MỘT VÀI GỢI Ý ĐỂ HIỂU VÀ SỐNG MÙA CHAY THÁNH 2025
MÙA CHAY LÀ GÌ VÀ THỜI GIAN ĂN CHAY?
Mùa Chay bắt đầu vào ngày Thứ Tư Lễ Tro, ngày 5 tháng 3 năm 2025, và kết thúc vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 17 tháng 4 năm 2025, trước khi cử hành Lễ Tiệc Ly. Tuần Thánh, bắt đầu từ Chủ Nhật Lễ Lá vào ngày 13 tháng 4 năm 2025, tưởng niệm Tiệc Ly, Cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Kitô trên Thánh Giá. Vào tối Thứ Bảy Tuần Thánh và Chủ Nhật Phục Sinh, ngày 20 tháng 4 năm 2025, các tín hữu kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Kitô.
Thời gian của Mùa Chay, bốn mươi ngày, không tính Chủ Nhật. Đặc biệt nhắc đến bốn mươi năm dân Israel đã sống trong hoang mạc giữa việc ra khỏi Ai Cập và vào Đất Hứa; nó cũng liên quan đến bốn mươi ngày Chúa Giêsu ở trong hoang mạc, giữa lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa tội và khởi đầu cuộc sống công khai. Con số bốn mươi này tượng trưng cho thời gian chuẩn bị cho những khởi đầu mới.
Trong hoang địa, Chúa Giêsu đã chiến đấu một cuộc chiến thiêng liêng và Ngài đã chiến thắng. Theo Chúa Giêsu, không phải là cố gắng bằng sức lực con người, mà là để cho Chúa Giêsu ở trong chúng ta, thực hiện ý muốn của Người và để Thánh Thần hướng dẫn chúng ta.
Trong thời gian Mùa Chay, chúng ta được mời gọi thực hiện những hành động cụ thể, qua cầu nguyện, sám hối và bố thí, để giúp chúng ta phân định những ưu tiên trong cuộc sống. Thời gian Mùa Chay là một khoảng thời gian đặc biệt, khuyến khích tạm xa lánh thế giới bên ngoài để giữ thinh lặng và lắng nghe Lời Chúa. Ăn chay là tự tước bỏ tạm thời một thứ gì đó cần thiết hoặc rất dễ chịu đối với chúng ta để dành thời gian tìm lại những điều cốt yếu.
TẠI SAO CẦN NHỊN ĂN TRONG MÙA CHAY?
Nhịn ăn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những gì đang chiếm lĩnh tâm hồn mình. Những khao khát sâu thẳm nhất của chúng ta là gì? Mục đích của việc nhịn ăn là tạo ra sự khát khao và đói khát Chúa và Lời Ngài. Nó không chỉ là một hành động ăn năn, mà còn là một cử chỉ thể hiện sự liên đới với người nghèo và lời mời gọi chia sẻ và làm phúc. Đó là một sự tước bỏ tự nguyện những thứ làm chúng ta thoả mãn: có thể là một chút thức ăn, nhưng cũng có thể là những cám dỗ nguy hiểm như thuốc lá, rượu, truyền hình, máy tính, điện thoại… Mọi thứ làm cuộc sống chúng ta bị chi phối bởi thói quen và nhu cầu.
Mùa Chay không phải là một thời gian buồn bã, trái lại, đó là thời gian để chuẩn bị cho lễ Phục Sinh, tức là sự Phục Sinh của Chúa Kitô từ cõi chết, chiến thắng sự sống trên cái chết. Việc làm mới lại cầu nguyện, nhấn mạnh chia sẻ và rèn luyện sự tự chủ, đặc biệt là trong mùa Chay, mời gọi chúng ta đến với niềm vui. Mọi hành động trong mùa Chay của người Công giáo được sống trong bầu không khí giản dị và hy vọng vui tươi, nhằm mở rộng tâm hồn chúng ta đón nhận Chúa Phục Sinh, Đấng mang ánh sáng và ơn cứu độ.
Con người cần bữa ăn nuôi dưỡng cơ thể, lấp đầy dạ dày, nhưng con người còn có những nhu cầu khác cần được thoả mãn. Chúa Giêsu trong 40 ngày nhịn ăn trong sa mạc đã nói: “Có lời chép rằng người ta không chỉ sống nhờ bánh, mà còn nhờ mọi lời nói ra từ miệng Thiên Chúa” ( Lc 4,4 ). Chúng ta hãy hiểu lời của Chúa và hình dung những Lời có thể nuôi dưỡng trái tim trước khi thức ăn lấp đầy dạ dày. Chúng ta hãy nhận thức được may mắn của mình khi có thể được nuôi dưỡng trong khi có những người khác trên thế giới đang đói, và dành thời gian để cảm ơn Chúa. Đây là ý nghĩa của lời cầu nguyện mà chúng ta nói trước khi ngồi vào bàn ăn. Hãy dành thời gian để cầu nguyện và phó thác cho Chúa những gì trái tim chúng ta đang thiếu.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỐNG MÙA CHAY MỘT CÁCH CỤ THỂ?
