Từ thủa ban đầu của nền văn minh Tây phương thông diễn học là phương pháp dùng để diễn nghĩa những lời “sấm truyền” đến từ thần thánh, vốn thường được viết dưới dạng thi ca. Ý nghĩa và chân lý của thi ca thì thường mơ hồ và đầy cảm xúc, được diễn đạt nhiều cách khác nhau nên dễ bị hiểu lầm. Platô dùng từ “hermeneutics” trong nhiều bài hội thoại để so sánh sự khác biệt giữa tri thức thông diễn với tri thức biện chứng. Tri thức tôn giáo cần phải được giải thích hay thông diễn vì đây là loại tri thức được mặc khải từ thần thánh, chứ không phải là kết quả của lý trí như “philosophia”. Aristote, trong tác phẩm Peri Hermeneais (De Interpretatione), đi một bước xa hơn khi cho rằng “ngôn ngữ” là ký hiệu (symbola) của cảm xúc và ấn tượng (pathemata) bên trong tâm hồn. Còn chữ viết là ký hiệu bên ngoài của ngôn ngữ. Cho dù chữ viết và ngôn ngữ khác nhau giữa các dân tộc, nhưng cảm xúc và ấn tượng tâm linh, tức là các đối tượng của trí khôn (pragmata) thì giống nhau cho tất cả loài người.
Cả Platô và Aristote đều cho rằng thi ca là sản phẩm của óc tưởng tượng và sáng tạo của con người. Nhưng đối với Platô, nghệ thuật chỉ phản ảnh cách lu mờ về thực tại (ý niệm), còn Aristote nhận thấy nơi nghệ thuật và thi ca một khả năng kiến tạo chân lý. Nghệ thuật không chỉ phản ảnh mà còn cho ta cách nhìn khác về thực tại. Ngoải mục đích giải trí, nghệ thuật còn có khả năng giải tỏa những bức xúc hay xung lực tâm linh của con người. Sau đó, trường phái Stoics (Khắc kỷ) khai triển cách nắm bắt ý nghĩa tổng thể của bản văn qua các cách chú giải loại suy và biểu tượng. Họ xem thi ca như là những ẩn dụ về thiên nhiên hoặc về luân lý đạo đức.
Truyền thống Do Thái có hai khuynh hướng chú giải tiêu biểu. Khuynh hướng “esoteric” (lý giải) dùng trong Talmud và Midrash. Họ giải thích Torah theo ba mức độ: “Pesha” (thể lý, nguyên văn), “Remez” (tâm lý, biểu tượng), và “Derash” (chất vấn). Khuynh hướng “exoteric” gọi là “Sod” (bí ẩn) tìm ý nghĩa ẩn dấu trong ý định của tác giả như trong trường phái thần bí hoặc siêu hình của Do Thái giáo. Hai khuynh hướng này đại điện cho hai quan điểm triết học Aggadah vả Kabbalah. Aggahah hay triết học duy lý khai triển khía cạnh luân lý, lề luật (Mitzvot) và cách con người vươn lên để hiểu Torah. Kabbahah hay triết học thần bí phát họa khung siêu hình và trật tự thánh thiêng của vũ trụ tiềm ẩn trong Torah. Cả hai nền triết học này hổ trợ cho nhau. Aggahah giải thích Torah theo lối ẩn dụ, Kabbahah xem ý nghĩa của ẩn dụ như là ám chỉ về thực tại thần bí của Torah.
Đức Giêsu chú giải Cựu Ước qua “kinh nghiệm Abba”
Đức Giêsu, Thánh Phaolô và các Tông đồ đã sống và trưởng thành trong Do Thái giáo nên rất quen thuộc với cách các Kinh Sư chú giải lề luật và ngôn sứ. Chúng ta hãy tìm hiểu cách Đức Giêsu trích dẫn Cựu Ước để khẳng định sứ mệnh Nước Trời của mình, trước khi phân tích các lối chú giải của Phaolô, các tác giả Tin Mừng, và các Tông Phụ. Cho dù khác nhau về phương pháp chú giải, nhưng tất cả các tác giả này đều muốn chứng tỏ rằng biến cố Kitô chính là thực tại của những hình ảnh hay hình bóng trong Cựu Ước đã nói đến.
Trong khi các Kinh Sư Do Thái giáo cho rằng toàn thể Torah xuất phát từ thẩm quyền của Thiên Chúa và được mặc khải qua lời của Môisen, thì Chúa Giêsu phân biệt giữa luật Thiên Chúa và luật của Môisen đặt ra cho đám dân cứng lòng trong sa mạc (Mk 10:2). Đôi khi Thần Khí Thiên Chúa nói qua con người, như trong trường hợp Môisen cho phép dân ly dị hoặc Vua David ăn bánh thánh dâng trong đền thờ. Nhưng Đức Giẻsu tố cáo các Kinh sư đã lạm dụng và coi thường luật Thiên Chúa. Họ chỉ lo giữ truyền thống (Mk 7:9), qui luật phụng vụ (Mk 2:25), và nghi thức thanh sạch (Mk 7) của họ.
