ÔI! TỘI HỒNG PHÚC

ÔI! TỘI HỒNG PHÚC

Nhân loại chúng ta hết thảy đều là nô lệ cho đam mê và dục vọng, vì chúng ta đã phạm tội, điều này Chúa Giêsu đã nói: “thật, Tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội”(Ga 8,34). Nhưng, nhờ Chúa Giêsu đã đến và trả một giá không phải bằng vàng bạc, mà chính bằng mạng sống của Ngài, là để chúng ta được tự do, một sự tự do đích thực trong phẩm giá làm người. “Ôi! một hồng phúc”, do tình yêu, lòng xót thương, đó là quà tặng vô giá đến từ Thiên Chúa.

“Ôi! Tội hồng phúc”. Tội đã biến thành một hồng phúc, vì đã đáng được một Đấng Cứu Chuộc rất cao sang. Ađam con người đầu tiên và cả nhân loại đã đáng được Đấng Cứu Chuộc cao sang như thế. Một hành động của Thiên Chúa tối cao, Đấng đã tự mình cúi xuống để cứu vớt nhân loại khỏi chết trong tội. Đấng từ trời đã hạ mình xuống, mang thân phận con người, sống kiếp con người và đã chết đền thay tội lỗi. Nhờ Đức Giêsu Đấng đã Phục sinh giải phóng con người khỏi quyền lực của thần chết và sự thống trị của Satan. Nhờ Đấng đã Phục sinh mà cái hư hoại đã trở thành bất hoại; cái phải chết lại trở thành bất tử; điều xem như bất hạnh lại đổi thành niềm vui mừng hạnh phúc.

“Ôi! tội hồng phúc”, thánh Augustinô, người đầu tiên đã đặt tên cho “nguyên tội”, một tội đến từ sự xảo quyệt của Satan, đã khiến con người phạm tội “kêu ngạo và hà tiện”, đắm chìm trong đam mê và dục vọng. Thì cũng chính thánh Augustinô, làm sáng lên tư tưởng “ân sủng” đến từ Thiên Chúa tối cao. Chính trong ân sủng mà thánh nhân cho ta thấy một tư tương “Ôi! tội hồng phúc”. Một tư tưởng khó chấp nhận với những suy luận tự nhiên của con người, tại sao tội lại là “hồng phúc” một điều vô lý đến khó chấp nhận. Chẳng lẽ, ánh sáng đến từ nơi tối tăm, con đường lên thiên đàng ngang qua hỏa ngục và ân sủng đến từ trung gian tội lỗi sao? Không, ánh sáng sẽ không đến từ bóng tối, nhưng đến từ “sự sáng”, ánh sáng đến để thống trị đêm đen và trả lại cho thế gian ngày tươi sáng, vì“ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu”(Mt 7,16b-17); cũng thế, thiên đàng là nơi giải thoát con người khỏi cảnh giam cầm trong hỏa ngục, và ân sủng cũng là để giải phóng và trợ giúp con người khỏi vong kiểm soát của tội lỗi-Satan. Chính vì hiểu như thế, mà về phương diện siêu nhiên và trong ánh sáng niềm tin tâm linh từ “Ôi! tội hồng phúc”, đã trở thành niềm vui phấn khởi, nó đã trở thành một ánh sáng cuối đường hầm cho cuộc sống của nhân loại. Vì trong cuộc sống trần thế, và trong niềm tin tâm linh nếu không có một “hồng phúc” cao cả như thế; nếu không có một “ánh sáng” đến để sua tan đêm đen tội lỗi, thì thiết tưởng cuộc sống con người sẽ không có lối thoát, không có sự giải cứu của Đức Kitô thì nhân loại sẽ mãi chìm trong biển lầy của tội lỗi, không có sự cứu chuộc của Đức Kitô thì nhân loại sẽ mãi mãi thuộc về Satan và sự chết.

          Tội, một hành động con người lìa xa Thiên Chúa:

