Xuyên suốt lịch sử Giáo hội, biến cố tử nạn của Đức Giêsu là đề tài nóng bỏng, mời gọi con người khám phá. Nhiều nhà phê bình đã cho rằng các sách Tin Mừng thực chất là “những câu chuyện về cuộc khổ nạn với một lời dẫn nhập được triển khai.”[1] Bằng việc chiêm ngắm, suy tư mầu nhiệm Thập giá, nhân loại khám phá tình thương của Thiên Chúa và tìm lại sự sống đã mất. Đức Kitô chịu chết và Phục sinh là con đường duy nhất đem lại bình an và hy vọng. Chỉ có Thập giá mới biểu lộ trọn vẹn tình yêu nhưng không của Thiên Chúa và chỉ có tình yêu ấy mới có sức cứu độ nhân loại. Biến cố Thập giá và tử nạn của Đức Giêsu Kitô cũng làm nổi bật vai trò của Ba Ngôi Thiên Chúa. Bài viết sau xin trình bày sơ lược vai trò của mỗi Ngôi vị trong biến cố đó.
Tình yêu tự hiến cao vời của Đức Giêsu Kitô
Trong tâm thức Á Đông, Kitô giáo vẫn có chút gì đó hơi xa lạ, khó hiểu, khó hòa nhập. Nhiều lương dân không có ấn tượng lắm khi vào nhà thờ, đập vào mắt họ là hình ảnh một người đàn ông trần trụi treo thân trên Thập giá. Đối lại, khi bước vào chùa chẳng hạn, hình ảnh Phật tổ an nhiên, tự tại nhập định trên tòa sen với vẻ mặt hiền từ, bình thản có vẻ hấp dẫn, quyến rũ người ta hơn. Không chỉ là hình ảnh “ghê sợ” với nhiều người hôm nay, từ 2000 năm trước, Thập giá đã là biểu tượng những gì ô trọc, nhục nhã nhất: “Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh, đó là một chướng kỳ ô nhục đối với người Do Thái và là điều điên rồ với người ngoại giáo.” (1 Cr 1,23)
Thế nhưng, vượt trên tất cả, ngang qua Thập giá, Đức Kitô hoàn tất mạc khải không những nơi những gì mà Cựu Ước hay con người chờ đợi, mà còn cả nơi không ai dám chờ đợi, ngay cả các tôn giáo. Có thể nói đây là một trong những khía cạnh nghịch lý và độc sáng nhất của mạc khải Kitô giáo, bởi lẽ Thiên Chúa đã tự khải cách sâu thẳm, mãnh liệt và trọn vẹn nhất ngay trong yếu đuối, đau khổ, hấp hối và trong cái chết, nghĩa là những điều hoàn toàn “xa lạ”, thậm chí trái nghịch với những gì là thần linh.[2]
Đến đây, ta tự hỏi: đàng sau tất cả những “điên rồ”, “phi lý” này là gì? Chỉ có một lời giải đáp thoả đáng là “tình yêu”; chỉ có một thứ logic làm cho chúng ta hiểu được được điều nghịch thường này: tình yêu tuyệt đối không bao giờ nỡ lòng hủy hoại những người mình yêu, dù họ có vô tình hay bất trung đi nữa. Siêu việt trên hết thảy mọi tình yêu, Đức Kitô chịu đóng đinh đã đưa tình yêu tới tận cùng. Chúa Con đi vào trần gian, Người không mang theo gì khác hơn ngoài tình yêu. Tình yêu là bản chất của Người. Cách thức mà Người ve vãn và tỏ tình với con người lại không qua con đường nhung lụa êm ái, gấm hoa ngọc ngà nhưng là con đường đầy chông gai, khốn khó. Vì yêu, Đức Giêsu đã nhập thể, chia sẻ thân phận làm người. Chỉ nguyên sự việc nhập thể đã là dấu chỉ tình yêu hạ mình. Thánh Irênê nói: “Thiên Chúa trở thành con người ngõ hầu con người được trở nên con Thiên Chúa.”