THIÊN CHÚA CÓ ĐAU KHỔ?

THIÊN CHÚA CÓ ĐAU KHỔ?

Một trong những lý do quan trọng làm cho người ta từ khước Thiên Chúa là Cha, đó là nỗi đau khổ của những con người vô tội. Con người đau khổ, Thiên Chúa thì không, vì Thiên Chúa không thể đau khổ. Ðức Giêsu đau khổ, nhưng Chúa Cha thì không. Có đúng như vậy không ?

Đôi khi, người ta hình dung cái nhìn của Thiên Chúa như một cái nhìn soi mói, rình rập, hủy diệt con người, như Nietzsche đã từng nói : “Cái nhìn của Thiên Chúa tước đoạt nhân tính và danh dự của con người”. Thiên Chúa làm con người xao xuyến, cho nên phải tiêu diệt Thiên Chúa, vì nếu con người hiện hữu thì Thiên Chúa không được hiện hữu. Người ta thường lý luận : Hạnh phúc là thiết yếu cho sự toàn hảo, mà Thiên Chúa là Đấng toàn hảo, vậy Ngài phải hạnh phúc. Nếu Thiên Chúa hạnh phúc thì Ngài không đau khổ. Một Thiên Chúa đau khổ không phải là Thiên Chúa.

Chúng ta phải khẳng định: Thiên Chúa tuyệt đối hạnh phúc, không gì có thể làm lu mờ niềm vui của Ngài, nhưng niềm vui này khác hẳn với niềm vui của con người. Đau đớn và khoái lạc không thể đồng hiện hữu nơi một người, nhưng liên quan đến tình trạng thuộc cảm tính, niềm vui và đau đớn đôi khi có thể tương đồng. Trên bình diện việc hy sinh được ưng thuận vì tình yêu, người ta có thể cảm nghiệm đau khổ và niềm vui hòa nhập với nhau. Khi người ta không còn quy hướng về mình, khi người kia là tất cả đối với mình, thì khi đó, đau khổ được xem như thiết yếu cho niềm vui, và giới hạn cuối cùng, người ta cảm nhận niềm vui khi được chết vì yêu. Đau khổ chính là hạnh phúc.

Chúng ta không được quan niệm một Thiên Chúa bất khả thụ ( không thể đau khổ), chỉ gán cho Ngài trí tuệ mà khước từ không cho Ngài có trái tim hay lòng dạ, trái với mạc khải của Kinh Thánh (Is 49,15). Một Thiên Chúa Cha, ngự trên tòa vinh hiển, ngắm nhìn cảnh tượng diễn ra trong vườn Gethsemani hay trên đồi Golgotha mà không chút đau đớn, thì làm sao có thể gọi là Cha ? Có thể nói Thiên Chúa đồng hành với chúng ta xuống tận đáy vực thẳm, âm thầm kín đáo. Ngài không thể ở bên chúng ta mà không đi vào cơn hấp hối, vì nếu không thì Ngài hoàn toàn lãnh đạm, thờ ơ trước nỗi khốn cùng của con người. Như thế làm sao có thể gọi Ngài là Cha?[ 1].

