PHÁC HỌA MÔ HÌNH MỘT GIÁO XỨ TRUYỀN GIÁO

PHÁC HỌA MÔ HÌNH MỘT GIÁO XỨ TRUYỀN GIÁO

Vấn đề truyền giáo có lẽ chẳng lạ gì đối với chúng ta. Cho dù ở trong giáo họ hay giáo xứ và ngay ở trên các diễn đàn thông tin của Giáo hội cũng thường xuyên nhắc đến. Ở đây chúng ta cũng nói đến truyền giáo nhưng không phải là kêu gọi cầu nguyện cho truyền giáo hay quyên góp cho truyền giáo mà chúng ta thử xây dựng một mô hình truyền giáo trong khuôn khổ một giáo xứ. Để có một ngôi nhà tốt chúng ta cũng cần phải có mô hình, có bản thiết kế. Để việc truyền giáo đạt được kết quả tốt chúng ta cũng cần có mô hình và mô hình cũng phải phù hợp với địa bàn của từng nơi. Không phải cứ có một mô hình là chúng ta đem áp dụng cho tất cả mọi nơi. Có thể mô hình này hợp với hoàn cảnh cũng như điều kiện ở vùng này nhưng lại không hợp với nơi khác. Cũng như mỗi ngôi nhà, vật liệu thì giống nhau nhưng kết cấu hạ tầng lại khác. Với một chút kiến thức cũng như sự tìm hiểu về hoàn cảnh ở nơi tôi đang sinh sống, nếu là một cha xứ tôi sẽ phát triển công việc truyền giáo theo những tiến trình mà tôi sẽ trình bày dưới đây.

Từ trong ra và từ trên xuống: Để xây dựng một giáo xứ truyền giáo, điều hiển nhiên là chúng ta phải làm ngay trong giáo xứ trước và đặc biệt là nơi những người nắm quyền trong một giáo xứ. Cha xứ và hội đồng mục vụ giáo xứ phải có chương trình làm việc cụ thể để có sự thống nhất từ cha xứ xuống đến người giáo dân. Khi trong giáo xứ yên ổn rồi chúng ta mới tính đến chuyện vươn ra ngoài, tức là với những người chưa nhận biết Chúa. Trước hết là bắt đầu từ cha xứ và từ trong lòng giáo xứ.

Lửa nhiệt tâm truyền giáo: Để công việc truyền giáo ở một giáo xứ được phát huy, trước hết người đứng đầu, tức là cha quản xứ phải có lửa nhiệt tâm truyền giáo. Thực tế là phải có lửa nhiệt tâm chứ không chỉ là tát nước theo mưa như là thấy ở trên hô hào rồi cũng hô hào theo và chỉ kêu gọi cầu nguyện cho truyền giáo mà chính mình lại không làm gì. Điều này không sai nhưng nhiều khi ta cứ phó mặc cho Chúa, để mặc kệ Chúa. Ở đây ta không đề cập đến thần học về truyền giáo mà nói đúng hơn là chúng ta đang đi tìm phương hướng cho mục vụ truyền giáo. Cha quản xứ có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cũng như tư tưởng của người giáo dân. Vì vậy nhờ cha có lửa nhiệt tâm truyền giáo nên sự nhiệt huyết này sẽ được truyền cho người giáo dân.