Nhưng làm sao phân biệt lúc nào là được soi sáng bởi Thần Khí Thiên Chúa và lúc nào là lạm dụng lề luật? Cách trả lời của Đức Giêsu thường nhắm vào lòng thương xót của Thiên Chúa (Mt 9:13), nhu cầu hoán cải tâm hồn của tội nhân (Isa 29:13), và sự phục hồi ý nghĩa luân lý của lề luật. Đức Giêsu phản đối sự lạm dụng các nơi thờ phượng để kinh doanh (Mk 11:17). Người đặt lòng nhân từ của Thiên Chúa trên lề luật, nhu cầu chữa lành trên ngày Sabbath (Jn 7:22), và truyền thống ngôn sứ trên truyền thống tư tế. Người tóm tắc sách Đệ Nhị Luật vào điều răn “Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự” (Mk 9:29) và thêm vào đó, đòi hỏi của Liviticus “yêu tha nhân như chính mình” (Mk 12:31). Người dùng thẩm quyền của chính mình khi tuyên bố, “Không có quy luật nào cao cả hơn các quy luật này”, và tất cả luật lệ và ngôn sứ đều bao gồm trong hai qui luật này (Mt 22:40).
Một nguyên tắc khác nữa là tính độc lập trong cách Đức Giêsu chú giải Kinh Thánh. Người thường nói. “Anh em đã nghe… nhưng tôi nói.” Cho dù Đức Giêsu phê bình thái độ khắc khe về lề luật của nhóm Pharisee nhưng Người không coi thường luật lệ, trái lại còn củng cố và phục hồi ý nghĩa chân chính của lề luật và lời ngôn sứ, vi các lời đó đang nói về Người. Người là sự ứng nghiệm của lời tiên tri của các ngôn sứ vĩ đại, “Thời gian đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần kề” (Mk 1:15). Đây không phải là điều gì bí ẩn vì ai cũng biết Kinh Thánh nói Elijah phải đến trước, và Đấng Messiah phải chịu đau khổ và bị loại trừ. Người giải thích các phép lạ làm cho người mù được thấy, người què được đi như là ứng nghiệm lời của các Tiên tri trong Cựu Ước (Mt 11:5, Lk 7:22). Lúc biết mình sắp ra đi, Đức Giêsu đã lập bí tích thánh thể như lời giao ước mới mà tiên tri Jeremiah đã báo trước. Người cẩn thận nhắc nhở người bị phong hủi mới được chửa lành phải đi báo cho kỳ mục biết như luật Môisen buộc phải làm (Mk 1:44).
Mặt khác, Đức Giêsu cũng khẳng định rằng với sự hiện diện của Người thì lề luật được thay bằng tình yêu của Thiên Chúa. Ai tin vào luật Môisen mà không tin vào Đức Giêsu là đã sai lầm vì Môisen nói về Người. (Jn 5:46). Chúng ta hiểu sai lề luật nếu không theo thần khí ngôn sứ đã đến để dạy cho chúng ta (Jn 8:17). Nói chung, Đức Giêsu chú giải Cựu Ước từ “kinh nghiệm Abba” của Người. Lối chú giải Kinh Thánh dựa trên lòng nhân từ và tha thứ của Chúa Cha đã mang đến sự chống đối và lên án. Nhưng Đức Giêsu đã dùng các sự kiện tích cực lẫn tiêu cực để nói lên vai trò “ứng nghiệm” của mình. Nguyên tắc chú giải của Đức Giêsu có thể được tóm tắc qua câu nói của chính Người: “Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi từ Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13:52).
