Lời (Logos) theo quan điểm giáo phụ Origen trong nhãn quan Kitô giáo
Trong dòng chảy của việc truyền bá, phổ biến và bảo vệ niềm tin kitô giáo, một con người từ ngoại giáo trở thành kitô hữu luôn luôn nhiệt tình tìm kiếm “Lời” chân thật, và Lời đó là như thế nào? Cùng với người viết tìm hiểu “Lời (Logos) theo quan điểm giáo phụ Origen trong nhãn quan Kitô giáo”, qua ba luận điểm, đầu tiên, Logos chính là Thiên Chúa. Thứ đến, Logos là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Cuối cùng, Logos là một con người thật.
Theo cách hiểu của người Hy Lạp, Logos để ám chỉ đến “tâm trí”, “lý trí” hay “sự khôn ngoan” của một người.[1] Đối với Heraclit, Logos là một thực thể vĩnh hằng ở khắp mọi nơi, nhập vào lửa, là nhân tố nguyên thủy, người ta chỉ sống hạnh phúc là nhờ sự khôn ngoan của riêng mỗi người.[2] Hơn nữa, theo Philon, Logos là trung gian giữa Thiên Chúa siêu việt và vũ trụ, là dụng cụ của Đấng Tạo Hóa, là phương thế Chúa dùng để mạc khải. Logos còn là thượng tế, là trạng sư của thế giới bên cạnh Thiên Chúa.[3] Như vậy, Philon cho rằng Logos là Thiên Chúa hạng thứ, là hình ảnh của Thiên Chúa Tối Cao. Từ những cách hiểu như vậy không làm cho con người thỏa mãn niềm khát khao siêu việt. Do đó, thánh Gioan cho biết Logos của người Hy Lạp chính là Ngôi Lời làm người, Ngài là Đức Khôn Ngoan, là một Ngôi Vị trong Thiên Chúa, có trước vạn vật tác thành vũ trụ, điều khiển và hướng dẫn muôn loài (Cn 8,22-26).
Theo quan điểm Origen, trước hết, Logos chính là Thiên Chúa,[4] và được ông nói đến dựa trong Philipphe 2, 6: “Ngài, phận là phận của một vị Thiên Chúa”. Nghĩa là, Logos, Ngài tiền hữu như một Thiên Chúa. Thật thế, từ muôn thuở, Ngài được Thiên Chúa tự thân sinh ra. Thiên Chúa luôn luôn là Cha của Đấng là Con, là Con một của Người, Đấng được sinh ra bởi Người, Đấng có là gì cũng do Người lấy ra. Đấng tuy không có khởi đầu cho dù là khởi đầu theo nghĩa thời gian hay khởi đầu theo nghĩa lý trí.[5] Do đó, Đấng là Con và Người là Đức Khôn Ngoan, là Chân lý, Ngôi Lời ngang hàng và vĩnh cửu với Chúa Cha. Nghĩa là, “Không hề có một thời gian nào mà Ngôi Con đã không là Con và Ngài lúc nào cũng hiện hữu”.[6] Nên mối liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con dựa trên sự duy nhất về bản thể. Thật vậy, Origen khẳng định đức tin chính tông của mình, ngài nói: “Đấng Cứu Chuộc và Chúa của chúng ta, trong mối liên hệ với Chúa Cha, và Chúa Tể vũ trụ là một Thiên Chúa”.[7] Vì thế, Logos là chân lý tối thượng, là khuôn mẫu, là nguồn gốc các thực thể và là Thiên Chúa. Hơn nữa, từ đây Origen khẳng định một lần nữa, Chúa Cha và Chúa Con “Đồng bản thể”.