Trong suốt Mùa Chay, để chuẩn bị cho lễ Phục Sinh, chúng ta được mời gọi tham gia vào cuộc chiến thiêng liêng theo Chúa Giêsu: cầu nguyện với Người, ăn chay với Người, chia sẻ với anh em như Người đã làm. Hãy cam kết đi trên con đường dài của Mùa Chay, kiên định với đức tin. Sau khi đã đồng hành cùng Chúa Giêsu trong cuộc thương khó tiến vào thành Giêrusalem vào Lễ Lá, tham dự lễ Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh, lên với Người trên đồi Gôngôtha vào Thứ Sáu Tuần Thánh, vào đêm Phục Sinh, với tất cả những người được rửa tội ( anh chị em tân tòng ), chúng ta sẽ làm mới lại lời hứa của mình trong phép rửa tội và sẽ hát Alleluia. Phục Sinh, cầm ngọn nến sáng mà qua đó Chúa Giêsu phục sinh sẽ chiếu sáng gương mặt chúng ta.
Cầu nguyện.
Chúng ta hãy dành thời gian, trong cuộc sống bận rộn, để tĩnh tâm. Cầu nguyện như Chúa Giêsu, Người luôn biết dành thời gian để trốn khỏi đám đông và tìm lại sự bình an sau khi đối thoại với Chúa Cha. Bằng cách suy ngẫm về Lời Chúa trong thinh lặng, tắt tivi hoặc điện thoại, tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại thông minh, chúng ta chấp nhận dành vài phút mỗi ngày trước Chúa để cho Ngài nắm bắt chúng ta. Hãy cố gắng giữ thinh lặng trong cuộc sống của chúng ta, thoát khỏi sự nhàm chán của một số công việc hàng ngày để dành ưu tiên cho những điều cốt yếu.
Giống như Chúa Giêsu trong sa mạc đã chống lại ma quỉ cám dỗ ba lần, chúng ta cũng có thể chiến thắng ba cám dỗ: sự thèm khát vật chất, quyền lực và việc phủ nhận giới hạn của con người, bằng cách lắng nghe và suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày, vốn rất phong phú trong thời gian phụng vụ của Mùa Chay.
Ăn chay.
Khổ hạnh là một thực tế khiến chúng ta sợ hãi. Chúng ta không quen với việc tước bỏ. Dù vậy, Giáo hội nhắc nhở chúng ta về một số hành động sám hối có ý nghĩa: ăn ít hơn vào mỗi thứ Tư và thứ Sáu; nhịn ăn (ít nhất là một bữa) vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh; kiềm chế các bản năng của mình.
Nhưng quan trọng nhất, Giáo hội chú ý đến lối sống của chúng ta. Lối sống đó có lấy cảm hứng từ Chúa Kitô và những lời khích lệ của Giáo hội không, hay chỉ theo cái cớ hiện đại mà thỏa hiệp với xu hướng, sự phù phiếm và tội lỗi? Cùng với tất cả anh chị em Kitô hữu, nhưng cũng với tất cả những ai đang phải chịu đói, thiếu tự do hay phẩm giá, với những ai mà cuộc sống hàng ngày là một hình thức khổ hạnh không mong muốn, chúng ta hãy bước vào mùa chay này như bước vào một sự tái sinh mới.
Bác ái
Mục đích của việc nhịn ăn không chỉ là sự tước bỏ, mà còn là chia sẻ, làm phúc: những gì chúng ta đã tiết kiệm được, chúng ta được mời gọi chia sẻ với những người đang đói ăn mỗi ngày. Hãy loại bỏ chủ nghĩa cá nhân và sự thờ ơ ra khỏi cuộc sống của chúng ta, để phát triển sự liên đới trong cộng đồng hoặc thông qua các tổ chức hay phong trào giúp đỡ và phục vụ những người yếu thế, những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống.
Sám hối và hòa giải.
Mùa Chay Thánh này sẽ thực sự là một thời gian ăn năn chỉ khi chúng ta đón nhận sự tha thứ của Chúa trong Bí tích Hòa Giải. Bí tích này, khi nhận được sẽ chứng tỏ cho mọi người và cho tất cả những ai bị dấu ấn của thất bại và tội lỗi biết rằng: Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô rộng mở lòng tha thứ của Ngài cho tất cả những người có thiện chí, rằng không có thất bại nào là vĩnh viễn và tình yêu của Thiên Chúa luôn lớn hơn tội lỗi của chúng ta.
Lm. Giuse Phan Cảnh
BÀI VIẾT LIÊN QUAN