THUYẾT NHÂN VỊ CỦA EMMANUEL LÉVINAS

THUYẾT NHÂN VỊ CỦA EMMANUEL LÉVINAS

Giới thiệu

Emmanuel Lévinas (1906–1995), triết gia người Pháp gốc Do Thái, chịu ảnh hưởng khi học với hai triết gia lỗi lạc, Edmund Husserl (1859–1938) – người đặt nền tảng cho Hiện tượng luận và Martin Heidegger (1889–1976)[2], cũng như bởi Martin Buber (1878–1965), một triết gia hiện sinh hữu thần, đặc biệt qua tác phẩm I and Thou (Tôi và Bạn)[3]. Tuy nhiên, khi bàn về “thuyết nhân vị” của Lévinas, cần hiểu rằng ông không chủ ý phát triển một thứ triết học nhân vị, bởi vì giống như nhiều triết gia hiện sinh, ông chống lại những hệ thống triết học[4]. Tuy nhiên, những quan điểm sau đây của ông phản ánh thuyết nhân vị đối thoại, nghĩa là, cách ông hiểu về những mối tương quan giữa con người với con người hay lấy con người làm trung tâm.

“Tha nhân” như là con người, không phải sự vật

Lévinas hướng dẫn một đề tài trong thuyết nhân vị với khái niệm “tha thể”[5]. Ví dụ, Lévinas viết rằng khi “hiện hữu trong tương quan trực tiếp với tha nhân”, người ta không thể xem xét người đó “cùng một cách xem xét một đối tượng đã biết”[6]. “Tha thể” của Lévinas, dù viết hoa hay viết thường, “đều nói tới một tha thể có nhân vị, một con người khác”[7]. Ông nói rằng: “tha thể với tư cách người khác . . . không phải là một đối tượng trở thành sở hữu của chúng ta hay trở thành chúng ta”[8]. Bởi vì khuôn mặt tha nhân diễn tả con người, “khuôn mặt [tha nhân] kháng cự sự sở hữu”, chống lại những ảnh hưởng của tôi”[9], bởi vì, đúng là chỉ có những sự vật mới có thể bị sở hữu, chứ không phải con người.

Tính dễ bị tổn thương của con người trong khái niệm “khuôn mặt tha nhân”

Đối với Lévinas, khuôn mặt tiết lộ về con người nhiều hơn bất kỳ phần nào khác trên cơ thể. Ông nói rằng “khuôn mặt là nơi trần trụi và nghèo nàn nhất. Nó trần trụi nhất mặc dù với một sự tao nhã”[10]. Nói cách khác, cái “tôi” của một người dễ bị tổn thương và diễn tả nhiều nhất thông qua khuôn mặt. Đó là lý do tại sao, đối với Lévinas, “tính siêu việt . . . chống lại việc giết người . . . phát ra trên khuôn mặt tha nhân, trong sự trần trụi hoàn toàn nơi đôi mắt không thể phòng vệ”[11], nghĩa là khuôn mặt phơi bày tính dễ tổn thương và không được bảo vệ. Trong tính dễ tổn thương đó, khuôn mặt dù không nói lời nào nhưng thực tế đang nói lên rằng: “‘Ngươi không được giết người’”[12]. Vì vậy, khuôn mặt ghi khắc việc cấm giết người[13].

Vượt trên những đặc điểm thể lý

Khuôn mặt tha nhân có ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều so với những đặc điểm thể lý đơn thuần, như mắt, mũi hay má. Ví dụ, Lévinas cho rằng, “khi một người quan sát màu mắt, người đó không ở trong mối quan hệ xã hội với tha nhân”[14]. Đúng hơn, một người nhìn chằm chằm hay phân tích khuôn mặt, thì trở nên khách thể. Tóm lại, khuôn mặt không thể bị giản lược thành bất kỳ đặc điểm thể lý đơn lẻ nào. Lý do là vì khuôn mặt, tự cốt lõi hay yếu tính,  là thiêng liêng. Lévinas viết rằng “trong ý nghĩa này, người ta có thể nói rằng khuôn mặt không được ‘xem thấy’”[15]. Theo đó, một người bước vào một mối quan hệ xã hội hay cá nhân, bởi vì người đó gặp gỡ hoặc tiếp xúc với một con người, chứ không chỉ nhìn chằm chằm vào khuôn mặt. Như vậy, việc nhìn chằm chằm hay phân tích khuôn mặt tha nhân thì không gặp gỡ tha nhân như một con người, nhưng nếu một người gặp gỡ tha nhân như một con người, người đó không đơn thuần nhìn chằm chằm vào khuôn mặt.

