THÁNG HOA – SUY NIỆM VỀ MẸ MARIA THEO TIN MỪNG NGÀY 24: ĐỜI SỐNG ẨN DẬT CỦA CHÚA GIÊSU

NGÀY 24: ĐỜI SỐNG ẨN DẬT CỦA CHÚA GIÊSU

LỜI CHÚA

Tin mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca. (Lc 2, 51-52).

“Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.”

Chúng ta hình dung ngôi nhà đơn mọn, nơi đây, Con Thiên Chúa làm người cho ta cảnh tượng có một không hai, là vâng phục thánh Giuse và Đức Maria. Ta xin ơn chia sẻ những tâm tình của Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

SUY NIỆM

Đức Maria sai bảo Chúa Giêsu

Ở đây có hai sự lạ buộc ta chú ý : Sự vâng lời của Chúa Giêsu và sự sai bảo của Đức Mẹ.

  • Sự vâng lời của Chúa Giêsu.

Đấng khôn ngoan và quyền phép vô cùng, lại không cho là bất xứng với mình, khi hoàn toàn vâng phục một thụ tạo trong mọi sự. Chúa Giêsu chấp nhận trải qua hết mọi giai đoạn của đời người, ở vào những trạng thái khác nhau, với mọi hậu quả của nó. Là con thì phải vâng lời cha mẹ : Người là Con, Người muốn vâng lời Mẹ Maria.

Thật là gương sáng hùng hồn cho chúng ta: Vâng lời bề trên hợp thức, không có gì làm ta ra hèn hạ; gương vâng phục nơi Chúa Giêsu giúp chúng ta vượt thắng những chống đối đến từ lòng tính tự ái và phô trương. Chúng ta hãy học với Chúa mà vâng phục.

  • Quyền sai bảo của Mẹ Maria.

Hỏi có công việc nào tế nhị hơn, là điều khiển chính Đấng mà mình phải thờ phượng ? Ý thức về sự thấp hèn của mình, làm cho Đức Maria, mỗi lần sai bảo, phải lúng túng không kể xiết. Đối với Đức Mẹ, sai khiến đúng, là tập ở khiêm nhường. Đức Mẹ làm thế nào mà chu toàn được cách hoàn hảo một bổn phận khó khăn như vậy?

Đó là nhờ Mẹ ý thức rõ ràng về quyền bính mà Thiên Chúa đã trao và về bổn phận của mình là phải thi  hành quyền bính đó.

Đó là nhờ cách thể của Mẹ sai bảo hết sức đơn sơ nhẹ nhàng.

Đó là nhờ quan điểm của Mẹ hoàn toàn trong trắng, tránh xa mọi ý muốn làm vừa lòng mình, hoặc mưu lợi ích cho riêng mình.

Những bậc bề trên theo ý Chúa, phải có những tâm tình như vậy. Không ai tự mình mà có quyền sai bảo người khác: quyền bính từ Thiên Chúa mà đến. Nó được trao cho con người, không vì công trạng người đó, nhưng là để phục vụ lợi ích người dưới và lợi ích chung. Khoác quyền bính vào mình như khoác chiếc áo, và được cho mượn nó một thời, người bề trên phải chỉ sử dụng nó, không tự cao tự đại, cũng không được rụt rè e ngại, chỉ nhằm làm đẹp lòng Thiên Chúa là Đấng trao quyền. Một bề trên tốt còn năng gặp được cơ hội để tự hổ thẹn với mình, khi thấy rằng mình đang sai bảo những con người có khi còn xứng đáng hơn mình nhiều! Đó là nhiệm vụ quyền bính công cũng như tư. Hiểu như thế, thì quyền bính kiện toàn đức khiêm nhường.