[3] Nhưng, tình yêu chưa lấy thế làm đủ. Người còn cúi xuống đến mức tột cùng, hèn hạ nhất mà con người có thể chịu. Dù chẳng có tội tình gì, nhưng Người chấp nhận bị coi là “tội nhân” (cf. 2 Cr 5,21), “đồ bị nguyền rủa” (cf. Gl 3,13) và cuối cùng là cái chết nhục nhã: “Thiên Chúa đã đến quá gần đến nỗi chúng ta có thể giết chết được Ngài…”[4]
Nơi biến cố tử nạn của Đức Giêsu, ta nhận thấy Người Con đã tự giao nộp mình cho Cha vì tình yêu thương với chúng ta và thay cho chúng ta. Thánh Phaolô diễn tả điều đó một cách rõ ràng: “Hiện nay, tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và đã tự nộp mình vì tôi” (Gl 2,20; 1,4; 1 Tm 2,6; Tt 2,14). Sự giao nộp này mang trong mình toàn bộ độ đậm đặc của một hiến lễ đầy đau thương:
“Nơi hành động giao nộp này, một cách tột bậc, diễn ra sự trao tặng Đức Giêsu cho Cha và – dưới ánh sáng của biến cố Phục sinh – lộ rõ ra, trong thời gian của kiếp hữu hạn, mối quan hệ vĩnh hằng của sự trao tặng vô tận chính mình và Con vẫn sống với Thiên Chúa Cha Người… Nhờ sự giao nộp này, Đấng bị đóng đinh làm ra lịch sử: Người mang trên mình sức nặng đau thương và tội lỗi quá khứ, hiện tại và tương lai của trần gian. Người đi đến tận cùng cái kiếp bị lưu đày khỏi Thiên Chúa để cáng đáng lấy tình trạng lưu đày của các tội nhân trong lễ vật và trong sự tái hòa giải của biến cố Phục sinh.”[5]
Dưới góc độ niềm tin Kitô giáo, được ánh sáng Phục sinh soi dọi, Thập giá là vinh quang, là tình yêu vĩ đại mà Thiên Chúa đã nói lời chung kết với con người. Chính nơi Thập giá đã biểu lộ hết tình yêu của Người cho nhân loại, qua đó, Người chứng tỏ một sự sống hoàn toàn cho kẻ khác.[6] Đó là một nghịch lý của Thiên Chúa, là mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa nơi Thập giá và cũng là cách thức tỏ tình của Người với nhân loại một cách độc đáo có một không hai trên hành tinh này.[7]
Nơi Thập giá, tình yêu thể hiện qua ba năng động: Thứ nhất là tình yêu tự hạ (kenosis): Con Thiên Chúa tự hạ, trút bỏ địa vị của mình để đi xuống với con người, mặc lấy thân phận người Tôi tớ đau khổ để cứu độ nhân loại. Thứ hai là tình yêu đảm nhận (ricapitolatio): Con Thiên Chúa đảm nhận và cưu mang đau khổ và tội lỗi của con người. Thứ ba là tình yêu tự hiến (agape): Thập giá mạc khải tình yêu tự hiến đến mức tột cùng và không điều kiện. Thiên Chúa yêu chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân. Đây là tình yêu ở mức cao nhất, cái chết của Chúa Giêsu là chết thay cho chúng ta.[8]
