THẬP GIÁ ĐỨC KITÔ CHÓP ĐỈNH MẠC KHẢI KITÔ GIÁO

THẬP GIÁ ĐỨC KITÔ CHÓP ĐỈNH MẠC KHẢI KITÔ GIÁO

 

Dẫn Nhập

“Thập giá không phải là một sự đùa giỡn,

vì ở nơi đó Thiên Chúa đã nộp mạng vì chúng ta.” (St. tiến sĩ Catarina Sienna)

Không thể phủ nhận rằng có một sự liên hệ mật thiết giữa khổ đau và thập giá. Đau khổ là một kinh nghiệm thuộc về hiện sinh, nhưng đồng thời là một thực tại siêu hình vì nó nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Thập giá là đỉnh cao của mạc khải Kitô giáo, vì qua đó khuôn mặt Đấng chịu đóng đinh đã tạo nên một nhịp cầu nối kết thế giới hữu hình và thế giới thần thiêng, nối kết con người với Thiên Chúa. Thập giá không chỉ là một tình tiết lịch sử mà còn là một biến cố nội tại trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Nội hàm của thập giá là vô biên, chân trời của thập giá là không chân trời, nói theo ngôn ngữ của thần học gia Karl Rahner, Thiên Chúa là chân trời vô giới hạn.[1] Khi đề cập tới thập giá, người ta thường nhìn thập giá dưới hai khía cạnh: một thứ thập giá nhục hình tủi nhục đen tối và chết chóc, còn một thứ thập giá vinh quang bất diệt. Cả hai đều mang những dấu vết đau thương khác nhau: một đàng thương đau xấu xa tội lỗi đưa đến hủy diệt nên gọi là “khổ giá”, một đàng thương đau do bởi tình yêu để được sống trường sinh nên được gọi là “thánh giá”. Trong cái “logic” của hành trình thập giá, mầu nhiệm Nhập Thể là điểm khởi đầu tất yếu của mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh. Điểm nổi bật và độc sáng nhất của hành trình này chính là sự “tự hạ” của Đức Giêsu Kitô (Pl 2,6-8) mà động lực chính là tình yêu.

Trong cuộc sống hối hả, chúng ta thường đi tìm kiếm sự an yên, dẫu cho điều ấy chưa bao giờ đứng yên để ta nắm bắt. Dường như ngày càng ít đi những khoảnh khắc mà ta dừng lại nhìn về đời sống mình để nhận ra tình yêu vô bờ bến của Thiên. Vì thế, trong những ngày của Tuần Thánh, chúng ta hãy lắng đọng tâm hồn để lắng nghe những thanh âm yêu thương nơi thập giá Đức Giêsu Kitô.

  1. Thập giá Đức Kitô Mạc Khải Cho Biết Tình Yêu Đích Thực Là Gì

Qua lăng kính của niềm tin Kitô giáo, con người không thể đạt tới ý nghĩa làm người cách sâu xa nhất bằng những gì mình làm được, nhưng bằng những gì mình lãnh nhận được. Bởi đó con người cần đến sự soi sáng của tình yêu. Tuy nhiên, tình yêu không phải thứ mà người ta có thể làm ra như một món quà, mà tình yêu đòi hỏi được đón nhận và phải được trao ban. Con người chỉ là người cách trọn vẹn khi biết yêu thương và để mình được yêu thương. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Thông Điệp Redemptor Hominis:

“Con người không thể sống được mà không có tình yêu. Con người đối với chính mình là một hữu thể không thể nào hiểu được, cuộc sống của con người sẽ không có ý nghĩa, nếu con người không nhận được Mặc khải về tình yêu, nếu con người không gặp được tình yêu, nếu con người không cảm nghiệm được tình yêu và nếu con người không hết lòng hết dạ thông phần vào tình yêu.”[2]

Dẫu rằng tình yêu có thể tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau: Tình yêu cha mẹ đối với con cái, tình yêu nam nữ, tình yêu bạn bè hay tình yêu quê hương… Nổi bật trên tất cả các dạng thức ấy đó là tình yêu nam nữ. Người Hy Lạp cổ gọi thứ tình yêu này là “Eρος”. Trước thời Chúa Giêsu, trong văn hóa Hy Lạp cũng như các vùng phụ cân, quan niệm ερος như một trạng thái thăng hoa, một tình trạng lý trí bị đè bẹp bởi một thứ “điên dại thần bí, lôi kéo con nguời khỏi cuộc sống hạn hẹp phàm nhân và cho phép con người trong tiến trình say đắm bởi lực lượng thần bí ấy hưởng một niềm hạnh phúc cao độ.”[3] Đối với những giáo phái thờ khả năng sinh sản thì tôn thờ ερος như một quyền thần ngang hàng Thiên Chúa. Họ hiểu ερος như một thứ tính dục và nó bị lạm dụng thành thứ tình yêu đòi hỏi, vị kỷ nhằm thỏa mãn nhục dục vô độ. Eρος bị thần thánh hóa giả tạo, bị tước mất đi giá trị thực và điều quan trọng hơn nó làm cho phẩm tính con người bị hạ giá.

Con Thiên Chúa yêu mến con người tới mức nhập thể làm người để yêu bằng con tim của con người.[4] Tình yêu đó dành cho con người từ cuộc sáng tạo và đã trở nên hữu hình trong mầu nhiệm thập giá, trong sự tự hủy (κήvοσε) của Thiên Chúa, trong sự trần trụi và sự hạ mình đầy ô nhục của Con Thiên Chúa.[5] Ngài đã từ bỏ tất cả, thậm chí từ bỏ ngay chính Ngài bằng cái chết trên thập giá, để bày tỏ tình yêu của Ngài. Có thể nói chiều kích ερος đã lên đến đỉnh điểm nơi Đức Giêsu. Ngài đã thánh hóa ερος và đã đặt nó vào đúng nghĩa của nó. Một ερος chân chính phải có khuynh hướng đưa con người vượt qua chính mình để hướng đến Thiên Chúa. Không những thế, nơi Đức Giêsu Kitô còn thể hiện một chiều kích khác của tình yêu đó là tình bác ái. Tình yêu ấy được gọi là “ἀγαπη”. Đó là một sự hy sinh tự nguyện: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.” (Ga 10,18). Đức Giêsu trên thập giá là hiện thân của sự từ bỏ đích thực cho người khác, là biểu hiện sự kết hợp trọn vẹn giữa hai chiều kích ερος và ἀγαπη trong tình yêu. Ngài đã minh chứng ερος càng lớn lao đến đâu thì chiều kích ἀγαπη càng thăng tiến đến đó, đến độ chúng hoà quyện làm một trong tình yêu duy nhất. Tình yêu này là sự quan tâm, lo lắng cho nguời khác. Nó không còn là tìm kiếm chính mình hay một sự say mê hạnh phúc. Thay vào đó ἀγαπη tìm kiếm điều thiện cho người mình yêu. Trở thành sự từ bỏ chính mình và sẵn sàng chấp nhận hy sinh cả tính mạng vì người mình yêu.

