SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM B
Kính thưa quý ông bà và anh chị em, Chúa nhật 5 Phục sinh vừa qua, Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong các con” (Ga 15,4a). Và Chúa nhật tuần này, Chúa Giêsu lại tiếp tục mời gọi các môn đệ: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9b).
Thật vậy, ở lại trong tình thương của Chúa Giêsu nghĩa là gì? Chúng ta hãy nghe Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nếu các con tuân giữ các điều răn của Thầy, các con sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,10). Như vậy, ai tuân giữ các điều răn của Chúa Giêsu, thì người đó ở lại trong tình thương của Ngài. Mà điều răn của Chúa Giêsu là gì? Thưa đó là: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12).
Chúng ta chú ý từ “hãy”. Đây là một mệnh lệnh, chứ không phải là một lời khuyên bảo nên hay không nên. Mà đã là mệnh lệnh rồi thì cứ thế mà thi hành, chứ không thể không thi hành. Cho nên, Chúa Giêsu nói với các môn đệ một cách rất xác quyết: “Đây là điều răn của Thầy: Các con hãy yêu thương nhau” (Ga 15,12). Do đó chúng ta không thể không yêu thương nhau. Thậm chí chúng ta còn phải yêu thương cả kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình nữa (Mt 5,43). Thế nhưng yêu thương như thế nào? Chúa Giêsu nói rất rõ: Yêu thương như Thầy đã yêu thương các con. Thầy đã yêu thương các con như thế nào? Thưa, Thầy Chí Thánh Giêsu đã yêu thương các môn đệ, yêu thương những kẻ thuộc về mình, yêu cho đến tận cùng: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,12). Cho nên chữ “Như” nói lên chiều sâu của tình yêu. Phải yêu thương mọi người không trừ ai và lại còn phải yêu thương với một tình yêu sâu đậm như Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta.
Thật vậy, trong Thông điệp “Ánh sáng rạng ngời”, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã viết: “Chữ “như” này đòi hỏi phải bắt chước Đức Giêsu, tình yêu của Người, mà rửa chân cho các môn đệ là một dấu chỉ cụ thể… Chữ “như” cũng chỉ mức độ mà Đức Giêsu đã yêu thương các môn đệ của mình, và các môn đệ của Người cũng phải yêu thương nhau bằng mức độ ấy”(Số 20).
Thế nhưng trong thực tế, yêu như Chúa yêu thì quả là hết sức khó khăn. Bởi vì Chúa yêu tôi như vậy đó. Ngài yêu cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập giá. Còn tôi, tôi có dám yêu như Chúa yêu tôi và yêu mọi người không? Trong gia đình, làm sao tôi có thể yêu một người chồng mà sáng say, trưa xỉn, tối lại say? Làm sao tôi có thể yêu một người chồng mà nghiện lô đề, cờ bạc, cá cược bóng đá? Làm sao tôi có thể yêu một người vợ mà hay cau có, càm ràm chồng con, khó tính khó nết? Làm sao tôi có thể yêu một đứa con mà nó ngỗ nghịch, hỗn láo, thậm chí còn bất hiếu? Trong cộng đoàn giáo xứ, làm sao tôi có thể yêu một người giáo dân mà hay ngồi lê đôi mách, nói xấu hết người này đến người kia? Ngoài xã hội, làm sao tôi có thể yêu một người hàng xóm láng giềng hay có máu ghen tương? Tất cả xem ra thực là khó khăn để yêu thương những người như thế. Nhưng đó là thập giá. Vậy điều quan trọng ở đây là tôi phải làm sao biến những thập giá đó thành cây thánh giá tình yêu. Muốn được như thế, chúng ta chỉ còn cách là học nơi Chúa Giêsu, Ngài đã biến thập giá thành cây thánh giá tình yêu cứu độ. Thập giá đã trở nên cây quả phúc trường sinh, cây ban sự sống đời đời cho nhân loại khi Ngài chấp nhận tự hiến chính bản thân mình, hy sinh chính mình trên bàn thờ thập giá cho người mình yêu.
Vì thế, để yêu thương như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, thì chúng ta phải ở lại trong tình thương của Chúa Giêsu. Bởi vì khi ở lại trong tình thương của Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể nhìn anh chị em của mình, thậm chí cả kẻ thù của mình, với một cái nhìn đức tin, lòng yêu mến, cảm thông và tha thứ. Nguyện cho tình thương của Chúa Giêsu luôn ở lại trong tâm hồn mỗi người chúng ta, để chúng ta luôn sống yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta.
Rev. Micae Trịnh Ngọc Tứ
Chánh xứ Sầm Sơn
BÀI VIẾT LIÊN QUAN