THÁNG HOA – SUY NIỆM VỀ MẸ MARIA THEO TIN MỪNG NGÀY 11: NHỮNG TÃ LÓT NGHÈO NÀN CỦA CHÚA GIÊSU

NGÀY 11: NHỮNG TÃ LÓT NGHÈO NÀN CỦA CHÚA GIÊSU

LỜI CHÚA 

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 2, 1-7)

      1Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô  ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. 2Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. 3Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. 4Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. 5Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. 6Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. 7Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà  không tìm được chỗ trong nhà trọ.

SUY NIỆM

Chúng ta tiếp tục hình dung cảnh hang đá Bêlem, nơi Đấng Cứu Thế sinh ra. Nhờ lời cầu bàu của Đức Mẹ, chúng ta cầu xin Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu được bài học hôm nay.

Những chiếc tã lót

Chúng ta hãy hình dung Đức Trinh Nữ đang lấy tã vấn bọc thân thể non nớt của Con Thiên Chúa. Mẹ làm việc đó cách cẩn thận, cung kính, kỹ càng và yêu đương biết bao ! Thân mình đang run rẩy trong đêm giá buốt đó, chính tự lòng Mẹ mà ra, chính bàn tay Mẹ phải vấn bọc thân thể đó trong tã lót.

Mọi hành vi của việc phụng tự bề ngoài là như những tã lót mà ở đời này chúng ta vấn bọc Thân mình Chúa Giêsu. Chúng ta hãy chú ý vấn bọc Người với cõi lòng yêu mến.

Tã lót là đồ mặc khiêm tốn và yếu hèn. Tã lót cho thấy có một sự thiếu thốn cần che chở, một sự xấu hổ cần bao bọc. Đấng hoàn toàn vô tội và vô cùng mạnh mẽ đã vui nhận những tã lót đó vì chúng ta.

Dấu chỉ sự khó nghèo

Tã lót, thì con vua hay con người ăn mày cũng dùng đến. Tuy nhiên, những khác biệt về xã hội đã lộ rõ ngay khi còn trong nôi. Chúa Giêsu đã chọn loại tã lót nào ? Tã lót của người nghèo. Tại sao ? Người muốn bằng cử chỉ đó, cho người ta thấy ơn cứu độ là cho hết mọi người và tình thương của Người cũng dành cho hết mọi hạng người. Người nghèo không bị loại bỏ. Sau này, thế giới sẽ hiểu rằng người nghèo lại là lớp người được ưu ái. Tại sao nữa ? Người muốn cho thấy Nguời coi khinh sự sang trọng bề ngoài của loài người.

Chúng ta cũng vậy. Trong khi giữ những điều phải lẽ hợp với đấng bậc, ta hãy tập coi khinh những sự sang trọng phù phiếm, và đừng đánh giá cái gì theo dáng vẻ bề ngoài.

Sự giàu có dành cho chúng ta trong sự nghèo nàn

“Tuy là Đấng giàu có vô cùng, Chúa Cứu Thế đã tự làm mình nên túng thiếu, để làm anh em nên giàu có bằng sự túng thiếu của Người”. Câu nói tuyệt vời đó của thánh Phaolô (2Cr 8,9), cho chúng ta thấy sự trao đổi lạ lùng mà Trời Cao đề ra cho Trái đất, Thiên Chúa toàn năng đề ra cho thụ tạo của mình.

Chúng ta hãy bày tỏ với Chúa lòng biết ơn của chúng ta. Nhất là chúng ta đừng ngại chấp nhận những gì Người đề xuất. Đừng dè sẻn mặc cả với Thiên Chúa. Hãy sẵn sàng chấp nhận tất cả. Và trước cảnh những tã lót nghèo nàn Người tự bọc thân Người, chúng ta hãy tình nguyện noi gương Người bằng sự bỏ mình bề trong, hoặc, nếu Người muốn, cả bằng sự khó nghèo thật sự vì nhu cầu bắt buộc, hay vì tự nguyện chọn lấy.

Trong hết mọi thụ tạo, Đức Maria đúng là người hơn ai hết đã hưởng được sự giàu có trong sự túng cực của Thiên Chúa. Không ai bắt chước Đấng Cứu Thế cho bằng Mẹ. Chúng ta hãy ca ngợi sự khôn ngoan của Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, chúng con thường thích giàu sang, no đủ, ăn ngon, mặc đẹp. Chúng con sợ túng thiếu, đói nghèo. Thậm chí, chúng con khinh chê, hất hủi những anh chị em chúng con đang lâm phải cảnh nghèo khổ. Hôm nay, ngắm cảnh Con Thiên Chúa từ lòng Mẹ sinh ra cam chịu cảnh cơ hàn, chịu để Mẹ vấn trong tã lót nghèo nàn. Chúng con thấy hổ thẹn biết bao ! Xin Mẹ giúp chúng con tu chỉnh lại thái độ đối với giàu sang và khó nghèo, cho chúng con hiểu rằng giá trị con người không ở lối giàu sang bề ngoài, mà ở những nhân đức bề trong, đặc biệt ở một tâm hồn biết giữ không để mình bị ràng buộc bởi vật chất, bị chi phối bởi tiền tài. Xin cho chúng con biết thích sống đạm bạc, thanh thản và luôn tôn trọng, giúp đỡ anh chị em nghèo khó. Amen.

Nguồn: Lm. Phêrô Lê Duy Lượng