Thứ đến, Logos là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người,[8] bởi, Chúa Con là Ngôi Hai của Ba Ngôi Chí Thánh, là “Con của Chúa Cha”, là “Hình ảnh hoàn hảo bày tỏ Chúa Cha cho chúng ta”.[9] Thật thế, Ngài có một sự so sánh: Trong Chúa Con, như trong một tấm gương, chúng ta thấy một hình ảnh phản chiếu nào đó của Chúa Cha. Ngôi Lời nhập thể Đấng đến từ Thiên Chúa, Người là Tia Sáng thần linh, là trung gian bởi Ánh Sáng, không bị giới hạn ở bất cứ nơi nào, nhưng được thể hiện cách viên mãn nơi Đức Giêsu. Origen đồng nhất Logos là khâu trung gian giữa Thiên Chúa và con người,[10] tức Chúa Con (Đức Giêsu Kitô).
Cuối cùng, Logos là một con người thật,[11] Người là Đấng mang một thân thể vật chất thực sự, chứ không phải là một ảo ảnh, thực sự được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria và quyền năng Chúa Thánh Thần, thực sự chịu đau khổ, thực sự đã chết và sống lại.[12] Như vậy, chính vì yêu thương và cứu độ con người, mà người đã trút bỏ chính mình hầu được loài người chấp nhận.[13] Nghĩa là, Ngôi Lời xuất hiện cho người ta thấy và sống với loài người, vì tình yêu nhưng không và muốn mọi người thoát khỏi sự dữ.
Tóm lại, những quan điểm của Origen như: Logos chính là Thiên Chúa, đồng thời Logos là một ngôi vị, bản thể, bản vị, từ đời đời, Ngài được Chúa Cha sinh ra. Ngài là Con, là hình ảnh trọn hảo của Chúa Cha, là cốt lõi ý tưởng và hiện thân của toàn bộ chân lý, là chân lý tối thượng, là nguồn gốc và là khuôn mẫu của mọi sự, những gì tốt lành đều xuất phát từ Logos. Ngài là trung gian giữa Thiên Chúa và con người, là linh hồn làm cho thế giới sống động, là lý trí của vũ trụ. Logos (Ngôi Lời) là Chúa Giêsu, một con người thật. Từ những quan điểm của ông không chỉ minh chứng về sự tin nhận trọn vẹn nhưng còn là lời mời gọi người kitô hữu phải trung thành, phải chấp nhận và chân thật truyền thống của Giáo hội tông truyền. Cũng thế, người kitô hữu trong mọi nơi và mọi thời đại có sứ mạng rao giảng và sống Lời Chúa, để hiểu, biết và tin nhận Logos (Ngôi Lời) là Chúa Giêsu kitô để được cứu độ.
[1] https://www.gotquestions.org/Viet/Ngoi-loi-tro-nen-xac-thit.html, 13/10/2022
[2] http://conggiao.info/ngoi-loi-da-lam-nguoi-d-12847, Ngôi Lời Đã Làm Người, Lm. Giuse Đinh Quang Thịnh, 13/10/2022
[3] http://conggiao.info/ngoi-loi-da-lam-nguoi-d-12847, Ngôi Lời Đã Làm Người, Lm. Giuse Đinh Quang Thịnh, 13/10/2022
[4] https://www.gotquestions.org/Viet/Ngoi-loi-tro-nen-xac-thit.html, 13/10/2022
[5] Karl – Heinz Ohling, Kitô học qua các tác giả, nxb1991, t182
[6] Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo Phụ Học, Lưu hành nội bộ, t78
[7] Ibid t73
[8] http://conggiao.info/ngoi-loi-da-lam-nguoi-d-12847, Ngôi Lời Đã Làm Người, Lm. Giuse Đinh Quang Thịnh, 13/10/2022
[9] https://ezoteriker.ru/vi/filosofiya-srednevekovya-i-vozrozhdeniya-sotvorennyh-mirov/, 13/10/2022
[10] https://ezoteriker.ru/vi/filosofiya-srednevekovya-i-vozrozhdeniya-sotvorennyh-mirov/, 13/10/2022
[11] Karl – Heinz Ohling, Kitô học qua các tác giả, nxb 1991, t180
[12] https://ezoteriker.ru/vi/filosofiya-srednevekovya-i-vozrozhdeniya-sotvorennyh-mirov/, 13/10/2022
[13] Karl – Heinz Ohling, Kitô học qua các tác giả, nxb 1991, t178
BÀI VIẾT LIÊN QUAN