TẠI SAO ĐỨC MARIA VÔ NHỄM NGUYÊN TỘI? – GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ
Thưa thầy, Giáo hội dựa vào đâu để khẳng định Đức Maria vô nhễm nguyên tội? Phải chăng Đức Mẹ không cần ơn cứu độ của Đức Kitô, vì Đức Mẹ được ơn vô nhiễm ngay từ đầu? Xin thầy giải thích giúp con.
Bạn thân mến, câu hỏi bạn đưa ra rất thú vị nhưng cũng không kém phần hóc búa. Nguyên tội vẫn là một vấn đề mà trong dòng lịch sử thần học cũng đã có rất nhiều tranh cãi. Ngay từ thế kỷ thứ IV thì vấn đề nguyên tội cũng đã được đưa ra bàn luận và cho đến bây giờ thì cũng vẫn còn có những điều mà con người không thể giải thích được nếu không có đức tin. Vấn đề bạn đặt ra ở đây là tín điều vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria. Chúng ta biết là tội tổ tông có ngay sau khi tổ tông phạm tội, nhưng mãi đến thời Tân Ước người ta mới đặt vấn đề và tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội thì mãi thế kỷ mười chín mới được công bố. Trước khi đi vào trả lời cho câu hỏi, chúng ta cũng nên biết một chút khái niệm về nguyên tội. Nguyên tội hay còn gọi là tội tổ tông truyền. Đó là một thứ tội do tổ tông đã phạm và truyền lại cho hậu thế. Tội tổ tông là thứ tội theo bản tính. Đến đây chúng ta gặp thấy vấn nạn là nguyên tội là tội theo bản tính, có nghĩa, đã là người thì ai cũng mắc phải tội đó. Như vậy Đức Maria cũng là người nên Đức Maria cũng mang tội đó. Vậy thì tại sao Giáo Hội lại khẳng định Đức Maria vô nhiễm nguyên tội? Để gải quyết vấn nạn trên, chúng ta sẽ lần lượt theo lược đồ như sau: trước hết chúng ta tìm hiểu trong Kinh Thánh, tiếp đến là truyền thống của Giáo Hội.
Kinh Thánh nói gì về tín điều này? Thực chất thì đặc ân vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria không được khẳng định một cách minh nhiên trong Kinh Thánh, nhưng đã được tiềm ẩn trong mạc khải. Mà chúng ta biết là không phải tất cả mọi mạc khải Thiên Chúa tỏ ra một lần mà Thiên Chúa mạc khải cho con người cách tiệm tiến. Chính những trình thuật trong Kinh Thánh cho chúng ta thấy những người có sứ mạng đặc biệt thường được Thiên Chúa gọi và chọn cách đặc biệt. Chẳng hạn như Giêrêmia hay Gioan tẩy giả. Bạn có thể tìm hiểu thêm về ơn gọi của hai người này trong: Gr 1,5 và Lc 1,15. Còn về đặc ân vô nhễm nguyên tội, Giáo hội trước hết cũng dựa trên nền tảng Kinh Thánh và chính xác là trong những đoạn Kinh Thánh sau: trong sách Sáng Thế chương 3, câu 14 và 15, trong đoạn Thiên Chúa nói với con rắn đã thuật lại như sau: “Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: mi đã làm điều đó nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống đó sẽ đánh dập đầu mi và mi sẽ cắn vào gót chân nó”(St 3,14-15). Từ đoạn Kinh Thánh này các nhà thần học đã giúp Giáo hội nhận ra lời tiên báo về cuộc khải hoàn của Đấng Cứu Thế và của Mẹ Người trên con rắn, tức là ma quỷ và tội lỗi. Trong thư Phaolô gửi cho giáo đoàn Rôma, ngài đã so sánh giữa Adam và Đức Kitô. Đức Kitô là Adam mới đối lại với Adam