Thánh Phaolô chú giải Cựu Ước qua kinh nghiệm hoán cải
Thánh Phaolô đã quen thuộc với truyền thống các bản văn ghi lại lời giảng của Đức Giêsu và biết quan điểm của Đức Giêsu về Cựu Ước. Cả Phaolô và Đức Giêsu đều chống lại lối chú giải theo chủ nghĩa lề luật của nhóm Pharisee. Phaolô tóm tắc tinh thần của lề luật vào một nguyên tắc chung: “Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình người.” (Gal 5:14, Rom. 13:9). Nhưng Phaolô sống sau cái chết và phục sinh của Đức Kitô, do đó kinh nghiệm của ngài về Giáo Hội, ơn cứu độ, bí tich và chi thể Đức Kitô đã để lại dấu ấn trên cách Phaolô giải thích Cựu Ước. Các trình thuật về sự sa ngã của Adam, cuộc lưu đày ở Ai-cập, biến cố xuất hành, thanh tẩy ở sa mạc, vào đất hứa, v.v., là hình ảnh về những gì đã thực sự xảy ra trong cuộc đời của Đức Kitô và Giáo Hội. Phaolô còn nhân cách hóa và luân lý hóa Cựu Ước bằng phương pháp ẩn dụ (allegory). Đức Giêsu được xem như là “Adam thứ hai”, các tổ phụ chịu “phép rửa” bằng đám mây và biển đỏ qua biến cố Xuất Hành, và được “nuôi dưỡng” bằng thức ăn và uống thiêng liêng trong sa mạc (I Cor 10:2).
Trong khi Đức Giêsu lên án chủ nghĩa lề luật nhưng không chối bỏ con đường đưa đến thập giá thì Phaolô nhấn mạnh vào ý nghĩa ô nhục của Thập giá để vạch trần sự tìm kiếm khôn ngoan vô vọng của triết Hy-lạp. Phaolô dùng tài hùng biện và khả năng trực giác của mình để giải thích tình trạng nước đôi của lề luật. Một mặt, lề luật đến từ Thiên Chúa do đó là công chính và thiện hảo (Rm 7:12). Nhưng mặt khác, “tình yêu là sự ứng nghiệm của Lề Luật” (Rm 13:10), và ý nghĩa của Cựu Ước là không phải trong chính nó mà trong tương quan với Đấng sẽ đến (Mt 12:38, Lk 11:29). Như thế, Phaolô đã bổ túc phương pháp “ứng nghiệm” với lối biện chứng dựa trên hình luận (typology). Trong các thư mục vụ, ngài thường dùng kinh nghiệm cá nhân như là “mô mẫu” hay “gương sáng” để khuyên bảo anh em sống và hiểu Lời Chúa (2 Thess 1:7, 1 Cor 10:6). Những phúng dụ, lời nói bóng, và hình ảnh trong Cựu Ước là hình ảnh cho thực tại thiêng liêng hay tội lỗi trong Giáo Hội. Ví dụ như Adam là “hình ảnh của Đấng sẽ đến” (Rom 5:14), Đức Giêsu phục hồi những gì Adam đã đánh mất (1 Cor 15), hai đứa con trai của Abraham, một sinh ra bởi thân xác tội lỗi và một sinh ra bởi lời hứa của Thiên Chúa, là hình bóng của hai lời giao ước ở Mt Sinai và ở Jerusalem (Gal. 4:22-26).
Phaolô dùng phương pháp chú giải dùng ẩn dụ theo cách diễn giải của triết lý Stoia, vốn đi xa hơn phương pháp ứng nghiệm. Cựu Ước trình thuật về sự kiện có thật, nhưng Phaolô dùng các trình thuật đó như là những ẩn dụ, với các mức độ ý nghĩa tiềm ẩn khác nhau về biến cố Kitô. Từ ngữ thì không quan trọng cho bằng ý nghĩa trung tâm: Đức Giêsu chính là Đấng Messiah mà cả Kinh Thánh phải được hiểu qua nhãn quan của cái chết, sự sống lại và sứ mệnh của Người. Biến cố Kitô cho chúng ta một trung tâm chú giải mới, đó là “lịch sử cứu độ” của Thiên Chúa, khởi đầu từ Israel cũ rồi đến Israel mới là Giáo Hội, từ Adam thứ nhất đến Đức Kitô là Adam thứ hai. Như thế, các sự cố lịch sử có thể giúp Kitô hữu hiểu rõ hơn về hành trình đức tin và tội lỗi của mình. Khủng hoảng của Adam mang tội lỗi và sự chết vào thế gian (Rom 5;12), đức tin của Abraham công chính hóa ông trước mặt Thiên Chúa (Gal 3:6), và cái chết và sự sống lại của Đức Kitô cho thấy mối liên kết phổ quát của toàn thể nhân loại: “Như trong Adam tất cả phải chết, thì trong Đức Kitô tất cả sẽ được cho sống lại.” (1 Cor 15;22).
