ĐỨC GIÊSU KITÔ – ĐẤNG CỨU ĐỘ DUY NHẤT

ĐỨC GIÊSU KITÔ – ĐẤNG CỨU ĐỘ DUY NHẤT

Dẫn Nhập

Trong khung cảnh thế giới đa nguyên tôn giáo ngày nay, nhiều người đặt vấn đề trực tiếp về tín điều Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ Duy Nhất” của Kitô giáo. Đâu là cơ sở để Kitô giáo xác quyết niềm tin đó? Với xác tín “Đức Giêsu Kitô – Đấng Cứu Độ Duy Nhất”, Giáo Hội muốn khẳng định trong lịch sử không bao giờ đã có, sẽ có hay có thể có một Đấng Cứu Độ nào khác ngoài Đức Gêsu Kitô hoặc là có Đấng nào ngang hàng với Ngài (x. Cv 4,12).[1] Kitô giáo không đơn thuần chỉ dựa vào giáo lý của Chúa Giêsu để xác quyết Ngài là Đấng Cứu Độ Duy Nhất hay quy áp cho Ngài thuộc tính tuyệt đối. Bởi lẽ, chúng ta có thể tìm thấy đâu đó nội dung giảng dạy của Chúa Giêsu về việc ăn ngay ở lành, thương người như thương thân… trong các học thuyết của các bậc hiền nhân nào đó. Lối sống của Chúa Giêsu xem ra cũng không trổi vượt hơn các thánh hiền trong lịch sử, thậm chí người ta còn nhận xét Ngài là “tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11,19). Dưới con mắt người đương thời, Ngài thật sự là kẻ thất bại thảm hại. Nhưng niềm tin của Kitô giáo dựa trên chính mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô, tính duy nhất, khôn tầy khôn sánh của Chúa Giêsu nằm ở ngay chính bản thân Ngài. [2]

Nội Dung

  1. Ngôi Lời Nhập Thể: Mở Đường Đưa Tới Ơn Cứu Độ

Ơn cứu độ khởi phát từ ý định nhiệm mầu của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, ý muốn cứu độ này đã được thực hiện nhờ sự Nhập thể của Ngôi Lời, Đấng mở ra cho nhân loại con đường đi vào Nước trời, đi vào trong tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi, và được chia sẻ sự sống của Ngài (x. Ga 1,12; Ep 2,18).[3] Trong Kinh Tin Kính, các Kitô hữu tuyên xưng Đức Giêu Kitô, Con Một Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật đã xuống thế làm người bởi quyền phép Chúa Thánh Thần. Để mạc khải cho nhân loại biết về tình yêu nhưng không và vô điều kiện của Chúa Ba Ngôi (x Rm 5,8), Đức Giêsu đã sống cuộc sống dương thế của Người như một sự tồn hữu vị tha, như một sự phục vụ trung thành cho đến cùng, cho đến cực điểm. Ngài đã vâng phục thánh ý của Thiên Chúa Cha, để nhận lấy sứ mạng của Đấng được sai đến thế gian để ban ơn cứu độ (x. Cv 10,37-38; Mt 7,14; Lc 4,18).

Qua mầu nhiệm Nhập thể, Thiên Chúa đã thực sự đi vào trong cuộc sống nhân loại, thực sự đụng chạm đến khát vọng của con người là được sống đời đời. Chính sự viên mãn của Ngôi Lời đặt Ngài vượt lên trên mọi phàm nhân,[4] và duy chỉ có mình Ngài mới có quyền năng cứu độ của nhân loại. Chỉ có một công trình cứu độ của Thiên Chúa để cứu rỗi mọi người mà cội nguồn và trung tâm là Đức Giêsu Kitô.[5] Điều này cũng được tác giả thư Do Thái xác nhận: “Ðức Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế chỉ một lần là đủ” (Dt 1,10; 9,12). Chính đặc tính toàn thể nơi Đức Giêsu (Đức Kitô phục sinh và Đức Giêsu chịu đóng đinh là một) làm nên tính tuyệt đối đối và phổ quát của Đức Kitô… Ngài là trung tâm và cùng đích của lịch sử (x. Redemptoris Missio, số 6). Đây chính là mạc khải Giáo hội đã lãnh nhận từ Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật. Ngài là mạc khải trọn vẹn và sau cùng của Thiên Chúa cho con người (x. Dei Verbum, 2). Kinh Thánh Tân Ước trình bày cho thấy Ðức Kitô là Ðấng Cứu độ cho tất cả, “chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại” (1Tm 2,5-6). Điều này được diễn tả theo nhiều cách thế và hình ảnh khác nhau. Thánh sử Gioan trình bày Ðức Kitô là Ánh sáng thế gian, chiếu soi cho hết mọi người (x. Ga 1,8-9). Vai trò trung gian cũng được diễn tả qua cách nói ẩn dụ bằng kiểu nói của Chúa Giêsu: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống: không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6).