Chính nơi Thập giá, Đức Giêsu Kitô đã mạc khải về một tình yêu “cho đến cùng” (cf. Ga 3,16; 13,1) mãnh liệt nhất, “mạnh mẽ hơn cả tử thần” (cf. Dc 8,6) và như thế nói lên chiến thắng quyết định, trọn vẹn của quyền lực sự sống trên sự chết. Trên Thập giá, chúng ta nhận ra hình ảnh của một Đấng giàu lòng yêu thương. Yêu thương là cho đi, yêu thương là dám mất mát, yêu thương là chấp nhận khổ đau nhục nhã. Càng cho đi nhiều chừng nào, mất mát nhiều chừng nào, nhục nhã nhiều chừng nào thì càng chứng tỏ một tình yêu bao la chừng ấy. Tác giả Claudel trong “Pages de prose” đã viết những lời như thế này: “Con Thiên Chúa không đến để diệt trừ đau khổ, nhưng để chịu đau khổ với chúng ta. Người không đến để phá hủy cây thánh giá nhưng đến để nằm lên trên…”[9]
Chúa Cha trao phó Con Một để cứu độ nhân loại
Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu cũng làm nổi rõ vai trò của Chúa Cha trong nhiệm cục cứu độ. Lối diễn tả căn bản trình bày mối tương quan của Đức Giêsu với Cha Người là kiểu nói “tôi là” và đặc biệt nó lại được kết nối với biến cố Thập giá: “Khi các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ biết tôi là” (Ga 8,24). Cái “tôi là” chỉ được hiểu trên Thập giá và như vậy nó chỉ được sáng tỏ trong mối tương quan với mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi vậy, cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá là nơi tỏ bày mạc khải sâu xa nhất của tình yêu Chúa Ba Ngôi.[10]
Dường như qua những trình thuật Tin mừng, người ta cho rằng Đức Giêsu hết sức cô đơn trên Thập giá vì các môn đệ thân tín đều trốn biệt, chỉ còn lại Mẹ Người, Gioan và một số phụ nữ. Tuy nhiên, thấp thoáng phía sau, chúng ta nhận ra được sự liên đới đầy trách nhiệm của Chúa Cha:
“Trong sự im lặng của mình, Chúa Cha chấp nhận cứu độ chúng ta cho đến cùng. Ngài thực hiện chính điều mà Đức Giêsu đã làm: Đức Giêsu đã tự trao nộp chính mình cho tất cả mọi người; Chúa Cha trao nộp Chúa Con và phó mặc Người hoàn toàn trong tay tội nhân.”[11]
Điều này có nghĩa là gì? Tương ứng với việc Con tự trao nộp bản thân mình là “sự trao nộp” của Chúa Cha. Sự “trao nộp” ở đây có tính cách “trao ban” nhiều hơn: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Thánh Phaolô cũng đã viết: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta. Đối với Chúa Cha cũng như đối với Con, sự “trao nộp” tận cùng và đau đớn ấy là dấu chứng một tình yêu cao cả có khả năng thay đổi dòng lịch sử của loài người: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13) [12]
Chúa Cha là Đấng giàu lòng thương xót “không lạnh lùng trơ trơ như tượng đá, nhưng là Thiên Chúa của lòng lân tuất, mủi lòng xót xa trước sự đau khổ cơ cực của con người.”[13] Trước đây, vào thời Trung cổ, do ảnh hưởng của thánh Anselmô, thần học Tây phương quá nhấn mạnh đến khía cạnh đền bù của Thập giá, làm cho người ta có cảm giác Chúa Cha là một người nghiêm khắc và đầy những cơn thịnh nộ. Thế nhưng, Chúa Cha đâu có phải là một quan tòa khắc nghiệt, đòi con người tội nhân phải trả tới đồng xu cuối cùng.