Khích lệ tinh thần truyền giáo cho người giáo dân: khi tìm hiểu về cách sống đạo của người Việt Nam nói chung thì hầu như cách giữ đạo theo đoàn thể nổi trội hơn ở các nước có truyền thống Kitô giáo lâu đời. Họ rất thích tham gia các đoàn thể, cuộc rước linh đình, nhưng chiều sâu về tâm linh thì không có là bao. Thường thì trong tư tưởng người giáo dân, công việc truyền giáo là của các cha, các thầy, các sơ chứ không phải là công việc của họ. Nếu có thì cũng chỉ là sự đóng góp vật chất trong các kỳ kêu gọi đóng góp cho công việc tryền giáo và dâng vài lời cầu nguyện. Họ cho như thế là đã làm tròn bổn phận rồi. Chính vì thế cha quản xứ cần có những bài giảng nói cho họ biết về sứ mạng của họ, thay đổi cách suy nghĩ của người giáo dân để họ ý thức được trách nhiệm của họ trong việc truyền giáo rộng hơn và cao hơn những gì họ tưởng. Tất cả mọi Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy đều được tham gia vào ba chức vụ của Đức Kitô là Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế. Trong chức vụ là Ngôn sứ người tín hữu có trách nhiệm ra đi rao giảng Lời Chúa, tức là truyền giáo. Rao giảng Lời Chúa ở đây không chỉ là nói mà còn rao giảng bằng hành động. Như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: ngày nay người ta cần chứng nhân hơn là nhà giảng thuyết. Người giáo dân truyền giáo bằng cách sống phúc âm trong chính công việc và nơi làm việc của họ chứ không chỉ ở trong nhà thờ. Làm sao để người giáo dân có ý thức truyền giáo trong mọi lúc, mọi nơi và bằng chính con người của mình. 

Đời sống đạo: Để trở thành nhân chứng, người giáo dân cần phải có một đời sống đạo tốt. Là người mục tử việc đầu tiên và trên hết là phải xây dựng đời sống đạo cho các tín hữu mà cha được trao phó. Để đời sống đạo đức và nề nếp thực sự ảnh hưởng tốt trên người giáo dân, trước hết cha phải có lòng yêu mến Chúa qua việc hiện diện với giáo dân trong các giờ cầu nguyện, chứ không phải cha kêu họ đi đọc kinh cầu nguyện còn cha thì đi làm việc khác. Thái độ dâng lễ, cử hành các bí tích của cha cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống đạo nơi người giáo dân. Cha cần phải có lòng yêu mến Thánh Thể bằng việc viếng Thánh Thể hằng ngày, cử hành các giờ chầu Thánh Thể hàng tuần. Có lòng yêu mến Đức Mẹ. Các giờ lễ, giờ chầu, giờ cầu nguyện chung cần sắp xếp thời gian làm sao cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương để người giáo dân có thể tham gia được mà không ảnh hưởng đến công việc cũng như sức khỏe của họ. Vì thế cần có sự bàn hỏi với hội đồng mục vụ giáo xứ và giáo dân, chứ không phải theo kiểu lấy quyền áp đặt theo giờ tùy thích, buộc người giáo dân phải đi tham dự, không đi là có tội, là phạt. Phải đặt lợi ích của người giáo dân lên trên việc riêng tư của bản thân.

Xây dựng hội đoàn: để các hoạt động trong giáo xứ được đồng đều cha xứ cũng rất cần xây dựng các hội đoàn để hết mọi thành phần trong giáo xứ đều tham gia vào hội đoàn, không một ai đứng ngoài. Khi gia nhập vào hội đoàn thì chính các thành viên trong hội đoàn đó họ đã giúp nhau được rất nhiều trong việc giữ đạo và nhiều việc khác. Chính tinh thần cộng đoàn lôi kéo các thành viên. Ngoài những hội đoàn sắp xếp theo độ tuổi và chức vụ trong gia đình như thiếu nhi, giới trẻ, hiền mẫu, gia trưởng, các cố .v.v, cũng cần thiết lập các hội đoàn mang tính cách rộng hơn như hội lòng thương xót, hội bác ái, hội con Đức Mẹ để họ có tính liên đới không chỉ trong giáo xứ mà còn mở rộng hơn ra các giáo hạt hay giáo phận. Đối với các em đang trong độ tuổi học giáo lý, cần chăm lo cho các em có đủ kiến thức đức tin bằng việc tổ chức các lớp giáo lý. Chương trình giáo lý phải phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với thời gian để tránh tình trạng chán nản trong việc học và cũng tránh tình trạng việc học giáo lý gây ảnh hưởng không tốt đến việc học văn hóa. Tốt nhất nên tổ chức học giáo lý vào mùa hè. Đào tạo giáo lý viên để có người dạy hẳn hoi. Đối với giới trẻ, cần tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh để thu hút sự tham gia của họ. Đối với giới hiền mẫu thì không có gì đáng lo ngại, dù sao thì họ cũng là tầng lớp dễ bảo hơn là giới gia trưởng và cách sống đạo của họ cũng rất bình dân nhưng cũng rất đạo đức. Đối với gia trưởng thì cần được quan tâm hơn, vì so với các bà mẹ thì các ông chồng phần đa là khô khan hơn, nhưng họ lại là chủ gia đình. Các công việc lớn trong giáo xứ rất cần đến giới này, kể cả về sức lao động cũng như về tài chính. Riêng đối với giới các cố, mặc dù họ không đóng góp được gì nhiều về công sức nhưng họ lại có một uy thế và tiếng nói rất lớn trong giáo xứ. Họ là nền tảng của việc giữ đạo trong giáo xứ. Vì thế họ cần phải được tôn trọng và khi thay đổi điều gì liên quan đến giáo xứ, nên hỏi ý kiến những bậc lão làng này. Người ta đã chả nói là khôn chi trẻ, khỏe chi già đó thôi. Hơn nữa họ sống lâu đời ở giáo xứ mà người mục tử cho dù có sống ở đó lâu thì cũng không thể hiểu biết cách sống đạo cũng như thói quen ơ đó bằng họ được.

