SỰ DỮ TỒN TẠI CÓ PHỦ NHẬN SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA KHÔNG?

SỰ DỮ TỒN TẠI CÓ PHỦ NHẬN SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA KHÔNG?

Sister Anna Marie McGuan   

Sự dữ là một phản đối thông thường đối với sự hiện hữu của Thiên Chúa, hoặc ít là đối với một vị Thiên Chúa hữu ngã, Đấng toàn tri toàn thiện. Làm thế nào để có thể dung hòa niềm tin vào Thiên Chúa với bằng chứng rõ ràng cũng như những biểu hiện đa dạng của sự dữ? Đây là một câu hỏi hay mà con người đã và đang đặt ra từ hàng ngàn năm nay (chỉ cần đọc sách Gióp của Cựu ước là thấy). Để trả lời câu hỏi này, ta cần phải xem xét hai ý tưởng khác biệt nhưng lại có liên quan với nhau.

Ý nghĩa của sự dữ

Trước hết, chúng ta cần xác định chính xác “sự dữ” là gì. Khi nói đến sự dữ, người ta dễ xem nó như một thế lực thúc đẩy thiên nhiên hay con người đến chỗ diệt vong. Tuy nhiên, sự dữ không tự thân tồn tại, nghĩa là không tự mình mà có nhưng phải tồn tại nhờ vào một cái khác. Nó chỉ tồn tại trong các vật như là sự khiếm khuyết một điều lẽ ra phải có trong một vật. Thánh Tôma đã viết: “Mỗi một hữu thể, là hữu thể, thì tốt;… sự xấu chỉ có thể hiện hữu trong sự tốt mà thôi, như trong chủ thể của nó” (Tổng luận Thần học, q.49, a.3). Ví dụ, mù lòa không phải là một thứ gì thêm vào đôi mắt; nhưng đó là sự khiếm khuyết một khả năng lẽ ra phải có. Đôi mắt khốn khổ vì bị tước đi khả năng nhìn thấy rõ ràng, nên đó là sự dữ. Đau ốm không phải là thêm vào một sự hoàn hảo mới, nhưng đó là sự thiếu hụt sức khỏe thể lý. Do đó, công việc của một bác sĩ chính là giúp một người phục hồi sức khỏe, ở tình trạng tốt mà cơ thể nên có.

Nhận thức về sự dữ như thế là điều quan trọng, vì nó loại bỏ ngay ý nghĩ rằng thế giới vật chất là xấu xa và cần phải vượt qua để con người được hạnh phúc. Cách hiểu kép về thế giới và nguồn gốc của nó là trung tâm của lạc thuyết Manikê, mang truyền thống Ngộ đạo. Về cơ bản, hai nguyên lý vĩnh cửu “Thiện” và “Ác” đối chọi nhau, và mọi vật chất đều bị coi là xấu xa. Tất nhiên, điều này đối nghịch trực tiếp với truyền thống Kinh Thánh có trước đó, như trong sách Sáng Thế chương 1, mọi thụ tạo đều được xem là “tốt”, thậm chí là “rất tốt”. Dưới nhãn quan Thánh Kinh, vật chất hoàn toàn không xấu xa.

Vậy khi điều xấu xảy ra thì sao? Sự dữ thể lý hay tự nhiên mà con người trải qua nằm trong quy luật vũ trụ, như động đất gây ra sóng thần dẫn đến việc tàn phá một hòn đảo và tất cả các loài động thực vật sinh sống trên đó. Một mặt, nó được coi như một thảm họa. Tuy nhiên, mặt khác, cách thức nó xảy ra hoàn toàn hợp lý và có thể truy vết qua các quy luật tự nhiên. Loại sự dữ này cũng có tính cách khá tương đối. Chẳng hạn, sư tử ăn thịt linh dương. Điều này tốt đối với sư tử và xấu đối với linh dương. Như Thánh Tôma đã viết: “Nhưng trật tự của vũ trụ đòi phải có một số vật có thể biến mất, và thỉnh thoảng biến mất thật sự” (Tổng luận Thần học, q.49, a.2).

Sự dữ tồn tại

Thứ hai, khi sự dữ được hiểu như sự khiếm khuyết điều tốt hay điều thiện hảo chứ không phải như một nguyên tắc hiện hữu, thì phải đề cập đến khái niệm ý muốn tự do nơi các loài có lý trí. Sự dữ luân lý mang nhiều sắc thái hơn sự dữ thể lý, và nó thực sự là trọng tâm của vấn nạn nêu trên về của Thiên Chúa. Sự dữ luân lý ám chỉ sự lựa chọn có nhận thức nơi loài có lý trí để làm một điều xấu hoặc cho chính mình hoặc cho người khác. Trong trường hợp này, sự khiếm khuyết cái tốt đáng lẽ phải có là do sự lựa chọn của thụ tạo. Ví dụ, kẻ trộm thiếu đức công bằng. Điều tốt lẽ ra phải có, đó là khuynh hướng sẵn sàng mang lại cho mỗi người điều họ đáng được hưởng, thì lại thiếu. Thay vào đó, tên trộm ham muốn sở hữu quá mức và vi phạm công bằng để thỏa mãn ham muốn đó.

