GIA ĐÌNH HƯỚNG ĐẾN MỘT NỀN VĂN HÓA TÔN VINH SỰ SỐNG

  GIA ĐÌNH HƯỚNG ĐẾN MỘT NỀN VĂN HÓA TÔN VINH SỰ SỐNG

Sự sống là món quà của Thiên Chúa[90]. Chính Thiên Chúa đã thông chia sự sống của Ngài cho con người và mời gọi họ vươn tới sự sống viên mãn trong Nước Thiên Chúa. Do đó, chúng ta cần lên án bất cứ hành động gì là vô nhân đạo, khai thác và đàn áp sự sống con người, để hướng đến nền văn hóa sự sống, nuôi dưỡng, nâng cao, cổ vũ và phục vụ cho sự sống con người từ thời điểm thụ thai cho đến lúc về cùng Thiên Chúa nguồn sự sống viên mãn trong ngày sau hết[91]. Viễn ảnh về sự sống viên mãn này cần được thực hiện ngay trong đời sống hôn nhân gia đình.

1. Gia đình bảo vệ và tôn trọng sự sống

Thánh Kinh nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là Đấng hằng sống. Ngài chia sẻ và thông ban sự sống cho con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh của Ngài[92] . Chính Thiên Chúa chúc lành và nâng niu sự sống con người ngay từ lúc vừa được hình thành trong lòng mẹ[93]. Sự sống con người là do Thiên Chúa ban. Thiên Chúa là chủ duy nhất của sự sống, con người không có quyền định đoạt về nó[94].  Con người là thụ tạo duy nhất trên trần gian này được tạo dựng nên vì chính họ và linh hồn của mỗi người được Thiên Chúa tạo dựng trực tiếp[95]. Con người được Thiên Chúa mời gọi cộng tác với Ngài để thông ban sự sống mình đã nhận. Mặc dù có khả năng thông truyền sự sống, nhưng con người không có quyền hủy hoại sự sống của mình. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Sự sống của con người là thánh thiêng, nó mang tính bất khả xâm phạm được khắc ghi trong lòng người, trong lương tâm con người”[96]. Vì sự sống là ân ban của Thiên Chúa, là vốn quý giá nhất của đời người, nên ‘Sự sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ một cách tuyệt đối từ giây phút thụ thai’[97].  Con người dù đẹp hay xấu, dù thông minh hay tối dạ, đều là người đã được Thiên Chúa dựng nên và được Ngài yêu thương. Sự sống của người ấy nằm trong tay Thiên Chúa và Con Thiên Chúa đã chết trên thập giá cho người ấy. Do đó, những can thiệp của khoa học nhằm lựa chọn giới tính, những hành vi giết người như phá thai, làm chết êm dịu… đều đi ngược với phẩm giá con người và chống lại Thiên Chúa, vì chúng biến con người thành một thứ hàng hóa hay một sản phẩm thay vì là một sinh linh cao quý mang hình ảnh của Đấng Tối Cao.

Hành vi yêu thương nơi vợ chồng nẩy sinh một mầm sống mới. Con cái là hoa qủa của tình yêu. Tình yêu vợ chồng và việc sinh sản không là yếu tố tách rời nhưng được đặt kề bên nhau, nhưng cả hai thuộc về yếu tính của hôn nhân. Tình yêu vợ chồng gắn liền với việc sinh sản. “Không có dữ kiện căn bản ấy, thì hôn nhân chỉ còn là một tình bạn giữa hai người, một tình bạn có tình bạn hay không cũng vậy”[98]. “Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh hoàn thành hôn nhân”[99].  Gia đình có trách nhiệm lớn lao đối với sự sống. Thiên Chúa đã giao phó cho gia đình qua tình yêu của vợ chồng cộng tác với Người một phần đặc biệt vào công việc tạo dựng của Người, đó chính là sinh sản và giáo dục con cái: “các ngươi hãy gia tăng , sinh sản”[100]. Gia đình là nôi của sự sống, nơi đó sự sống được nẩy nở và phát triển lớn lên. Do đó trách nhiệm gia đình không chỉ là làm nẩy sinh sự sống, nhưng còn phải bảo vệ sự sống. Sự sống chính là qùa tặng của Thiên Chúa. Bởi vậy gia đình có nhiệm vụ bảo vệ sự sống chống lại những cuộc tấn công nhằm hủy diệt sự sống. Gia đình đóng một vai trò then chốt trong việc xây dựng một nền văn hóa sự sống.