Học thức: vấn đề học tập cũng rất cần được quan tâm trong giáo xứ. Trong những giáo xứ ở nông thôn, thường thì mức học tập rất thấp, và cái tệ hại hơn là con cái trong giáo xứ học ít hơn và kém hơn con cái những người lương dân. Để xóa đi cái thực trạng đó, ngoài việc cổ vũ tinh thần hiếu học, cũng cần có những sự hỗ trợ về kinh tế cho những con em nhà nghèo được ăn học. Một thực trạng nữa là do không điều hòa được việc sinh sản nên người có đạo luôn bị vỡ kế hoạch và kết quả là đông con hơn so với các gia đình lương dân, vì vậy mà kinh tế không đủ để nuôi con cái ăn học. Trong các lớp giáo lý tiền hôn nhân cần cho họ hiểu biết về trách nhiệm nuôi dạy con, tức là sinh con có trách nhiệm, đồng thời cho họ học hỏi kỹ lưỡng về việc điều hòa sinh sản theo cách tự nhiên, để họ có thể làm chủ được việc quyết định sinh con. Trở lại việc học tập, để khắc phục việc học yếu kém, trong các kỳ hè ngoài việc học giáo lý, có thể nhờ thầy về dạy bổ túc kiến thức cho các em học sinh. Điều này tôi đã từng chứng kiến một cha xứ đã áp dụng phương pháp này và rất hiệu quả. Theo kết quả thi tốt nghệp năm đó, con em trong xứ đậu vào cấp ba với chỉ số rất cao, và năm sau theo kết quả báo cáo của nhà trường thì lực học của các em khá hơn. Khi mở những lớp học hè như vậy, ngoài con em trong giáo xứ, thì những con em lương dân chúng ta cũng nhận vào cho học. Việc này rất tốt cho công việc truyền giáo, các em lương giáo được chơi chung với nhau trong môi trường của xứ đạo. Giới học sinh sinh viên cần được quan tâm, vì đó là những đối tượng sẽ nắm vận mạng của giáo xứ trong tương lai. Đối với đối tượng này thì việc học tập phải đặt lên hàng đầu. Muốn đưa giáo xứ đi lên trong tương lai rất cần đến những con người có trình độ, vì xã hội đi lên thì Giáo hội cũng phải đi lên, nếu không chúng ta sẽ bị tụt hậu. Đầu tư cho việc học tập là đầu tư cho tương lai.