  1. Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh: Hoàn Tất Ơn Cứu Độ

Qua Lời Nhập Thể, Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra và trao ban chính mình cho con người.[6] Đó là một sự trao ban dứt khoát, không thể vãn hồi.[7] Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa trong chính Người (God in Himself) cũng là Thiên Chúa cho con người (God for us),[8] Toàn bộ đời sống dương thế của Chúa Giêsu được hiểu như là sự tỏ bày tình yêu cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đến trong thế gian.[9] Ngài đã hoàn tất các giá trị tuyệt đối cho niềm hy vọng của nhân loại, mang tính dứt khoát và cuối cùng qua mầu nhiệm tử nạn và Phục sinh. Nói theo Đức Bênêđictô XVI thì đó là một cuộc biến chuyển nhảy vọt,[10] không một ai khác ở dưới gầm trời có thể thực hiện được ngoại trừ Chúa Giêsu.

Sự sống lại của Chúa Giêsu chứng tỏ cho chúng ta thấy ý muốn cứu độ của Thiên Chúa mang tính lịch sử, ơn cứu độ đã được bắt đầu và đồng hiện diện ngay từ giây phút đầu tiên của lịch sử nhân loại và của thế giới.[11] Thần học gia Karl Rahner gọi Đấng Cứu Độ là tính chủ thể lịch sử. Trong dòng lịch sử ấy, Thiên Chúa tự thông ban chính mình cách tuyệt đối cho thế giới như một tổng thể hiện hữu theo một cách thế bất di bất dịch.[12] Không phải cái chết trên thập giá làm cho lối sống Đức Kitô trở nên độc đáo, nhưng chính Ngài, với tư cách là Con Thiên Chúa làm cho mầu nhiệm tử nạn và phục sinh mang đặc tính độc nhất vô nhị, là biến cố qua đó Thiên Chúa cứu độ con người.[13] Chúa Giêsu là hiện thân của Lời Thiên Chúa tự mạc khải một cách chung cuộc và bất khả siêu bạt ở ngay giữa lòng lịch sử. Giá trị cứu độ của Ngài luôn hữu hiệu và được cảm nghiệm như thế. Ngài là Ðấng Cứu tinh tuyệt đối.[14]

  1. Tính Phổ Quát Của Ơn Cứu Độ Qua Đức Kitô Là Trung Gian Duy Nhất

Kinh Thánh Tân Ước cho thấy Ðức Giêsu Kitô có một vai trò độc đáo trong công cuộc sáng tạo: “Trong Ngài, muôn vật được tạo thành trên trời dưới đất… tất cả được tạo dựng nhờ Ngài và cho Ngài… tất cả đều tồn tại trong Ngài” (x. Ga 1,1-4.10; Dt 1,3). Điều này cho thấy có một sự ràng buộc tất yếu giữa vai trò của tạo hóa và vai trò cứu độ trong lịch sử nhân loại.[15] Nói cách khác, nhờ Ngôi Lời nhập thể, khiến mọi người từ Adam cho đến người cuối cùng đều nhận được ‘hạt mầm’ ơn cứu độ ở trong mình. Trong tính toàn vẹn của lịch sử, Chúa Giêsu vừa là Alpha, nhưng đồng thời cũng là Omega, nghĩa là Đấng hoàn tất kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Như vậy sẽ chỉ có mình Ngài mới có quyền năng đưa toàn thể tạo thành đạt đến sự viên mãn (x. Ep 4,10).[16] Thánh Giáo phụ Irênê đã khai triển ý tưởng này qua học thuyết “anakephalaiosis – thâu họp”: Chúa Giêsu không chỉ đảm nhận thế giới hữu hình và thâu họp nó, mà còn đảm nhận và thâu họp cả thế giới vô hình.[17] Ngài đã thâu họp nơi chính Ngài mọi sự trên trời dưới đất.[18] Đó là quyền mà Chúa Cha đã trao cho Ngài (x. Mt 18,18).

