NHỮNG THÁCH ĐỐ CHO ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH HIỆN NAY

 NHỮNG THÁCH ĐỐ CHO ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH HIỆN NAY

Hình ảnh quen thuộc nhất đối với dân tộc Việt Nam khi nói về gia đình, đó là “Chiếc nôi tình yêu”, “Mái ấm hạnh phúc”. Gia đình được hình thành trong tình yêu và là nơi trao nhận tình yêu. Qua truyện cổ Công Chúa Tiên Dung và Chử Ðồng Tử, Sự Tích Trầu Cau và truyện Ông Táo cho thấy: khi chưa bị ảnh hưởng nặng nề của phong kiến dưới ách đô hộ từ phương Bắc gần một ngàn năm, dân tộc Việt Nam đã có những quan niệm về hôn nhân gia đình rõ rệt chính xác, đó là duyên nợ và tình yêu. Hôn nhân tự do trong lễ giáo là khát vọng của tình yêu nam nữ trong hôn nhân Việt Nam. Gia đình yêu thương, hòa thuận, thủy chung, thuần nhất và gắn bó với đại gia đình cha mẹ, gia tộc và dân tộc. Nghi thức cưới hỏi của truyền thống văn hóa Việt Nam đã diễn tả ý nghĩa cao quý này qua biểu tượng: trầu cau, mâm quả, lời nguyện trước gia tiên, những lời cầu chúc trăm năm hạnh phúc…

Dựa trên nền tảng đó, con người  ngày hôm nay có được một ý thức sống động hơn về tự do cá nhân và chú ý nhiều hơn đến những tương quan liên nhân vị trong hôn nhân gia đình, đến việc thăng tiến phẩm giá người phụ nữ, đến việc truyền sinh có trách nhiệm và giáo dục con cái, đến sự hợp tác giữa các gia đình để cùng giúp nhau tăng trưởng trong đời sống hôn nhân gia đình. Cùng với đó, cũng giống như hầu hết các gia đình Á Đông, nhiều gia đình Việt Nam vẫn giữ được nếp sống gia phong, vẫn bảo tồn được các giá trị gia đình như lòng hiếu thảo, tình yêu chung thủy và sống hòa thuận trong đại gia đình có khi ba,bốn thế hệ sống chung với nhau [ 1].

Đối với người Việt Nam, truyền thống gia đình trên thuận dưới hòa, lòng hiếu thảo có vị trí quan trọng trong đời sống gia đình và xã hội. Có thể nói đó là một yếu tố căn bản để con người có thể thành nhân và thành tài. Nhưng truyền thống tốt đẹp đó đang có nguy cơ bị xói mòn và mai một. Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ thay vì là tổ ấm yêu thương. Có nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nạn bạo hành gia đình còn khá phổ biến, đặc biệt nhiều phụ nữ chưa được tôn trọng và yêu thương xứng đáng với phẩm giá con người. Tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng và hậu quả là những trẻ em thất học, trẻ em bỏ nhà đi bụi đời ngày càng nhiều. Những phương tiện thông tin đề cập thường xuyên đến nhiều vụ việc phạm tội mà cả nạn nhân và hung thủ đều là trẻ vị thành niên. Phần lớn những em này đều xuất thân từ những gia đình bất hòa, ly tán và đổ vỡ. Cùng với những mâu thuẫn và khủng hoảng gia đình, những con số thống kê cho thấy nạn phá thai càng ngày càng nghiêm trọng, ngay cả nơi những em còn ở độ tuổi học trò, thực tế ấy đã để lại những vết thương tâm lý nơi đương sự và những người có liên quan [2].

 Đó là một sự pha trộn giữa bóng tối và ánh sáng. Sự pha trộn ấy cho thấy lịch sử không đơn thuần là một sự tiến bộ nhất thiết tiến về cái hay hơn, tốt hơn, nhưng là một diễn biến của tự do, và hơn thế nữa còn là một cuộc chiến giữa những mối tự do đối nghịch nhau, nghĩa là, nói theo thánh Augustinô, một cuộc xung đột giữa hai tình yêu: một bên là lòng yêu mến Thiên Chúa đến độ coi rẻ chính mình và một bên là lòng yêu mình đến độ coi rẻ Thiên Chúa. Căn nguyên của những hiện tượng tiêu cực ấy thường là do sự suy đồi trong quan niệm và trong kinh nghiệm về tự do, người ta không còn coi tự do như khả năng thực hiện sự thật Thiên Chúa vạch ra cho hôn nhân gia đình, nhưng coi nó như một năng lực tự lập để tự xác định chính mình, thường là chống lại người khác, và để lo cho sự thoải mái ích kỷ của mình [3].

  1. Chủ nghĩa cá nhân

Việc đô thị hóa và công nghiệp hóa đã lôi kéo nhiều người ra khỏi gia đình mình, khiến họ phải thường xuyên hoạt động bên ngoài gia đình, họ không còn bao nhiêu thời gian để gặp gỡ, trao đổi với nhau. Hoàn cảnh xã hội đã làm cho mỗi người trong cùng một gia đình nhưng sống trong một thế giới riêng, với những sinh hoạt riêng, thú vui riêng, lo âu riêng của mình. Do đó, người ta ít cảm thông, ít quan tâm đến nhau, và chỉ còn nghĩ đến mình, lo cho nhu cầu và trách nhiệm riêng của mình. Những sinh hoạt chung trong gia đình ngày càng trở nên hiếm hoi, cụ thể nhất là các bữa ăn chung trong gia đình. Điều này rất bất lợi cho sự hiệp nhất và tình gia đình giữa các thành viên [4].