Ngoài ẩn dụ, Phaolô còn dùng phương pháp biểu tượng để giải thích Đức Kitô là một sự liên kết mật thiết, bao gồm tất cả mọi người sống trong đức tin. Đức Kitô chính là tiền thân của Khôn Ngoan của Thiên Chúa, và là đầu của Giáo Hội (1 Cor.10). Phaolô khai thác trí tưởng tượng của các tín hữu khi liên kết các biến cố của Cựu Ước với ý nghĩa biểu tượng cho đức tin Kitô giáo. Thức ăn và nước uống thiêng liêng, tảng đá gốc thiêng liêng của các Tổ Phụ Do thái được kết nối với bánh từ trời, nước hằng sống, và đá tảng thật chính là Đức Kitô. Khăn che mặt Môisen khi tiếp cận với Đức Chúa thì đã được tháo bỏ qua Đức Kitô, và đó là ý nghĩa của sự tự do khi lề luật được công chính hóa và thay thế bằng đức tin và ân sủng (2 Cor. 3:14). Môisen là hình ảnh của dân Do Thái không tin vào Đức Giêsu. Thần Khí Thiên Chúa chú giải Kinh Thánh trực tiếp, không màn che, nơi con tim của Kitô hữu. Quan điểm duy lề luật tiêu diệt tính thiêng liêng của Cựu Ước, làm cho ta bị mù không nhận ra các mầu nhiệm bí ẩn và hình ảnh của Thiên Chúa ẩn dấu trong đó.
Động lực chú giải Kinh Thánh của Phaolô chính là tìm kiếm sự hiểu biết chân chính của Cựu Ước qua đức tin và ân sủng. Ai không chấp nhận lối giải thích này là đui mù vì nó có thể hiểu được dựa trên lý trí (2 Cor 4:2, Rom 2:15). Bối cảnh gốc của Cựu Ước thì không quan trọng cho bằng ý nghĩa nó mang lại cho chủ đề Kitô học. Vì lẽ, “bất cứ điều gì đã được viết xuống trước đây thì được viết để dạy dổ chúng ta… Niềm hy vọng đây chính là Đức Kitô phục sinh và quang lâm.” (Col 1:15). Não trạng duy lề luật là một khung tri thức hạn hẹp, không thể chỉ ra cách Cựu Ước ám chỉ về Đức Kitô, chỉ làm cho lời rao giảng của chúng ta trở thành vô nghĩa. Kinh nghiệm cá nhân của Phaolô sau khi trở lại chính là động lực bền vững nhất trong cách ngài chú giải Kinh Thánh: “không phải tôi sống mà Đức Kitô sống trong tôi (Gal 2:20).
Tân Ước chú giải Cựu Ước qua biến cố Kitô
Các tác phẩm của Tân Ước thường dùng phương pháp “hình luận” để chú giải Cựu Ước. Phương pháp này cho rằng Cựu Ước chứa đựng những lời tiên tri trong đó có những hình bóng hay mô hình ám chỉ về Đức Kitô sẽ đến. Thực tại về cuộc sống và các biến cố trong cuộc đời của Đức Giêsu đã được Cựu Ước biết trước, nhưng chỉ được tiên báo bằng ngôn ngữ hình tượng và ngôn sứ. Chân lý chứa đựng trong Cựu Ước đã được Chúa Giêsu hoàn thực. Thánh Linh sẽ chọn thời gian và không gian để tác động lên sự hiểu biết của người nghe, giúp họ nhận thức các chân lý này. Phương pháp chú giải hình luận giả định một sự hài hòa giữa Cựu Ước và Tân Ước. Chỉ khi người đọc biết dùng phương pháp này thì họ mới hiểu đúng các sách Ngôn Sứ.
Nhiều khi, sự hài hòa trên đây được dùng để biện minh cho việc trích dẫn cách tùy tiện các tài liệu Ngũ Kinh và Thánh Vịnh. Nhưng mục đích của chú giải hình luận là để minh chứng rằng Cựu Ước đã biết trước về sứ mệnh và vai trò của Đức Kitô. Các tác giả Cựu Ước không chỉ viết lại sự kiện lịch sử, nhưng viết với nhãn quan hướng về Đấng Thiên Sai sẽ đến và hành trình tương lai của dân tộc họ. Nếu các ngôn sứ tiên báo về tương lai của dân tộc Israel, thì ý nghĩa của biến cố Kitô sẽ được làm sáng tỏ qua những hình ảnh được lịch sử và ngôn sứ nói đến trong Cựu Ước. Phương pháp hình luận dựa trên kỷ năng tưởng tượng và đồng cảm hơn là lôgic. Sự tương đồng giữa các biến cố này tùy thuộc vào sự sáng tạo các nghĩa thiêng liêng và luân lý, còn bối cảnh lịch sử gốc của bản văn thì thường bị lướt qua.