Quả thật, Thiên Chúa không buồn phiền vì chính mình, nhưng phiền muộn vì con người đã phạm tội, Ngài phiền muộn vì Ngài quá yêu thương chúng ta. Thiên Chúa như trở thành “điên dại” vì yêu thương con người. Con người thờ ngẫu tượng và chống lại Thiên Chúa; thay vì tiêu diệt họ, Thiên Chúa như bị ray rứt vì yêu thương : “ Làm sao Ta nỡ bỏ ngươi ? Lòng Ta đảo lộn trong Ta, mối chạnh lòng thương sôi réo cả lên” (Hs 11,8). Con người đau khổ, nhưng Thiên Chúa cũng đau khổ vì phải hành động trái với ước muốn của mình. Thiên Chúa có thể được yêu nhưng không thể yêu. Thiên Chúa là động lực làm cho mọi sự chuyển động, nhưng chính Người thì không chuyển động, Người bất biến. Thiên Chúa là Ðấng Tuyệt Ðối. Ðó là quan niệm phổ thông về Thiên Chúa trong thời kỳ thần học phôi thai. Chính vì thế đã có một nỗ lực thay Thiên Chúa của Kinh Thánh bằng Thiên Chúa của triết gia (đó là khuynh hướng ngộ đạo thuyết). Chúng ta có dám tin Thiên Chúa là Tình Yêu không ? Các triết gia cũng nghĩ rằng là nếu chúng ta đồng ý là thần linh có thể yêu loài người và thiết tha với vận mệnh của loài người, thì một cách nào đó, thần linh cũng phải đi vào nỗi đau của loài người. Chính vì thế mà triết gia không chấp nhận là Thiên Chúa có thể yêu. Kinh Thánh thì ngược lại, Kinh Thánh khẳng định Thiên Chúa là Tình Yêu ( 1Ga 4,16 ) . Ðau khổ chắc chắn hợp với Thiên Chúa hơn là sự lạnh lùng vô cảm. Thiên Chúa chịu đau khổ vì yêu.

Thiên Chúa tiên vàn là Tình Yêu tuyệt đối, và cũng là Quyền Năng tuyệt đối [ 2]. Vô cảm hay không có khả năng đau khổ là một giới hạn đối với Thiên Chúa, là dấu chỉ thiếu tự do. Thiên Chúa, nếu muốn, có thể đau khổ ; và vì yêu, Người muốn. Ngay cả sự phẫn nộ của Thiên Chúa cũng vậy, tất cả là vì yêu : Thiên Chúa sửa phạt ta trong thời gian để cứu ta trong vĩnh cửu.  

Thái độ của Chúa Cha đối với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu như thế nào ? Có phải Chúa Cha chỉ làm cho Chúa Con đau khổ và chứng kiến Chúa Con đau khổ ? Chúng ta tìm được câu trả lời: “Thiên Chúa không tha cho Con của Người, nhưng phó nộp Con của Người vì chúng ta hết thảy” ( Rm 8,32 ). Ở đây, chỉ có thể hiểu đúng nếu chúng ta liên tưởng tới đoạn sách Sáng thế nói về Abraham và Isaac : “Vì ngươi không tha cho con của ngươi, con một của ngươi” ( St 22,16 ). Abraham không tha cho Isaac – Thiên Chúa không tha cho Ðức Giêsu. Abraham đi với Isaac lên núi – Thiên Chúa đồng hành với Ðức Giêsu trên con đường khổ nạn.  Ðau khổ lớn nhất của Abraham là khi Isaac gọi “Cha ơi” – Ðau khổ lớn nhất đối với Thiên Chúa là lúc Ðức Giêsu gọi “Abba”. Abraham sẵn sàng chết thay cho con – Chúa Cha như sẵn sàng chết thay cho Con. Lúc Ðức Giêsu thắc mắc: “lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” ( Mt 27,46 ).Chính đây là lúc Chúa Cha ôm chặt  Chúa Con vào lòng.

            Nơi Chúa Giêsu chịu nạn, vừa có tự do, vừa có sự vâng phục.  Chúa Cha trao cho Chúa Con bản tính của mình, mà bản tính của Cha là Tình Yêu, Cha đã truyền lại cho Chúa Con nỗi đam mê yêu thương, và tình yêu này đã đưa Chúa Con lên thập giá. Chính vì thế mà trong Tân Ước, có chỗ nói : “Chúa Giêsu chết vì yêu chúng ta” (Ep 5,2), chỗ khác lại nói “vì vâng phục Chúa Cha” (Pl 2,8). Tình Yêu và sự vâng phục, sự dâng hiến và đòi hỏi đi đôi. Ðó là điều hết sức huyền nhiệm dẫn chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa: Tình Yêu từ sự Duy Nhất. Tình Yêu chung cho Ba Ngôi, vâng phục là riêng của Ngôi Con. Sự vâng phục hoàn hảo nhất là vâng phục vì yêu thương : lấy ý muốn của Cha làm ý muốn của chính mình. Trên bình diện con người, sự vâng phục này không phải dễ dàng, và Ðức Giêsu chiến đấu hết sức để vâng phục Chúa Cha với ý muốn con người (Ga 10,17-18).