cũ. Từ đây các nhà thần học đã nhận ra và đối chiếu giữa Đức Maria và Evà thì Đức Maria là Evà mới đối lại với Evà cũ. Evà cũ đã phạm tội, đem đến cái chết cho nhân loại thì Evà mới không có tội và đem lại ơn cứu chuộc cho nhân loại, như Adam cũ đã phạm tội và phải chết thì Adam mới cứu sống. Như vậy, Giáo Hội nhận ra được công cuộc của Đức Maria đã góp phần vào trong cuộc chiến thắng của Con mình là Đức Giêsu Kitô. Con rắn đại diện cho ma quỷ là nguyên nhân gây ra tội tổ tông. Như vậy, nếu Thiên Chúa đã cho Mẹ Đấng Cứu Thế đạp dập đầu con rắn, chiến thắng con rắn, biểu tượng của ma quỷ và tội lỗi, tức là đã gìn giữ Đức Maria khỏi tỳ ố của tội ấy. Thánh Luca trong trình thuật về việc truyền tin cho Đức Maria cũng cho chúng ta nhiều chi tiết liên quan đến ơn vô nhiễm của Đức Maria. Bạn có thể đọc lại trình thuật này trong Lc 1,26-38. Qua đoạn Tin Mừng này chúng ta thấy thiên thần Gabrien kính chào Đức Maria: “Mừng vui lên hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà”(Lc 1,28). Ở đây chúng ta thấy lời chào này không phải là một lời chào bình thường. Hai từ “vui lên” nhắc lại lời của tiên tri Xophonia: “reo vui lên hỡi nữ tử Sion, hãy hò la hỡi Israel, hãy vui mừng, hãy hoan hỷ hết lòng hỡi nữ tử Gierusalem vì vua Israel ở giữa ngươi”(Xp 3,14-15). Lời của Thiên Thần muốn nói lên rằng lời tiên báo của tiên tri nay đã được ứng nghiệm. Chính Đức Maria là hiện thân của Sion mới, của Giêrusalem mới, của dân Chúa đang mong đợi Đấng Cứu Thế. Cụm từ “đầy ân phúc” cho ta thấy Đức Maria là thụ tạo diễm phúc hơn mọi thụ tạo vì nơi Đức Maria ơn thánh của Thiên Chúa đã toàn thắng. Điều này có nghĩa là Đức Maria không mang một tì vết nào của tội lỗi, kể cả tội nguyên tổ. “Đức Chúa ở cùng bà” cụm từ này cho ta thấy Đức Maria có Thiên Chúa luôn ở cùng. Ở đây chúng ta không thể chỉ hiểu đặc ân vô nhiễm nguyên tội theo nghĩa tiêu cực là không mắc nguyên tội, mà nó còn mang tính tích cực là “tràn đầy ân sủng và tràn đầy sự thánh thiện, có Thiên Chúa Ba Ngôi ở cùng”. Không phải khi Đức Kitô nhập thể Thiên Chúa mới ở cùng Đức Maria, mà Thiên Chúa đã ở cùng Đức Maria từ khi được thụ thai trong lòng mẹ. Mà có Thiên Chúa ở cùng thì đương nhiên là Đức Maria không thể mang tội được. Chẳng lẽ Thiên Chúa lại ở cùng với tội. Trong Tin Mừng Luca còn nhiều điểm diễn tả tình trạng đầy ơn phúc của Đức Maria nhất là trong kinh Magnificat: “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”(Lc 1,48); “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1,49). Đúng là Thiên Chúa đã làm cho Đức Maria và trong Đức Maria những điều cao cả, chẳng lẽ lại để Đức Maria mắc tội được sao. Hơn nữa, chúng ta có thể so sánh trình thuật truyền tin và trình thuật cám dỗ trong sách Sáng Thế. Đây có thể nói là hai hoạt cảnh hoàn toàn đối ngược nhau. Ở đây Thiên Thần đã khuyên Đức Maria hãy tin vào Lời Chúa, trong khi con rắn là ma quỷ ngày xưa đã cám dỗ Evà đừng tin vào Lời Chúa. Lòng khiêm nhường và sự vâng phục của Đức Maria