Chúng ta hãy sơ lược qua một vài ví dụ về cách dùng phương pháp hình luận trong Tân Ước. Trước tiên, Thư Do Thái được viết để củng cố đức tin của những người sau khi trở thành Kitô hữu thì bị tổn hại hoặc mất lý do để tồn tại. Họ phân vân có phải tại vì Đức Kitô mà cuộc sống của họ đã trở nên chao đảo. Bức thư Do Thái cho thấy rằng tất cả lễ nghi linh đình tại đền thờ Giêrusalem chỉ là “hình bóng” của một điều khác vĩ đại hơn nhiều. Ơn thứ tha tội lỗi, lòng tôn thờ Thiên Chúa trong thần khí, niềm khác vọng của toàn bộ Cựu Ước, phải do vị tư tế chân chính của toàn thể nhân loại là Đức Kitô, Con Thiên Chúa thực hiện thì mới được hoàn tất. Hình ảnh tư tế “Melkizedek”, vốn được xem là cao trọng hơn hàng tư tế của phái Levi, được dùng để minh họa cho vai trò tư tế vĩnh cửu của Đức Kitô. Phương pháp này đi từ sự kiện tạm bợ đến vĩnh cửu, từ sự mỏng giòn yếu đuối của con người đến bản tính siêu việt và hoàn hảo của Thiên Chúa, và từ hình bóng đến thực tại.
Các Tin Mừng nhất lãm thường kết nối phương pháp “hình luận” với phương pháp “ứng nghiệm”. Tin Mừng Matthew xem Đức Giêsu như là sự ứng nghiệm của lề luật trong sự hoàn tất của giáo huấn về luân lý: “một chấm một phết trong Lề luật cũng sẽ không qua đi cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5:18). Mọi biến cố trong cuộc đời Đức Giêsu: vô nhiểm thai, sinh ra tại Bethlehem, được biết là Vua dân Do Thái, chạy trốn sự bách hại của Herôđê, trở về từ Ai-cập, bài giảng từ trên núi, biến hình, v.v., tất cả đều được hổ trợ với bằng chứng trích dẫn từ các sách Xuất hành, Samual, Hosea, Jeremiah, v.v. Cho dù bối cảnh lịch sử thì không hoàn toàn chính xác, nhưng có quá nhiều sự trùng hợp được trích dẫn giữa Cựu Ước và cuộc đời của Đức Kitô cho chúng ta thấy rõ mục đích của Matthew là minh chứng Đức Kitô như một Môisen mới, đã ứng nghiệm những lời tiên tri và mang đến cho chúng ta lề luật mới.
Nếu Tin Mừng Matthew nhấn mạnh vào sự ứng nghiệm của lời tiên tri qua Đức Kitô, thì Tin Mừng Luca cho thấy sự ứng nghiệm đó xảy ra cho dân ngoại. Luca nhắm vào sứ mệnh và ơn gọi của dân Chúa được tuyển chọn. Ngay từ đầu, các Bài Ca Magnificat và Benedictus của Mary, Zachariah và Simeon cho chúng ta một cái nhìn về lịch sử ân sủng Thiên Chúa đã ban tặng cho dân Israel. Cuối trình thuật, Đức Kitô phục sinh cũng đã hai lần trách móc các môn đệ về sự chậm hiểu của họ về Kinh Thánh. Người mở lòng trí và giải thích cho họ biết những gì sách Ngũ Kinh, các Ngôn Sứ và Thánh Vịnh nói về Người. Luca bận tâm ít về sự ứng nghiệm của lời tiên tri hơn là đóng lại màn lịch sử cũ và mở ra một sân khấu mới với sứ mệnh mới cho dân Israel mới, đó chính là cộng đồng các Kitô hữu.
Trong khi các Tin Mừng Nhất Lãm bận tâm với vấn đề “Rượu Mới Bầu Cũ” thì Tin Mừng Gioan dùng các phạm trù của triết học Hy-lạp (logos) để giới thiệu vai trò của Đấng Kitô cho văn hóa ngoại giáo và làm gạch nối với các Tông Phụ sau 100AD. Tin Mừng Gioan dù không trực tiếp trích dẫn Cựu Ước, nhưng đã dùng các chủ đề của Cựu Ước để làm khung cho những bài giảng thuyết dài trong danh nghĩa của Thần Khí Thiên Chúa đang đồng hành với Đức Kitô. Cựu Ước được dùng như là hậu cảnh “bóng tối” mà ánh sáng của Logos đã chiếu soi xuyên qua các ngôn sứ. Những ai đón nhận thì được ơn làm con Thiên Chúa và được hiệp thông trong mầu nhiệm của sự sống với Thiên Chúa. Tác giả Tin Mửng Gioan công nhận tính siêu việt của Đức Kitô được tiền tri qua Cựu Ước (Isaia 6:5), nhưng đó chỉ là hình bóng của Thiên Chúa. Vì không ai có thể thấy Thiên Chúa, trừ khi được con Thiên Chúa mặc khải cho. Ở đây có sự so sánh giữa mặc khải của Hòm Bia Thánh trong Cựu Ước với mặc khải siêu việt và hoàn hảo hơn, đó là chính thân thể của Đức Kitô. “Lề luật thì được ban cho Môisen, nhưng ân sủng và chân lý thì qua Đức Giêsu Kitô” (Jn 1:17).