Như thế, trên thập giá Đức Giêsu đã chứng tỏ cho nhân loại hiểu sự cần thiết phải kết hợp giữa hai chiều kích εροςἀγαπη để tình yêu được nên trọn vẹn và đúng nghĩa. Tình yêu đem lại hạnh phúc chân thật cho cuộc sống đồng thời làm cho tình yêu thêm thăng hoa và bền vững. Nơi Đức Giêsu trên thập giá “ερος đã trở nên tột cùng cao quý đến độ thuần khiết nên một với ἀγαπη”.[6] Với hai cánh tay giang rộng trên thập giá, Đức Kitô là minh chứng hùng hồn nhất cho một tình yêu đích thực và sự cao cả của nó: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13). Tình yêu của Đức Kitô trên thập giá đã đập tan cái quan niệm cho rằng:

“Đạo đức và tôn giáo, niềm tin và tình yêu là những cái đối lập nhau. Kẻ nào kính Chúa, người đó không thể không yêu thương con người hơn người khác và ngược lại: người nào yêu thương con người một cách đích thật, thì không thể không kính Chúa.”[7]

Như vậy, tình yêu cốt thiết là việc từ bỏ lòng tự ái hẹp hòi về tính ích kỷ, vượt ra khỏi chính mình để phục vụ tha nhân. Hoạt động căn bản của Kitô giáo không gì khác hơn là thông phần vào tình yêu của Đức Kitô trên thập giá để nhờ đó được tham dự vào chính tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa. Trong hiến tế thập giá, Thiên Chúa tiếp tục tái đề nghị cho con người tình yêu của Người, như Pseudo- Denys cảm nhận: Không cho phép người yêu mình cứ nằm mãi trong nhà mình, nhưng thúc đẩy người yêu đi đến kết hợp với người mình yêu, bằng cách đi “khất thực” tình yêu của tạo vật mà Chúa đã dựng nên.[8] Thiên Chúa hằng mong đợi con người sẵn sàng để cho tình yêu của Người lôi kéo hầu cảm nghiệm được sự cao thượng, cũng như vẻ đẹp của tình yêu ấy. Vậy nhưng, Thiên Chúa vẫn chưa lấy làm đủ! Ngài còn muốn nâng con người lên với Ngài, và đó là điều Đức Kitô đã bắt đầu làm trên thập giá.[9] Qua đó, con người cũng được mời gọi học biết cách yêu thương của Người, sống với nhau bằng chính tình yêu của Người: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

  1. Thập Giá Đức Kitô Minh Chứng Tình Yêu Cao Vời Của Thiên Chúa

Tình yêu như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt dòng chảy lịch sử nhân loại từ khởi nguyên cho đến tận cùng. Tình yêu là nền tàng và nguyên lý khởi hành cho công cuộc sáng tạo cũng như cứu chuộc của Thiên Chúa. Có thể nói được rằng tình yêu Thiên Chúa dành cho con người được biểu lộ cách viên mãn ngay lúc bắt đầu cuộc sáng tạo và đã trở nên hữu hình trên thập giá, trong sự tự hủy của chính Thiên Chúa. Thập giá trở nên là tâm điểm của mạc khải, đó là sự mạc khải về tột đỉnh và vô biên của tình yêu của Thiên Chúa.[10] Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người được biểu lộ cách viên mãn trên thập giá bằng một tình yêu dâng hiến. Một tình yêu chỉ hoàn toàn tìm kiếm sự thiện hảo của người khác. Tình yêu hiến dâng cho con người tất cả những gì Thiên Chúa “Là”. Đó là một tình yêu đi đến cùng tận, cái “cùng tận” ở đây chỉ sự hoàn tất của tình yêu, đã đạt được ngay trong giây phút Người chết trên thập giá. Nói khác đi là Thiên Chúa đã yêu thương con người ở mức độ cao nhất. Người thực sự đi tới đích điểm của ranh giới và vượt qua ranh giới tình yêu. Thiên Chúa đã hoàn tất tình yêu trọn vẹn đến độ hiến ban chính mình.[11] Trong sứ điệp Mùa Cha 2009, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã viết: Đây cũng là một tình yêu, mà qua đó con tim của chính Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng đang chờ đợi tiếng “xin vâng” của tạo vật Người sáng tạo ra, giống như một vị hôn phu trẻ tuổi chờ đợi tiếng “xin vâng” của vị “hôn thê”. Bất hạnh thay, ngay từ lúc khởi đầu, nhân loại đã bị ác thần dùng những lời dối trá dụ dỗ, nên đã khép kín lòng mình lại trước tình yêu Thiên Chúa và ảo tưởng xem mình là đầy đủ mà không cần đến Người (St 3,1-7). Nhưng qua hiến tế thập giá, Thiên Chúa tiếp tục tái đề nghị cho con Người tình yêu của Người.

Qua cái chết trên thập giá, Đức Giêsu đã đi tới “tận cùng” của con người, trong sự nghèo khó, buồn sầu, cô đơn của Ngài. Thần học gia Paul Tillich cho rằng: Thập giá không phải là nguyên nhân, nhưng là sự bộc lộ tỏ tường Thiên Chúa thực sự mang lấy trong mình các hậu quả tội lỗi của con người.[12] Chính Thiên Chúa, trong Đức Kitô đã tự nguyện trở nên rốt hết trong hàng thọ tạo. Một Thiên Chúa trọn vẹn là tình yêu, trọn vẹn là trao hiến, và vì thế phải ẩn giấu mình đi, mang lấy thân sâu bọ (Tv 22,7). Một Thiên Chúa nên đồng hình đồng dạng với thọ tạo của mình, rồi chính trong sự nhỏ bé tột cùng – bị vây phủ, dồn ép bởi điều khốn hèn nhất, mà Người trở thành Đấng khơi nguồn “siêu bội”, và điều đó minh chứng Người là Thiên Chúa, một Thiên Chúa với tình yêu bao la, đã ôm “trọn gói” tội lỗi của nhân loại mà mang lên trên thập giá.[13] Người đã yêu con người bằng một con tim vừa nhân loại, vừa thần linh, theo cách toàn hảo nhân loại, nhưng lại có tầm mức tình yêu thần linh trọn vẹn. Người đã yêu thương con người bằng một tình yêu mãnh liệt nhưng cũng rất dịu dàng, vừa hiền lành nhưng cũng rất kiên vững.[14] Chính ở đó mà Ngài cảm nghiệm được điều kiện của con người. Nói theo ngôn ngữ của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI: Đức Giêsu xuống tận chiều sâu tăm tối và dơ bẩn tội lỗi của con người. Người đã bước vào trong màn đêm tội lỗi của chúng ta, và chỉ có như thế mà màn đêm đó mới được biến đổi.[15] Khi trao nộp con của Ngài vì tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa biểu lộ kế hoạch của Ngài là một kế hoạch tình yêu lân mẫn, đi trước mọi công trạng của chúng ta.[16]