Đáp trả khuôn mặt

Theo Lévinas, “thật khó để im lặng trước sự hiện diện của ai đó”[16]. Ông tiếp tục, “trước khuôn mặt, tôi không chỉ đơn giản là ở đó để chiêm ngắm nó, nhưng tôi đáp trả nó”[17]. Điều đó có nghĩa là, việc xem thấy khuôn mặt tha nhân đòi hỏi một sự đáp trả cá nhân, thường thúc giục sự đối thoại[18]. Ví dụ, một người khi thấy ai đó có thể chào hỏi bằng cách nói “xin chào”, hoặc nói về thời tiết trong ngày hoặc đơn giản nói điều gì đó[19]. Khi đó, khuôn mặt tha nhân, vì là của con người, thường gợi lên một sự đáp trả nơi người khác. Phản ứng đó thừa nhận nhân tính của tha nhân.

Tha nhân: Không thể giản lược thành “cái chung”

Trong các mối tương quan liên vị, Lévinas đề cập đến hai hình thức “tương quan” (togetherness). Hình thức thứ nhất là tương quan đồng hoá. Trong mối tương quan này, một người cố gắng thống trị hoặc hấp thụ tha nhân, biến tha nhân thành mình. Tuy nhiên, sự đồng hoá là một sự tổng hợp sai lầm, bởi vì tha nhân không bao giờ là một bản sao của tôi[20]. Trong những mối tương quan đồng hoá, “tha nhân” không được tôn trọng vì tha tính của họ, hay một cách đơn giản, không được tôn trọng như một con người khác. Người ta cố gắng giản lược tha nhân thành “cái chung”[21].

Vậy, điều mà Lévinas đang nói là: “tha tính của tha nhân không thể  bị căn tính của tôi hấp thụ”[22].  Nói cách khác, cái “tôi” của tha nhân, là cái “tôi” của người đó, và do đó, không thể bị giản lược thành cái “tôi” của người khác. Như vậy, tha nhân là một con người nguyên bản, tuyệt đối độc nhất và khác biệt với những người khác.

Tha nhân: không thể giản lược thành ý tưởng

Lévinas phản đối việc hệ thống hoá một cá nhân, tha nhân, như cách người ta hệ thống hoá một thứ triết học, cố gắng “tổng thể hoá” (totalized, theo cách nói của Lévinas) hay giải thích thuần lý về con người[23]. Người ta không thể làm điều đó, bởi vì Lévinas viết rằng, tha nhân “bởi một chiều kích nơi yếu tính, vượt ra khỏi sự nắm bắt của tôi, cho dù tôi có tùy ý sử dụng người đó”[24]. Chiều kích nơi yếu tính này nói lên một thực tế: tha nhân là một con người khác. Triết gia Andrew Kelley bình luận rằng, “đối với Lévinas, có điều gì đó về tha nhân – người đối diện – mà tôi không thể nắm bắt”[25]. Vì vậy, Lévinas cho rằng khuôn mặt tha nhân vượt lên trên “ý tưởng về tha nhân trong tôi”[26]. Khuôn mặt tha nhân “phá huỷ và cuốn trôi hình ảnh linh động mà nó để lại trong tôi”[27]. Nói cách khác, tha nhân không thể đơn thuần bị giản lược thành ý tưởng của ai đó.

Trong hình thức tương quan thứ hai, đó là một cuộc gặp gỡ thực sự của con người, không cần nỗ lực nào để tổng hợp hay đồng hoá. Tha nhân được tôn trọng vì chính họ. Tha nhân không bị giản lược thành một ý tưởng hay một sự vật. Lévinas viết rằng, “mối liên kết thực sự hay tương quan thực sự là . . . tương quan mặt đối mặt” hay “khuôn mặt với khuôn mặt của con người”[28].