Các Thư Mục Vụ của của Timothy và Titus ở cuối thế kỷ thứ I cũng mang dấu vết Giáo Hội học và Kitô học của Phaolô. Lề luật là tốt nhưng phải được chú giải theo Thần Khí Đức Kitô, vốn được ân ban để xây dựng cộng đồng dân Chúa. Phaolô dùng sự hiểu biết của Kinh Thánh Do Thái giáo và kinh nghiệm đức của tin trưởng thành giữa lòng cộng đoàn Kitô để khuyên bảo cho Timothy: “Phần anh, hãy giữ vững những gì anh đã học được và đã tin chắc… Tất cả sách thánh đều do Thiên Chúa linh ứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2 Tim 3:14-18).
Sau hết, Tân Ước nhắc nhở chúng ta rằng việc chú giải Kinh Thánh không phải bị giới hạn trong Cựu Ước hay các bản văn Tân Ước. Truyền thống Kitô giáo bao gồm nhiều hơn là những gì được tranh luận hay viết xuống. Đức Giêsu có nhiều điều dạy chúng ta hơn là những gì đã nói ra, và Thần Khí Thiên Chúa sẽ là người dạy các môn đệ và nhắc nhở họ vể những gì Đức Giêsu đã nói và dẫn dưa họ đến chân lý.
Các Tông Phụ chú giải Cựu Ước qua niềm tin Kitô giáo
Ở thế kỷ thứ II, khái niệm “Tân Ước” vẫn còn linh động. Kitô giáo công nhận Kinh Thánh là Lời Chúa được mặc khải qua lề luật và ngôn sứ trong Cựu Ước. Nhưng chỉ vài thập niên sau biến cố Kitô thì đã có thêm một số bản “Tin Mừng” và các “Thư” về sứ vụ của Phaolô và các Tông phụ. Đối với những Kitô hữu gốc Do Thái, Tân Ước là sự ứng nghiệm của truyền thống lề luật và ngôn sứ trong Kinh Thánh. Nhưng đối với các Kitô hữu gốc Hy-lạp, vốn không mang cùng tâm thức lịch sử về xuất hành, vượt qua, sa mạc, hay vào đất hứa thì sự ứng nghiệm của các bản văn Tân Ước trở thành vô nghĩa cho bối cảnh đức tin của họ.
Các phương pháp chú giải Cựu Ước như “ứng nghiệm” và “hình luận” mà Đức Giêsu và Thánh Phaolô đã dùng thì không đủ hiệu lực cho bối cảnh truyền giáo ở thế kỷ II. Tranh luận xảy ra giữa quan điểm bảo thủ việc tuân giữ lề luật, “không một dấu, một vết của lề luật có thể bị bỏ qua” (Mt 5:18), và tư tưởng cải cách, “Đức Giêsu đến để giải thoát chúng ta khỏi lề luật, do đó chúng ta được tự do sống theo Thần khí và ân sủng” (2 Cor. 3:4-6). Giữa hai thái cực này có nhiều nhóm hộ giáo với các phương pháp chú giải biện minh cho linh đạo của họ. Với sáng tác Tông Đồ Công Vụ, các cộng đồng Kitô hữu bắt đầu gom lại các thư của Phaolô và các tông phụ để truyền nhau đọc trong các buổi phụng vụ. Tất cả đều chia sẻ một niềm tin chung là mặc khải Kitô giáo thì siêu việt hơn mặc khải Cựu Ước. Tuy cộng đồng Kitô hữu đón nhận các tài liệu mới nhưng họ vẫn luôn lượng định chúng trong tương quan với mặc khải Cựu ước. Họ tranh luận về việc dùng Cựu Ước như là tiêu chuẩn độc nhất để xác định tính “quy điển” và “linh ứng” của Lời Chúa. Chúng ta hãy sơ lượt qua các quan điểm của Ignatiô, Barnabas, Marcion, Justin, Ptolemaeus, và Irenaeus.
