã hội, ngay cả việc thực hành tôn giáo và tham dự các bí tích. Và trên hết, nó cũng đã mạnh mẽ đề xuất lại những vấn nạn căn bản của sự hiện hữu: vấn nạn về Thiên Chúa và về con người.
Chính vì thế tôi được đánh động bởi chủ đề của Hội nghị toàn thể của quý vị: Suy nghĩ lại về Nhân học – Một nền nhân bản cần thiết. Thật vậy, vào thời điểm này của lịch sử, chúng ta không chỉ cần các chương trình kinh tế mới và các công thức mới chống lại virus, mà trên hết là một viễn tượng nhân bản mới, đặt nền trên Mặc khải Kinh thánh, được phong phú bởi di sản của truyền thống kinh điển, cũng như bởi những suy tư về con người hiện diện trong các nền văn hóa khác nhau.
Thuật ngữ “Thuyết nhân bản” khiến tôi liên tưởng đến bài diễn văn đáng nhớ của Thánh Phaolô VI khi kết thúc Công đồng Vatican II vào ngày 07/12/1965. Ngài gợi lại thuyết nhân bản thế tục thời đó, vốn thách thức nhãn quan Kitô giáo, và nói rằng: “Tôn giáo của Đấng Thiên Chúa làm người đã gặp tôn giáo (vì nó là như vậy) của con người muốn làm Thiên Chúa”. Thay vì lên án hoặc phỉ báng điều này, Đức Phaolô VI đã vận dụng mẫu gương của người Samaritanô nhân hậu, vốn hướng dẫn suy tư của Công đồng, đó là sự đồng cảm sâu sắc với con người và những thành tựu, niềm vui và hy vọng, ngờ vực, buồn bã và âu lo của họ. Và như thế, Đức Phaolô VI đã mời nhân loại vốn khép kín đối với siêu việt hãy nhìn nhận thuyết nhân bản mới của chúng ta, bởi vì – ngài nói – “chúng tôi cũng vậy, hơn ai hết, chúng tôi là những người vun trồng con người”.
Từ đó đến nay, đã gần 60 năm trôi qua, Thuyết nhân bản thế tục – một cách diễn đạt cũng ám chỉ ý thức hệ toàn trị lúc đó đang chiếm thế thượng phong trong nhiều chế độ – giờ đã thành dĩ vãng. Trong thời đại của chúng ta được đánh dấu bởi sự kết thúc của các ý thức hệ, thuyết nhân bản dường như đã bị lãng quên, bị chôn vùi dưới sức nặng của những sự đổi mới do cuộc cách mạng kỹ thuật số và những phát triển đáng kinh ngạc trong khoa học, buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về làm người nghĩa là gì. Câu hỏi của thuyết nhân bản bắt nguồn từ câu hỏi này: con người là gì?
Tại thời điểm của Công đồng, một thuyết nhân bản thế tục, nội tại và duy vật đã đối đầu với nhân bản Kitô vốn mở ra với siêu việt. Tuy nhiên, cả hai đều có thể chia sẻ một nền tảng chung, một sự hội tụ cơ bản về một số vấn đề căn bản liên quan đến bản chất con người. Nay điều này đã biến mất do tính linh hoạt của tầm nhìn văn hóa đương đại. Đây là thời đại của tính lưu động. Tuy nhiên, Hiến chế công đồng Gaudium et Spes vẫn còn phù hợp về khía cạnh này. Thật vậy, Hiến chế nhắc nhở chúng ta rằng Giáo hội vẫn có nhiều điều để cống hiến cho thế giới, và buộc chúng ta phải nhìn nhận và đánh giá, với sự tự tin và can đảm, những thành tựu trí tuệ, tinh thần và vật chất đã xuất hiện từ đó đến nay trong nhiều lĩnh vực khác nhau của tri thức nhân loại.
Ngày nay, một cuộc cách mạng đang diễn ra – vâng, một cuộc cách mạng – chạm đến những điểm mấu chốt thiết yếu của hiện hữu nhân sinh và đòi hỏi một nỗ lực sáng tạo trong suy nghĩ và hành động. Cả hai. Có một sự thay đổi mang tính cấu trúc trong cách chúng ta hiểu về sự phát sinh, sinh ra và chết đi. Tính đặc thù của con người trong toàn bộ tạo thành, tính độc nhất của chúng ta so với các loài động vật khác, và thậm chí cả mối tương quan của chúng ta với máy móc đều bị tra vấn. Nhưng chúng ta không thể cứ mãi giam mình trong sự phủ nhận và chỉ trích. Thay vào đó, chúng ta được yêu cầu suy nghĩ lại về sự hiện diện của chúng ta trên thế giới dưới ánh sáng của truyền thống nhân bản: như là người phục vụ chứ không phải chủ nhân của sự sống, như là người xây dựng công ích với các giá trị của tình liên đới và nhân ái.