Thực vậy, Thiên Chúa Cha tỏ mình ra “đang khổ đau”, cùng thụ nạn vì Người không phải là Đấng không có trái tim:
“Trong tình yêu Cha cũng không thoát khỏi khổ đau… Cha đau nỗi đau của tình yêu… Đau khổ vì tình yêu vốn đã cư ngụ nơi cung lòng mầu nhiệm Tam vị của Thiên Chúa, trước cả khi Con chết trên Thập tự giá liên đới với những người tội lỗi. Đâu khổ vì tình yêu chỉ là mặt bên kia của tinh yêu, vốn vẫn hằng sáng tạo trong tự do và mạo hiểm chấp nhận cái giá thụ tạo sẽ xa cách mình đến tận cùng tha tính của nó. Vẫn có một cây Thập giá trong cung lòng Thiên Chúa trước khi cây Thập giá đó được trồng trên một ngọn đồi xanh bên ngoài thành thánh Giêrusalem. Và giờ đây, dù cây Thập giá gỗ đã bị loại trừ, cây Thập giá đó vẫn còn trong cung lòng Thiên Chúa, và nó sẽ vẫn còn bao lâu vẫn còn dù chỉ một tội nhân để cho Thiên Chúa phải khổ đau” (C.A. Dinsmore).”[14]
Chúa Thánh Thần là sức mạnh nhờ đó Chúa Con thực hiện hy tế trọn vẹn
Chúa Thánh Thần ít được xuất hiện, là Ngôi vị bí ẩn hơn cả, một khuôn mặt không có khuôn mặt, rất tự do như “gió muốn thổi đâu thì thổi.” (Ga 3,5) Tuy nhiên, ở biến cố tử nạn của Đức Giêsu, chúng ta cũng không thể nào lãng quên vai trò của Người.
Lịch sử của Con, lịch sử của Cha, thập giá đồng thời cũng là lịch sử của Thần Khí. Hành vi tột cùng của sự giao nộp là lễ vật hiến tế chính Thần Khí. Đó là điều Gioan diễn tả: “gục đầu xuống, Ngài giao nộp Thần Khí” (Ga 19,30). Chính nhờ “Thần Khí vĩnh hằng” mà Đức Kitô đã tự hiến mình cho Cha không mấy khó khăn (cf. Dt 9,14). Đấng tự hiến mình trên Thập giá, vả lại, là Đấng được xức dầu của Cha. Trong giờ của Thập giá, Đấng bị đóng đinh giao nộp cho Cha Thần Khí đã được ban cho Người và là Thần Khí mà sẽ được ban cho Người cách đầy tràn trong ngày Phục sinh. Thứ Sáu Tuần thánh, ngày mà Con tự giao nộp cho Cha và là ngày mà Cha giao nộp Con cho sự chết vì những tội nhân, cũng chính là ngày mà Thần khí được con giao nộp cho Cha Người, để trong cảnh bị bỏ rơi, xa cách Thiên Chúa, Con đồng hành với những kẻ tội lỗi. Không có hành động giao nộp Thần Khí, Thập giá trong toàn thể căn tính của nó sẽ không có vẻ gì là biến cố lịch sử Thiên Chúa Ba Ngôi và có tính cứu độ. Nếu như Thần Khí không tự để mình bị giao nộp trong thinh lặng của sự chết, cùng với tất cả sự ruồng bỏ mà điều đó giả thiết, giờ của bóng tối sẽ có thể bị lẫn lộn với cái chết u tối của Thiên Chúa.[15] Trong thông điệp Dominum et Vivificantem, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã so sánh Thần Khí như ngọn lửa đã thiêu đốt của lễ của Đức Giêsu giống như “ngọn lửa từ trời” đã thiêu đốt của lễ thời Cựu Ước. Nhưng ở đây là ngọn lửa tình yêu vì Thần Khí là tình yêu.[16]
Tắt một lời, “Chúa Giêsu đã đón nhận từ Chúa Thánh Thần ở trong Người sức mạnh để dâng chính mình làm của lễ cho Chúa Cha cũng như sức mạnh nâng đỡ Người trong suốt cuộc khổ nạn.”[17]
Thay lời kết
Tóm lại, Thập giá là nơi Thiên Chúa mạc khải tình yêu và sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần. Đó là sự hiệp nhất giữa Con, Đấng chịu đóng đinh, Đấng tự trao phó với Cha là Đấng “trao ban” và với Thánh Thần là Đấng được Con trao phó cho Cha, Thánh Thần cũng là sức mạnh để nhờ đó Chúa Con thực hiện hy tế trọn vẹn cho Chúa Cha (cf. Rm 5,6-10). Hay nói như lời một vị Thượng phụ Chính Thống thì nơi Thập giá, Chúa Cha là tình yêu đóng đinh, Chúa Con là tình yêu chịu đóng đinh và Chúa Thánh Thần là sức mạnh của tình yêu chịu đóng đinh.[18]