Trước tiên, Ignatiô, một giám mục trên đường bị truy điệu về Rome để chịu án tử hình, đã viết 7 lá thư mục vụ khuyên bảo các cộng đoàn Kitô hữu giữ vững đức tin và qua đó ngài đã để lại một nguyên tắc quan trọng về việc chú giải Lời Chúa. Tại Philadelphia, một số Kitô hữu cho rằng, nếu không tìm thấy “Văn Bản” Kinh Thánh trong các “Thư” thì đó không thể thuộc về Tin Mừng. Phản hồi lại thái độ quá lệ thuộc vào Cựu Ước này, Ignatiô giải thích rằng “Văn Bản” chính là Đức Giêsu Kitô, công cuộc cứu độ và đức tin phát xuất từ Người. Vì Kinh Thánh được viết về Đức Kitô cho nên ý nghĩa “quy điển” chính là hiện thân và sứ vụ Nước Trời của Người. Ignatiô đã giới thiệu một nguyên tắc linh ứng dựa trên quan điểm Kitô học của ngài.
Khuynh hướng dùng nguyên tắc Kitô học để biện phân Lời Chúa trên đây được Barnabas dùng nhưng đưa đến kết luận hơi thái quá. Barnabas cho rằng vì người Do thái đã hiểu sai những hình bóng về lịch sử ơn cứu độ, do đó không có lý do gì mà Kitô giáo cần phải viện đến lời giao ước cũ để giải thích cho ý nghĩa về sự trọn vẹn hay hoàn tất của lời giao ước mới. Barnabas muốn cắt đứt mối liên kết giữa hai lời giao ước và cách dùng lịch sử Do Thái giáo để minh họa cho mặc khải Kitô giáo.
Marcion, thuộc phái Ngộ giáo (Gnostics), đi xa hơn nữa khi loại bỏ lối chú giải hình luận. Marcion giải thích tính phân cực giữa lề luật và ân sủng trong các thư mục vụ của Phalô theo quan điểm nhị nguyên. Marcion phân biệt Thiên Chúa Công Chính (Lề luật và Do thái giáo) và Thiên Chúa Thiện Hảo (Cha của Đức Kitô). Sự mới mẻ của Tin Mừng đã loại bỏ tính thô lỗ hay cục mịch của Cựu Ước. Những nhân vật như Cain, dân thành Sodom, dân Ai-cập, và những kẻ gian tà khác đều đến với Đức Kitô để mong được cứu rỗi, nhưng vì dựa trên sự công chính, họ đã bị loại trừ. Chỉ có ân sủng và đức tin mới cứu độ con người. Vì muốn biện minh cho thuyết ân sủng của Phaolô, Marcion đã cắt đứt mối liên giữa hai lời giao ước. Quan điểm này trái ngược với niềm tin của Giáo hội rằng Thiên Chúa của Cựu Ước cũng là Thiên Chúa của Tân Ước, vốn được mặc khải là Cha của Đức Kitô.
Như thế, nếu không có Cựu Ước thì cũng sẽ không có Tân Ước. Đây là tư tưởng của Justin, một nhà biện giáo (apologist) đã đề nghị một thuyết chú giải vốn sẽ trở thành nền tảng cho quan điểm mặc khải của Giáo Hội. Justin dùng yếu tố lịch sử lẫn Kitô học để minh chứng về các cấp độ mặc khải khác nhau được tìm thấy trong Cựu Ước và triết Hy-lạp. Tất cả các chứng nhân cho Thiên Chúa, bao gồm cả triết gia Heraclitus, đều có thể cho là thuộc cùng một gia tộc Kitô hữu. Có sự tương quan căn bản giữa Lề luật và linh đạo Kitô giáo, giữa ngôn sứ và sự mong chờ vào tương lai hoàn tất cho lời tiên tri. Các tổ phụ Do Thái vẫn được cứu rỗi, không cần phải cắt bì, giữ ngày Sabbath hay luật lệ về ăn uống và của lễ hiến tế, là vì hai biến cố cuộc khổ nạn và sự vinh quang của Đấng Messiah đã được Cựu ước tiên báo. Justin có công bảo tồn Cựu Ước cho Kitô giáo, nhưng cách dùng hình luận của Justine hơi lỏng lẽo, đưa đến những lời tố cáo khó chứng minh như khi ông cho rằng một số bản văn nói đến mặc khải Kitô giáo trong Cựu Ước đã bị người Do Thái cắt bỏ.