Thập giá Đức Kitô không những làm sáng tỏ những hành động bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa vô hình trong Cựu Ước, mà còn minh chứng cho tình yêu vô hạn của Thiên Chúa bầy tỏ trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô. Thánh Tông đồ Gioan viết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Người, để những ai tin vào Con Ngài thì sẽ không phải hư mất nhưng được sống đời đời.” (Ga 3,16). Và thế là, vì yêu con người Thiên Chúa đã từ bỏ chính Ngài để đến sống kiếp phàm nhân (Ga 1,14; Pl 2,6-8). Thiên Chúa không dung mạo giờ đây đã mặc lấy dung mạo nơi Đức Giêsu để ai thấy Đức Giêsu là thấy Thiên Chúa (Ga 14,9). Đức Giêsu đã tuyên xưng Người với Chúa Cha là một (Ga 10,13). Người chính là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình. Bởi đó bất cứ ai nhận thấy tình yêu được bày tỏ nơi Đức Giêsu Kitô là nhận thấy tình yêu của Thiên Chúa; Bất cứ hành động nào bày tỏ tình yêu của Đức Giêsu cũng là hành động bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô mạc khải cho biết hễ ai yêu mến Ngài là yêu mến Thiên Chúa. Ngài cũng mời gọi chúng ta yêu mến Chúa Cha như Ngài. Ngài muốn chúng ta hãy yêu mến Ngài bằng trái tim của chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta sống hiệp nhất với Ngài. Đó là một sự hiệp nhất tạo ra tình yêu, một sự hiệp nhất trong đó cả Thiên Chúa và con người giữ nguyên chính mình nhưng lại trở nên một.[17] Thánh Phaolô đã thấy tỏ điều này khi viết: “Ai kết hợp với Chúa thì trở nên một Thần Khí với Ngài” (1Cr 6,17).

Đức giáo hoàng Bênêdictô XVI đã nhấn mạnh Đức Giêsu Kitô chính là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, khi nói rằng: “Tính chất mới mẻ thực sự của Tân ước không hệ tại nhiều ở những ý tưởng mới cho bằng trong chính hình ảnh của Chúa Kitô Đấng trao ban mình và máu Ngài cho những ý tưởng đó.”[18] Tình yêu trọn vẹn mà Thiên Chúa dành cho con người không phải đợi đến khi những chiếc đinh đầu tiên găm Đức Giêsu vào thập giá, nhưng ngay khi trở thành xác phàm, Con Thiên Chúa đã tự nguyện từ bỏ thế giới của Thiên Chúa, tự nguyện chịu đóng đinh vào lịch sử nhân loại, để Ngài biến đổi lịch sử ấy và đem lại sự sống mới cho con người. Biểu hiện cụ thể cho sự tự nguyện này được thể hiện qua việc Ngài hòa mình cùng dòng người tội lỗi bước xuống dòng sông Giođan chịu phép thanh tẩy của ông Gioan (Mt 3,13-17). Biểu hiện của sự tự nguyện vì tình yêu vô hạn của Thiên Chúa càng trở nên rõ nét khi Ngài bị treo trên thập giá. Thập giá đã làm chứng cho tất cả những gì Ngài đã nói, đã làm để bày tỏ tình yêu trong cuộc đời Ngài đều là chân thật, đều xuất phát từ tình yêu. Trên thập giá Đức Giêsu minh chứng Người yêu thế gian hơn yêu chính mình. Nơi thập giá, Đức Giêsu chứng tỏ tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta là một tình yêu ở dạng thức cao nhất. Yêu đến mức tận cùng, một tình yêu tự hiến trọn vẹn của Thiên Chúa. Nói như thần học gia Francois Xaviê Durrwell: “Trên thế giới này không có gì lớn lao bằng Đức Kitô, và trong Đức Kitô không có gì to lớn bằng cái chết của Ngài.”[19] Sự kiện Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa bị đóng đinh trên thập giá là dấu chỉ vĩ đại nhất giúp nhận ra mức độ tình yêu của Người dành cho từng người chúng ta.[20]

Thập giá là biểu từ tình yêu tận căn và dâng hiến hoàn toàn. Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương những kẻ thuộc về mình trong thế gian và Người đã yêu thương họ đến cùng (Ga 13,1). Nơi thập giá, Đức Kitô biểu lộ lòng nhân hậu bao dung của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa yêu thương và tha thứ, kể cả những kẻ hại Người “Lạy Cha! xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Trên thập giá, ngay cả khi mạng sống chỉ còn đếm bằng giây, Đức Giêsu vẫn sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho một người cùng chịu hình phạt như mình, và còn hơn thế Ngài hứa ban phúc thiên đàng “Tôi bảo thật với anh, hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với tôi.” (Lc 23,43). Đức Giêsu là con người sống cho kẻ khác và theo lời dạy của Ngài, tình yêu là dấu chỉ không thể sai lầm cho biết người tín hữu nào thực sự thuộc về Ngài. Về điểm này Công đồng Triđentinô nhấn mạnh rằng: “Bằng cuộc khổ nạn rất thánh của Người trên cây Thập giá, Đức Kitô đã lập công cho chúng ta được nên công chính”.[21]Chính trong sự “điên rồ”, “chướng kỳ ô nhục”, thân xác phàm tục yếu đuối ấy, Thiên Chúa đã bày tỏ trọn vẹn, rõ ràng nhất tình yêu của Ngài dành cho con người. Ngài yêu con người ngay cả trong tình trạng yếu đuối nhất của con người đó là sự đau khổ về thể xác, nhục nhã về tâm hồn. Ngài theo đuổi, bày tỏ tình yêu với con người đến tận cùng cái chết của Ngài. Ngài muốn đẩy tình yêu ấy lên tột đỉnh. Ngài muốn đưa tình yêu ấy đến vô cùng, vượt qua mọi giới hạn. Cái chết của Đức Kitô trên thập giá như là ranh giới tột cùng mà một tình yêu có thể đạt tới; Nhưng ở mọi cấp độ, dưới mọi dạng thức, bất cứ mối tình đích thực nào cũng phải mang đặc tính này là: Tự hiến mình vì kẻ khác, nghĩa là một tình yêu hoàn toàn ἀγαπη. Sẽ không thể có tình yêu nào có thể sánh với tình Chúa yêu con người. Không danh xưng nào tôn vinh Ngài xứng hợp hơn danh xưng “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Đây là một mạc khải đặc trưng của Kitô giáo. Có thể các tôn giáo khác nói đến một vị thần tốt lành và từ bi nhân ái, nhưng không một tôn giáo nào biết được rằng toàn thể tạo thành mãi mãi luôn khởi sắc nhờ có một tình yêu đầy năng động bắt nguồn từ một vị Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8.16).