2. Gia đình, một cộng đồng những con người biết sống yêu thương nhau

Trong chương trình của Thiên Chúa, hôn nhân là một cộng đồng yêu thương. Mà bởi vì tình yêu luôn có tính cách chung thuỷ cho nên hôn nhân cũng mang tính bất khả phân ly. Trong hôn phối, hai người cam kết yêu thương nhau không phải chỉ trong một thời gian, với một số điều kiện mà là yêu thương suốt đời và vô điều kiện. Hơn nữa, trong chương trình của Thiên Chúa, tình yêu bền vững, thủy chung, trọn vẹn, phong phú giữa hai vợ chồng cũng trở thành một biểu tượng hữu hình của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Khi hai người phối ngẫu cố gắng thực hiện những gì mà Thiên Chúa làm cho nhân loại, họ sẽ nối dài và hiện thực hoá những hành động yêu thương của Ngài đối với con người. Khi hai người phối ngẫu thực hiện trọn vẹn ơn gọi hôn nhân của mình, họ trở thành một mặc khải của Thiên Chúa[101]. Đó chính là ý nghĩa cao cả của bí tích Hôn Phối mà thánh Phaolô đã nêu trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô: “Mầu nhiệm này thật cao cả. Tôi muốn nói đến tình yêu của Đức Kitô và Giáo Hội”[102].

Gia đình được khởi sự từ hôn nhân. Có nghĩa là gia đình được đặt trên nền tảng của tình yêu. Tình yêu này bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Như Thiên Chúa Ba Ngôi hiệp thông trong tình yêu, thì tình yêu hôn nhân cũng chính là việc hiệp thông với nhau giữa người nam và người nữ . Sự hiệp thông đó chính là hiệp thông trong tình yêu[103]. Bởi đó tình yêu giữa hai vợ chồng phải là một tình yêu chân thật. Sự hiệp thông vợ chồng là một hành vi trao hiến trọn vẹn cho nhau để trở nên một, trở nên quà tặng cho nhau. Do đó tình yêu vợ chồng không chỉ dừng lại ở hành vi tính dục chỉ nhằm thỏa mãn nhục dục. Nếu tình yêu vợ chồng chỉ dừng lại ở xu hướng nhục dục này, tình yêu đó sẽ sớm tàn phai và kéo theo nhiều hậu qủa thảm hại[104].  Tình yêu vợ chồng đích thực được phản ảnh qua tấm gương tình yêu của Đức Kitô: Ngài đã trao ban sự sống mình cho nhân loại. Chỉ có con người, trong tư cách một nhân vị tự do và có trách nhiệm mới có thể trao ban thứ tình yêu này. Tình yêu luôn đòi hỏi phải có sự dấn thân tích cực của cả hai vợ chồng cho hạnh phúc của mái ấm gia đình. Sự dấn thân ấy là hy sinh, quên mình để vượt qua những thử thách nhằm bảo vệ sự trung tín của lời giao ước hôn nhân. Không có sự dấn thân ấy không thể có tình yêu đích thực, và cuộc sống vợ chồng chỉ là những biểu lộ của sự giả dối. Đó chính là nguyên nhân của những bất hạnh trong gia đình và đưa tới đổ vỡ. 

3. Gia đình tham gia vào việc phát triển xã hội

Xã hội và gia đình tương quan với nhau rất mật thiết và gia đình thường được xem như  là lối diễn tả đầu tiên và căn bản về bản chất xã hội của con người. Và cái nhìn đó không bao giờ thay đổi cả trong xã hội hôm nay có nhiều đổi thay[105]. Bởi vậy, gia đình là xã hội nhân loại đầu tiên và là nền tảng của xã hội dân sự. Do đó, các thành phần trong gia đình đóng góp vào việc xây  dựng công ích bằng nhiều cách khác nhau: trước hết là bằng sự cống hiến lao động và tài năng, kế đến là bằng việc nộp thuế qua sản xuất, dịch vụ và buôn bán…