Sinh ra trong kiếp phàm nhân, mang tiếng khóc vào đời, con người đã lãnh lấy một bản án phải chết. Ngay khi cất tiếng khóc chào đời con đã bị tổn thương, thương tích bởi tội tổ tông truyền, một tội mà cả nhân loại đã phải hứng chịu từ con người đầu tiên “Ađam”, một tình trạng “lan truyền”, “tội lỗi của Giu-đa phải được ghi bằng bút sắt và khắc bằng mũi kim cương vào tâm hồn và vào các góc bàn thờ của chúng”(Gr 17,1). Tội lỗi đã đi vào cuộc sống con người, nó lưu thông trong mạch huyết của mỗi người. Từ đây con người đã mang một mầm mống của tội trong thân phận yếu đuối của mình. Điều này thánh Phaolô đã cảm nghiệm khi nói: “tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”(Rm 7,18-19). Theo con người đầu tiên, trong mỗi con người đã mất đi bản tính thánh thiện vốn có, vì tội đã thâm nhập chiếm lĩnh lấy con người. Chính ở trong tội mà con người sinh ra kêu căng, tự phụ, dục vọng, tham lam, ích kỷ… làm cho xã hội con người và cả vũ trụ tốt đẹp vốn có của Thiên Chúa trở nên xáo trộn. “tội ác của các ngươi đã đảo lộn trật tự đó, và lỗi lầm của các ngươi không cho các ngươi hưởng bao điều tốt đẹp kia”(Gr 5,25). Tội đã làm con người mất quyền được hưởng ân lộc từ nơi Thiên Chúa.

Tội, một hành động con người đánh mất ân sủng của Thiên Chúa, một ân sủng vốn cần để gắn kết giữa con người với Thiên Chúa, để nhờ đó con người biết yêu thương nhau và sống trong tự do của mình. Tội, làm cho con người nên đối kháng với Thiên Chúa; Tội cũng đã làm băng hoại cuộc sống con người “sự gian ác đánh đổ kẻ phạm tội”; tội làm cắt đứt đi mối tương giao thân tình giữa Thiên Chúa và con người; tội đã làm con người đánh mất một tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình; tội đã làm cho con người phải sống trong cảnh nô lệ, mất đi sự tự do; chính trong tội, mà con người tự đặt mình vào vòng kiểm soát, thông trị của Satan, của sự chết và tự hủy diệt; chính trong tội mà con người thấy mình “trần truồng” xấu hổ trước mặt Thiên Chúa của mình; tội làm cho con người mất đi sự đơn sơ, trong sáng của thủa ban đầu; tội làm cho con người trở thành tôi tớ thay vì làm con cái, và tội làm cho con người đứng bên bờ vực thẳm, chới với giữa dòng biển mênh mông bị đọa đày với nhưng cơn sóng dữ tợn và sự chết.

Vì vậy, con người cần sự giải thoát, quà tặng ân sủng đến từ Thiên Chúa. Cho nên, nếu Chúa không ra tay cứu vớt, thì con người không thể nào xóa bỏ đền trả được tội lỗi trong đời sống mình.

       Tội hồng phúc:

Chính trong tội, mà con người cần sự giải thoát, một ơn cứu nguy, một hành động yêu thương đưa về của Thiên Chúa. Cũng chính trong tội, sự kìm hãm của Satan mà con người đón nhận được một tình yêu vô hạn của Thiên Chúa. Một tình yêu bao la vô bờ bến của Thiên Chúa với tội nhân mà: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn chút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế”(Pl 2,6-7). Nhờ Đức Giêsu Kitô đã đến mà con người được giải thoát khỏi tội, khỏi cảnh nô lệ và trở thành con cái ánh sáng trong Đức Giêsu Kitô.

Nhân loại đã phải đau đớn “quằn quại rên xiết” trong tội, và bị hủy hoại trong sự chết thế nào, thì giá trị ơn cứu chuộc nơi Đức Kitô đã mang lại cho con người qua cái chết và sự Phục sinh càng to lớn gấp bội phần. Đây cũng là điểm chính yếu làm cho tội Ađam trở thành “tội hồng phúc”. Cũng chính trong những yếu đuối, đam mê; sự “kêu ngạo và hà tiện” của riêng mỗi người mà ơn cứu chuộc của Đức Kitô đã bao trùm khắp cả nhân loại. “Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta”(Dt 9,12). Vì nếu nhân loại đã phạm tội có bao nhiêu người đi nữa, thì vẫn là con số đếm được, còn mạng sống Đức Giêsu là vô giá, không thể đếm được, nên sự cái chết của Ngài trên thập tự giá làm đủ giá chuộc cho cả nhân loại được sống.

“Ôi! Tội hồng phúc”, tội đã biến thành một hồng phúc, một đặc ân cao cả đến từ tình yêu thương bao lao vô bờ bến của một Thiên Chúa tình yêu. Một Thiên Chúa không muốn nhìn thấy nhân loại, không muốn nhìn thấy đứa con mà mình đã vất vả sinh nó ra, với ước mong nó mang hình ảnh mình và muốn nó thuộc về mình. Thế nhưng, trong ân sủng của tự do con người đã tự reo mình vào trong tội, trong bóng tối của sự chết với ách thống trị của Satan. Tội đã làm con người mất tất cả, mất sự sống và tình hiệp thông với Thiên Chúa. Nhưng nhờ “hồng phúc” nơi ơn cứu chuộc Đức Kitô mang lại mà con người được biến đổi, một sự biến đổi tận căn nhờ tình yêu Thiên Chúa qua con người Đức Kitô. “Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi”(Cl 1,13-14).