Tính siêu việt: Tri thức vô hạn về tha nhân

Khi giới hạn hay giản lược tha nhân, tức là, “biến tha nhân trở thành cái chung”[29], có một cám dỗ cho rằng chẳng cần biết thêm điều gì về tha nhân; cũng như không thể có bất kỳ kinh nghiệm mới nào về họ. Ngược lại, Lévinas nói rằng, “tha nhân luôn siêu việt vô cùng”[30]. Ông lần nữa nhấn mạnh, “tôi không thể bao hàm” tha nhân, “theo nghĩa đó, tha nhân là siêu việt”[31]. Nơi tha nhân hay khuôn mặt tha nhân, có một hình thức siêu việt. Nói cách khác, có một sự “phong phú” vô hạn nơi con người, nghĩa là, luôn có nhiều điều hơn nữa để tìm hiểu về tha nhân, để trải nghiệm cùng họ.

Kết luận

Tóm lại, theo thuyết nhân vị của Lévinas, con người là một “thế giới” về chính họ. Khi tôi gặp gỡ “tha nhân”, tức là một con người, tôi đang “bước” vào một thế giới khác, một thế giới hoàn toàn mới mẻ; một thế giới khác với thế giới của tôi. Thế giới này không phải là một sự phóng chiếu về tôi cũng như không thể giản lược nó thành ý tưởng của tôi. Đó là lý do tại sao sẽ có rất nhiều điều bất ngờ khi tìm hiểu về tha nhân. Một thế giới như thế thì vô tận, “phong phú” với những ý nghĩa luôn mới mẻ cho tôi khám phá. Thế giới đó là công trình kỳ diệu độc nhất vô nhị, không trùng lặp, không thể thay thế; có thể được nhận biết, nhưng là tri thức huyền nhiệm hay siêu việt. Thế giới đó được gọi là “con người”. 

Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ Academia.edu

[1] Về bài giảng này, tôi biết ơn những suy tư sâu sắc của Bruce Young. 30/3/2011. Self and Other in Lewis and Lévinas. C. S. Lewis Foundation: In Pursuit of Truth – A Journal of Christian Scholarship, truy cập ngày 10/10/2014, http://www.cslewis.org/journal/self-and-other-in-lewis-and-Lévinas/ và Emmanuel Lévinas and “The Face of the Other,” Brigham Young University: Department of English, truy cập ngày 10/10/2014, http://english.byu.edu/faculty/youngb/Lévinas/face.pdf .

[2] Bettina Bergo. 2011. Emmanuel Lévinas. Stanford Encyclopedia of Philosophy, truy cập ngày 13/10/2014, http://plato.stanford.edu/entries/Lévinas/. Năm 1928–1929, Lévinas đến Freiburg để học với Edmund Husserl; ông cũng tham gia các buổi hội thảo do Heidegger tổ chức. Chú thích của người dịch [ND].

[3] Cf. Lévinas and Buber: Dialogue and Difference, eds. Peter Atterton, et al. (Pittsburgh, PA.: Duquesne University Press, 2004).

[4] Sau Heidegger, các triết gia thích đề cập đến “hữu thể luận” hơn là “siêu hình học” (x. Jean Grondin, 2012, 243). Heidegger cáo buộc triết học Tây phương đã “lãng quên câu hỏi về hữu thể”, khi chỉ theo đuổi những “tín điều” vô thưởng vô phạt về một thế giới méta mà không ai có thể kiểm chứng. Lévinas trước hết đồng ý với kết luận của Heidegger trong việc giải cấu trúc toàn bộ lịch sử triết học Tây phương, nhưng phê bình Heidegger cũng đã rơi vào tham vọng bá quyền của triết học Tây phương, tức là mưu toan giản lược hữu thể chỉ còn như là một vật tồn tại đơn thuần, một đối tượng khả tri khi đề xuất một “hữu thể luận nền tảng” vốn chỉ giải thích mối quan hệ giữa hữu (l’être) và hữu thể (l’étant), chứ không phải bản chất của anh ta (x. Emmanuel Lévinas, 1985, 40), tuy ông cũng xây dựng Dasein, tức sự diễn đạt kinh nghiệm nơi hiện hữu người. Lévinas muốn tiến xa hơn để đi đến một sự đoạn tuyệt dứt khoát với mẫu hình của truyền thống triết học Tây phương, vốn dựa trên cái Tương Đồng (the Same) và Nhất Thể (the Oneness/Wholeness) đến nỗi chẳng còn cái Dị Biệt (the Other) nào khác trong thế giới, một sự áp bức hữu thể luận hoặc siêu việt tính, một triết học bị đóng chặt trong khái niệm về Tổng thể (Totality) (Jacques Derrida, 1978, 82–83). Trong tác phẩm Totality and Infinity, Lévinas mặc cho siêu hình học một ý nghĩa mới, nếu hướng vận động của siêu hình học dẫn đến sự siêu việt như vậy, thì siêu việt không có nghĩa là sự chiếm hữu [nhận thức] về cái sự vật là, mà là sự kính ngưỡng đối với nó, tức cái vô cùng (Infinity) nơi tha thể. Chính đòi hỏi của siêu việt tính này mà tư tưởng Lévinas minh nhiên phải chuyển động trong bối cảnh méta của siêu hình học (meta-physics), điều mà hữu thể luận hay hiện tượng luận không đủ thẩm quyền đề cập. Xem thêm Phan Gia Khuê, S.J., “Khuôn Mặt Người Lạ Trong Siêu Hình Học Của Emmanuel Lévinas,” truy cập ngày 20/9/2022, https://sjjs.edu.vn/en/khuon-mat-nguoi-la-trong-sieu-hinh-hoc-cua-emmanuel-Lévinas/. [ND].

