MẸ MARIA: BIỂU TƯỢNG CỦA LÒNG TIN VÂNG PHỤC

MẸ MARIA: BIỂU TƯỢNG CỦA LÒNG TIN VÂNG PHỤC

Đức Bênêđictô XVI

WHĐ (08.12.2023) – Trong hành trình Mùa Vọng, Đức Trinh Nữ Maria giữ vị trí đặc biệt của Đấng đã chờ đợi cách riêng Thiên Chúa sẽ thực hiện những lời Ngài đã hứa. Mẹ đón nhận Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, trong đức Tin và nơi thân xác mình, hoàn toàn vâng phục ý Chúa. Hôm nay, tôi muốn cùng anh chị em suy gẫm vắn tắt về đức Tin của Đức Mẹ từ mầu nhiệm Truyền tin trọng đại.

Chaîre kecharitomene, ho Kyrios meta sou” – “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28). Đó là những lời Tổng lãnh Thiên thần Gabriel nói với Đức Maria.

Thoáng nghe, từ “chaîre” –“hãy vui lên” là một lời chào bình thường, vẫn dùng trong bối cảnh văn hóa Hy Lạp, nhưng đọc trong khuôn khổ truyền thống Thánh Kinh, từ này mang một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Từ này xuất hiện bốn lần trong bản Hy Lạp của Cựu ước và luôn mang ý nghĩa một lời báo tin vui về sự xuất hiện của Đấng Mêsia (x. Xp 3, 14; Ge 2, 21; Dcr 9, 9; Ac 4, 21). Như vậy lời thiên thần chào Đức Maria là lời mời gọi hãy vui lên, một niềm vui sâu xa. Thiên thần báo tin đã qua rồi nỗi buồn trần gian phải đối mặt với giới hạn của sự sống, với đau khổ, cái chết, sự dữ, với bóng tối của cái ác dường như làm lu mờ ánh sáng lòng nhân từ của Thiên Chúa. Đó là lời chào đánh dấu sự khởi đầu của Phúc Âm, Tin Mừng.

Vì sao lại diễn ra cách mời gọi Đức Maria hãy vui lên như thế? Phần thứ hai của lời chào đưa ra câu trả lời: “Chúa ở cùng bà”. Đến đây, để hiểu rõ cách nói này, ta hãy trở lại với Cựu ước. Trong sách tiên tri Xôphônia, chúng ta đọc được cách nói này: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xion… Chúa là vua Israel đang ngự giữa ngươi… Chúa là Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Ngài là Vị cứu tinh, là Ðấng anh hùng” (Xp 3, 14-17). Những lời này bao gồm hai lời hứa, một cho Israel, một cho thiếu nữ Xion: Chúa sẽ đến như Đấng cứu tinh và sẽ cư ngụ giữa dân của Ngài, trong cung lòng thiếu nữ Xion. Trong cuộc đối thoại giữa thiên thần và Đức Maria lời hứa này thực sự đã được thực hiện: Đức Maria được đồng nhất với dân đã được Thiên Chúa  kết hôn. Mẹ thực sự mang tư cách Thiếu nữ Xion. Nơi Mẹ niềm mong đợi Thiên Chúa đến lần sau hết đã được hoàn tất. Nơi Mẹ, có Thiên Chúa hằng sống ngự vào.

Trong lời chào của sứ thần, Đức Maria được gọi là “Đấng đầy ân sủng”. Trong tiếng Hy Lạp, từ “ân sủng” –charis– cùng một gốc với từ “vui mừng”. Cách nói này về sau sẽ cho thấy niềm vui mừng của Đức Maria phát xuất từ đâu. Niềm vui của Mẹ phát xuất từ ân sủng, nghĩa là từ sự kết hiệp với Chúa, có mối liên hệ rất quan yếu với Ngài, được Chúa Thánh Thần ở cùng, hoàn toàn được Chúa ra tay tác thành. Đức Maria là thụ tạo đã mở rộng cửa một cách độc nhất vô nhị để đón Đấng dựng nên mình. Mẹ hoàn toàn đặt mình trong tay Chúa. Mẹ hoàn toàn sống nhờ và trong mối liên hệ với Chúa. Mẹ luôn sống trong tâm thế lắng nghe, cầm lòng cầm trí để nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa trong cuộc lữ hành của dân Ngài. Mẹ gắn kết với lịch sử đức Tin và niềm trông cậy vào những lời Chúa đã hứa, một lịch sử đã dệt nên cuộc đời Mẹ. Mẹ tự nguyện phó thác vào lời Mẹ đã được đón nhận, vào thánh ý Thiên Chúa trong niềm tin vâng phục.