  1. Thập giá Đức Kitô Mạc Khải Về Một Thiên Chúa Ba Ngôi

Thập giá mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần như là nền tảng của đời sống đức tin Kitô giáo.[22] Ngang qua thập giá của Đức Kitô tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi được biểu lộ một cách viên mãn. Những gì nơi Thiên Chúa Ba Ngôi nội tại, giờ đây được “phơi trần” nơi Thiên Chúa Ba Ngôi ngoại tại, đạt tới cực điểm nơi thập giá Đức Kitô. Thiên Chúa Ba Ngôi nội tại cũng là Thiên Chúa Ba Ngôi ngoại tại. Nói theo ngôn ngữ của Karl Rahner: “Ba Ngôi xuất hiện trong nhiệm cục cứu độ là Ba Ngôi tự tại và ngược lại.”[23] Nơi thập giá, Thiên Chúa Ba Ngôi đã biểu lộ một sự hoàn toàn sống cho nhau và sống cho con người, qua công trình sáng tạo và cứu chuộc. Một sự sống cho nơi và trong Thiên Chúa, như là hành vi trao ban chính mình, được tiếp diễn một cách liên lỉ nơi khuôn mặt Đức Giêsu Kitô trên thập giá để cho nhân loại được sống và sống dồi dào (Ga 10,10). Tình yêu đó đã được diễn giải cách rõ nét nơi khuôn mặt Đức Giêsu Kitô trên thập giá qua mầu nhiệm sự chết và Phục sinh vinh quang. Thập giá vinh quang, trong đó hai thời điểm của một mầu nhiệm, sự chết và sự sống lại vinh hiển luôn luôn hiện diện trong nhau: Đấng Phục sinh cũng là Đấng chịu đóng đinh.[24]

Người ta có thể nghĩ rằng tính vị tha tuyệt đối làm nên Ba Ngôi Thiên Chúa, sự từ nhiệm vô tận của tính tương quan luôn mãi tồn tại, ở đây mỗi Ngôi vị là mình trong Ngôi vị khác, đặc tính chung của mỗi Ngôi trong Ba Ngôi là trở nên ân ban tràn đầy cho hai Ngôi kia. Về điểm này linh mục Marc Donzé có cách diễn tả thâm thúy như sau:

“Người ta có thể nghĩ rằng đức ái xuất thần này và cái nghèo siêu việt này, đã không thể diễn đạt được tốt hơn trong cái vũ trụ suy thoái của chúng ta, ở đây cái tôi dường như lúc nào cũng đồng nghĩa với chối từ và thụ động kinh khủng, mà chỉ có thể diễn đạt được bằng cái chết vì yêu nơi Đức Kitô vị hoàng tử của sự sống đã tự hiến mình thành tội vì chúng ta.”[25]

Việc Đức Giêsu nếm trải những giờ khắc trên thập giá, và trong suốt cuộc Thương khó của Người như là việc vận dụng triệt để liên quan đến con người về tình yêu của Người đối với nhân loại; Tình yêu mà người chia sẻ với Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần; Tình yêu được tỏ lộ nhờ ân sủng, trong ý định duy nhất của Chúa Ba Ngôi trong ý định ban tặng Nước trời cho con người. Chính vì thế, sự trao ban của Đức Giêsu trên thập giá không chỉ có sự trao nộp bình thường mà còn có sự trao nộp cách mầu nhiệm, sự trao nộp được thực hiện giữa Ba Ngôi.[26] Gương mặt của Chúa Cha cũng được mạc khải nơi Đấng bị đóng đinh. Thực vậy, vị Thiên Chúa tỏ mình ra không phải là Thiên Chúa của giận giữ, nhưng là Đấng dấn thân trong thân phận con người đến nỗi chấp nhận cái chết, chết trong người Con của Người. Thiên Chúa đã chọn đi qua con đường thập giá và lệ thuộc vào lịch sử thế giới để tỏ mình ra: “Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin” (1Cr 1,21). Thập giá được trồng rất cụ thể và cắm sâu vào lòng đất. Đó là một nơi tỏ bày sự dâng hiến của Chúa Con mà cũng là của Chúa Cha. Do đó thập giá là một cuộc thần hiện (théphanie) thực sự với tất cả mức độ Con làm hiển thị tình yêu của Cha, tình yêu này được tỏ bày nhờ hy tế thực hiện nơi Con.

Lễ vật thập giá chỉ rõ cho thấy nơi vị Cha đau khổ chính là nguồn suối của một ân huệ lớn lao, trong thời gian và trong vĩnh cửu. Thập giá nói cho chúng ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu, mà sự đau khổ của Cha chỉ là một cái ‘tên’ khác của tình yêu vô tận của Ngài.[27] Sự đau khổ của Cha tương ứng với sự đau khổ của Con bị đóng đinh, như sự hiến dâng và lễ vật hy sinh là chính mình Con, được gợi lại từ nỗi đau khổ của Ápraham hiến dâng Isaac, đứa con trai độc nhất của mình đã có được lúc tuổi già (St 22,12 và Ga 3,16; 1Ga 4,9). Sự giao nộp tột bậc đầy đau khổ đối với Con cũng như đối với Cha, là dấu chỉ tình yêu vốn làm thay đổi lịch sử, “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).[28]

Trong giờ của thập giá, Đấng bị đóng đinh giao nộp cho Cha Thần Khí mà Cha đã ban cho Ngài và là Thần Khí mà sẽ được ban cho Ngài cách dầy tràn trong ngày Phục sinh (Ga 19,30). Thập giá là lời cao cả của mạc khải, chính trên thập giá Đức Kitô đã nói với nhân loại về một Thiên Chúa hoàn toàn khác với vị Thiên Chúa mà con người vẫn hay nghĩ về. Biến cố Đức Giêsu giang tay ra trên thập giá đã cho ta thấy rõ nét về một Thiên Chúa tự thông ban chính mình Ngài. Thiên Chúa là Thiên Chúa của lời hứa, Ngài hướng con người đến tương lai, hướng họ đến ý nghĩa, đến cùng đích, … và như thế, Ngài là Thiên Chúa của niềm hy vọng. Thập giá Đức Kitô ăn gắn và nối kết với chính cuộc sống của Ngài, mà cuộc sống của Ngài là một cuộc sống cho người khác. Cũng thế, cái chết của Đức Giêsu là một cái chết cho nhân loại “Tất cả các con cầm lấy mà ăn, cầm lấy mà uống…” (Mc 14, 12-16.22-26). Cái “chết cho” này là để làm sáng tỏ cho cái “sống cho”, như trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta.” Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, Đức Giêsu tuyệt đối không tìm đến cái chết để hoàn thiện chứng từ của Người. Nhưng chính thập giá diễn tả quà tặng của Thiên Chúa Ba Ngôi trao ban tình yêu xuống cho nhân loại. Như thế tình yêu của Đức Kitô dành cho con người mang chiều kích Ba Ngôi. Đó là sự hiệp nhất giữa Con, Đấng tự “trao phó”, với Cha Đấng “trao ban” Con Một, và với Thần Khí, Đấng được Con trao phó cho Cha và được Cha đón nhận (1Ga 4,10). Chúa Cha đã ghi dấu lịch sử vào giờ Chúa Con chết trên thập giá. Khi hiến tế Con mình, Người bày tỏ tình yêu cao cả của Người dành cho nhân loại. Hiến lễ thập giá mạc khải cho thấy nguồn mạch hồng ân từ nơi Chúa Cha đau khổ, hồng ân này chính là tình yêu (1Ga 4,8). Tuy nhiên, đối với tình yêu của Chúa Cha, cũng như của Chúa Con, đau khổ không phải là cam chịu, nhưng là sự lựa chọn (Ga 15,13).[29] Đạo lý này không phải là một mớ lý thuyết suông tách biệt với thực thế, nhưng là lịch sử của Thiên Chúa được cụ thể hóa nơi cái chết trên thập giá của Đức Kitô. Nơi thập giá, trái tim vĩnh hằng của Thiên Chúa Ba Ngôi được biểu lộ.[30] Ngoài ra, thập giá Đức Kitô cũng nói cho chúng ta biết khoảng cách tự nhiên vốn chia cách con người với Thiên Chúa, nhưng đó không phải là câu nói cuối cùng của Thiên Chúa. Ngài đến để nối lại khoảng cách đó bằng cái ngang bằng trong tình yêu mà Thập giá minh chứng với một sự quảng đại vô bờ bến. Thiên Chúa đến để bắc một nhịp cầu giữa thân phận loài thụ tạo của con người với Ngài, giữa tối tăm của con người với ánh sáng của Ngài bằng cây thập giá. Ngài hướng con người đến tương lai, đến ý nghĩa và cùng đích tối hậu trong sự hiệp thông trọn vẹn với Ngài. Như vậy, Thiên Chúa đã thực sự mở ra một tương lai mới cho con người.