  1. Chủ nghĩa hưởng thụ

Việc hiện đại hóa và công nghiệp hóa khiến đời sống trở nên tiện nghi, phong phú về vật chất. Nền kinh tế thị trường và sự cạnh tranh kinh tế luôn luôn tìm cách tạo nên những nhu cầu giả tạo, khuyến khích người ta tìm những tiện nghi, hưởng thụ tất cả những gì vật chất và kỹ thuật đem lại. Để thỏa mãn những nhu cầu giả tạo này, người ta phải chạy theo đồng tiền, tìm kiếm và coi trọng nó. Khi đã coi trọng đồng tiền thì người ta sẽ coi nhẹ tình nghĩa, là cái cốt tủy tạo nên tương quan tốt đẹp trong gia đình.

  1. Chủ nghĩa khoái lạc

Trong số những nhu cầu giả tạo do nền kinh tế hưởng thụ tạo ra, những nhu cầu thuộc bản năng con người cũng được khai thác triệt để: các quán ăn nhậu và những tụ điểm giải trí mọc lên khắp nơi, trong đó có cũng có những hình thức giải trí thiếu trong sạch, lành mạnh nhưng lại rất dễ lôi cuốn. Vì thế, rất nhiều người bị cám dỗ tìm kiếm và hưởng thụ những lạc thú xác thịt. Điều này đã gây nên bao tang thương đổ vỡ cho các gia đình.

  1. Những khó khăn trong việc lưu truyền các giá trị và truyền thống của gia đình.

Người Việt Nam vẫn luôn coi gia đình là một định chế thánh thiêng. Thế nhưng, bị chi phối bởi chủ nghĩa đề cao tự do cá nhân, các thành viên trong gia đình đánh mất dần sự gắn bó với nhau. Những giây phút gặp gỡ chung trong gia đình càng ngày càng hiếm hoi. Cha mẹ suốt ngày bận rộn với công việc làm ăn, giao tiếp xã hội, hội hè, đình đám còn đâu những giây phút xum họp gia đình, còn con cái sau những giờ học tập cũng không còn giờ cho những cuộc tiếp xúc với các thành viên trong gia đình như ông bà, cha mẹ, anh chị em, các em bận rộn với computer, với truyền hình, với điện thoại. Các thành viên trong gia đình càng ngày càng trở nên cô độc, xa lạ với nhau ngay chính trong mái ấm của mình. Gia đình không còn là nơi để vợ chồng con cái xum họp, chia sẻ như là “một trường học để phát triển nhân tính” [5]. Hình như mái ấm gia đình đã trở thành một quán trọ, vắng bóng tình thương. Hiện tượng này có thể được gọi là nguyên nhân gây ra những bất hạnh trong gia đình, đưa đến tình trạng nghiện nghập xì ke, ma túy và hành nghề mại dâm nơi các trẻ vị thành niên.

  1. Những khác biệt của các kiểu mẫu gia đình.

Ngày hôm nay tình trạng văn hóa và tín ngưỡng khác nhau trong các gia đình do hệ lụy của hôn nhân pha lẫn diễn ra phổ biến. Không nghi ngờ gì ngày hôm nay người ta thường nói đến một “kiểu mẫu gia đình mới”. Từ ngữ “gia đình kiểu mới” được nhiều lần nói đến và người ta có khuynh hướng nói đến một khái niệm mới về hôn nhân. Càng ngày người ta càng rời xa khái niệm hôn nhân là một cuộc sống chung giữa hai người khác phái.

Hôn nhân được định nghĩa trong một khái niệm về một “kiểu mẫu gia đình mới”, đó là tình trạng con cái có cha mẹ ly hôn phải sống với ông bà không còn phải là chuyện hiếm hoi, có những gia đình chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ ở với con cái, có những gia đình mà cha mẹ chỉ đến thăm con một năm được một hoặc hai lần, có những gia đình cha mẹ không muốn sinh con hoặc trì hoãn sinh con, những cuộc sống chung không cần hôn thú, gia đình đồng giới tính. Những dạng thức gia đình này được gọi là “kiểu mẫu mới”. “Gia đình kiểu mẫu mới” này qủa thật là hư ảo và phá vỡ khái niệm đúng đắn của hôn nhân gia đình.

  1. Tự do sống chung

Nhân loại đã bước vào thế kỷ XXI, một kỷ nguyên đánh dấu bước ngoặt về kinh tế, khoa học và nhất là sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ thông tin đã làm cho cuộc sống con người ngày càng được nâng cao. Tiếc thay, những giá trị đạo đức đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, duy vật chất, kéo theo đó là cả một hệ lụy. Hơn nữa, giới trẻ ngày nay quá lạm dụng tự do để chạy theo lối sống hưởng thụ, mà họ cho là hợp thời, sành điệu; họ bỏ qua những giá trị đạo đức là nền tảng cốt yếu của con người. Một trong những lạm dụng tự do, đó là “sống thử”. Vấn đề này không chỉ là sự lo lắng của các bậc làm cha mẹ mà còn là thách đố của các nhà giáo dục cũng như những người có trách nhiệm.