Nếu tội đã làm cho con người sống trong tối tăm, và khiến con người trở thành nô lệ cho xác thịt, đam mê và dục vọng, thì nhờ Máu Đức Kitô Phục sinh, ơn cứu độ đã nâng đỡ con người những yếu đuối và giúp con người thắng vượt được những đam mê trần tục mà vững bước hơn trong đường chân lý Chúa; tội đã làm cho con người đoạn tuyệt với Thiên Chúa, thì nhờ Máu Đức Kitô Phục sinh, đã nối lại mối dây đã bị tội cắt đứt; tội đã làm cho con người phải chết, thì nhờ Máu Đức Kitô, và trong ánh sáng Phục sinh con người có sự sống mới và được sống muôn đời; tội đã làm cho con người thành nô lệ của Satan, thì nhờ Máu Đức Kitô Phục sinh, con người đã thoát khỏi vong nô lệ của Satan, mà trở thành con cái tự do của Thiên Chúa. Tất cả tội nhân loại đã được tẩy sạch nhờ Máu Đức Giê-su, “tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết;có thẫm tựa vãi điều, cũng hóa trắng như bông”(Is 1,18). Đây quả là một nguồn suối vô hạ của Thiên Chúa, đã chảy xuống nhân loại, hầu mang lại một nguồn sống tái sinh mới được tuôn trào từ chính cạnh sườn Đức Ki-tô khi bị treo trên thập giá “máu cùng nước chảy ra”, để từ đây số phận con người được biến đổi trong Đấng Tạo Thành.

Cuộc sống trần thế và giá Máu của Đức Kitô Phục sinh, là một ân sủng nhưng không Thiên Chúa ban cho nhân loại. Chính vậy mà Máu Đức Kitô đã trở nên một phương thế, một sự đền trả thay cho tội lỗi của con người trước mặt Thiên Chúa. “nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”(Cl 1,20b). Chính Đức Kitô Con Thiên Chúa, Đấng đã trả một món nợ của nhân loại đối với Thiên Chúa. Qua cái chết và sự Phục sinh của Đức Kitô, nhân loại đã ném vào đó một quá khứ của tội lỗi, hầu nhận được một sự tẩy xóa, một mối dây giao hòa với Thiên Chúa. Cái hồng phúc của tội Adam và nhân loại chính là việc, nhân loại được Thiên Chúa ban cho một Đấng cứu Chuộc cao cả như thế, một sự cao cả đến không tưởng. Một hành động Thiên Chúa đi xuống để tìm, để cứu vớt và nâng con người lên; Đấng đã đến để giải thoát con người khỏi sự thống trị của tội, và đã đưa con người về cùng Thiên Chúa.

Chính vì thế mà trong đức tin chúng ta biết, “trong Adam nhân loại đã nhận một bản án phải chết, nơi con người Đức Giêsu chúng ta được sống một đời sống mới, được trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa”. Như nếu Đức Kitô không giáng thế làm người chịu chết và Phục sinh, thì nhân loại sẽ không có ơn cứu độ, và chắc chắn nhân loại sẽ phải chìm đắm trong tội và sự chết; nhân loại sẽ đi trong tối tăm và chịu sự thống trị của Satan; nhân loại sẽ phải đau khổ và tuyệt vọng “chẳng biết đường, biết hướng về đâu”, nếu hậu quả là như vậy thì “nhân loại sinh ra nào có ích chi”? Chính vậy, mà Đức Kitô chết và sống lại là niềm vui hạnh phúc, vì nhờ giá Chuộc của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã tái tạo một nhân loại mới, nhân loại sẽ sống mãi nhờ ánh sáng trong Chúa Phục sinh, ánh sáng ấy dẫn nhân loại về với Thiên Chúa.

         Cứu chuộc, một hồng phúc Thiên Chúa dành cho con người:

Qua biến cố “nguyên tội” và tội riêng từng người, cho ta thấy một tình thương cao cả đến vô hạn của Thiên Chúa. Nhân loại đã phạm luật Thiên Chúa và đáng phải lĩnh án chết, đáng phải lên án, nhưng đổi lại bằng tha thứ và một tình thương cứu chuộc cao cả của Thiên Chúa. Đây quả là một nghịch lý đối với tâm lý con người, một nghịch lý hết sức đáng yêu. Thiên Chúa có quyền lên án, vì Ngài là Chúa, là Đấng thập toàn, nhưng Ngài đã không bao giờ lên án tội nhân. Một Thiên Chúa yêu thương, “Ngài không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sồng”(Ed 18,23), đây là một hành động tha thứ cứu chuộc của Thiên Chúa. Tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa, không làm con người mất sự tự do, nhưng làm con người ý thức về sự tự do của mình và luôn nhận biết một tình yêu vô hạn Thiên Chúa dành cho mình. Người con “hoang đàng” trong sự tự do của mình sẽ nhận biết tình yêu bao dung của Thiên Chúa, một tình Cha lớn mạnh bao chùm tất cả tội lỗi của người con, một người Cha nhẫn nại trong chờ đợi và bao dung khi tha thứ, một tình Cha luôn muốn cho con cái được sống hạnh phúc.