  1. Thập Giá Đức Kitô Biểu Thị Sự Khiêm Hạ Của Thiên Chúa

Thập giá tiên vàn là một vận hành theo chiều hướng đi xuống. Thập giá không phải là hành vi làm hòa của nhân loại dâng lên Thiên Chúa, nhưng là sự diễn tả tình yêu như điên dại của Thiên Chúa, một tình yêu đến độ tự hiến, tự hạ để cứu độ con người.[31] Vì yêu, Thiên Chúa đã đi bước trước để cứu độ chúng ta bằng việc sai Con của Người đến hy sinh làm của lễ đền tội cho chúng ta (1Ga 4,10). Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người (2Cr 5,19). Thiên Chúa đã tự đặt mình làm nơi giao hòa và đón lấy những đau khổ đặt trên Con của Người. Trong Tông Sắc Lòng Chúa Thương Xót, Đức Giáo hoàng Phanxicô viết:

“Trong Đức Giêsu thành Nazareth, Thiên Chúa đã mạc khải cho con người biết về tình yêu của Ngài bằng một cách thế mang tính chung cuộc. Đấng mạc khải về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nhờ vào những lời và những công việc của Ngài, và nhờ vào toàn bộ cuộc hiện sinh của Ngài. Lòng thương xót chính là hành vi cuối cùng và chung cuộc mà với nó, Thiên Chúa sẽ gặp gỡ con người.”[32]

Thập giá mạc khải tột cùng sự yếu đuối của Thiên Chúa. Khi nói đến sự yếu đuối của Thiên Chúa trong Đức Giêsu, thánh Phaolô đã viết: “Sự gì yếu đuối nhất trong loài người chính là điều Thiên Chúa đã chọn.” (1Cr 1,27). Khi nhận thân phận tội nhân, Đức Giêsu cũng cam chịu hình phạt đi kèm, đó là thập giá. Thập giá là chỗ đứng tận cùng yếu đuối, tận cùng thấp hèn của đời làm người, bởi chẳng có ai vui vào đời làm tội nhân, và lìa đời qua thập giá. Yếu đuối vì thế đã không còn là điều có thể hiểu được đối với con người, khi Thiên Chúa đã nhận cho mình hết mọi yếu đuối. Yếu đuối cũng không còn ở tầm hiểu biết của con người, khi Thiên Chúa dùng yếu đuối để tự xóa mình, tự bỏ mình. Mầu nhiệm Thiên Chúa đã trở nên vô cùng vĩ đại, tuyệt đối cao vời trong chính yếu đuối thẳm sâu này. Nói theo ngôn ngữ của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI: Khi chiêm ngắm máng cỏ và thập giá, chúng ta mới hiểu thế nào là “Toàn Năng” hay thế nào là “Chúa của mọi sự.”[33]

Thập giá Đức Kitô mạc khải cho chúng ta biết về một tình yêu vượt khó, vượt khổ là như thế nào. Người Việt Nam có câu: Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Thế nhưng, tình yêu Chúa dành cho con người không chỉ là vượt qua mấy ngọn núi, ngọn đồi hoặc lội qua vài con suối, nhưng Ngài đã đi qua con đường dài bất tận nối trời với đất; Giữa Đấng vô hạn đến với con người hữu hạn; Giữa Đấng ba lần thánh với loài thọ tạo bất tuân và đầy tội lỗi. Thiên Chúa đã đến với con người qua con người. Người không đi trực tiếp như một cú sét ngang trời, hay đến với mỗi người một cách riêng biệt. Trái lại, Người muốn xây dựng lịch sử trong khung trời rộng lớn của cuộc sống, mà nơi đó Đức Giêsu hiện diện để trao yêu thương, để sẻ chia với con người. Chúng ta nhận thấy ở đây, giữa yêu thương và chia sẻ đau khổ chẳng có gì đối nghịch nhau. Chia sẻ đau khổ đích thực không chỉ là một biểu hiện của tình cảm. Nhưng đó là một thứ đồng hóa với nỗi đau của kẻ khác, và như vậy nó là một hành động cơ bản của tình yêu.[34] Người Hy Lạp xưa quan niệm Thiên Chúa thì bất biến, như vậy họ coi Ngài là tinh thần thuần túy, và do đó Ngài không thể cảm giác mà cũng chẳng hề biết đau. Cho nên nhiều người đã đặt ra câu hỏi, vậy Thiên Chúa thật sự ra sao? Về vấn đề này, thần học gia Origenes đã nói một câu thật hay: “Thiên Chúa quả thật không biết đau, nhưng Ngài biết cùng đau.” Nghĩa là Ngài có thể đồng hóa với ta, với những kẻ đau khổ. Quả là hành vi yêu thương lớn lao, khi Thiên Chúa đi vào thân xác con người trong Đức Kitô để đồng hóa với ta và như vậy Ngài đồng hóa ta với Ngài và đưa ta vào trong tình yêu của Ngài. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, nhưng chính sự bất lực trên thập giá mới biểu lộ bản chất đích thực của sự toàn năng nơi Thiên Chúa. Chính sự khiêm nhường của tình yêu đã đem đến cho ta giải pháp: ‘chỉ cần ít quyền năng để phô trương sức mạnh, nhưng lại cần rất nhiều để xóa mình đi’ quyền năng của Thiên Chúa được tỏ lộ ngay trong sự xóa mình đi. Vì tình yêu khiêm nhường nên vẫn trước sau như một, cho dù con người có thay đổi hay bất trung nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta vô điều kiện. Nơi Thiên Chúa cường độ và sự tinh tuyền của tình yêu là bất khả phân.

Ngay từ buổi đầu tạo dựng Thiên Chúa đã liều mình để thấy tình yêu của Ngài bị thất bại. Do cách chối từ tình yêu của con người, Thiên Chúa thấy mình đối mặt với một nhân loại u tối, hụt hẫng, bất hòa. Nào Ngài biết làm gì khác trong hoàn cảnh này, mà chỉ biết tiếp tục yêu, vì Ngài hoàn toàn là tình yêu. Ngài sẽ tiếp tục yêu như vị hôn phu bị tổn thương đến vô cùng tận, do sự phản bội của con người là vị hôn thê của mình, nhưng Ngài vẫn hy vọng rằng sự trung tín của người yêu sẽ làm cho ‘nàng’ quay trở lại. Không một lời, Ngài cứ tiếp tục dâng hiến tình yêu. Ngài sẽ trở nên bức tranh vẽ không thể xóa với đôi tay dang rộng và cạnh sườn bị đâm thủng trên thập giá.