Với chủ trương thực dụng, hôn nhân ngày nay đang đối diện với nguy hiểm đầu tiên đó chính là tình trạng mỏng manh, không bền vững, vì bản chất của hôn nhân đã bị hiểu sai lạc. Càng ngày các bạn trẻ càng có khuynh hướng sống chung với nhau trước khi kết hôn. Việc sống chung đã trở thành một sinh hoạt bình thường trong xã hội, và việc đó không được coi như là một hành vi vô luân lý. Hậu qủa là con số trẻ em được sinh ra ngoài hôn nhân càng ngày càng đông; hay con số phá thai càng ngày càng tăng cao. Có bạn trẻ đã đưa ra nhận xét: “Những trò đùa nam nữ bây giờ không còn là chướng ngại vật nữa. Cháu có cảm tưởng một số bạn gái chẳng ngần ngại gì khi “sống thử” cùng bạn trai. Sau đó họ đưa nhau đi giải quyết “sự cố”, coi như bình thường, không có chuyện gì xảy ra” [6].

Những hậu quả của việc tự do sống chung, sống thử thường không lường hết được. Đó là việc gia đình sau này lục đục, bất hòa… và gây hoang mang tinh thần cho những người thân trong gia đình. Bên cạnh nỗi đau về tinh thần, còn có nỗi đau về thể xác, hậu quả của nó, người trong cuộc khó tiên liệu hiện tại, vì câu trả lời chỉ có trong tương lai. Có lẽ chỉ với những người đang và sẽ làm mẹ mới hiểu nỗi đau không thể sinh con mà hậu quả của những lần phá thai để lại; hiện tại, họ không có lựa chọn nào khác hơn là phá bỏ cái thai, nhẫn tâm trở nên “thú dữ” với chính mầm sống đang từng ngày lớn lên trong bụng. Đó là giải pháp cuối cùng và tất yếu của việc sống thử, hay vội vàng “cho” để chứng minh tình yêu của cô gái, hay của những cuộc ăn chơi thác loạn [7].

  1. Tình trạng ly hôn

Theo kết quả nghiên cứu về xã hội học đã được công bố của Tiến sỹ Nguyễn Minh Hòa (Trường Đại học KHXH và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) thì tỷ lệ ly hôn trên cả nước chiếm từ 31 – 40% trên số kết hôn. Điều đó có nghĩa cứ 3 cặp kết hôn thì sẽ có 1 cặp chia tay và chiếm 60% trong số này là lớp người trẻ thuộc thế hệ 8X (từ 23 – 30 tuổi). Tại TP Hồ Chí Minh, số liệu điều tra xã hội học còn cho biết mỗi năm có trên 50 ngàn trẻ em rơi vào hoàn cảnh cha mẹ bỏ nhau và 30% trẻ em lang thang đường phố xuất thân từ hoàn cảnh này. Mâu thuẫn về lối sống, tự do cá nhân là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc vợ chồng ly hôn [8].

Ly hôn gây ra rất nhiều đau khổ nhất là khi người vợ hay người chồng cũ đòi ly dị không còn chung sống nữa, điều này gây nên một cảm giác lo âu và hoảng loạn. Sau một thời gian nào đó, cả nỗi đau khổ lẫn sự khoan khoái nhường chỗ cho sự cô độc [9]. Đây là một tình huống xấu nhất, một bất hạnh lớn nhất cho hôn nhân và đưa đến nhiều hậu quả cho đương sự cũng như gia đình, cho con cái và cho cả xã hội.

Những người ly hôn thường bị gia đình, bạn bè đặt họ dưới cái nhìn bất bình thường, nghi kỵ. Do đó, từ việc giao tiếp đến việc làm ăn, họ có thể gặp trở ngại do đánh giá không tốt của mọi người. Từ đó cuộc sống tương lai của họ cũng gặp khó khăn cả về tâm lý, tình cảm. Nhiều khi nỗi chán trường lẫn mặc cảm tự ti khiến họ không còn tha thiết, hào hứng với cuộc sống. Từ sự chán chường, bất mãn và hận đời, họ sẽ sống buông thả, tiêu phí thời gian cho những thú vui để lãng quên thực tại phũ phàng mà họ đang phải đối diện, rượu chè bê tha, nghiện ngập ma túy, tệ nạn xã hội… vì chẳng còn ai ràng buộc họ. Và từ tâm lý bất lợi, bất ổn ấy mà họ có thể sao nhãng, xem thường mọi bổn phận đối với con cái và trách nhiệm họ đang gánh vác. Từ đó kéo theo những tác hại luân lý cho đời sống cá nhân, gia đình và xã hội.

  1. Kế hoạch hóa gia đình

Do ảnh hưởng của trào lưu sống hưởng thụ nên người ta ngại sinh con. Ngày hôm nay, đối với nhiều cặp vợ chồng, con cái nhiều khi trở nên một chướng ngại cho đời sống riêng tư của họ. Bởi đó họ đã không ngần ngại dùng mọi biện pháp hạn chế sinh sản như ngừa thai, hay phá thai với đủ mọi thứ lý do: không đủ khả năng để chăm lo con cái, kinh tế chưa cho phép… Hoặc lấy lý do về việc khủng hoảng dân số trên địa cầu để đề ra hoặc khuyến khích kế hoạch hoá việc sinh sản. Những lý do này đang cổ súy cho một nền “ văn hóa sự chết” [10].

Việc kế hoạch hóa sinh sản đã làm cho sự sống của gia đình trở nên cằn cỗi bởi sự sống chỉ có thể là kết qủa của tình yêu. Hạn chế sinh sản vô trách nhiệm và thiếu ý thức là làm cạn kiệt suối nguồn tình yêu nền tảng của đời sống hôn nhân, biến quan hệ vợ chồng trong hôn nhân trở thành một hành vi hưởng thụ ích kỷ. Sự ích kỷ trong tình yêu không thể nào làm cho đời sống gia đình được phong phú và có sự sống dồi dào được. Việc kế hoạch hóa sinh sản  đã làm cho xã hội trở nên già nua, số người già đông hơn hơn thanh niên và trẻ em. Đó không là điểm tích cực nhưng là điều báo động, nói lên tình trạng bất quân bình trong xã hội, và đang đưa xã hội đến chỗ cạn kiệt của nguồn sự sống.