Đây là lý do tại sao quý vị đã đặt một số câu hỏi thiết yếu làm tâm điểm suy tư của quý vị. Cùng với câu hỏi về Thiên Chúa – điều vẫn luôn là nền tảng cho chính hiện hữu nhân sinh của chúng ta, như Đức Bênêđíctô XVI thường nhắc nhở chúng ta – ngày nay, câu hỏi về con người và căn tính của nhân vị được đặt ra một cách quyết định. Ngày nay, nói rằng người nam và người nữ bổ túc cho nhau, được kêu gọi liên kết với nhau, điều đó có nghĩa gì? Những từ ngữ “tình phụ tử” và “tình mẫu tử” có nghĩa là gì? Và một lần nữa, điểm đặc thù của con người là gì, tức là điều khiến chúng ta trở nên độc nhất và không thể lặp lại so với máy móc và ngay cả với các loài động vật khác? Ơn gọi siêu việt của chúng ta là gì? Lời kêu gọi xây dựng mối tương quan xã hội với những người khác của chúng ta đến từ đâu?
Sách Thánh cung cấp cho chúng ta những tọa độ thiết yếu để phác thảo một nền nhân học về con người trong tương quan với Thiên Chúa, trong sự phức tạp của các mối tương quan giữa người nam và người nữ, và mối tương quan với thời gian và không gian mà chúng ta đang sống. Thuyết nhân bản Kinh thánh, trong cuộc đối thoại phong phú với các giá trị của tư tưởng cổ điển Hy Lạp và Latinh, đã làm nảy sinh một tầm nhìn cao cả về con người, nguồn gốc và vận mệnh chung cuộc của chúng ta, lối sống của chúng ta trên trái đất này. Sự kết hợp giữa minh triết cổ xưa và Kinh thánh này vẫn là một mô hình phong phú.
Tuy nhiên, ngày nay thuyết nhân bản Kinh thánh và cổ điển phải mở ra một cách khôn ngoan để đón nhận, trong một tổng hợp có tính sáng tạo mới, những đóng góp của truyền thống nhân bản đương thời và của các nền văn hóa khác. Chẳng hạn, tôi đang nghĩ đến tầm nhìn toàn diện của các nền văn hóa Á châu, để tìm kiếm sự hòa hợp nội tâm và với tạo thành. Hoặc sự liên đới của các nền văn hóa Phi châu, để vượt thắng cá nhân chủ nghĩa thái quá đặc trưng của nền văn hóa Tây phương. Nhân học của các dân tộc Mỹ châu Latinh cũng rất quan trọng, với cảm thức sinh động về gia đình và lễ hội; và cả những nền văn hóa của các thổ dân bản địa trên khắp hành tinh. Trong các nền văn hóa khác nhau này, có những hình thức thuyết nhân bản, khi hội nhập vào thuyết nhân bản Âu châu được thừa hưởng từ nền văn minh Hy-La và được nhãn quan Kitô biến đổi, thì ngày nay trở thành phương thế tốt nhất để đương đầu với những vấn nạn đáng lo ngại về tương lai nhân loại. Thật vậy,”nếu con người không tìm ra vị trí đích thực của mình trong thế giới này, thì con người sẽ hiểu sai về chính mình và cuối cùng hành động chống lại chính mình” (x. Laudato si’, 115).
Kính thưa quý Thành viên và Cố vấn, quý tham dự viên trong Hội nghị toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, tôi xác nhận sự ủng hộ của tôi dành cho quý vị: ngày nay hơn bao giờ hết, thế giới cần tái khám phá ý nghĩa và giá trị của con người trong tương quan với những thách đố mà chúng ta đang đối diện. Ngày nay chúng ta cần lặp lại những vần thơ ngoại giáo: “Sunt lacrimae rerum et mentem mortalia tangent” (Có những giọt nước mắt của vạn vật khóc thương cho nỗi đau nhân thế).
Tôi ưu ái chúc lành cho quý vị, và xin quý vị tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Xin cám ơn rất nhiều!
Đức Giáo hoàng Phanxicô
Nguồn tin: giaophanmytho.net
BÀI VIẾT LIÊN QUAN