Thánh Luca thuật lại câu chuyện của Đức Maria trong sự đối sánh tinh tế với câu chuyện Abraham. Abraham, vị đại tổ phụ, là cha của các tín hữu, đã đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa, lìa bỏ mảnh đất ông sinh sống, từ bỏ mọi bảo đảm, để bước vào cuộc hành trình đi đến miền đất chưa từng biết đến và mới chỉ có trong lời hứa của Chúa. Cũng vậy, Đức Maria hoàn toàn tin lời sứ thần của Chúa đã loan báo và Người trở thành mẫu gương đồng thời là mẹ của mọi tín hữu.

Một khía cạnh quan trọng khác cần lưu ý: khi mở lòng cho Chúa và để Ngài hành động thì cũng không loại trừ những lúc gặp bóng tối. Mối liên hệ của con người với Thiên Chúa không xóa được khoảng cách giữa Đấng Tạo hóa và loài thụ tạo, cũng không loại được điều đã được Thánh Phaolô quả quyết khi đứng trước sự khôn ngoan sâu thẳm của Thiên Chúa: “Quyết định của Ngài sao mà dò thấu, đường lối của Ngài sao mà hiểu nổi!” (Rm 11, 33). Quả thật, cũng như Đức Maria, ai hoàn toàn mở lòng đón nhận Chúa, thì phải chấp nhận ý muốn của Chúa, dù thật huyền nhiệm, thường không đúng theo ý riêng của mình và là lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn, như cụ Simêôn đã nói tiên tri với Đức Maria lúc Chúa Giêsu được dâng trong Đền thờ (x. Lc 2, 35). Hành trình đức Tin của Abraham gồm lúc hân hoan khi được ban cho Isaac làm con, nhưng cũng có lúc phủ bóng tối khi phải lên núi Moriah thực hiện một hành vi nghịch lý: Thiên Chúa đòi ông hiến tế đứa con trai Ngài vừa ban cho ông. Trên núi, thiên thần truyền lệnh cho ông: “Đừng động tay vào đứa trẻ! Đừng làm hại nó! Bây giờ Ta biết ngươi kính sợ Thiên Chúa: ngươi không tiếc đứa con trai duy nhất của người cho Ta” (Kn 22, 12). Abraham không hề thiếu lòng tín thác vào một Thiên Chúa trung thành với những lời đã hứa, dù cho lời Chúa thật huyền nhiệm và khó đón nhận, kể cả hầu như không thể đón nhận. Đức Maria cũng vậy. Niềm tin của Mẹ rạng ngời niềm vui Truyền tin nhưng cũng phải trải qua bóng tối khi Con của Mẹ chịu đóng đinh Thập giá để có thể đạt đến ánh quang Phục sinh rạng ngời.

Đó cũng chính là hành trình đức Tin của mỗi người chúng ta: có khi được sống những giây phút đầy ánh sáng, nhưng cũng có lúc gặp phải những đoạn đường vắng bóng Thiên Chúa, sự im lặng của Ngài khiến lòng chúng ta trĩu nặng, ý muốn của Ngài không đúng ý chúng ta, không đáp ứng điều chúng ta mong muốn. Nhưng càng mở lòng cho Thiên Chúa, chúng ta càng được Chúa ban ơn đức Tin; càng hoàn toàn tin tưởng nơi Chúa -như tổ phụ Abraham và Đức Mẹ- chúng ta càng được Chúa, qua sự hiện diện của Ngài, giúp chúng ta có thể sống mọi hoàn cảnh cuộc đời trong an bình và biết chắc Chúa luôn trung tín và yêu thương. Tuy nhiên chúng ta phải ra khỏi bản thân và những dự tính của mình, để Lời Chúa trở thành ngọn đèn soi sáng mọi suy nghĩ và hành động của chúng ta.

Tôi muốn dừng lại ở một khía cạnh nổi bật trong trình thuật của Thánh Luca về thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Đức Mẹ và Thánh Giuse mang con lên Giêrusalem, đến Đền thờ, để hiến dâng con cho Chúa theo luật Môisê: “Mọi con trai đầu lòng phải được hiến dâng cho Chúa” (Lc 2, 22-24). Cử chỉ này của Thánh gia còn mang ý nghĩa sâu xa hơn nếu chúng ta đọc dưới ánh sáng câu chuyện về Chúa Giêsu, khi đó lên 12 tuổi, sau ba ngày tìm kiếm thì thấy Người đang đàm luận với các thầy thông luật ở Đền thờ. Đáp lại những lời đầy lo lắng của Đức Mẹ và Thánh Giuse: “Này con, sao con lại làm thế với cha mẹ? Con xem, cha con và mẹ đã lo lắng tìm con”, Chúa Giêsu đã nói những lời mầu nhiệm: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết con phải ở trong nhà Cha con hay sao?” (Lc 2, 48-49). Nghĩa là đã ở trong sở hữu của Cha, trong nhà Cha, thì đó chính là con.