Ngày nay nhiều các quốc gia trên thế giới, và đặc biệt hầu hết các quốc gia Châu âu đã hợp thức hóa tình trạng phá thai, đặc biệt cho xử dụng thuốc phá thai: “RU-486 Pille” [11], với viên thuốc nầy người phụ nữ có thể trục thai một cách dễ dàng đơn giản. Các chính phủ lập luận việc cho phép phá thai là việc làm phù hợp với quyền tự do lựa chọn của người mẹ. Nại đến quyền tự do của người mẹ mà cho phép cướp đi quyền được sống của thai nhi là một việc hết sức bất nhẫn và là một tội ác [12].

  1. Phá thai

Việt Nam là một trong mười nước có tỷ lệ phá thai cao nhất trên thế giới mà đáng lưu ý là ở lứa tuổi vị thành niên. Đó là nhận định của các y bác sĩ thuộc Bệnh Viện Sản Khoa Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hội nghị Sản Phụ Khoa Việt-Pháp – Châu Á Thái Bình Dương , các bác sĩ trong bệnh viện Từ Dũ cho biết Việt Nam nằm trong danh sách mười nước trên thế giới có tỷ lệ phá thai cao nhất, nghĩa là đến 20%. Số trẻ vị thành niên Việt Nam dưới mười chín tuổi đi phá thai gần như tăng đều mỗi năm. Năm 2005 bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận khoảng 388 ca phá thai tuổi vị thành niên, nhưng đến năm 2008 thì tăng thành 512 em [13].

Tình trạng phá thai ở tuổi vị thành niên hiện nay đang trở thành thông dụng. Phá thai được thực hiện tại nhiều bệnh viện công, bệnh viện tư và các trung tâm kế hoạch hóa gia đình. Thực trạng này đã và đang gây ra nhiều nhức nhối gây tổn hại đến đời sống hôn nhân gia đình. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhận định: Trong chiều hướng này, nạn phá thai vượt ra ngoài trách nhiệm của những cá nhân và vượt ra ngoài mối nguy hại tạo ra cho họ, và mang một chiều kích xã hội đặc biệt. Đó là một vết thương trầm trọng nhất cho xã hội và nền văn hóa của nó, gây ra do chính những người mà đáng lý họ phải là kẻ thăng tiến và bảo vệ xã hội… Chúng ta đang đương đầu với cái được gọi là “cơ cấu tội lỗi”, nó chống lại sự sống con người chưa được sinh ra” [14].

Do quan niệm phóng túng về tình yêu, về hôn nhân, về lối sống mà những giá trị và vẻ đẹp của đời sống hôn nhân, của hạnh phúc gia đình đang bị bóp méo và làm cho lệch lạc. Vì không còn quí trọng giá trị sự sống, niềm vui được làm cha mẹ, nên việc ngừa thai, phá thai được cổ võ và được hiến pháp nhiều quốc gia thừa nhận.

Nhìn vào thực tế của cuộc sống hôm nay, thực trạng này đã để lại những hệ quả và hậu quả tiêu cực khôn lường, nó ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến những giá trị cao quí của con người; làm cho con người đang dần dần đánh mất phẩm giá cao quí mà Thượng Đế ban tặng, biến con người trở nên “thú dữ” giết hại lẫn nhau, thậm chí đó là những người thân yêu nhất của mình, ngay cả “giọt máu” khi còn trong“trứng nước”.

  1. Sự nghèo đói của các gia đình nông thôn và thành thị

Thách thức chính yếu và đầu tiên mà các gia đình phải đối đầu, đó chính là tình trạng nghèo đói của các gia đình nông thôn và thành thị. Đây là một thực tế bi đát mà các gia đình phải cam chịu từng ngày và không thể thoát ra được. Nhiều bạn trẻ sống trong các gia đình nghèo không giám nghĩ đến hôn nhân và bắt đầu một gia đình vì thiếu những phương tiện cơ bản để sinh sống và nâng đỡ nhau [15]. Vì kế sinh nhai, vì miếng cơm manh áo, nhiều người bỏ làng quê đi làm ăn ở nơi xa, đã tạo nên một làn sóng di dân từ nông thôn lên thành phố làm cho các cộng đoàn ở nông thôn trở thành tê liệt. Và trong tình trạng quá nghèo khổ ấy, đôi khi các gia đình đã đi đến chỗ cực đoan là phải bán các bộ phận thân thể để sinh tồn.

Vì  các gia đình nghèo thiếu thốn những phương tiện căn bản để sống còn, như thực phẩm, việc làm, nhà cửa, thuốc men, cho đến cả những tự do sơ đẳng nhất, nên các đôi bạn mất sự quảng đại và can đảm để làm phát sinh thêm những sự sống mới: người ta không còn coi sự sống như là một lời chúc phúc, nhưng lại coi như một sự nguy hiểm phải tránh né [16].

            Tình trạng nghèo đói của người nghèo trong các đô thị còn tồi tệ hơn nếu đề cập tới chỗ ăn ở, điều kiện sinh sống của gia đình như nước uống sạch, điều kiện vệ sinh…Vì sống trong những căn hộ của nhà nước hay của tư nhân, nên người dân luôn phập phồng không biết bị đuổi khi nào và lúc đó thì nhà đâu mà ở. Đôi khi đây chính là những động cơ tội ác, lạm dụng và gây ra sự tan vỡ gia đình [17].