Mầu nhiệm thập giá bắt đầu với cái mỏng dòn diệu vời của Thiên Chúa. Vì yêu và quý trọng tự do của con người nên Ngài đã phục tùng con người. Đấng toàn năng thì vô cùng mỏng dòn, Ngài có thể bị đả thương vô cùng tận, khi người ta biết rằng trong tình yêu, chỉ một chút sơ ý, một chút bất trung đều có thể dẫn đến những vực thẳm. Thiên Chúa cũng như một đứa trẻ vô tội, mà người ta có thể ‘xé nát’ một cách khủng khiếp. Đó là điều mà Clauden đã gặp gỡ được vào buổi tối Giáng sinh năm 1886, ở nhà thờ Notre Dame de Paris, khi ông nhận ra: “Sự vô tội chua xót và sự ngây thơ muôn thuở của Thiên Chúa.”[35] Sự mỏng dòn này là sự khiêm hạ: Thiên Chúa tự hiến thân với đầy kính tôn và vâng phục. Thiên Chúa Đấng Toàn Năng, quả thật đã quy phục từng thiên thần và cho từng người để tự bán mình và làm cho mỗi người đều là Thiên Chúa của Ngài. Để gợi lên điều đó, Ngài sẽ coi mình là tôi tớ cho họ, như Thánh Vịnh 81 đã diễn tả: “Ta đã phán: hết thảy các ngươi đây đều là bậc thần thánh.” Đức khiêm hạ này phát xuất từ sự dồi dào của lòng nhân hậu và của sự cao sang thần thánh, cũng như một cây xanh vươn ra dưới những trái xum xuê ngọt ngào của nó.

Trong sự khiêm hạ của Thiên Chúa, Ngài tiếp tục hiến thân trọn vẹn. Ngài cảm thương cho con người đang bị tan rã và hư mất, Ngài bị thương vong vì tình yêu của Ngài bị từ chối, phủ nhận, dày xéo và phỉ bán. Trước tình cảnh ấy và trong sự thương cảm vô biên đã lôi kéo Đức Giêsu cho đến tận cuộc khổ nạn để trở nên cái đỉnh cao và sự kiện toàn của chính thập giá. Trong sự khiêm hạ, tự do của Thiên Chúa phục tùng tự do của con người; Tình yêu của Thiên Chúa phục tùng tình yêu của con người. Trước khi giang rộng đôi tay trên Thập giá, Đức Giêsu đã thực hiện hành vi tiên tri của hành vi phục tùng ấy. Lúc rửa chân cho các môn đệ, thật sự là lúc mà Thiên Chúa đã quỳ gối xuống trước mặt con người. Qua cử chỉ khiêm hạ này, Đức Giêsu đem lại uy tín cho sự cao cả của con người, Ngài đã muốn một lần cuối, trước khi đi chịu chết, nêu rõ lòng quảng đại vô biên của Thiên Chúa. Ngài đã muốn cho các môn đệ và ngang qua các ông cho tất cả nhân loại nhận ra sự thật về tình yêu, đó là việc hiến tế trên thập giá. Tình yêu bị thương tích của Thiên Chúa, không chỉ tự hiến trong một hành vi cao cả, mà Ngài còn mang trên mình mọi vết thương của con người. Ngài bị những ngọn roi quất trúng vào mình, những ngọn roi của tất cả những chối từ mà nhân loại không ngừng tạo ra để chống lại Thiên Chúa. Đức Giêsu đã bị tước mọi vũ khí, vì tình yêu của Ngài đối với quyền tự do của con người cứ tự hủy hoại một cách điên cuồng. Vượt lên cả cái quỳ gối của Thiên Chúa trước con người, Thiên Chúa đã đưa ra một đối trọng tình yêu để cân bằng mọi bất trung của con người, bởi Ngài chỉ có thể hiệp thông hoàn toàn vào lúc mà các chống cự của con người bị sụp đổ. Chính vì thế, Đức Giêsu trong cái nghèo của Ngài phải gánh vác lấy tất cả những chống đối đó để giải thoát chúng ta, Ngài phải chịu đựng những trận chống đối một cách cuồng loạn của nhân loại ngang qua chiều dài lịch sử. Một lịch sử phải tìm được sự hiệp nhất của nó trong chính Ngài, nhưng sau cùng Đức Giêsu đã phải trở nên đối trọng của tình yêu. Ngài đã chấp nhận bị xé tan nát, mình vấy đầy máu và bị treo trên thập giá để cân bằng mọi phá hoại của con người.

Nếu việc Giáng sinh của Đức Giêsu chưa đủ để nói lên sự nghèo khó của Thiên Chúa, thì thập giá sẽ là dấu chỉ vĩ đại để xác quyết điều đó. Trong Đức Giêsu, chính Thiên Chúa ở trên cây thập giá. Trên đó Ngài biểu lộ sự tuyệt đối của tình yêu, sự trao ban căn bản nhất: Chấp nhận cái chết bởi tình yêu. Tuy nhiên, cái chết này không phải là cái chết của một ông vua hay một nhà thông thái. Ngài bị tước bỏ sự sống của mình, Ngài đã bị lột bỏ quần áo, Ngài không có gì nữa, Ngài không thể là gì nữa. Như thế, còn dấu chỉ nào lớn lao hơn về cái nghèo bằng sự trao ban hoàn toàn tất cả “Ngài Là” đã đem Ngài đến cái chết trên thập giá.[36] Trong ý nghĩa sâu xa ấy, thập giá là sự mạc khải tối thượng của Thiên Chúa, bởi thập giá biểu thị sự khiêm hạ tuyệt đối và lòng quảng đại tuyệt đối của tình yêu và đó là mạc khải tối hậu của con người ngang qua lịch sử. Thập giá kêu gọi con người đến với cái cao cả vô biên của nó, bất chấp mọi tối tăm, chúng sẽ được cân bằng và chiếu sáng bởi Thiên Chúa Tình Yêu. Thập giá biểu chứng tình yêu vượt hết mọi rào cản, vượt mọi sự tàn nhẫn của tội ác của con người. Đó là một tình yêu hạ mình, một tình yêu mà Thiên Chúa là Chúa trời đất đã hiến dâng chính mình để cứu lấy con người đang trên đà hư mất và dẫn con người đến nguồn ơn cứu độ.

