THÁNG HOA – SUY NIỆM VỀ MẸ MARIA THEO TIN MỪNG

NGÀY KHAI MẠC

SUY NIỆM VỀ MẸ MARIA THEO TIN MỪNG

Tôn sùng Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và của chúng ta, là một việc chính đáng, được Giáo Hội cổ vũ khuyến khích. Tuy nhiên qua các thời kỳ lịch sử, lòng tôn sùng đó đã được diễn đạt dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó, có những hình thức phải nói là không còn thích hợp nữa. Công Đồng Vaticăng II đã thấy cần nhắc nhở con cái mình phải hiểu và thể hiện lòng tôn sùng đó như thế nào. Tiếp đó Đức Phaolô VI, trong Tông huấn ngày 2/2/1974 về việc tôn sùng Đức Maria, đã nhắc lại quan điểm của Công Đồng và lưu ý rằng : Việc tôn sùng Mẹ Maria phải dựa vào Kinh Thánh và phải làm bật nổi Chúa Ba Ngôi và Đức Kitô. Như thế việc tôn sùng Đức Mẹ trong tháng của Người, cũng cần đựoc điều chỉnh lại.

Vậy chúng ta phải làm việc tháng Đức Mẹ như thế nào, để nhờ đó chúng ta nên giống Đức Mẹ hơn và do đó đẹp lòng Chúa hơn. Tốt nhất, chúng ta sẽ dùng cả tháng này để suy niệm về Đức Mẹ như được mô tả trong các sách Tin Mừng. Các sách Tin Mừng nói về Đức Maria thật ít. Nhưng những điều ít ỏi Tin Mừng nói về Đức Mẹ đó là những điều chắc chắn về cuộc đời của Người, gắn liền với cụôc đời và sứ mạng Cứu Độ của Con của Người. Cho nên suy ngẫm về Đức Mẹ theo Tin Mừng, cũng là suy ngẫm về Chúa Giêsu. Như thánh Phaolô, Đức Maria có quyền bảo chúng ta : “Các con hãy noi gương Mẹ, như Mẹ noi gương Chúa Kitô”.

Vậy mỗi ngày trong tháng này, chúng ta sẽ nghe một đoạn Tin Mừng nói về Đức Mẹ ; sau đó chúng ta hình dung lại trong trí thái độ, lời nói việc làm của Đức Mẹ, để thấy nhân đức của Người, từ đó chúng ta sẽ rút ra những bài học cho cuộc đời cụ thể chúng ta đang sống. Một câu chuyện sẽ được kể nhằm minh hoạ những ý đã suy, khắc sâu bài học đã đón nhận. Sau hết chúng ta cầu xin ơn Chúa, nhờ sự cầu bầu của Đức Mẹ.

Hôm nay ngày vào tháng Mẹ, chúng ta suy nghĩ về hai điểm này:

  • Tại sao tôi làm việc tháng kính Đức Mẹ ?
  • Tôi phải làm việc đó thế nào ?

Tại sao tôi làm việc tháng kính Đức Mẹ?

  1. Trước hết tôi là con cái của Giáo Hội, thì tôi phải sống hợp tinh thần của Giáo Hội và làm theo lời dạy của Giáo Hội. Đó đây, khắp nơi xa gần, chuông trống đổ hồi kêu mời giáo hữu đến nhà thờ khai mạc tháng kính Mẹ, bàn thờ Mẹ được trang hoàng đẹp hơn, giáo dân người thì dâng hoa tươi, người thì dâng dầu đèn nến sáp, các em chuẩn bị ca vãn, Cha xứ động viên lòng sốt sắng con cái… Phải. Giáo Hội thúc giục tôi sốt sắng dâng Tháng Năm này kính Đức Mẹ.
  2. Tôi biết rõ tôi mắc nợ nhiều với Đức Mẹ. Đức Mẹ đã cầu bầu cho tôi vô vàn ơn lành: Ơn chung, ơn riêng. Tôi muốn dùng tháng này để bày tỏ lòng tôi biết ơn Mẹ.
  3. Tôi thiếu thốn nhiều. Tôi cần nhiều điều, cho tôi, cho gia đình tôi, cho tổ quốc tôi, Giáo Hội tôi… Tôi cần được Đức Mẹ giúp đỡ. Tôi muốn nhờ làm việc tháng này, mà được Đức Mẹ thương giúp hơn.
  4. Tôi muốn tiến tới trên đường lành, tôi muốn chừa bỏ tội lỗi, nên người nhân đức. Nếu tôi làm việc tháng Mẹ sốt sắng, tôi sẽ được sức mạnh để thành công.