Gia đình lãnh nhận nhiều bổn phận khác nhau đối với xã hội, vì chính trong gia đình nhiều công dân được sinh ra và cũng từ đó mỗi người tìm thấy trường học đầu tiên về những giá trị và những đức tính cần thiết cho chính xã hội[106].Nhờ việc truyền sinh, con người mới được sinh ra trong gia đình và tình yêu vợ chồng trao ban cho xã hội một thành viên mới. Bằng việc giáo dục, con người phát triển toàn diện về nhân bản và cả về dân sự ; gia đình thực sự có một bổn phận giáo dục về xã hội, bởi vì gia đình là chỗ ưu việt nhất về nhân bản, trường học đầu tiên về những đức tính xã hội và những đức tính ấy là chính linh hồn của xã hội. Phẩm tính của những tương quan giữa các phần tử của cộng đồng gia đình liên hệ rất nhiều trong đời sống xã hội dưới nhiều  hình thức khác nhau:  sự hiệp thông, việc tham  gia, trong tính vô vị lợi, trong sự đón tiếp chân tình, trong việc đối thoại. Bởi vậy, trong gia đình phải có một sự hiệp thông thực sự  để trở nên trường học đầu tiên về xã hội tính, gương mẫu và khích lệ cho những tương quan cộng đồng rộng lớn hơn[107].

Để  tham gia vào việc phát triển xã hội, gia đình phải có ý thức mạnh mẽ và sâu sắc về vai trò và trách nhiệm xã hội và chính trị của mình. Vai trò và trách nhiệm ấy, một đàng do chính Thiên Chúa đã trao cho gia đình khi đặt gia đình là nguồn gốc và nền tảng của xã hội, đàng khác được Giáo Hội cậy nhờ, vì  không có gia đình, Giáo Hội không thể thâm nhập vào môi trường đặc biệt này và làm cho xã hội trở thành Vương quốc của Thiên Chúa được. Mỗi thành viên và cả gia đình phải tạo ý thức cho mình và cho nhau bằng việc lắng nghe Lời Chúa, học hỏi giáo lý và giáo huấn xã hội của Giáo Hội và quan tâm đến nhu cầu của những người chung quanh, nhất là của người nghèo.

Tiếp đến gia đình phải mỗi ngày một dấn thân hơn vào việc biến đổi và thăng tiến xã hội về mọi mặt: kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, tôn giáo, tâm linh và môi sinh, bằng lao động chân tay và trí óc, bằng cách làm cho các luật lệ, cơ chế xã hội có nhiều tính nhân bản và dân chủ hơn.  Làm như thế là gia đình đóng vai trò làm muối men và ánh sáng của gia đình Kitô hữu và xây dựng Nước Thiên Chúa trên trần gian vậy. Vì vấn đề xã hội là của mọi người và vì những nỗ lực cá nhân không thể đem lại kết quả mong muốn, nên gia đình Kitô hữu phải liên kết với các gia đình khác, lương cũng như giáo, và với các tổ chức xã hội có mục đích bênh vực quyền con người và phát triển xã hội để tạo nên sức mạnh cần thiết.  Còn phải nhấn mạnh đến bổn phận của cha mẹ kitô hữu trong việc giáo dục con cái về vai trò và trách nhiệm xã hội và chính trị của mình, về ý thức công dân và những nhân đức xã hội theo tinh thần Kitô giáo.

4. Gia đình tham dự vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội

Thiên Chúa muốn mọi người được biết và đón nhận chương trình cứu độ của Ngài được mặc khải và thực hiện nơi Đức Kitô[108]. Hội Thánh đã đón nhận lệnh truyền ra đi loan báo cho hết mọi người Tin Mừng trọng đại: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[109]. Đến lượt mình, gia đình kitô hữu cũng hòa nhập vào trong mầu nhiệm Hội Thánh đến độ được tham dự vào sứ mạng cứu rỗi đặc biệt của Hội Thánh theo cách riêng của mình. Nhờ ơn Bí tích Hôn Phối “trong bậc sống và trong lãnh vực của họ, đôi bạn và cha mẹ Ki-tô hữu cũng có được ơn riêng dành cho họ trong lòng dân Thiên Chúa”. Do đó, không những họ nhận được tình yêu của Đức Ki-tô để trở nên một cộng đồng “được cứu rỗi”, mà còn được mời gọi “truyền đạt” cho anh chị em của họ chính tình yêu của Đức Ki-tô, để như thế họ trở nên một cộng đồng “cứu rỗi” người khác[110].