đã hiến dâng toàn thân cho Thiên Chúa, đối nghịch lại với sự bất tuân và kiêu căng của Evà muốn được ngang bằng với Thiên Chúa. Như vậy ta có thể thấy rằng Đức Maria là nữ tỳ của Thiên Chúa, bên cạnh Đấng Cứu Thế. Và như vậy, Đức Maria là Evà mới được Thiên Chúa mời gọi và chuẩn bị cộng tác với Adam mới để đạp đầu con rắn tiêu diệt sự chết để giải thoát nhân loại khỏi sự chết của tội lỗi. Đức Maria trong cương vị là người trực tiếp thông phần vào cuộc chiến thắng của Đức Kitô để chuộc lại những gì mà ông bà nguyên tổ đã đánh mất. Tiếp theo các tông đồ, các giáo phụ cũng đề cao vai trò của Đức Maria và cho dù chưa đưa ra một tín điều rõ ràng nhưng cũng đã manh nha trong vấn đề vô nhiễm nguyên tội. Thánh giáo phụ Germain ở Constantinople đã có những nhận xét khá sáng và thường gọi Đức Maria là Đấng toàn thánh, không vương tỳ ố tội lỗi nào, là kẻ được Thiên Chúa tái tạo. Thánh Gioan Damaxo gọi Đức Maria là chiếc thang sống động do Chúa Thánh Thần dựng nên. Còn thánh Andre thành Creta đã nhận xét về Đức Maria như là thứ đất tinh tuyền, vô tỳ ố mà Thiên Chúa đã dùng để làm nên thân thể của Adam mới. Như vậy chúng ta có thể thấy khi đưa ra tín điều vô nhiễm nguyên tội, Giáo Hội trước hết căn cứ trên nền tảng Kinh Thánh. Mặc dù các bản văn Kinh Thánh không minh nhiên khẳng định về sự vô nhiễm của Đức Maria, nhưng cũng mặc nhiên khẳng định điều đó. Thứ hai nhờ lời giảng dạy của các thánh giáo phụ. Các ngài là những người đã sống vào thời kế cận các tông đồ, vì thế các ngài có một uy thế rất quan trọng trong lịch sử Giáo Hội. Thứ ba nhờ vào sự suy tư của các nhà thần học. Có nhiều điều chúng ta phải cần đến sự suy tư của các nhà thần học mới nhận ra được mạc khải của Thiên Chúa. Hơn nữa mạc khải không phải là một điều như toán học, một cộng với một bằng hai mà cần phải đào sâu suy tư mới khám phá ra và như vậy mới gọi là mạc khải của Thiên Chúa. Điều quan trọng nữa là tin tưởng vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, thông qua Giáo Hội. Từ những căn cứ trên vào năm 1854 Đức Thánh Cha Pio IX đã dùng quyền bính của người kế vị thánh Phêrô đã tuyên bố đặc ân vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria là một tín điều. Để đưa ra tín điều này Giáo Hội đã trải qua nhiều thế kỷ. Điều này cũng dễ hiểu vì thời gian đầu Giáo Hội tập trung sự chú ý vào Đức Giêsu. Ngay cả trong sách Tin Mừng cũng thế, hầu hết đều nhắm đến cuộc đời của Đức Giêsu và nhất là cái chết và sự phục sinh của Ngài. Mạc khải về Đức Maria trong Kinh Thánh cũng khá muộn và ít ỏi vì dành ưu tiên số một cho mầu nhiệm Chúa Kitô. Lịch sử Giáo Hội cũng vậy, vào những thế kỷ đầu phải tập trung vào việc phi bác các lạc giáo liên quan đến Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Đức Kitô. Chính vì vậy việc Giáo Hội khám phá rất chậm về con người và vai trò Đức Maria trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa là một sự kiện nằm trong sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa.