Tôi phải làm việc tháng Mẹ thế nào ?

  1. Để bày tỏ lòng tôn kính Mẹ, tôi phải làm một việc lành đặc biệt nào đó. Muốn thế tôi phải hy sinh một ít vì mến Mẹ. Tôi sẽ không hề bỏ việc đó. Tôi không thể làm nhiều việc, tôi sẽ làm ít, nhưng không bao giờ bỏ. Thí dụ tôi sẽ lần mỗi ngày 5 chục hạt, hoặc ít ra đọc 3 kinh Kính mừng và kinh Hãy Nhớ.
  2. Ngoài việc đó. Tôi sẽ chủ ý dâng hy sinh vì lòng mến Mẹ. Lòng yêu bao giờ cũng được và phải được chứng minh bằng hy sinh vì người yêu.
  3. Tôi còn phải luôn luôn tỏ ra có lòng cậy trông Mẹ. Cho nên tôi sẽ chăm chú cầu xin ơn Mẹ.
  4. Sau hết điều Mẹ ưa thích nhất, là tôi nhờ tháng này mà noi gương bắt chước Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, con được học biết mến Mẹ từ thơ dại. Con muốn dâng mẹ trọn tháng này, để cùng với bao ngưòi con cái Mẹ, nhờ Tin Mừng mà hiểu biết Mẹ hơn. Con muốn nhờ tháng này, dựng cao lên hình ảnh Mẹ trong cuộc đời gian lao của con, để Mẹ sẽ là khởi điểm mọi nẻo đường đời con. Nhờ đó, đời con an toàn đạt tới bến bờ Vĩnh phúc. Lạy Mẹ, xin nhận lời con. Amen.

 

NGÀY 1: THIÊN THẦN CHÀO KÍNH ĐỨC TRINH NỮ

LỜI CHÚA

Tin mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 1, 26-33).

       26Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà .” 29Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

SUY NIỆM

Như chúng ta thấy, thiên thần mở đầu bằng lời chào kính Đức Maria. Hôm nay chúng ta dừng lại ở lời chào đó: Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Chúng ta hãy hình dung xóm nhỏ Na-da-rét  và ngôi nhà thanh bạch, nơi xảy ra cuộc tiếp xúc giữa Đức Maria với vị đặc sứ từ trời đến. Đây đã đến thời điểm Thiên Chúa định, để khởi đầu công cuộc cứu chuộc loài người. Thiên Chúa cử một trong các tổng lãnh thiên thần trực tiếp đến với Trinh nữ Maria, để trình bày ý định của Thiên Chúa, đề nghị Trinh nữ làm Mẹ Ngôi Lời sắp nhập thể. Chúng ta xin ơn biết suy ngắm những nhân đức của Mẹ chúng ta.

Lời khen ngợi của người đời

Chúng ta lần lượt tìm hiểu ý nghĩa tiếng khen, sự ca tụng, tính chất hão huyền của chúng và từ đó rút ra kết luận về việc khen chê ở đời này.

Ý nghĩa: Việc ở đời, người ta ca tụng, khen ngợi nhau, không phải là điều vô ích: Nó khích lệ cố gắng, bù đắp những hy sinh, bày tỏ mối thiện cảm, làm người ta xích lại gần nhau. Nhưng cho được như thế, lời khen ngợi, việc ca khen phải thành tâm và xứng đáng.

Hão huyền: Tuy có thể có ích như những sự lành khác, lời khen ngợi cũng là một trong những sự hư vô huyền hoặc ở đời này. Cho nên ta không nên để mình bị nó nô dịch. Tại sao? Vì nhiều lúc người ta khen vì giả hình, phỉnh phờ, khen mà thật ra là nhạo, hoặc khen vì người khen có lợi, hay khen mà người được khen không đáng khen. Vì thế những bậc thánh nhân, nhà thông thái thường lấy làm hổ thẹn khi thấy người ta khen ngợi mình : Các thánh thì vì thấy rõ mình có nhiều khuyết điểm ; nhà thông thái thì biết mình còn dốt nát nhiều mặt. Thậm chí nhiều lúc lẽ ra phải lên án, người ta lại khen tội ác, nết hư. Hơn nữa, ngay cả lúc người được khen không có những khuyết điểm, lời khen ngợi ở đời cũng hão huyền, vì nó mong manh quá. Người khen chóng đổi ý, nay khen mai chê.

