THÁNG HOA – SUY NIỆM VỀ MẸ MARIA THEO TIN MỪNG NGÀY 30: ĐỨC MARIA THUẬN TÌNH VỚI HY SINH CỦA CHÚA GIÊSU

NGÀY 30: ĐỨC MARIA THUẬN TÌNH

VỚI HY SINH CỦA CHÚA GIÊSU

LỜI CHÚA

Lời Chúa trong thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Corintô (2Cr 1, 3-5).

3Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. 4Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. 5Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Ki-tô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi.

SUY NIỆM

Chúng ta nhớ lại cảnh đồi Canvê : Đức Maria đứng dưới chân Thánh giá.

Chúng ta xin ơn hiểu rõ hơn nữa sự cao trọng của Đức Mẹ và vai trò của Người trong việc cứu rỗi chúng ta, để chúng ta càng khâm phục Người hơn và làm tròn mọi bổn phận đối với Người với tất cả lòng biết ơn.

Đức Maria tự thánh hóa khi thuận tình với việc cứu rỗi

Trót cả đời sống Chúa Giêsu là thực thi kế hoạch cao cả, đó là : Chuẩn bị thánh hóa chúng ta bằng giáo lý và gương lành của Người ; chuộc lại chúng ta và biến chúng ta nên các em của Người bằng cái chết của chính Người trên Thập giá. Tuy nhiên, trước khi hoàn tất bề ngoài trên đồi Canvê, hy sinh đó đã được dâng hiến bề trong nơi tâm hồn của lễ vật. Thánh Phaolô xác định thời khắc trọng đại của việc dâng tiến đó vào chính lúc khởi đầu cuộc sống “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể” (Dt 10, 5…) ; chúng ta phỏng đoán việc dâng tiến đó được tái diễn trong nghi thức Dâng Mình vào Đền thờ. Vậy mà sách Tin Mừng cho ta thấy Đức Maria có mặt trong hai thời khắc dâng tiến nội tâm, cũng như có mặt trong giây phút hoàn tất hy sinh. Mà Đức Maria không chỉ là nhân chứng suông ; bằng một sự thuận tình lạ lùng, Mẹ đã tham gia vào chính việc dâng tiến và nhận làm Mẹ Đấng Cứu Thế ; chính Mẹ mang ẵm Chúa Giêsu vào Đền Thờ ; và có bao giờ có ai hồ nghi người Mẹ vô song này chỉ đứng bên Con chịu thập hình, không những để cùng chết với Con, mà cả để xác nhận chính sinh hy của Con nữa ?

Hỏi có hành vi nào có giá trị hơn thế trước mặt Thiên Chúa không ? Đức Maria càng mật thiết liên kết vào việc cứu loài người, thì Mẹ càng được hưởng trọn vẹn những công trạng của Đấng Cứu Thế và ơn ích bởi đó.

Yêu mến và bắt chước, cũng có thể xích ta lại gần Chúa Cứu Thế. Theo mức độ ta kết hợp với Người, Người thông cho ta những kho báu vô tận Người đã sở đắc nhờ chịu Khổ nạn.

Nhờ sự thuận tình đó, Đức Maria trở thành Mẹ ta

Sự thuận của Đức Maria không những làm cho Mẹ được đầy công trạng, mà còn làm cho Mẹ dự phần vào sự phong phú của Lễ Tế, cũng như dự phần vào chính Lễ Tế.  Như Đức Giêsu sinh hạ ta từ trái tim Người bị đâm thâu, Mẹ Maria cũng sinh hạ ta “từ một trái tim bị xé nát do một đau sầu vô hạn” (Bôtxuyê). Đức Maria trở thành Evà mới, Mẹ của mọi người sống, bởi vì sự ưng thuận của Mẹ góp phần sinh lại tất cả. Từ đây, Đức Maria có được những đứa con là tất cả chúng ta đây.

Đức Maria là Mẹ ta ! Ôi ! Chúng ta hãy hiểu cho được là Mẹ yêu ta và đau khổ cho ta, thì ta được liên kết với Người bằng một tâm tình yêu mến thánh thiện.

Lạy Mẹ sầu bi đứng bên Thánh giá, con thấy rõ thái độ dũng cảm của Mẹ trong giờ phút Con của Mẹ hiến tế cứu độ. Chính sự thuận tình của Mẹ lúc đó đã góp phần quan trọng hoàn tất việc Cứu Thế, nên Mẹ thật là Đấng góp phần tính cực vào cuộc Cứu Thế. Con trọn đời ghi ơn Mẹ. Con hân hạnh được có Mẹ làm Mẹ. Xin Mẹ giúp con càng hiểu công ơn Mẹ, càng yêu mến Mẹ và cậy trông Mẹ nhiều hơn. Đặc biệt xin cho con biết tôn kính suy niệm các sự Thương Khó của Mẹ.  Xin Mẹ nhậm lời con. Amen.

Nguồn: Lm. Phêrô Lê Duy Lượng