Hơn nữa, người đón nhận đầu tiên và chính yếu lời loan báo truyền giáo này của gia đình là chính con cái của họ và những người thân thuộc khác. Ngay từ bên trong gia đình cũng đã có thể chu toàn được một hình thức hoạt động thừa sai nào đó. Như khi một phần tử nào đó trong gia đình không có đức tin hoặc không sống phù hợp với đức tin. Lúc đó những phần tử khác trong gia đình phải đem lại cho người ấy một chứng từ sống động về đức tin của họ, để thúc đẩy và nâng đỡ người ấy trên con đường tiến tới chỗ gắn bó trọn vẹn với Đức Ki-tô Cứu Thế. Do đó, gia đình được mời gọi để trở nên một dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của Đức Ki-tô cũng như của tình yêu Người dành cho “những kẻ ở xa”, cho gia đình chưa tin và cả cho những gia đình Ki-tô hữu không còn sống phù hợp với đức tin đã lãnh nhận. Các gia đình Ki-tô hữu còn góp một phần đặc thù cho công cuộc truyền giáo của Hội Thánh, bằng cách vun trồng các ơn gọi thừa sai nơi các con trai, con gái của họ, và tổng quát hơn, bằng công việc “dạy cho con cái ngay từ khi còn thơ ấu biết nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người”[111].

Các gia đình kitô hữu được mời gọi góp phần tích cực và có trách nhiệm vào cuộc sống và sứ mạng của Hội Thánh với tư cách là một cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu, một công đồng tham dự vào sứ mạng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô và của Hội Thánh Ngài. Vì thế, giữa lúc lối sống của xã hội đang phát triển nhanh đến chóng mặt, khiến nhiều giá trị truyền thống bị sụp đổ, nhiều gia đình đã tan vỡ và nhiều kitô hữu cũng bị biến chất, gây nên biết bao gương xấu, làm méo mó gương mặt của Hội Thánh. Điều này đã làm cho biết bao người phải nản lòng. Trong bối cảnh ấy, nỗ lực sống tốt lành của một vài gia đình kitô hữu có vẻ như chẳng nghĩa lý gì giữa cơn lốc suy đồi đang ào ào thổi đến, nhưng thật ra nó sẽ là hạt men. Nó có thể đem lại niềm hy vọng cho một vòng đai nhỏ chung quanh nó và dần dần sẽ lan rộng. Rồi đến khi có nhiều gia đình kitô hữu cùng chung một lời chứng thì tiếng nói của họ sẽ âm vang, sẽ đem lại niềm hy vọng cho nhân loại, và mọi người sẽ hiểu đúng bản chất của Hội Thánh. Và như vậy, giữa một thế hệ gian tà và sa đọa, gia đình kitô hữu được mời gọi phải chiếu sáng rạng ngời như những vì sao, để tỏa lan hương thơm của sự sống đến cho những gia đình khác[112].

Trước thực trạng thách đố cho gia đình như hiện nay, cần có hướng mục vụ cụ thể, để thăng tiến đời sống hôn nhân gia đình. Hướng mục vụ ấy là gì? Thiết nghĩ cần có nền tảng vững chắc từ bên trong, đó là linh đạo hôn nhân gia đình dựa trên suy tư thần học Kitô giáo. Từ bên ngoài, đó là những chuẩn bị cho đời sống hôn nhân gia đình.

Lm. Giuse Phan Cảnh

Chú thích:

[90] St 2,7

[91]  2Tm 1,10; 4,1.

[92] St 1,27.

[93] Tv 138,13.

[94]  EV, 39.

[95]  GS, 24.

[96]  EV, 40.

[97] GLHTCG, 2270.

[98]  Bernard Haering, Der Christ und Die Ehe – Hôn nhân trong ánh sáng công đồng, n.d. Hồ Đỉnh, Saigon 1967, 70.

[99] GS, 48.

[100] St 1,28.

[101]  xuanbichvietnam.wordpress.com, Cẩm Nang của Hạnh phúc Gia đình Kitô,Thứ tư – 08/06/2011.

[102]  Ep 5,32.

[103]  FC,19.

[104] GS, 49.

[105]  GS, 50.

[106] FC,42.

[107]  FC, 43.

[108]  1Tm 1,15-16.

[109]  Mt 28,19.

[200]  FC 49.

[201]  FC, 54.

[202]  Pl 2,15.