Một câu nói nổi tiếng của Aleksandr Solzhenitsyn tóm gọn hoàn hảo điều này như sau: “Dần dần tôi đã nhận ra rằng rằng ranh giới ngăn cách giữa thiện và ác đi qua …ngay trong trái tim mỗi người – và qua tất cả trái tim con người”. Con người, mỗi người và mọi người, chọn lựa vi phạm hay không vi phạm sự dữ luân lý. Thiên Chúa không phải nguyên nhân của loại sự dữ này, nhưng Ngài cho phép nó tồn tại.

Nếu Chúa toàn thiện – tại sao Ngài không ngăn chận con người làm điều xấu? Quả là một câu hỏi hóc búa, phải không? Câu trả lời hệ tại nơi giá trị lớn lao và sự tốt lành của tự do, ngay cả khi tự do mắc sai lầm. Đừng lầm tưởng – Thiên Chúa đã lý giải tự do là để: “Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,5). Hay như thánh Phaolô viết: “Những điều luật dạy rằng: ‘Chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ thèm muốn’, và bất kỳ điều nào luật dạy, đều được tóm gọn trong điều này: ‘Hãy yêu người lân cận như chính mình’. Tình yêu không có lỗi với người lận cận; Vì thế, tình yêu là sự chu toàn lề luật” (Rm 3,9-10).

Mỗi người đều bẩm sinh hiểu rằng những gì thánh Phaolô viết là xác thực, và mục đích chính đáng của tự do cũng rõ ràng. Tuy nhiên, nếu ai đó chọn làm điều xấu, Thiên Chúa vẫn cho phép. Ngài sẽ không ngăn cản con người sử dụng tự do, bởi sức mạnh của lòng tốt và tình yêu luôn tiềm ẩn trong ý chí con người. Sức mạnh này thật lớn lao và tốt đẹp. Thiên Chúa mong muốn con người chọn yêu Chúa, yêu tha nhân và yêu bản thân, trong tự do. Ngài có thể tạo ra những con rối chỉ biết yêu Ngài và không biết làm gì khác, nhưng Ngài không làm thế. Do đó, có những hậu quả nghịch lại với tự do của con người: tội và những hậu quả của tội.

Tội lỗi và sự dữ

Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Việc sự dữ tồn tại có thể được lý giải cách siêu hình và thỏa đáng, nhưng không lý giải việc Thiên Chúa dường như vắng bóng khi chúng ta cần Ngài phải chăng Ngài vắng mặt? Thánh Augustinô đã quả quyết: “Đối với Thiên Chúa Toàn năng, như ngay cả dân ngoại cũng thừa nhận, có quyền tối cao trên mọi sự, là sự Thiện tuyệt đối, Ngài sẽ không cho phép bất kỳ sự xấu nào tồn tại nơi các công trình của mình, nếu Ngài không toàn năng và tốt lành đến nỗi có thể mang lại điều tốt từ chính sự xấu”.

Lập luận của thánh Augustinô thực sự là giải pháp duy nhất. Sự dữ tồn tại không thể phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, bởi sự dữ chỉ tồn tại trong một cái gì đó tốt đẹp như nơi một chủ thể (mù lòa, đau ốm trong một cơ thể) hoặc như một phần trong trật tự vũ trụ. Thế nhưng, chấp nhận việc Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra, nhất là khi phát xuất từ những chọn lựa tự do của con người, không thể không đưa chúng ta đến câu hỏi tại sao xảy ra như vậy? Để hiểu được điều này, chúng ta phải đề cao và tìm hiểu bản chất của tự do. Tự do là một năng lực để làm điều thiện, chứ không phải để làm điều xấu, nhưng tự do có thể bị lạm dụng. Thiên Chúa cho phép sự lạm dụng này xảy ra vì đó là cách Ngài dựng nên loài người có lý trí – để làm điều tốt, nhưng cũng có thể làm điều xấu. Ngài sẽ không đặt lại vấn đề tạo dựng. Đồng thời, sự dữ được Thiên Chúa cho phép hiện hữu, trong thời gian và với mục đích của Ngài, là con đường Ngài dùng để mang đến những điều tốt lành.

Chủng sinh Phêrô Nguyễn Thành Công chuyển ngữ từ https://www.simplycatholic.com/the-problem-of-evil/