Đối với giới doanh nhân, chúng ta cũng cho họ có một tổ chức để cho họ một linh đạo trong công việc của họ. Vừa để giúp họ giữ đạo vừa để họ giúp nhau trong công việc làm ăn. Người này nâng đỡ người kia, ngành này nâng đỡ ngành khác và biết đâu trong đó họ có thể giải quyết được việc làm cho con em trong giáo xứ nói riêng và mở rộng cả sang những vùng phụ cận là những bà con lương dân. Đối với giới lao động phổ thông, vì là một giáo xứ phần đa là làm nông nghiệp nên lao động phổ thông chiếm phần lớn trong giáo xứ. Tầng lớp này chia ra làm hai dạng là lao động tại địa phương và lao động đi làm ăn xa xứ. Không nên cổ vũ họ đi làm ăn xa. Nếu nhờ vào các doanh nhân được, thì nên khuyên họ làm ăn tại địa phương là tốt nhất. Còn nếu vì hoàn cảnh mà họ phải đi làm ăn xa thì cha xứ nên có cách thức nào đó để giữ liên lạc với họ. Làm như vậy, dù họ có ở xa nhưng cha quản xứ vẫn có thể quản lý được họ. Tại sao chúng ta nói đến vấn đề lao động và kinh tế ở đây? Vì dù sao thì chúng ta vẫn thấy cái câu mà ông cha ta thường hay nói : “có thực mới vực được đạo”. Xét ở một góc độ nào đó thì nó vẫn đúng. Nếu một giáo xứ mà nghèo nàn lạc hậu thì làm sao người ta muốn theo mình chứ. Hơn nữa, khi kinh tế không ổn định thì khó lòng mà giữ cho các sinh hoạt cũng như đời sống đạo ổn định được. Nhưng khi người ta nhìn vào một giáo xứ ổn định về kinh tế, đời sống đạo ổn định, tổ chức các nghi lễ, rước linh đình cho dù không phải là người có đạo họ cũng thấy thích thú. Mà khi thích thú rồi thì người ta dễ muốn gia nhập. Chứ nhìn vào một giáo xứ nghèo nàn đói rách, trộm cắp, đánh nhau, nghiện ngập ma túy thì làm sao người ta có thể theo đạo được.

