NGÀY 18: CỤ GIÀ SI–MÊ-ÔN TIÊN BÁO
(Tiếp theo)
LỜI CHÚA
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 2, 24-35).
34Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; 35và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”
SUY NIỆM
Chúng ta đặc biệt chú ý tới câu: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà!”. Trước tiên, ta nhớ lại những lời cụ nói về Trẻ Giêsu, trước mặt Đức Maria Mẹ Người: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên.” Rồi, nhìn chăm chăm vào Đức Maria, cụ nói tiếp: “Còn bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà,” “như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra”.
Tại sao cụ già Simêôn chỉ nói với Đức Maria?
Mới nhìn, ta thấy hơi lạ là cụ già Simêon, sau khi ca tụng đôi bạn thánh thiện, đã không dành phần cuối câu chuyện cho cả hai người. Tin Mừng nói rất rõ: “Và cụ nói cùng Maria Mẹ Ngài…” Nào chúng ta không thể nhận ra nơi đây một bản năng tiên tri, mở cho thấy một áp dụng mới cho một luật thường hằng sao? Giuse có mặt ở đây chỉ là để bảo toàn danh dự cho Đức Maria và che chở Chúa Giêsu. Ông không thể làm lu mờ Thiên Chúa hay Mẹ của Thiên Chúa. Chính vì thế mà các mục đồng và sau này các đạo sĩ chỉ gặp thấy Trẻ Giêsu và Mẹ Người mà thôi. Và tại sao cụ già chỉ ngỏ lời với Đức Mẹ? Vì chỉ mình Mẹ còn sống sau khi cuộc đời ẩn dật của Chúa Giêsu kết thúc và chỉ mình Mẹ chứng kiến lời tiên báo cắt ruột kia ứng nghiệm.
Chúng ta khâm phục phong cách chừng mực của Tin Mừng, chuẩn bị cách dịu dàng tâm trí người ta đi đến chỗ hiểu biết mối tương quan Mẹ con giữa Chúa Giêsu và Đức Maria. Chúng ta cũng thấy rõ hơn sự cao trọng vô song của Đức Mẹ, không ngừng được nhắc lên với Con thần linh của người. Một lần nữa, Thánh Giuse cho ta gương khiêm nhường lạ lùng, tự dấu mặt để vai trò của Chúa Giêsu và Mẹ Người nổi bật.
Nhân đây, chúng ta hãy tự hỏi : Mỗi khi làm một việc tốt, việc lành, liệu chúng ta có tránh tìm kiếm bản thân và chỉ vì một mình Chúa không? Nếu chỉvì Chúa Giêsu, thì lòng ta không xôn xao, không ghen tuông gì. Khi đó chúng ta chỉ cố lo sao cho việc tốt được thực hiện, mà không cần để ý tới chỗ nó được làm cho ta hay không. Trong công ăn việc làm, việc bổn phận hàng ngày, ta không lánh nặng tìm nhẹ, không chọn những việc có thể được người ta ca tụng, mà chọn những việc có ích cho cộng đoàn và có lợi cho các linh hồn.
Nỗi đau báo trước cho Đức Maria
“Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”. Còn hình tượng nào diễn cảm hơn để báo trước một đau thương to lớn đến thế ? Những lời tiên báo đó sẽ ứng nghiệm trong suốt cuộc đời Chúa Giêsu, một cuộc đời liên lỉ bị từ chối; và tột đỉnh của lời tiên báo là Núi Sọ. Chúng ta hãy nghĩ đến tất cả sự đồng cảm của người Mẹ. Rồi chúng ta nghĩ đến tất cả sự đáng yêu đáng mến của Chúa Giêsu, đến bao nhiêu khổ đau Người phải chịu. Ta đặt kề bên con Người đau thương đó, chính Mẹ Người. Ôi! Ta mới nghĩ đến mà còn thấy đau nhói trong tim, huống nữa là Đức Maria. Ôi! Lưỡi gươm đâm thấu con tim Mẹ sắc nhọn chừng nào!
Chúng ta tự hỏi : Đến bao giờ thì chúng ta hiểu được sự bao la của một nỗi đau như vậy ? Vậy mà lẽ ra chúng ta phải chia sẻ nỗi đau ấy ! Ít ra, lúc này đây, chúng ta dừng lại để thực hiện việc chia sẽ đó. Chúng ta hãy khóc lóc ăn năn vì những hờ hững thiếu sót của chúng ta, khi chúng ta thinh lặng, không lên tiếng bênh vực Chúa Giêsu… Chúng ta hãy hứa từ đây trung thành trọn vẹn với Chúa luôn mãi. Xin Đức Mẹ, vì những đau khổ Mẹ đã phải chịu, cầu giúp cho chúng ta.
Sứ mạng dành cho Đức Maria.
Đức Maria đau khổ với Chúa Giêsu và vì Chúa Giêsu. Nào việc cùng chịu đau khổ như vậy không phải là một việc có ý nghĩa cao nhất sao? Nào như thế không phải là đồng ý với điều mà thánh Ephrem tiến sĩ ở thế kỷ thứ 6 đã tuyên bố khi Người nói Đức Maria là trung gian cầu bầu cho thế giới đó sao ? Nào Tin Mừng đã không có dụng ý khi phối hợp hai thứ đau khổ làm một sao? Nếu chỉ có công trạng Chúa Giêsu mới cứu chuộc chúng ta, thì chẳng phải là những đau khổ của Đức Maria, được thánh hóa bởi công trạng của Con Người, lại có giá trị đem công trạng Chúa áp dụng cho chúng ta đó sao? Và phải chăng những đau khổ của Đức Maria không hoàn thành công cuộc cứu độ chúng ta, bằng cách làm cho chúng ta hoàn toàn dễ dàng tin tưởng hơn đó sao ? Đau khổ của các thánh, kết hợp với đau khổ của Đấng Cứu Thế, đã góp phần cứu nhiều người. Đức Maria, noi gương Con Người, đã dâng những đau khổ Người chịu cho toàn nhân loại, thì Người góp phần cứu toàn nhân loại.
Đến lượt chúng ta, chúng ta hãy quãng đại chấp nhận, cả cho bản thân ta, cả cho muôn người khác, những thử thách khổ đau mà Chúa muốn dành cho chúng ta. Chúng ta hãy cậy nhờ vai trò trung gian cầu bầu của Đức Maria bên cạnh Con của Mẹ.
Lạy Mẹ Maria rất dịu hiền, câu nói của cụ già Ximêong cách đây đã hơn hai mươi thế kỷ, nhưng chúng con nghe như còn vang vọng đâu đây, và như trên một màn hình,chúng con thấy lưỡi gươm đang cắm phập vào trái tim Mẹ. Hình tượng đó nhắc chúng con nhớ ; Mẹ đã đau khổ nhiều với Đức Giêsu Cứu Thế cho việc cứu độ chúng con. chúng con hết lòng cám ơn Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng con là những kitô hữu biết vui lòng chấp nhận mọi khổ đau trong cuộc sống hằng ngày, kết hợp với khổ đau của Chúa như Mẹ đã làm, để việc chịu khổ đau của chúng con có được ý nghĩa và giá trị cứu độ. Chúng con cũng xin Mẹ giúp chúng con biết siêng năng lần hạt, lần hạt có suy ngắm các mầu nhiệm, để càng thấm thía công ơn Chúa và Mẹ, càng biết hy sinh để góp phần cứu rỗi các linh hồn. Lạy Mẹ, xin nhậm lời con. Amen.
Nguồn: Lm. Phêrô Lê Duy Lượng
BÀI VIẾT LIÊN QUAN