Đức Maria nhìn ngắm Chúa Giêsu

Đặc ân mà Đức Maria có được thật là cao trọng biết bao, vì được sống thân mật hết sức với Đấng cứu độ thế giới. Vốn các sách Tin Mừng không cho ta biết Đức Mẹ đã cảm thấy những gì trong tâm hồn mình. Nhưng liệu ta có thể hồ nghi là Mẹ đã không được yên ủi bên Chúa Giêsu và hăm hở noi gương nhân đức của Con Thiên Chúa sao? Mẹ vốn chăm chú tích giữ mọi lời đã được nói về Chúa Giêsu, thì Mẹ càng cẩn thận hơn biết bao để ghi nhớ chính những lời của Chúa! Những việc làm nhỏ mọn nhất của Đấng là Mẫu mực hoàn hảo, cũng ghi dấu ấn thật sâu đậm trong tâm hồn Mẹ. Những hành động hoàn hảo đó trở thành khuân mẫu cho sự noi gương bắt chước. Vì thế đức Maria sung sướng biết bao và học được nhiều bài học bổ ích biết bao, khi đước gần gũi với Chúa trong chừng ấy năm!

 Phần chúng ta, chúng ta không có được diễm phúc đó. Tuy nhiên, việc chăm chú suy niệm về Chúa Giêsu là một nguồn ánh sáng và thánh hóa. Suy niệm về Chúa để tự rèn luyện nên giống Người. Liệu khi nguyện ngắm, chúng ta có làm như vậy không ? khi ta uể oải, ươn lười, không phải là do chúng ta không đói khát Chúa Giêsu đó sao? Các thánh, các người nhân đức nhắc nhở chúng ta nhớ đến Chúa Giêsu ở một vài nhân đức của Người. Sao ta không thử làm như các thánh và những người nhân đức đó?

Đức Maria được Chúa Giêsu yêu mến và phục vụ

Lẽ nào chúng ta hồ nghi điều đó? Chúa Giêsu là Thiên Chúa, thì Người chính là tác giả lập ra điều răn thứ tư. Vậy chính Người phải là Người con hiếu thảo số một. Biết Người có một lòng yêu mến biết ơn tế nhị dường nào đối với cha mẹ Người. Hẳn là Người không để cho lòng yêu mến đó gây trở ngại cho sứ mạng công cộng của Người. Nhưng một khi sứ mạng đó an toàn, thì Người là người con hiếu thảo nhất.

Trong vấn đề này, chúng ta hãy coi chừng kẻo lây nhiễm phải một thứ linh đạo độc ác, không thừa nhận những bổn phận lòng hiếu thảo của Chúa Giêsu đối với cha mẹ Người. Thật ra nhiều khi những dáng dấp sùng đạo bề ngoài có thể che giấu những tính toán ích kỷ. Tình yêu chân chính đối với cha mẹ không gây trở ngại cho những hy sinh quảng đại mà vinh quang Chúa đòi hỏi. Chúng ta hãy biết yêu mến cha mẹ, tận tình phục vụ các ngài trong chừng mực có thể.

Lạy Mẹ Maria, cuộc đời ẩn dật của Chúa Giêsu cho chúng con biết bao bài học quý giá. Trong bài suy niệm hôm nay, chúng con đã thấy diễm phúc của Mẹ, được quyền  sai bảo Con Thiên Chúa, nhưng Mẹ đã sử dụng quyền đó một cách đáng nêu gương cho mọi kẻ nắm quyền. Tuy nhiên, diễm phúc lớn nhất Mẹ được là hằng ngày suốt trong ba chục năm trường, Mẹ có được Chúa Giêsu trong lòng, rồi trên cánh tay, rồi trước mắt Mẹ. Phần chúng con, đâu có được như vậy, nhưng chúng con cũng được có Chúa ngự trong tâm hồn và có Chúa đồng hành trong cuộc sống. Thế nên, hôm nay, chúng con xin Mẹ giúp chúng con biết quý trọngviệc được có Chúa trong linh hồn đó, biết sống mật thiết với Chúa, biết tin cậy nơi Chúa.. Xin Mẹ cho chúng con luôn biết tôn kính cậy trông Mẹ, nhất là khi đã lỡ bỏ mất Chúv. Amen..

Nguồn: Lm. Phêrô Lê Duy Lượng