Một cách chú giải có hệ thống hơn đến từ Ptolemaeus và Valentius thuộc phái Ngộ giáo. Ptolemaeus vẫn tôn trọng mặc khải của Cựu Ước, nhưng phân biệt rằng lề luật của Cựu ước thì không hoàn toàn do Thiên Chúa mà đến từ con người (Môisen) vì nhu cầu đặc biệt của cho dân Do Thái. Còn luật tình yêu trong Tân Ước thì do chính Đức Kitô. Con Thiên Chúa ban cho chúng ta. Luật Thiên Chúa thì hoàn hảo, nhưng cách giải thích chúng thì bất toàn, cần phải hoàn thiện bởi Đấng Cứu Độ, Người đã biến cải thực tại khả giác và khả thị thành những thực tại thiêng liêng và vô hình. Lề luật Do Thái cần được mặc lấy ý nghĩa thiêng liêng, như Thánh Phaolô đã tuyên bố “Đức Kitô, cuộc vượt qua của chúng ta đã hiến tế cho chúng ta” (1 Cor. 5:7). Như thế, Ptolemaeus đã đưa yếu tố “truyền thống” vào việc chú giải Kinh Thánh và nhấn vào nhu cầu biện phân các thực tại thiêng liêng và vô hình tiềm tàng trong “truyền thống”. Valentius đại diện cho giới trung lưu của nhóm Ngộ giáo, có hiểu biết về triết Hy-lạp, và cứng rắn hơn về sự mối tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước khi trích dẫn Gioan 10:8: “Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp.” Ông cho rằng Cựu Ước chỉ là một cuốn sách tầm thường với luật lệ bất cập, mâu thuẫn và đôi khi bất nhân. Thiên Chúa của Do Thái giáo không được giới triết gia Hy-lạp tôn trọng, nhưng lúc đó Giáo Hội chưa có cách đáp ứng thích đáng cho vấn đề này. Phaolô và tác giả của “Thư Do Thái” đã đáp ứng nhu cầu cập nhật đức tin cho nội bộ Giáo hội, nhưng cấp bách hơn là nhu cầu lý giải đức tin cho những kẻ bên ngoài nếu Giáo Hội muốn tiếp tục sứ mệnh truyền giáo của mình.
Irenaeus là người đã đáp ứng cho nhu cầu truyền giáo trên đây. Trong tập sách có chủ đề “Về cách nhận diện và đã phá các tri thức ngụy biện” (180), Irenaeus vạch ra sự sai lầm trong tư tưởng của Vatentius và Marcion về tính thứ cấp của Thiên Chúa của Cựu Ước so với Thiên Chúa của Tân Ước. Irenaeus lý luận rằng chỉ có một Thiên Chúa mặc khải qua cả hai lởi giao ước. Lề luật trong Cựu Ước là thật và đúng cho thời đại của nó, nhưng Thiên Chúa trong Tân Ước đã hài lòng với cách mặc khải mới qua sự hiện diện của Con Thiên Chúa, Đức Kitô. Lề luật hay lời ngôn sứ tự nó không chứa đựng lời giải thích cho nó. Nhưng với biến cố Kitô, thì lề luật và lời ngôn sứ được xem như là những báu vật, được chôn cất và nay được khám phá qua Thánh Giá của Đức Kitô. Chính Người đã giải thích điều này sau khi phục sinh (Lk 24:27). Irenaeus vạch ra khuynh hướng “lấy râu ông này gắn cằm bà nọ” trong cách phái Ngộ giáo ráp nối hình ảnh các tầng trời trong thần thoại Hy-lạp và những giai thoại trong Eliad và Odyssey vào các hình ảnh về Thiên Chúa trong Cựu Ước. Irenaeus tố cáo nhóm Ngộ giáo đã tạo hỏa mù để biện minh cho linh đạo bí ẩn của họ. Làm như thế chỉ qua mắt được những người vô học, nhưng sẽ một sự lừa đối với những kẻ có kiến thức về Homer. Irenaeus không phản đối chú giải ẩn dụ, nhưng chống lại cách giải thích sự mờ ám của bản văn bằng một sự bí ẩn khác. Thay vào đó, Irenaeus giới thiệu khái niệm “quy phạm của đức tin” (the rule of faith), xuất phát từ bản tính tông truyền của Giáo Hội. Giáo Hội được Thiên Chúa giao phó cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng và chân lý chỉ được tìm thấy nơi Giáo Hội. Khoa học cho ta nhiều cách giải thích, có cái đáng tin, có cái đáng hoài nghi, nhưng chân lý thì luôn ở trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Tính tông truyền của Giáo hội khởi đầu từ các tông đồ, trải dài đến các vị giám mục hiện nay, là sự hiểu biết chân chính nhất. Ai muốn tìm ý nghĩa chân thực của Kinh Thánh thì hãy đọc Kinh Thánh với các vị giám quản vốn được giáo huấn theo qui luật của đức tin Công giáo. Như thế, Irenaeus đã đưa yếu tố “tông truyền” vào việc chú giải Kinh Thánh.
Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFM
Tài liệu tham khảo:
Robert Grant & David Tracy. A Short History of the Interpretation of the Bible. Fortress Press, NY, 1985.
Joseph Tân Nguyễn, OFM. Thông Diễn Học, Học Viện Phanxicô, 2021
BÀI VIẾT LIÊN QUAN