Mở rộng tương quan với lương dân: khi đã xây dựng được một giáo xứ vững chắc về mọi mặt rồi, chúng ta mới nhắm đến việc mở rộng mối tương quan với người ngoại đạo. Trước tiên cha xứ phải là người tiên phong trong việc này. Ở đây ta chưa nói đến vấn đề đến với họ mà trước hết là những người ngoại họ đến với cha đã. Có nhiều cơ hội họ đến gặp cha xứ, nhưng thường nhất là trong các cuộc hôn nhân giữa một bên có đạo và một bên không. Trong cuộc tiếp xúc với họ là cơ hội để mình nói cho họ về đạo cũng như về hôn nhân công giáo. Trước hết là để họ hiểu và để tạo thiện cảm cho họ đối với đạo, đồng thời để con cái mình khi về sống với họ được dễ dàng giữ đạo và có cơ hội truyền giáo cho họ. Nếu như bên không có đạo chịu theo đạo thì nên tổ chức lễ cưới cho họ cách trang trọng và khuyến khích họ mời gia đình, bạn bè lương dân đến tham dự lễ cưới. Còn nếu bên không có đạo không hoặc chưa xác tín về đạo, thì cũng không nên gây áp lực bắt họ phải theo đạo. Nếu làm như vậy ta vô tình gây ác cảm cho bên không có đạo nhất là khi phía họ là đàng trai. Trong mối tương quan với chính quyền, người mục tử cũng nên có sự mềm dẻo và tạo mối tương quan tốt. Mối tương quan tốt ở đây không phải là thân thiết với họ để rồi họ lợi dụng mình, mà thực ra là mình lợi dụng họ để cho công việc của mình được tốt đẹp. Vì xét trên phương diện tiếng nói và uy tín đối với người dân thì các mục tử có uy thế hơn họ, nhưng xét trên phương diện quyền lực thì chúng ta vẫn dưới trướng của họ. Mình chống lại họ thì cũng chẳng làm gì được họ, mà có mối tương quan tốt thì có lợi cho mình nhiều hơn. Đối với giáo dục thì cũng cần có sự liên đới với nhà trường nơi con em mình học tập để cùng nhau giáo dục con người. Đối với bà con lương dân sống trong hoặc quanh giáo xứ mình coi sóc, thì cũng rất nên quan tâm đến họ qua việc đi thăm hỏi, nhất là khi gia đình họ gặp phải những chuyện buồn. Để qua đó mình có cơ hộ nói chuyện đạo với họ và để tạo thiện cảm nơi họ. Từ trước đến giờ khi ít lúc nhiều giữa lương và giáo vẫn có những hàng rào ngăn cách và có những chuyện những thời điểm gây hận thù cho nhau. Làm thế nào để chúng ta phá bỏ được bức tường ngăn cách đó trong sinh hoạt đời thường là điều cần phải làm. Khuyến khích các em thiếu nhi chơi chung với các em lương dân, và mời các bạn ấy đến nhà thờ thăm quan, tham dự các sinh họat thiếu nhi trong giáo xứ. Trong các dịp lễ lớn hằng năm khuyến khích các em mỗi người mời một bạn bên lương đi dự lễ cùng. Điều này thì tôi thấy một cha xứ đã từng làm. Các bạn giới trẻ thì cũng khuyến khích họ có những sinh hoạt chung với nhau như giao lưu văn nghệ, thể thao, các việc làm công ích. Mình không chỉ khuyến khích không mà còn phải biết tạo ra các việc cho họ làm chẳng hạn như quét dọn đường làng, thu gom rác thải vv.vv. Kể cả trong các sinh hoạt văn nghệ chào mừng năm mới hay mừng Chúa Giáng Sinh, nên mời họ tham gia, có thể tự họ đóng góp một tiết mục hoặc cho họ cùng tham gia trong đội văn nghệ của mình. Thực sự thì họ rất thích và rất muốn được tham gia. Khi nói đến đây tôi nhớ về một kỷ niệm trong dịp Noen tại một giáo xứ. Thường thì trong dịp Noen giáo xứ tổ chức văn nghệ có mời giáo viên một số trường học và các xã lân cận tham gia. Có rất nhiều tiết mục nhưng có một tiết mục khiến tôi nhớ mãi đó là tiết mục múa của các hiền mẫu thướt tha trong tà áo dài truyền thống qua nhạc phẩm “tình ca tri ân: con hát bài tình ca muôn đời tri ân Chúa cả ….”. Tôi thấy có mấy người lạ lạ trong đội múa nên gọi ông chánh đến hỏi, ông cho biết là trong đội múa có đến một nửa là người lương dân và ông còn nói có cả vợ ông bí thư xã và vợ của trưởng công an xã. Tôi thực sự thấy ngạc nhiên nhưng rất vui. Xong việc tôi mới tới hỏi thăm họ thì họ tỏ ra rất hãnh diện và rất vui khi được tham gia. Đó là một hình ảnh rất đẹp trong việc xích lại gần nhau hơn trong các sinh hoạt và đó cũng là việc cần phát huy trong một giáo xứ truyền giáo. Chúng ta có thể ra chỉ tiêu trong một năm, mỗi gia đình có đạo trong giáo xứ kết thân với một gia đình lương dân.

Hội nhập văn: trước đây cách giữ đạo của chúng ta là đóng khung trong giáo xứ, trong làng đạo và co cụm lại trước những nét văn hóa của dân tộc. Chẳng hạn như vấn đề tôn kính tổ tiên, thắp hương, khấn vái trước đây chúng ta cho là những trò mê tín dị đoan, là lạc đạo, cho những người lương dân là những ngươi theo mê tín dị đoan. Còn những người lương dân thì cho chúng ta là bất hiếu vì không tôn kính ông bà tổ tiên, đi đạo là mất tổ tiên. Tất cả những điều đó là do chúng ta hiểu sai và không hội nhập văn hóa của chính chúng ta. Vấn đề thờ kính tổ tiên là một nét văn hóa chứ không phải là một tôn giáo. Mà đã là nét văn hóa thì chúng ta cần tôn trọng và giữ gìn. Ở đây tôi không có đi sâu vào vấn đề hội nhập văn hóa mà chỉ giới thiệu qua trong mô hình xây dựng một giáo xứ truyền giáo và xem đó là điều kiện phải có. Vì truyền giáo mà không hội nhập văn hóa thì đó là một điều sai lầm. Nếu muốn tìm hiểu sâu xa về vấn đề hội nhập văn hóa quý vị có thể tìm đọc trong những bài viết của tác giả Trần Văn Đoàn, hay của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và nhiều tài liệu khác trên google.