Nhân loại ở trong một tình trạng phản loạn chống lại Thiên Chúa, một hành động tưởng chừng như muôn đời phải sống xa cách tình yêu thương, sự chăm sóc của Thiên Chúa. Nhưng không, một điều hầu như trái ngược tất cả là khi ở trong tội, con người lại đón nhận được tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa dành cho mình nhiều hơn. Vì tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa luôn luôn lớn hơn tội lỗi của con người. Điều này thánh Phaolô đã nói: “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”(Rm 5,20). Cũng chính ở điểm này mà làm cho “người phụ nữ phạm tội ngoại tình; người con hoang đàng; người trộm lành” cảm nghiệm thấy một “hồng phúc” cao cả của Thiên Chúa dành cho mình thật sự lớn lao, một niềm hạnh phúc đến ngoài sức lực và công lao của họ.

Cũng vậy, khi nhận được một ơn tha thứ, một ơn cứu vớt trong vũng lầy tội lỗi, một ơn cứu chuộc của Thiên Chúa nhờ Máu Đức Kitô, thì thiết tưởng một người có quá khứ tội lỗi như: Phêrô, Phaolô, Mađalêna, Augustinô, người Trộm Lành sẽ vui mừng và cảm động biết bao khi được Đấng Phục sinh giải thoát. Hẳn các ngài sẽ yêu mến và biết ơn Đấng Cứu Chuộc cao sang đã giải thoát mình, và đem con người tội lỗi của mình được lại gần Thiên Chúa tình yêu. Điều này khiến cho các vị thánh có một quá khứ tội lỗi và muôn người phải reo lên trong niềm hạnh phúc “Ôi! Tội hồng phúc”, vì đã đáng cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc cao sang như thế.

Tội lỗi vốn là điều đáng chê trách và cần được loại bỏ nếu không muốn nói là điều kinh tởm vì Đức Giêsu Chúa chúng ta đã phải trả một cái giá thật đắt cho điều đó. Thế nhưng, có đôi khi chính nhờ những vấp phạm bản thân mà ta lại được lớn lên và tín thác hơn vào tình yêu Thiên Chúa. Nhờ những lúc thấy cuộc đời tối tăm mà ta mới nhận ra rằng ánh sáng thật cần thiết. Tội trở nên hồng phúc cho nhân thế khi ta biết nhận ra tình yêu Thiên Chúa để sẵn sàng phó thác cuộc sống ta cho Ngài. Tội chỉ trở nên là tội hồng phúc, khi ta biết vượt qua để nhận lãnh ơn Cứu độ, ân sủng của Ngài để kiên cường chiến đấu giữ vững niềm tin trong mọi thử thách.

Cả nhân loại, và riêng người Kitô hữu chúng ta, ngày hôm nay đang sống trong một ân huệ cao cả; đang thừa hưởng một gia tài cao quý từ trời ban xuống; một quà tặng vốn có do lòng bao dung đến quên mình của Thiên Chúa, đây là một hành động của Thiên Chúa vượt quá sự mong đợi của nhân loại tội lỗi; một gia tài mà Đức Kitô đã phải đổi bằng sự sỉ nhục, và Ngài đã chiếm giữ bằng giá Máu và cái chết trên thập tự. Nhờ Thánh Thần, trong biến cố Phục sinh Đức Kitô đã biến đổi nhân loại, từ cõi chết tiến vào cõi sống; từ nô lệ trở thành con cái; từ đoạn tuyệt trở nên gắn kết. Đó là niềm vui của nhân loại đang sống trong tội, niềm vui vì nhân loại đã đón lấy một ân huệ cao cả đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tự trao ban chính mình Ngài để đổi lấy con người trong tội, và đưa họ về cùng Thiên Chúa. Đây quả là một quà tặng vô giá, một ân ban, một hồng phúc tuyệt vời mà con người cảm nghiệm được từ Thiên Chúa yêu thương.

 “Ôi! Tội hồng phúc”, vì đã đáng cho chúng ta một Đấng Cứu Chuộc cao cả như thế.

                                                                    Chủng sinh: Giacôbê Nguyễn Thắng