Xã hội hôm nay với xu hướng hưởng thụ dễ khiến Kitô hữu thích tìm kiếm cuộc sống dễ dãi. Chúa Giêsu vẫn đang tiếp tục mời gọi những ai muốn theo Người phải “vác Thập giá mỗi ngày.” Thập giá đó không phải là một hình phạt với những đau khổ, lao nhọc trong cuộc sống; không phải là thái độ cam chịu số phận. Chính Ðức Giêsu đã không vác Thập giá với thái độ cam chịu, Người chủ động đón lấy và đi đến cùng để bày tỏ tình yêu với Cha và với nhân loại. Vì thế, Người mời gọi chúng ta “vác” với thái độ chủ động và sẵn sàng đón nhận tất cả những gì xảy đến như cách thức để thể hiện tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Cuộc đời của Kitô hữu nếu vắng bóng Thập giá thì quả là chưa trọn vẹn. Và Thập giá chỉ có ý nghĩa khi chúng ta mở đôi mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi nơi Thập giá, mở rộng con tim để đón lấy nguồn ân sủng từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Kitô, sẵn sàng hy sinh, nhịn nhục, chấp nhận chịu thiệt thòi để ngày một trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, trở nên người môn đệ đích thực của Người hơn.
Hạ Trân, K13
Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 11
[1] Noberto Nguyễn Văn Khanh, OFM., Thiên Chúa của Tin mừng, Thiên Chúa Ba ngôi, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, 103
[2] X. Lm. GB. Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Thần học Căn bản, Đcv. Vinh Thanh, 2017, 209
[3] Phan Tấn Thành, Mầu nhiệm Thiên Chúa, Hv. Đa Minh, 2012, 480
[4] Joseph Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, 54
[5] X. Bruno Forte (Phêrô Nguyễn Thiên Cung dịch), Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như một lịch sử, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, 45
[6] X. Joseph Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Sđd., tr.256
[7] Herbert Mc Kayes OP, – Maria Bolding OSB, Qua Thập giá đến vinh quang, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, 156
[8] X. Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như một lịch sử tình yêu, Đcv. Vinh Thanh, 2017, 59
[9] Dentin, – Duy Ân Mai, Người Công giáo trước những thắc mắc của cuộc đời, Lưu hành nội bộ, 87
[10] X. Lm. GB. Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Thần học Căn bản, Sđd., 211
[11] Lm. GB. Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Kitô học,Đcv. Vinh Thanh, 2017, 55
[12] Noberto Nguyễn Văn Khanh, OFM, Thiên Chúa của Tin mừng Thiên Chúa Ba ngôi, Sđd., 105
[13] Phan Tấn Thành, Mầu nhiệm Thiên Chúa, Sđd., 495
[14] Bruno Forte (Phêrô Nguyễn Thiên Cung dịch), Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như một lịch sử, Sđd., 45
[15] Noberto Nguyễn Văn Khanh, OFM, Thiên Chúa của Tin mừng Thiên Chúa Ba ngôi, Sđd., 106
[16] Ibid
[17] Raniero Cantalamessa (Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương dịch), Chúa Thánh Thần, Ánh sáng và Sự sống của Giáo hội, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, 116
[18] X. Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như một lịch sử tình yêu, Sđd., 62
BÀI VIẾT LIÊN QUAN