  1. Ảnh hưởng của toàn cầu hóa

Do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, đặc biệt, khi mà cơ chế thị trường vận hành xã hội thì khả năng thu nhập và giá trị của đồng tiền được đề cao. Thực tế đó đã tác động mạnh mẽ đến từng gia đình, thu hút các thành viên theo dòng chảy xã hội. Người ta bị hấp dẫn theo chiều hướng cực đoan, say sưa làm ăn để kiếm ra thật nhiều tiền, giá trị hôn nhân gia đình bị coi nhẹ, đạo đức truyền thống bị lung lay trước sức ép của cuộc sống tiêu thụ đô thị. Việc giáo dục con cái, phụng dưỡng cha mẹ, sự chăm sóc giữa các thế hệ trong gia đình bị xao lãng và đặt xuống dưới nhu cầu kinh tế. Sự thủy chung vợ chồng, lòng hiếu thảo đã bị phủ nhận. Hậu quả là nhiều nơi đã xảy ra những xung đột trong quan niệm cũng như đụng độ trong ứng xử giữa các thành viên; không ít gia đình phải ly tán, cha mẹ con cái phải chia tay nhau. Phải chăng ở đây đã biểu hiện một nguy cơ xuống cấp của gia đình? [18].

Bên cạnh đó, trong  bối cảnh tranh tối tranh sáng của cơ chế toàn cầu hóa đã gây hoang mang và đặt ra nhiều giá trị nghi vấn về truyền thống gia đình, cùng với đó là những tai họa vô cùng to lớn đang dần dần xâm phạm và kích thích một cách tiêu cực nhất vào bản tính con người [19]. Một nền văn hóa kỹ thuật nổi lên rất nhanh đang làm bật rễ các gia đình ra khỏi nền văn hóa truyền thống. Chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa trần tục hóa, chủ nghĩa duy vật, hưởng lạc và tiêu thụ đang làm xói mòn và đi ngược lại với các giá trị của gia đình. Não trạng kỹ thuật này đang làm suy yếu mối liên hệ thân tình và yêu thương trong đời sống gia đình. Nhiều người đã không còn coi hôn nhân như là một sự dấn thân trọn đời. Việc ăn ở với nhau ngoài hôn nhân không còn là hiện tượng hiếm thấy ở các đô thị, ở đó chẳng ai biết ai [20]. Thậm chí ngày nay, đang có những nỗ lực nhằm thay đổi quan niệm truyền thống về hôn nhân gia đình, thay đổi cả giá trị của cuộc sống. Tinh thần tục hóa với sự tiếp tay của các phương tiện thông tin trong xã hội, nhất là nghành truyền thông, đã lan rộng quá mạnh và quá hấp dẫn đến nỗi đang giăng ra những thủ đoạn tinh vi và quỷ quyệt để cướp đi linh hồn của nhiều người trong các gia đình.

  1. Hiện tượng di dân

Cuộc sống của người Việt Nam trước đây gắn liền với nông thôn. Mọi sinh hoạt xã hội, kinh tế, văn hoá và tôn giáo đều diễn ra trong phạm vi “lũy tre làng”. Trong các Giáo xứ, việc dạy giáo lý, hoạt động từ thiện bác ái, sinh hoạt phụng tự có thể tổ chức sắp xếp rất thuận lợi. Người giáo dân có nhiều cơ hội gặp gỡ và chia sẻ trong nhiều lãnh vực khác nhau. Các thành viên trong một gia đình luôn ở bên cạnh nhau trong mọi sinh hoạt. Sự gần gũi thường xuyên như thế giúp mọi người có thể nhắc nhở, động viên nhau sống đạo cách dễ dàng và hiệu quả. Như vậy, môi trường Giáo xứ miền quê là một môi trường thuận lợi cho các mối quan hệ liên bản vị và cho nền giáo dục Kitô giáo [21].

Môi trường đó nay đang dần dà thay đổi. Từ làng quê lên thành phố, người thôn quê cảm nghiệm được sự tự do, ở đây họ sống trong bầu khí “ Vô tên tuổi”: không ai biết mình, không ai nhòm ngó mình, các áp lực nặng nề ở quê nhà, làng xóm không còn nữa, họ cảm thấy nhẹ nhõm thoải mái. Và họ có thể “ đánh mất chính mình” khi chạy theo những tiêu cực đầy hấp dẫn của cuộc sống đô thị thay vì hấp thụ những giá trị đích thực của cuộc sống ấy [22]. Sống trong môi trường như vậy người ta không có nhiều điểm tựa và những cái khung bảo vệ chắc chắn cho sự phát triển thể lý, tâm lý và đạo đức. Họ đánh mất nhiều giá trị tích cực mà từ trước tới nay họ hằng ấp ủ. Vì thế, với những mời mọc cám dỗ, hôn nhân gia đình rất dễ bị đe dọa và tan vỡ.

 Trước làn sóng đô thị hoá và công nghiệp hoá. Ngày càng có nhiều người rời nông thôn để tìm việc làm tại các đô thị, phần lớn trong số này là giới trẻ. Những người di dân là sinh viên, học sinh, công nhân, những người buôn bán nhỏ và còn nhiều thứ dịch vụ khác. Cũng vì cuộc sống, có nhiều người đi lao động hoặc nhiều phụ nữ đi làm dâu ở nước ngoài. Họ phải đối diện với rất nhiều khó khăn để hội nhập vào một nền văn hóa mới, có những phong tục tập quán hoàn toàn xa lạ với nền văn hóa của quê hương, đặc biệt xa lạ với đời sống gia đình công giáo Việt Nam. Họ rất vất vả trong cuộc vật lộn mưu sinh, không còn thời gian dành cho đời sống thiêng liêng. Trong hoàn cảnh đó, quan niệm về tình yêu hôn nhân, về đời sống gia đình cũng bị biến dạng. Đã xuất hiện những trào lưu thiếu lành mạnh và sai lầm như sống thử, sống ngoài hôn nhân và tự do ly dị. Từ đó đã xuất hiện rất nhiều gia đình tan vỡ khi vợ hoặc chồng đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài [23].