  1. Thập Giá Đức Kitô Lời Mời Gọi Sống Đức Tin

Sẽ là thiếu sót nếu đề cập đến thập giá mà quên đi khía cạnh đau khổ hay chỉ dừng lại ở đau khổ, thì thập giá sẽ là một sự yếm thế, một trò chơi ru ngủ mị dân. Một dấu chấm than dài vô tận mà không lời giải đáp và là dấu chấm hết cho mọi nỗ lực của con người mà thôi.[37] Dưới ánh sáng Phục sinh đức tin Kitô giáo không cho phép người Kitô hữu dừng lại ở bóng mờ của thập giá, nhưng phải đắm mình trong mầu nhiệm sâu thẳm ấy để khám phá ý nghĩa đàng sau đó là gì? Ngày nay, nhân loại đang tìm mọi phương cách để đẩy đau khổ ra khỏi thế gian, hoặc phải cố gắng ngăn chặn hoặc đẩy đau khổ ra khỏi đời sống con người càng xa càng tốt. Tuy nhiên, người ta cũng phải thấy rằng, như vậy thì thế giới sẽ hóa ra rất lạnh lẽo, rất khó sống. Bởi lẽ như một điều gì đó cần thiết đau khổ thuộc về hiện sinh của con người.[38] Ai muốn thực sự diệt đau khổ, người đó cũng phải hủy tình yêu; Không có đau khổ thì chẳng có tình yêu, bởi tình yêu luôn đòi hỏi từ bỏ chính mình. Người Kitô hữu nhìn lên thập giá không phải để thấu triệt toàn thể mầu nhiệm khổ đau của con người, nhưng là để học cho biết cách đón nhận và để vượt qua.[39] Thập giá không hệ tại ở sự chồng chất những đau khổ thể xác, nhưng thập giá chính là hy lễ tình yêu, điều đó mới là trọng yếu (Hs 6,6). Chính tình yêu mới mang lấy đau khổ và mang lại ý nghĩa cho đau khổ. Chỉ có tình yêu mới đem lại ý nghĩa và hướng đi cho đau khổ. Văn hào Lev. Tolstoy nói rằng: “Tình yêu biến những điều vô nghĩa của cuộc đời thành những gì có ý nghĩa, làm cho những bất hạnh trở nên hạnh phúc.”[40]

Đức tin Kitô giáo giúp nhận biết Thiên Chúa là ai và chấp nhận những điều Ngài dạy bảo. Đức Kitô đã hiện thực hoá và rao giảng về Nước Trời trong tương quan với Thiên Chúa Cha, Ngài sống một cuộc sống vị tha mà chóp đỉnh là cái chết trên thập giá. Nội dung đức tin Kitô giáo không bắt nguồn từ một hệ thống suy lý thuần túy của con người nhưng được rút ra từ bởi chính lời dạy và lối sống của Đức Giêsu Kitô. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã trao gửi tất cả những gì Ngài muốn nói với con người. Ngôi Lời Nhập Thể đã đến gặp gỡ con người, Người nói với con người bằng ngôn ngữ của họ, để họ có thể lĩnh hội được giáo huấn mà Người muốn truyền đạt. Thiên Chúa ngỏ lời với con người bằng ngôn ngữ mang âm thanh của đời thường, đồng thời Ngài cũng đang nói với họ bằng một thứ “ngôn ngữ không lời”. Theo Hans-Georg Gadamer: Ngôn ngữ là trung gian của kinh nghiệm và là phương tiện để chúng ta hiểu thế giới. Vậy kinh nghiệm đức tin cũng luôn mang chiều kích ngôn ngữ. Nói cách khác, chúng ta luôn cần tới ngôn ngữ để có thể có kinh nghiệm đức tin đích thực, đó là chưa đề cập đến việc phải diễn tả và truyền thông kinh nghiệm đó cho người khác. Vấn đề đặt ra là chúng ta dùng thứ ngôn ngữ nào trong kinh nghiệm của đức tin. Chính ở đây mà chúng ta thấy vai trò thiết yếu của Đức Kitô – Đấng là Ngôi Lời – đối với kinh nghiệm đức tin Kitô giáo.

Ngôn ngữ con người mang tính lịch sử và bị ảnh hưởng – kể cả theo nghĩa xấu, tức bị nhuốm bẩn, trở nên hàm hồ, thô tục, … bởi não trạng văn hoá và các cảnh huống xã hội. Chính Đức Kitô – Lời đích thực, cung cấp cho kinh nghiệm đức tin một ngôn ngữ tinh tuyền, phù hợp và xứng đáng với kinh nghiệm đó. Ngài là ngôn ngữ của Thiên Chúa đã “hoá ra không” (Pl 2,7) để trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14). Ngài là hiện thân cho ngôn ngữ của tương quan liên vị, yêu thương và cho đi. Khi bị treo trên Thập giá Người đã thinh lặng trước những lời thách thức của người Do Thái: “Hỡi ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin” (Mc 15,32). Người đã im lặng trước những câu hỏi tò mò của Hêrôđê cũng như trước lời thẩm vấn vô nghĩa của Philatô: “Sự thật là gì?” (Ga 18,38). Sự thinh lặng của Đức Giêsu trên cây thập giá nhắc chúng ta dừng lại để suy tư về trách nhiệm của ta đối với Chúa và tha nhân, để tìm ra nguyên cớ của đau khổ, cội nguồn của những bất hạnh chính là tội lỗi và sự ích kỷ của con người. Đức Giêsu Kitô trên thập giá, bằng một thứ ngôn ngữ không lời – ngôn ngữ tình yêu, đang mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm một Thiên Chúa đã yêu cho đến cùng (Ga 13,1).

Đức tin Kitô giáo nhất thiết phải được diễn tả, không chỉ trong thần học, tuyên xưng, cử hành và cầu nguyện mà còn trong cuộc sống. Đời sống Kitô hữu được rập khuôn theo lối sống đặc thù của Đức Kitô, Đấng làm người, đã sống trong lịch sử và trở nên mẫu gương cho con người noi theo để được cứu độ. Ngài không chỉ luôn sống vì người khác như bao vị thánh nhân khác trong lịch sử loài người, nhưng còn luôn vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha. Toàn bộ cuộc sống, mọi ý nghĩa và hành vi của Ngài được nuôi sống và thúc đẩy chỉ bởi một động lực duy nhất là thánh ý của Thiên Chúa. Tình yêu thương mà Đức Kitô dành cho nhân loại có nguồn gốc và động lực thần linh, bắt nguồn và tham dự vào tình yêu vĩnh cửu giữa Cha với Ngài. Ðức Kitô Tử nạn và Phục sinh ban năng lực mà Người đã lãnh nhận từ nơi Chúa Cha cho Giáo hội (Ga 15,26; 20,22), để Giáo hội quy tụ những anh em của Ðức Kitô, làm cho họ trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, đồng thừa tự với Ðức Kitô. Giáo hội tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa (Κιριος) và là Thiên Chúa (θεος), đồng thời cũng tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi trong lịch sử cứu độ. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là tình yêu cứu độ, Giáo hội được nâng lên để chiêm ngưỡng Thiên Chúa Ba Ngôi hằng hữu (Trinité éternelle). Tin vào mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Giêsu Kitô, Giáo hội sẽ hiểu tình yêu tự thân của Thiên Chúa phản ánh trong đó.

Ta nhận thấy thế giới tục hoá và đa nguyên tôn giáo ngày nay luôn có một sự căng thẳng giữa “chợ đời” và “sa mạc”. Một đàng con người thích sống hưởng thụ bằng những tiện nghi vật chất, đàng khác trong sâu thẳm của cõi lòng lại luôn khắc khoải tìm kiếm ý nghĩa chung cuộc của đời mình. Trong một xã hội quá ồn ào bởi những âm thanh hỗn tạp, giữa một chợ đời đảo điên quay cuồng, tiếng nói của chân lý có nguy cơ bị lấn át, những cố gắng nên thánh dễ dàng bị bóp nghẹt. Kitô hữu khi tìm cách hoà nhập vào xã hội mà mình đang sống, có nguy cơ bị hoà tan đến nỗi “hạt muối đức tin” trở ra nhạt nhẽo nếu họ quên đi dấu ấn của thập giá trên cuộc sống mình (Mt 5,13). Chính vì vậy, người Kitô hữu được mời gọi nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi cuộc đời, nhận ra Ngài nơi tha nhân trong tương quan tình yêu đích thực.