Kết luận:

Vậy thái độ chúng ta phải có đối với lời khen ở đời là:

*  Khi khen ai, chúng ta phải thẳng thắn chân thành và đúng mức. Thẳng thắn nghĩa là vì một chủ ý trung thực. Chân thành nghĩa là miệng ta, lòng ta cũng phải khen. Đúng mức nghĩa là vừa, không quá lời, không xu nịnh.

*  Ta đừng bao giờ đi tìm tiếng khen, đừng làm cách nọ cách kia để người ta khen. Khi ai khen ta, ta hãy đơn sơ đón nhận, vì đó là dấu chỉ của mối thiện cảm. Nhưng chú ý đừng dừng lại nơi đó, tốt nhất là lợi dụng sự tín nhiệm của người ta để mưu ích cho kẻ khác hoặc cho công ích.

Lời khen của Thiên thần

Lời khen của thiên thần thì khác xa biết bao. Lời khen này xuất phát từ đâu? Từ chính Thiên Chúa khôn ngoan và thông minh vô cùng, mà thiên thần chỉ là người phát ngôn. Thiên thần khen nhưng chính là Thiên Chúa khen. Vậy Thiên Chúa khen Đức Maria thế nào ? “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Quý hóa biết bao: Đức Mẹ được đầy ơn Chúa, tức là được đầy Chúa, được Chúa ở cùng. Chính Đức Mẹ cũng ý thức rõ điều đó và thực tế cho đến nay, và đến muôn đời, lời khen đó vẫn còn vang vọng mãi.

Phần chúng ta, khi lĩnh bí tích thánh tẩy, chúng ta cũng được diễm phúc có Chúa ở trong linh hồn, được Chúa ở cùng. Nhưng chúng ta cần chú ý gìn giữ, bảo vệ và phát huy ơn đặc biệt đó, đặc biệt là xa lánh tội nặng là cái xua đuổi Chúa khỏi lòng ta. Chúng ta hãy noi gương và mượn lời thiên thần Ga-bri-en mà ca ngợi Đức Mẹ.

Đức Mẹ bối rối

Tin Mừng nói: “Nghe lời ấy, Bà rất bối rối”. Đức Mẹ bối rối không vì thấy thiên thần. Người bối rối vì khiêm tốn. Đức Giám mục Bốt-xuy-ê nói : “Đức Maria bối rối, vì Người sống ẩn dật, cho mình là nhỏ bé hèn mọn, không hề nghĩ đến chuyện một vị thiên sứ đến chào mình, lại chào với lời lẽ như vậy”. Đức Maria tự hỏi : “Lời chào như vậy có ý nghĩa gì”. Thiên thần chào mình như thế thì rồi đây sẽ xảy ra những chuyện gì cho mình? Chúa định làm gì mình đây ? Thiên sứ cố làm Đức Mẹ an tâm.

Phần chúng ta, chúng ta chỉ nên bối rối lo lắng một điều là ở sao cho đẹp lòng Chúa. Một điều nữa, là ta nên biểu lộ lòng ta khen ngợi Đức Mẹ bằng thái độ tôn trọng hết mọi người, đặc biệt là đối với nữ giới.

Lạy Mẹ Maria, bài Tin Mừng đầu tiên nói về Mẹ, đã cho chúng con thấy Mẹ đáng kính, đáng trọng dường bao. Vì chính Thiên Chúa đã ca khen Mẹ. Ngày nay, hằng ngày, chúng con ca khen Mẹ, thì cũng chỉ là lặp lại lời của thiên sứ. Mẹ thật xứng đáng với lời khen ngợi của thiên thần, nhưng Mẹ càng tỏ ra xứng đáng khi Mẹ bối rối trước lời ca khen. Xin Mẹ giúp chúng con giữ chặt lấy Chúa ở trong linh hồn chúng con và biết sống xứng đáng với ơn trọng đó. Xin giúp chúng con biết thành thật và xây dựng khi phải khen ngợi kẻ khác. Xin Mẹ nhận lời chúng con. Amen.

Nguồn: Lm. Phêrô Lê Duy Lượng