  1. Chế độ gia trưởng trong các gia đình

Do ảnh hưởng của văn hóa Á Đông, nên người nam luôn giữ vai trò quyết định trong các gia đình Việt  Nam. Chế độ gia trưởng này đã bén rễ sâu trong mọi cấu trúc xã hội, điều đó đã tạo nên sự bất bình đẳng cơ bản về giới tính và đã tạo ra quyền tối thượng cho nam giới. Chế độ này đã thống trị mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, quan hệ con người, quan niệm và cách thức giáo dục con cái, cũng như thành kiến về vai trò của nam, nữ trong cộng đồng xã hội.

Chế độ gia trưởng định nghĩa người đàn ông như là hiện thân của sự dũng cảm, sức mạnh, quyền uy và thống trị. Đó chính là nền tảng cho chủ trương nam giới ngự trị ngoài xã hội và thống lãnh trong gia đình. Mặt khác, chế độ gia trưởng cho đàn bà là hiện thân của sự ngoan ngoãn, chịu đựng và thuần phục. Chủ nghĩa nam quyền nhìn nhận người phụ nữ chỉ là những con người phụ thuộc và thường thiết lập một tiêu chuẩn để đánh giá hành vi đạo đức của đàn ông, đàn bà, con trai, con gái [24]. Chẳng hạn dựa trên quan niệm trọng nam kinh nữ này, người chồng không thủy chung với người vợ, sự vô trách nhiệm của người cha đối với con cái, thường dễ được bỏ qua và dễ được tha thứ hơn là sự phản bội và vô trách nhiệm của người vợ. Vì trọng nam khinh nữ, chỉ chọn con trai, nên trong lúc mang thai nhiều ông bố, bà mẹ đã đi xác định giới tính của người con sắp được sinh ra, nhiều người đã nhẫn tâm loại bỏ thai nhi nữ. Từ quan niệm đó đã có hàng ngàn thai nhi nữ bị sát hại, điều này đã làm băng  hoại đời sống hôn nhân gia đình và dẫn đến tình trạng mất cân bằng về giới tính.

  1. Phân biệt phụ nữ và các trẻ gái

Ngày nay, mặc dù quyền bình đẳng giới đã dần được cải thiện, nhưng cái quan niệm “ đàn ông trên nhà, đàn bà dưới bếp” hay “ nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” vẫn còn ảnh hưởng lớn trong các gia đình Việt Nam. Câu chuyện của người phụ nữ  bị chồng coi là “không biết đẻ” chắc chỉ người trong cuộc mới thấm thía nổi sự cay đắng. Mỗi một lần mang thai, thấp thỏm, đến khi con chào đời, là “vịt” thì lại thêm một lần cay đắng. Chồng chẳng hỏi thăm, bế con lấy một lần, rồi lại lè nhè rượu chè, đi đâu cũng chửi vợ “không biết đẻ con trai”, chị An, người đã có tới 4 cô con gái chua xót nói:

“Rồi ông ấy còn công khai, “cô không biết đẻ, tôi sẽ đi “gửi”, khi nào có thằng cu thì mang về cho mà nuôi, cho nở mày nở mặt”, chị An nói tiếp, mắt đã bắt đầu rơm rớm. Bầy con vây quanh chị chẳng hiểu sao mẹ khóc, chỉ im lặng. Vì thế, lần mang thai thứ 5 này, chị đang đợi đến 3 tháng để đạp xe lên viện tỉnh, cách nhà hơn 30km siêu âm màu xem là trai hay gái rồi mới quyết đẻ hay không.

Đây là nguy cơ làm cho dân số tăng theo, đồng thời, tình trạng nạo phá thai cũng tăng. Nhiều người đã có 2 con gái, nhưng vẫn cố gắng đẻ “mót” lấy thằng cu nối dõi tông đường, nên không ngần ngại phá bỏ thai khi biết giới tính là nữ. Điều này đã đẩy số ca nạo phá thai ở nước ta không ngừng tăng lên. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới với nửa triệu ca mỗi năm, bằng 1/2 số em bé được sinh ra. Con số thực tế có thể cao hơn do việc ghi chép các ca phá thai thường không đầy đủ, nhất là ở khu vực y tế tư nhân. Gần 1/3 số phụ nữ phải bỏ thai đang ở tuổi vị thành niên [25].

Trong gia đình, con trai thì được coi trọng còn con gái thì  phải chịu tình cảnh phân biệt đối xử từ lúc còn nhỏ. Tình trạng buôn bán phụ nữ, thậm chí cả trẻ em, cho việc kinh doanh tình dục tại nội địa hay nước ngoài không phải là một hiện tượng hiếm có. Đây là một thách đố lớn cho hôn nhân gia đình.