Để trả lời tiếp cho ý thứ hai trong câu hỏi mà bạn đưa ra là nếu Đức Mari là đấng vô nhiễm nguyên tội thì phải chăng Đức Maria là người không cần đến ơn cứu chuộc của Đức Kitô? Đối với vấn đề này không phải mới mẻ gì mà ngay từ khoảng thế kỷ thứ XIV nhiều nhà thần học đã đặt ra vấn nạn này, các ngài đã nghĩ là đặt Đức Maria đứng ngoài ơn cứu chuộc của Đức Kitô. Nhưng nhà thần học Duns Scot đã phi bác luận cứ này và khẳng định mạnh mẽ rằng Đức Maria là đấng vô nhiễm nguyên tội chính là nhờ ơn cứu chuộc của Đức Kitô. Ông phân biệt ơn cứu chuộc ra làm hai loại: ơn cứu chuộc bằng cách gìn giữ và ơn cứu chuộc bằng cách chữa trị. Đức Maria hưởng ơn cứu chuộc theo phương cách thứ nhất là ơn cứu chuộc bằng cách gìn giữ. Thiên Chúa đã gìn giữ Đức Maria khỏi tội nguyên tổ. Còn chúng ta và cả nhân loại hưởng ơn cứu chuộc theo phương cách thứ hai là ơn cứu chuộc bằng cách chữa trị. Trường hợp của Đức Maria là trường hợp cao trọng nhất trong những ân sủng mà Thiên Chúa ban cho con người. Đặc ân vô nhiễm nguyên tội không có nghĩa là Đức Maria không cần được Đức Giêsu cứu chuộc. Đức Maria là người được cứu chuộc nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô. Đức Maria đã được cứu chuộc cách kỳ diệu hơn vì Chúa Cha thấy trước công nghiệp cuộc tử nạn của Chúa Con nên đã gìn giữ Đức Maria khỏi mọi tỳ ố. Đặc ân của Đức Maria nằm ở chỗ người được hưởng trước hoa quả cuộc khổ nạn của Đức Kitô, ngay từ giây phút đầu thai, còn chúng ta hưởng sau, vào ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Thiên Chúa chuẩn bị cho Đức Maria để người lãnh nhận nhiệm vụ cao cả là làm Mẹ Thiên Chúa. Vai trò làm Mẹ Thiên Chúa không chỉ là vinh dự mà còn là một nhiệm vụ, một sứ mệnh quan trọng. Chính vì thế Thiên Chúa đã ban đặc ân vô nhiễm nguyên tội để chuẩn bị cho Đức Maria chu toàn sứ mạng ấy.
Đến đây chúng ta có thể kết thúc câu trả lời cho câu hỏi của bạn, nhưng tôi muốn lấy lại những điều mà Giáo Hội đã khẳng định về tín điều để thay cho lời kết trong câu trả lời này. Đức thánh cha Pio IX trong sắc chỉ Ineffabilis Deus ra ngày 8 tháng 12 năm 1854 đã tuyên bố như sau: “ Đức Trinh Nữ Maria ngay từ giây phút đầu khi thành thai, do một ân huệ và một sự ưu ái đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, cứu tinh của toàn thể loài người đã được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi tỳ ố của tội nguyên tổ”. Tiếp theo công đồng Vaticanô II đã nhắc lại giáo lý đó trong Hiến Chế Về Giáo Hội số 56 như sau: “Các thánh giáo phụ đã thường xưng tụng Mẹ Thiên Chúa là đấng toàn thánh, không vướng nhiễm một tội nào, như một thụ tạo mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc mới được thụ thai”. Những điều mà tôi nói với bạn chắc chắn sẽ không thể đầy đủ và thỏa mãn được trong câu hỏi mà bạn đưa ra, vì chữ viết không diễn tả hết lời, mà lời nói thì cũng không diễn tả hết ý nghĩa. Hơn nữa đây lại là một mầu nhiệm thì lại càng khó hơn. Nhưng hy vọng với những gì chúng ta trao đổi ở trên sẽ giúp bạn hiểu thêm được phần nào và với những xác tín của công đồng và của Giáo Hội, chúng ta sẽ không sợ phải sai lầm khi tin vào điều mà Giáo hội đã tuyên tín. Chúc bạn có một niềm tin kiên vững và thêm lòng yêu mến Đức Mẹ nhiều hơn.
Chủng sinh: Giacôbê Nguyễn Thắng
BÀI VIẾT LIÊN QUAN