VAI TRÒ TRUNG GIAN CỦA ĐỨC MARIA TRONG CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

VAI TRÒ TRUNG GIAN CỦA ĐỨC MARIA TRONG CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

Giáo hội luôn dành cho Đức Maria một sự tôn kính đặc biệt, không chỉ bây giờ mà ngay từ thời Giáo hội sơ khai và trong suốt dòng lịch sử của Giáo hội. Sự tôn kính này có những thời điểm, những nơi trở nên thái quá và vì sự thái quá ấy đã gây ra nhiều tranh cãi, trong đó có vấn đề vai trò của Đức Maria trong công cuộc cứu chuộc. Để kiềm chế những thái quá, cũng như những tranh cãi Công đồng Vaticanô II đã loại bỏ tước hiệu gây nhiều tranh cãi và hiểu lầm: “Đồng công cứu chuộc”, đồng thời cố gắng giải thích vị trí trung gian của Đức Maria.[1]

Công đồng khẳng định chỉ có “Đức Kitô là đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại” (1Tm 2,5-6). Tuy nhiên vài trò làm Mẹ của Đức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Đức Kitô, mà còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy. Công đồng cũng cho rằng mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Đức Maria trên nhân loại đều phát sinh từ ý định nhân lành của Thiên Chúa và bắt nguồn từ công nghiệp của Đức Kitô. Sự ảnh hưởng ấy nương tựa và hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự trung gian của Chúa Kitô (LG, 60). Vì được cộng tác vào chương trình cứu độ của Đức Kitô và việc chuyển cầu nên Giáo Hội đã nhận ra vai trò của Mẹ là Đấng trung gian các ân ban của Thiên Chúa. Tuy Đức Kitô là Đấng trung gian duy nhất đem lại cho con người ơn cứu độ nên không bao giờ có thể đặt một thụ tạo nào ngang hàng với vai trò trung gian của Ngài. Tuy nhiên, xét vai trò làm trung gian này không mang tính chất đơn độc, mà còn làm nảy sinh nhiều mối trung gian khác. Sự trung gian duy nhất của Đấng cứu thế không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ tạo cộng tác dưới nhiều hình thức khác nhau, trong sự tuỳ thuộc vào nguồn mạch duy nhất (LG, 62). Nguồn mạch duy nhất đó chính là sự tốt lành của Thiên Chúa mà thụ tạo tham dự vào, một khi đã được tham dự thì thụ tạo đó có khả năng thông đạt điều thiện của mình cho các tạo vật khác. Giáo Hội xác định vai trò trung gian của Đức Maria phụ thuộc vào Đấng Trung gian duy nhất là Đức Kitô, và đâm rễ sâu vào mẫu tính của Đức Maria. Nghĩa là Đức Maria trở thành trung gian ân sủng mà chức trung gian này được nối liền với thiên chức làm Mẹ trong hệ ân sủng (LG, 61). Ta có thể hiểu tính cách trung gian của Đức Maria mang mục đích bầu cử. Tước hiệu này đã làm sáng tỏ rằng Đức Maria cộng tác với Đức Kitô trong việc cứu chuộc nhân loại. Sự cộng tác này được thực hiện qua hai giai đoạn trung gian của Mẹ. Giai đoạn trung gian thứ nhất: Đức Maria đã ưng thuận cho Ngôi Hai nhập thể trong lòng mình, hạ sinh và đồng hành với Con trong suốt cuộc đời tại thế. Nhiều lần Đức Maria đã dự phần với Chúa Giêsu khi Người thi ân giáng phúc cho nhân loại, như khi Chúa Giêsu thực hiện phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana (Ga 2,1-12). Biến cố Cana, một hình thức trung gian đặc biệt của Đức Maria đã được biểu lộ. Mẹ là đấng trung gian cầu bầu cho những nhu cầu của con người. Dưới chân thập giá (Ga 19, 25-27), vai trò trung gian của Mẹ đạt tới tột đỉnh và biểu lộ rõ ràng nhất đặc tính trung gian hiền mẫu. Tuy nhiên, khi được tham dự vào sự hiến tế của Đức Giêsu, Đấng duy nhất đem ơn cứu độ cho nhân loại thì vai trò cộng tác của Đức Maria trong chương trình cứu chuộc chỉ có tính gián tiếp. Dưới chân thập giá Mẹ đã đau khổ và hy sinh cùng với Con, nhưng luôn luôn lệ thuộc Con đến nỗi sự hiến dâng của Mẹ có hiệu quả được cũng là nhờ sự tự hiến của Con Mẹ. Do đó, Đức Maria trung gian phụ thuộc vào Chúa Giêsu, trong Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu. Giai đoạn thứ hai: Vai trò trung gian của Đức Maria còn được kéo dài đến vô tận, ngay khi Người được tôn vinh trên trời.[2] Ở trước nhan Thiên Chúa Đức Maria còn tiếp tục chuyển cầu cho tín hữu. Công đồng Vaticanô II đều hiểu sự trung gian của Đức Maria theo chiều hướng bắt nguồn từ Đức Kitô và ảnh hưởng cứu rỗi của Đức Maria không làm ngăn trở nhưng còn giúp cho các tín hữu được kết hợp trực tiếp với Đức Kitô. Do đó, Công đồng khuyên các tín hữu hãy chạy đến với Đức Maria ngõ hầu nhờ sự nâng đỡ từ mẫu của Mẹ, họ sẽ gắn bó chặt chẽ hơn với vị trung gian duy nhất là Đấng cứu thế (LG, 60 và 62)

Với vai trò trung gian, Mẹ trở nên nguồn sống cho nhân loại trong sự chuyển thông ân sủng của Thiên Chúa. Nhưng vai trò của Mẹ không chỉ dừng lại ở sự chuyển cầu mà còn trở nên gương mẫu cho nhân loại qua cách Mẹ đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. Cách đáp trả của Mẹ đã được thể hiện qua cuộc sống và việc dấn thân vào chương trình cứu độ.

                                                              

                                                               Chủng sinh: Giacôbê Nguyễn Thắng

[1] Lm Augustino Nguyễn Văn Trinh, Thánh mẫu học, 167 -203.

[2] K. Rahner, Maria kẻ đã tin, 121.