  1. Lối sống của giới trẻ trong gia đình

Có thể nói thế hệ thanh thiếu niên hôm nay là một thế hệ chú trọng về vật chất nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Trong ba thập niên qua, những sự tiến bộ phi thường về kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực, và việc áp dụng kỹ thuật vào các công nghệ đã làm cho đời sống của thanh thiếu niên càng bị lệ thuộc vào vật chất nhiều hơn. Chẳng những thế, sự phát triển về công nghệ thật sự đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách suy nghĩ về cuộc sống của giới trẻ;  Đó là lối sống quá tự do, buông thả, thích một cuộc sống hưởng thụ, phóng đãng, không tôn trọng chuẩn mực đạo đức của cộng đồng hay luật lệ của tôn giáo [26].

      Giới trẻ ngày nay đang tận dụng “thời kỳ mở cửa” mà tha hồ thể hiện những cái “tự do ngoài khuôn phép” của mình, mà họ nghĩ rằng đã bị chèn ép, gò bó bấy lâu nay dưới áp lực, ảnh hưởng của xã hội phong kiến, của một lối giáo dục đại đồng theo tinh thần truyền thống đạo đức của người Phương Đông. Sự thể hiện lối sống ấy của họ như là một thông điệp muốn nói lên rằng họ cần phải được tự do, muốn làm gì thì làm, muốn thích sao thì thích, đừng ai can thiệp hay đụng vào. Sự tự do ấy đã vượt ra ngoài những chuẩn mực đạo đức tốt lành, vượt ra ngoài những khuôn phép, phẩm đạo của lương tâm, khiến họ không còn biết phân định đâu là những gì họ được phép làm hay đâu là những gì họ không được phép thực hiện. Sự thể hiện tự do của họ đang trở thành một “ung nhọt” ngày càng làm nhức nhối xã hội, mà hậu quả thật là lớn, trở thành một gánh quá nặng cho xã hội đang thời kỳ phát triển như hiện nay. Đó là những trung tâm cai nghiện ma tuý ngày càng nhiều, những bệnh viện dành điều trị cho những bệnh nhân HIV, những trung tâm mồ côi, hoặc những nhà tình thương tập thể làm nơi tá túc cho những chị em đã lỡ lầm…Vì vậy, vấn đề đặt ra là, làm thế nào để bớt đi những điều không hay ấy? Câu hỏi này đang là một thách đố cho những người có trách nhiệm và cho chính đời sống hôn nhân gia đình.

  1. Bạo lực trong gia đình

Ngày nay, tình trạng bạo lực trong các gia đình đang ngày một gia tăng đáng báo động. Thỉnh thoảng báo chí, truyền thanh, truyền hình hoặc internet loan tin chị này cầm dao cắt đứt dương vật chồng ném vào thùng rác, ném xuống sông, bỏ vào máy xay. Anh kia dùng giao hăm dọa vợ, hay dùng súng bắn chết vợ con rồi quay lại tự sát. Hoặc chồng đánh vợ ngất xỉu phải vào nhà thương… Khi nghe, xem hoặc đọc những tin như vậy chúng ta thường cảm thấy xót thương cho các nạn nhân, và nguyền rủa những kẻ vũ phu, những người có tâm địa độc ác. Nhưng những lần vợ chồng đánh chửi nhau, gây thương tích cho nhau mà giấu diếm, hoặc phải âm thầm chịu đựng thì thường ngày vẫn xẩy ra như cơm bữa.

            Vâng, chuyện bạo hành trong hôn nhân là một chuyện dài không có hồi kết thúc. Nó xẩy ra mọi nơi trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam, đặc biệt ở những nơi mà dân trí thấp kém, trình độ văn hóa chưa được khai phóng. Nơi mà những cổ tục và tập quán còn man khai. Những nơi đó việc vợ bị chồng đánh đập, chà đạp nhân phẩm, hoặc việc vợ tru trếu, chửi bới, cào cấu chồng là chuyện thường ngày xảy ra. Hành động này đã làm tan nát biết bao gia đình, biết bao cặp vợ chồng đã phải ly dị và bao trẻ thơ đang phải sống thiếu tình cảm của cha mẹ. Đó phải chăng là một sự khủng hoảng lớn, một sự băng hoại trong đời sống hôn nhân gia đình? Và tình trạng này đang là một thách đố lớn cho hôn nhân gia đình hiện nay.

  1. Sự phát triển của khoa sinh học và mối đe dọa đối với sự sống

Ngày nay, sự phát triển của khoa sinh học đã mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về sự sống con người và đang cung cấp cho chúng ta các thông tin khoa học giá trị. Sẽ có ngày nào đó, mọi chứng bệnh nan y mà cho đến nay chưa tìm ra phương pháp điều trị, sẽ được chữa lành. Trong ánh sáng đức tin, các tiến bộ khoa học này đã làm tăng thêm cách mãnh liệt lòng kính sợ của chúng ta đối với quyền năng tạo thành vô biên của Thiên Chúa.

 Nhưng cũng từ những tiến bộ vượt mức của khoa sinh học này, đã nảy sinh các vấn đề đạo đức sinh học rất nghiêm trọng liên quan đến sự thánh thiêng và phẩm giá của sự sống ngay từ lúc bắt đầu [27]. Việc thụ tinh trong ống nghiệm để cho ra đời một con người mà không cần có sự kết hợp của người nam và người nữ. Những bóng ma của di truyền học đang trở thành ưu sinh học, khoa học này đang sản xuất có lựa chọn và khoa học những siêu nhân hoặc là những “đứa bé được lập trình” và một “ siêu giống nòi”. Đặc biệt với “chủ thuyết ưu sinh”  [28] người ta sẽ loại bỏ ngay những phôi thai nào được xem ra là không bình thường, có di tật, hay có bệnh bẩm sinh, và như vậy là xâm phạm đến phẩm giá của hôn nhân, của sự sống con người và đến tính thánh thiêng của sự sống.