Quan tâm giúp đỡ người nghèo: ở bất cứ nơi đâu thì người nghèo vẫn là đối tượng cần được quan tâm giúp đỡ. Theo tinh thần lá lành đùm lá rách, cha quản xứ cần có những kế hoạch cụ thể trong việc giúp đỡ người nghèo không chỉ trong giáo xứ mà là tất cả những người nghèo trong phạm vi cha coi sóc, trong đó có cả những người lương dân. Việc này không chỉ là để gây thiện cảm mà đòi hỏi của Tin mừng buộc chúng ta phải làm như thế, vì cho dù họ là ai đi chăng nữa thì họ đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Khi quan tâm giúp đỡ người nghèo, sống tinh thần bác ái yêu thương, chia sẻ nỗi cực khổ với nhau là chúng ta đang sống Tin mừng và đang truyền giáo. Giúp đỡ một cách vô tư, không phân biệt lương giáo. Ngoài ra chúng ta cũng phải xây dựng và cổ võ xây dựng sự bình đẳng trong giáo xứ, phát triển nhân bản. Trước khi là một tín hữu tốt, chúng ta phải là người công dân tốt. Cái tốt ở đây không phải là theo đường hướng của đảng phái chính trị mà phải là cái tốt của Tin Mừng. Khi thấy có dấu hiệu của sự bất công, trong gia đình, trong giáo xứ hoặc xã hội, chúng ta cần phải biết đấu tranh để đem lại sự công bằng cho người dân. Những người dân yếu thế cần phải được nâng đỡ, trợ giúp để họ được hưởng những điều mà theo lẽ công bằng họ đáng được hưởng.

Tất cả những việc chúng ta đưa ra ở trên nhằm mục đích để xây dựng một giáo xứ truyền giáo. Một giáo xứ truyền giáo phải có sự thống nhất từ cha xứ đến giáo dân, làm thế nào để mọi người ý thức được điều đó. Đồng thời phải làm sao để ngay trong cuộc sống, người có đạo phải làm gương sáng để cho người lương dân họ quý mến. Trước hết họ quý mến, tin tưởng người có đạo và sau đó là họ tin đạo. Chúng ta có thể mạnh dạn nói về Chúa ở bất cứ lúc nào, bất cứ môi trường nào như là người tin lành, lúc đó chúng ta mới có thể nghĩ đến kết quả của việc truyền giáo. Như lời thánh Phaolô đã nói “làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin, làm sao họ tin Đấng họ không được nghe, làm sao mà nghe nếu không có ai rao giảng” (Rm 10,14). Công việc truyền giáo không thể có kết quả một sớm một chiều, có thể người này gieo nhưng người khác gặt như lời thánh Phaolô tông đồ đã nói: tôi trồng, Apolo tưới còn Thiên Chúa cho mọc lên. Khi đưa ra mô hình này, người viết cũng chưa có kinh nghiệm trong việc truyền giáo. Đồng thời mô hình này có thể phù hợp với nơi này nhưng lại không phù hợp với nơi khác, có thể phù hợp với nông thôn nhưng lại không phù hợp nơi thành phố. Người viết chỉ viết cho chính mình với một chút suy nghĩ cho tương lai chứ không có tham vọng đưa ra mô hình chung cho mọi nơi và mọi người, vì vậy xin quý vị hiểu và thông cảm cho.

                                                                         Chủng sinh: Giacôbê Nguyễn Thắng