Kết Luận:

Đi vào suy gẫm tình thương của Thiên Chúa được mạc khải nơi thập giá Đức Giêsu Kitô, thêm một lẫn nữa chúng ta được chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa đã tỏ hiện trong chiều kích lịch sử. Ngài đã đi vào lịch sử nhân loại, tác động trong lịch sử và in vào lịch sử ấy dấu ấn tình yêu. Đã hơn hai ngàn năm qua, thập giá vẫn vươn cao như muốn nối đất với trời, vẫn giang rộng như muốn liên kết mọi loài thọ tạo. Ngôn ngữ của thập giá không ồn ào nhưng nhẹ nhàng lặng thing, không bay bướm nhưng đơn sơ trầm lắng. Ngôn ngữ ấy vừa gợi nhớ vừa gợi thương. Gợi nhớ vì nó giúp ta hướng về một sự kiện trong lịch sử, đó là cái chết của Đức Giêsu thành Nagiarét. Gợi thương, vì đó là bằng chứng hùng hồn về tình yêu bao la của Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại.

Qua thập giá Đức Giêsu Kitô đã thực hiện một tình yêu vượt quá sức hiểu biết của con người, sự trao ban tình yêu cứu độ đạt tới tột đỉnh của sự viên mãn khi Đức Kitô tận hiến chính mình cho nhân loại tội lỗi, “người tình muôn thuở” của Người. Nói như triết gia Martin Buber khi mô tả tình yêu Thiên Chúa bằng một thuộc tính quan trọng, mà ông gọi là: “Kéo ra, lôi ra ngay từ đầu, là bản chất của Thiên Chúa. Kéo ra khỏi những vướng mắc, ra khỏi sự dửng dưng, ra khỏi cô đơn và cô lập.”[41] Để qua đó Thiên Chúa sẽ ban cho đời sống chúng ta một giá trị mới. Nơi thập Giá Đức Giêsu Kitô tiếng nói của tình yêu vẫn đang vang vọng, thúc dục và mời gọi con người hãy trở về với Thiên Chúa để gặp gỡ Ngài. Theo gương Đức Giêsu – Người đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Kế

[1] Thomas P. Rausch, S.J, Đường Dẫn Vào Thần Học, ed. Lm. Lê Công Đức, 175.

[2] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptor Hominis, số 10.

[3] ĐGH. Bênêđictô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est, số 3.

[4] Thánh Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Gaudium Et Spes, số 22.

[5] ĐGH. Bênêđictô XVI, Huấn Từ Phụng Vụ Năm C, 163.

[6] ĐGH. Bênêđictô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est, số 3.

[7] Fuerbach, Các Tác Phẩm Triết Học (Maxcơva, 1955, tập II), 824.

[8] Pseudo Denys, De divinis nominibus – Bàn Về Danh Thiên Chúa, IV, 13; PG 3,712).

[9] ĐGH. Bênêđictô XVI, Huấn Từ Phụng Vụ Năm A, 243.

[10] ĐGH. Bênêđictô XVI, Đức Tin Kitô Gáo Hôm Qua & Hôm Nay, 314.

[11] ĐGH. Bênêđictô XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth, Phần II, 270.

[12] Lm. Augustine Nguyễn Văn Trinh, Kitô Học (Nxb: Tôn Giáo), 191.

[13] ĐGH. Bênêđictô XVI, Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua & Hôm Nay, 314.

[14] Raniero Cantalamessa, Sức Mạnh Của Thập Giá, 29.

[15] ĐGH. Bênêđictô XVI, Huấn Từ Phụng Vụ Năm A, 439.

[16] HĐGMVN, Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, số 604 – 605.

[17] ĐGH. Bênêđictô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est, số 10.

[18] ĐGH. Bênêđictô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est, số 12.

[19] Francois- Xaviê Durrwell, C.Ss.R, Đức Kitô Con Người & Cái Chết, ed. Vũ Văn Thiên (Nxb: Tôn Giáo, 2003), 101.

[20] Herbert MC Kayes OP, Sr. Maria Bolding OSB, Qua Thập Giá Đến Vinh Quang, 181.

[21] CĐ. Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, c. 7: DS 1529.

[22] Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Giáo Trình Mầu Nhiệm Ba Ngôi Như Một Lịch Sử Tình Yêu (ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê, Lưu Hành Nội Bộ), 27.

[23] Trích theo: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Giáo Trình Mầu Nhiệm Ba Ngôi Như Một Lịch Sử Tình Yêu, 58.

[24] Norberto Nguyễn Văn Khanh, OFM, Cuộc Vượt Qua Của Đức Giêsu Kitô (Kitô Học Tập II), 86.

[25] Marc Donze, Tư Tưởng Thần Học, ed., Nguyễn Thị Chung (Nxb: Tôn Giáo, Hà Nội, 2004), 356.

[26] Bruno Forte, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Như Một Lịch Sử, ed., Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung (Nxb: Tôn Giáo), 43-44.

[27] Raniero Cantalamessa, Sức Mạnh của Thập Giá, 161 (cf. Bài giảng về Edekiel 6,6).

[28] Bruno Fort, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Như Một Lịch Sử, 46-47.

[29] Bruno Forte, Tưởng Niệm Đấng Cứu Thế, ed., Lm. Micae Trần Đình Quảng (Nxb: Tôn Giáo), 60-61.

[30] Hans Urs Von Balthasar, Sống Đơn Sơ Theo Tinh Thần Kitô Giáo, ed., Lm. Đặng Xuân Thành (Nxb: Tôn Giáo), 68-72.

[31] ĐGH. Bênêđictô XVI, Đức Tin Kitô Gáo Hôm Qua & Hôm Nay, 304.

[32] ĐGH. Phanxicô, Tông Sắc Lòng Chúa Thương Xót, số 1-2.

[33] ĐGH. Bênêđictô XVI, Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua & Hôm Nay, 152.

[34] Joseph Ratzinger, Thiên Chúa và Trần Thế, ed. Phạm Hồng Lam (Nxb: Tôn Giáo, 2011), 197.

[35] QHQD 107; HJ 112.

[36] Maurice Foumond, Có Gì Mới Về Thiên Chúa, ed. Lm. Phanxicô Assisi Lê Văn Thành, O.cist (Nxb: Tôn Giáo, 2011), 95.

[37] ĐGH. Bênêđictô XVI, Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua & Hôm Nay, 306.

[38] ĐGH. Bênêđictô XVI, Thông Điệp Spe Salvi – Hy Vọng Kitô Giáo, số 36.

[39] Filipe Gómez, SJ, Kitô Học, Thần Học Tín Lý, Cuốn II (Antôn & Đuốc Sáng), 361.

[40] Lời Hay Ý Đẹp, 2000 Câu Danh Ngôn Hay, Nguyễn Xuân Hợp Sưu Tầm & Tuyển Chọn, 15.

[41] cf. ĐGH. Bênêđictô XVI, Thiên Chúa &Trần Thế, 188.