            Tắt một lời, những thách đố trên đã đe dọa và làm cho đời sống hôn nhân gia đình bị băng hoại, sự sống và tình yêu không còn được tôn trọng như là món quà của Thiên Chúa ban tặng. Trước thực trạng ấy, cần phải trở về với những suy tư đúng đắn của thần học Kitô giáo về hôn nhân gia đình. Vậy theo Kitô giáo, hôn nhân gia đình phải hiểu như thế nào?

 Lm. Giuse Phan Cảnh

 

Chú thích:

[1] Đức Thánh Cha Gioan Phalô II, Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu, 46.

[2] HĐGMVN,Môi trường giáo dục Kitô giáo, thư chung 2008, 10.

[3] Đức Thánh Cha Gioan Phalô II, Tông Huấn Familiaris Consortio, 1981 ,6.

[4] Liên HĐGM Á Châu, Sứ mệnh yêu thương và phục vụ trong gia đình,Hội nghị lần thứ VII tại BangKok, 2000.

[5] Gaudium et spes, 52.

[6] Phụ Nữ Chủ Nhật, số 51, ngày 28- 12- 2003, trang 20.

[7]  http://tonggiaophanhue.net/home/index.php.06 /12 /2010. “Văn hóa Sự chết” trước thực trạng “sống chung – sống thử” trong giới thanh niên hiện nay. Lm. Đỗ Trung Thành, O.P.

[8]  http://ca.cand.com.vn/vi-VN/thoisuxahoi/tintucsukien.cand cập nhật ngày 22/07/2008.

[9] Tương Lai, Những nghiên cứu xã hội học về gia đình Việt Nam, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1996, 145.

[10] Liên HĐGM Á Châu lần thứ VIII, Gia đình Á Châu hướng đến nền văn hóa sự sống toàn diện, 2003,37.

[11]  RU-486 là loại thuốc viên, đầu tiên được nghiên cứu chế tạo tại Pháp vào năm 1980 do hãng “ Groupe ruossel Uclaf”, và đến năm 1992 thì loại thuốc này được tung ra thị trường. Viên thuốc này  không nhằm mục tiêu ngăn cản sự phóng noãn, nhưng đúng hơn nó được xếp vào loại “ Chống hóc môn sinh dục”. RU-486 đang được coi như phát minh mới của nghành y học. Người phụ  nữ chỉ cần uống thuốc ấy bốn ngày trong tháng thôi thì có thể đảm bảo cho việc ngừa thai, bất kẻ là trứng đã được thụ tinh hay chưa. ( Theo tuần báo “Newsweek” số ra ngày 3/5/1982, 85. ).

[12] Gaudium et spes, 51.

[13] Thanh Trúc, phóng viên đài RFA, phỏng vấn BS. Phạm Thanh Hải ,ngày 21/05/2010.

[14]  Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Evangelium Vitae, 59

[15]  Liên HĐGM Á Châu lần thứ VIII, Gia đình Á Châu hướng đến nền văn hóa sự sống toàn diện, 2003,12.

[16]  FC,6.

[17] Liên HĐGM Á Châu lần thứ VIII, Gia đình Á Châu hướng đến nền văn hóa sự sống toàn diện,14.

[18] Bản đúc kết “Không Có Tình Yêu Hỗ Tương Của Gia Đình,- Xã Hội Chúng Ta Sẽ Diệt Vong”của Hội nghị Công Giáo và Chính Thống Giáo về gia đình đã được tổ chức tại Trent, Italia từ ngày 10 tới ngày 14 tháng 12/2008.

[19] P. Nguyễn Thái Hợp,O.P, Thần học luân lý xã hội, trung tâm học vấn Đa Minh, Gò Vấp, 2008, p. 280.

[20]  Liên HĐGM Á Châu lần thứ VIII, Gia đình Á Châu hướng đến nền văn hóa sự sống toàn diện, 23.

[21]  Hội Đồng Giám Mục Việt Nam,Môi trường giáo dục Kitô giáo, thư chung 2008,11.

[22]  Lm. Nguyễn Hồng Giáo, O.F.M, Đạo trong đời, Học Viện Phanxicô, tháng 11/2005, 159.

[23]  Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Môi trường giáo dục Kitô giáo,11.

[24]  Lm. Nguyễn Hồng Giáo, O.F.M, Đạo trong đời, Học Viện Phanxicô, tháng 11/2005, 159.

[25]  Hồng Hải, Báo động tình trạng phá thai và chênh lệch giới tính, báo Dân trí, 5/11/2011.

[26]  Thương Nguyên, Ảnh Hưởng Của Vật Chất Đối Với Thanh Thiếu Niên Thời Nay, báo tuổi trẻ chủ nhật.

[27]  Liên HĐGM Á Châu lần thứ VIII, Gia đình Á Châu hướng đến nền văn hóa sự sống toàn diện, 43.

[28] Thuyết Ưu Sinh : học thuyết cho rằng chủng tộc người có thể (hoặc phải) cải tiến bằng cách nhân giống chọn lọc có kiểm soát giữa những người có tính trạng mong muốn như sức khoẻ, vóc dáng, trí tuệ. Đây là vấn đề đang tranh cãi, một phần do những khó khăn trong phán đoán vai trò tương ứng của nhân tố môi trường và di truyền. Nhiều người cho rằng đó là vấn đề đạo đức, bao gồm cả tự do của con người và mối nguy hiểm của việc sử dụng thuyết ưu sinh vào mục đích chính trị tàn bạo. (Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam: http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn/)