Đức Maria phải canh tân chính lòng tin  đã được Mẹ thể hiện khi thưa “Xin vâng” trong biến cố Truyền tin. Mẹ cần chấp nhận người Cha đích thực của Chúa Giêsu phải được đặt lên hàng ưu tiên. Mẹ cần để cho người Con do Mẹ sinh ra được tự do theo đuổi sứ mạng của mình. Và lời “Xin vâng” của Mẹ đáp lại ý Chúa, trong đức Tin vâng phục, được Mẹ lặp lại suốt đời mình đến tận giây phút khó khăn nhất, lúc Mẹ đứng dưới chân Thập giá.  

Đứng trước mọi điều này, chúng ta tự hỏi: làm thế nào Đức Maria đã có thể cùng đi bên Con của Người với một niềm tin vững vàng, kể cả lúc trải qua bóng tối, không hề mất niềm tin trọn vẹn vào việc Chúa làm? Mẹ đã có một tâm thế nền tảng khi đối mặt với những gì xảy đến trong đời mình. Trong biến cố Truyền tin, Mẹ đã bối rối khi nghe sứ thần nói. Đó là nỗi bối rối vì sợ hãi của con người thấy mình đến gần Thiên Chúa. Nhưng đó không phải là thái độ của một người sợ những gì Thiên Chúa có thể hỏi. Đức Maria suy nghĩ, băn khoăn về ý nghĩa của lời sứ thần chào (x. Lc 1, 29). Phúc âm đã dùng từ Hy Lạp “dielogizeto” để nói hành động “suy nghĩ” này. “Dielogizeto” gợi lên nghĩa gốc của từ “dialogue-đối thoại”, nghĩa là Đức Maria bước vào cuộc đối thoại thân mật với Lời của Thiên Chúa đã được loan báo cho Người. Mẹ không xem xét hời hợt bên ngoài nhưng dừng lại, để cho Lời đi sâu vào tinh thần và cõi lòng của Mẹ để thấu hiểu điều Thiên Chúa muốn nơi Mẹ, ý nghĩa của lời loan báo. Chúng ta cũng tìm thấy một nơi khác trong Phúc âm Luca cho thấy thái độ nội tâm của Đức Maria trước việc Chúa làm. Đó là lúc Mẹ hạ sinh Chúa Giêsu và tiếp đến các mục đồng đến thờ lạy Chúa: Mẹ đã “giữ tất cả những gì xảy ra và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19). Từ dùng trong tiếng Hy lạp là symballon, nghĩa là “giữ lại toàn bộ”, “đặt toàn bộ” vào lòng mình tất cả những gì xảy đến với Mẹ. Mẹ đã đặt từng sự kiện riêng biệt, từng lời nói, từng hành động vào nội tâm và đối chiếu. Mẹ giữ gìn trong lòng mọi việc xảy ra, nhìn nhận rằng tất cả đều do ý Chúa muốn. Đức Maria không dừng lại ở sự hiểu biết phiến diện ban đầu đối với những gì xảy ra trong đời Mẹ, nhưng biết xem xét ở bề sâu, để cho những kiện đó chất vấn mình. Mẹ sắp xếp lại các sự kiện rồi phân định chúng. Mẹ chỉ đón nhận sự hiểu biết được đức Tin bảo đảm. Đó là sự khiêm hạ sâu thẳm của đức Tin vâng phục nơi Đức Maria. Mẹ cũng đã đón nhận điều Mẹ chưa hiểu nổi trong những việc Chúa làm và để cho Chúa khai mở tinh thần và cõi lòng của Mẹ. “Phúc cho người đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói” (Lc 1, 45), bà Êlisabet, người chị họ của Mẹ, đã thốt lên như thế. Chính nhờ đức Tin của Mẹ mà mọi thế hệ sẽ gọi Mẹ là có phúc.

Lễ Giáng sinh chúng ta sắp long trọng cử hành mời gọi chúng ta hãy sống khiêm hạ và biết sống đức Tin vâng phục như Đức Maria. Vinh quang Thiên Chúa không được biểu lộ trong chiến thắng và nơi quyền bính của một ông vua, cũng không ngời chiếu trong một thành lừng lẫy, một cung điện xa hoa, nhưng chọn cung lòng của một trinh nữ làm nơi cư ngụ, tỏ hiện nơi một hài nhi nghèo khổ. Ngay trong cuộc sống của chúng ta, Thiên Chúa cũng biểu lộ quyền năng của Ngài bằng sức mạnh hành động trong lặng lẽ, trong chân lý và tình thương. Vì vậy đức Tin nói với chúng ta rằng sức mạnh vô địch của Hài nhi này chiến thắng mọi thế lực ồn ào náo động của trần gian.

G.B. Vương Nghi
Chuyển ngữ từ: 
vatican.va (19.12.2012)

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 75 (Tháng 3 & 4 năm 2013)