[5] Tha thể (l’Autre, the Other, cái khác nhau, cái nằm ngoài, Dị Biệt) để phân biệt với Chủ thể (le Même, the Same, cái giống nhau, cái chung, Tương Đồng). Đối với Lévinas, đạo đức học là triết học đệ nhất, được cô đọng trong ý tưởng mà ông gọi là khuôn mặt tha nhân. Khi thu hẹp toàn bộ siêu hình học vào lãnh vực đạo đức, tức tương quan giữa người với người, tha thể được hiểu trực tiếp là tha nhân. Do vậy, khi chuyển dịch thuật ngữ “the other”, người dịch sẽ tùy trường hợp mà sử dụng thuật ngữ tiếng Việt tương ứng. Xem thêm Phan Gia Khuê, S.J., Ibid. [ND].

[6] Emmanuel Lévinas, Ethics and Infinity: Conversations with Philippe Nemo, trans. Richard A. Cohen (Pittsburgh, PA.: Duquesne University Press, 1985, 7 th printing 1996), p. 57.

[7] Xem ghi chú của người dịch [Richard A. Cohen] ở Ibid., p. 17.

[8] Ibid., p. 67.

[9] Emmanuel Lévinas, Totality and Infinity: An Essay in Exteriority, trans. Alphonso Lingis, in Duquesene Studies Philosophical Series, Vo. 24 (Pittsburgh, PA.: Duquesne University Press, 1969), p. 197.

[10] Emmanuel Lévinas, Ethics and Infinityop. cit., p. 86.

[11] Emmanuel Lévinas, Totality and Infinityop. cit. p. 199.

[12] Ibid.

[13] Emmanuel Lévinas, Ethics and Infinity, p. 89.

[14] Ibid., p. 85.

[15] Ibid., p. 86.

[16] Ibid., p. 88.

[17] Ibid.

[18] Emmanuel Lévinas, Totality and Infinity, p. 207.

[19] Emmanuel Lévinas, Ethics and Infinity, p. 88.

[20] Ibid., p. 77.

[21] Ibid., p. 62.

[22] Theodore DeBoer, “An Ethical Transcendental Philosophy,” in Face to Face with Lévinas, ed. Richard A. Cohen (Albany, N.Y.: State University of New York Press, 1986), p. 93.

[23] Emmanuel Lévinas, Ethics and Infinity, pp. 75-76.

[24] Emmanuel Lévinas, Totality and Infinity, p. 39.

[25] Andrew Kelley, “Reciprocity and the Height of God: A Defense of Buber against Lévinas,” in Lévinas and Buber: Dialogue and Differenceop. cit., p. 227.

[26] Emmanuel Lévinas, Totality and Infinity, p. 39.

[27] Ibid., p. 51.

[28] Emmanuel Lévinas, Ethics and Infinity, p. 77.

[29] Ibid., p. 91.

[30] Emmanuel Lévinas, Totality and Infinity, p. 194.

[31] Ibid., p. 197.

Nguồn tin: https://stellamaris.edu.vn/