Ðau khổ của Thiên Chúa không phải là dấu hiệu yếu đuối, nhưng là dấu chỉ của tình yêu mạnh mẽ. Thiên Chúa là Cha Toàn Năng. Nơi Thiên Chúa vừa có Tình Yêu, vừa có sự Toàn Năng. Thiên Chúa là Tình Yêu Toàn Năng. Quyền Năng vô hạn của Thiên Chúa biểu lộ qua sự đau khổ vô hạn. Thiên Chúa chiến thắng sự dữ bằng chịu đựng. Người muốn chiến thắng không bằng sức mạnh, nhưng bằng tình yêu, làm gương cho chúng ta chiến thắng sự dữ bằng sự thiện (Rm 12,21). Chúng ta đừng quên rằng, việc đồng chịu khổ của Chúa Cha không dừng lại ở cuộc khổ nạn, nhưng tiến đến Phục Sinh. Chúa Cha không lúc nào nghĩ đến cái chết của Chúa Giêsu mà không nghĩ tới Phục Sinh. Khi phục sinh Ðức Giêsu, Chúa Cha đã bày tỏ cho thấy quyền năng của Người vĩ đại dường nào. Tình yêu toàn năng của Thiên Chúa tạo cho chúng ta lòng tin tưởng: “Nếu Thiên Chúa phù trợ ta, ai nào dám chống lại ta?” (Rm 8,32). Và Ðức Giêsu đã hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Cha trong lúc đau khổ nhất : “Lạy Cha, Con phó thác linh hồn Con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Chúa Cha không giữ Ðức Giêsu cho riêng mình, mà đã hy sinh Ngài cho tất cả chúng ta. Không những Chúa Cha nhận hy tế của Con, mà chính Cha hy sinh Con Một. Hy sinh lớn nhất của Chúa Cha là ban Con Một cho chúng ta ( Rm 8,32 ). Tư tưởng của thần học cổ cũng đã được Tertullien ghi lại : Chúa Con chịu khổ hình, Chúa Cha đồng chịu khổ. Chúa Cha chịu khổ nạn trong Con Yêu Dấu của mình. Ðối với Chúa Cha, việc phó nộp Con mình là nguyên nhân của đau khổ lớn nhất, sâu nhất, mà không đau khổ nào ở trần gian có thể so sánh. Cuộc khổ nạn của Ðức Giêsu chịu đóng đinh mạc khải cuộc khổ nạn của Chúa Cha. Chúa Cha là Tình Yêu đóng đinh, Chúa Con là Tình Yêu bị đóng đinh, và Chúa Thánh Thần là sức mạnh vượt thắng của Thập giá [3]. Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn không ngừng đau khổ vì loài người chúng ta : Ôi Tình Yêu lại không được yêu ! Sao chúng ta dám nói chỉ có con người đau khổ, còn Thiên Chúa thì không ! [ 4 ].

 Lm. Giuse Phan Cảnh

Ghi chú:

[ 1] F. Varillon, Lhumilité de Dieu, Centurion, Paris. 1974.

[ 2 ] Balthasar, Mysterium Salutis,III, 2.

[ 3 ] Jürgen MOLTMANN, Trinité et Royaume de Dieu. Contributions au traité de Dieu. Coll. « Cogitatio fidei », 123, Paris, Cerf, 1984, p. 110.

[ 4 ] Raniero Cantalamess, Dieu na pas épargné son propre Fils, le mystère de la souffrance de Dieu, Cerf, Paris, 1997, p. 109-127.