Truyền thống Kitô giáo nhìn nhận sứ vụ trung gian của Đức Giêsu Kitô mang tính độc đáo và duy nhất, vì qua biến cố Nhập Thể, tự nơi Ngài thiên tính và nhân tính trở nên một.[19] Nghĩa là vai trò trung gian duy nhất ấy được thể hiện qua chức phận làm Con Một duy nhất của Thiên Chúa và trong hy tế cứu độ duy nhất của Ngài. Sự hoàn hảo vai trò trung gian của Đức Kitô hệ tại ở chỗ đây là một trung gian trực tiếp nhất, nơi Ngài, chúng ta gặp được Thiên Chúa cách trực tiếp. Hơn thế nữa, Ngài tỏ ra là một vị Trung Gian đích thực ở chỗ Ngài dẫn chúng ta đến sự trực tiếp ấy. Nói chính xác hơn, chính Ngài là sự trực tiếp ấy.[20] Theo đó, trung gian ở đây không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng nó có một khuôn mặt và trở nên một ngôi vị trong Đức Giêsu Kitô, với mục đích là thực hiện giao ước chung quyết giữa Thiên Chúa và con người. Vai trò trung gian ở đây đảm nhận cùng một lúc sự giao hòa và sự hiệp thông trực tiếp của con người với Thiên Chúa.[21]

Giáo hội luôn xác quyết niềm tin của mình về Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ Duy Nhất và vai trò Trung gian cứu độ của Ngài.[22] Tuy nhiên, vai trò trung gian của Chúa Giêsu không được hiểu theo nghĩa khép kính, loại trừ, nhưng phải hiểu trong tính ưu việt, tuyệt hảo (excellent). Hiểu theo chiều hướng này không những không thể phủ nhận vai trò cứu độ duy nhất của Chúa Giêsu, mà còn có thể mở ra một ý niệm hiệp thông đầy sinh động, giúp Giáo hội dễ dàng hơn đi vào tương quan, đối thoại với thế giới đa nguyên tôn giáo ngày nay trong tự tôn trọng và phân định. Giáo hội nhìn nhận rằng nơi các tôn giáo vẫn có những “chân lý và sự thiện (Nostra Aetate, số 2). Đó là kết quả của những cố gắng suy tư, tìm kiếm chân lý và sự khôn ngoan được phát từ khát vọng tâm linh sâu thẳm trong tâm khảm, cũng như trong kinh nghiệm của con người trong tương quan với Thiên Chúa.[23] Mạc khải của Tân Ước cho thấy Chúa Thánh Thần luôn hoạt động không ngừng trong thế gian, không chỉ ở trong mà còn ở bên ngoài Giáo hội Công giáo (x. GS., số 22 & 53), bởi vì “Gió muốn thổi đâu thì thổi…” (Ga 3,8). Tuy nhiên, vì Thần Khí luôn kết hợp mật thiết không thể tách rời với Ngôi Lời, nên mọi hoạt động của Thần Khí cũng không thể tách rời khỏi Ngôi Lời của Ngài. Điều này có nghĩa là hoạt động cụ thể của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô mang chiều kích phổ quát. Ngài quy tụ hết thảy mọi người thuộc mọi dân tộc; duy nhất, bởi vì bất kỳ một người trung gian nào khác đều chỉ là khí cụ cho sự trung gian duy nhất của Đức Kitô. Sự trung gian duy nhất và phổ quát của Chúa Giêsu còn được thể hiện qua Giáo hội mà Ngài đã sáng lập.

Kết Luận

Trong khung cảnh thể giới đa tôn giáo ngày nay, quan niệm về con người được trình bày rất khác nhau, điều này đưa đến việc nhìn nhận về nguồn gốc cứu độ cũng hết sức đa dạng hay ta có thể nói cách khác rằng, có bao nhiêu tôn giáo thì cũng có bấy nhiêu quan niệm về ơn cứu độ. Thiết nghĩ đây là điểm thần học đầy ‘gai góc’ nhưng cũng hết sức khẩn thiết đặt ra cho Giáo hội.

Ngoài ra, do hậu quả của chủ thuyết ‘tương đối’ đưa tới, người ta phủ nhận chân lý tuyệt đối và cho rằng đạo nào cũng tốt. Thậm chí nhiều người còn tin theo thuyết ‘pha trộn tôn giáo’ (syncretism) gom góp và pha lẫn giáo lý cũng như nghi lễ của nhiều tôn giáo lại với nhau. Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaoô II đã đặc biệt lưu ý các bậc chủ chăn, nhất là trong khung cảnh thế giới tại Á Châu: các nhà giảng thuyết phải thích nghi sứ điệp của mình với bối cảnh văn hóa, nhưng luôn phải nhắm đến việc hoán cải con người về với Đức Kitô và biến đổi xã hội.[24]

                                                                                                                            Lm. Giuse Nguyễn Văn Kế

chú thích:

[1] F. Gsmez Ngô Minh, SJ., “Khải Luận Trường Thiên Về Đức Kitô,” (Chương X: Đức Kitô: Đấng Cứu Độ Duy Nhất), truy cập: 05/05/2022, https://catechesis.net/khao-luan-ve-kito-hoc-duc-kito-dang-cuu-do-duy-nhat-10/

[2] F. Gómez Ngô Minh, SJ, “Khảo Luận Thiên Trường Về Đức Kitô – Chương X: Đức Kitô: Đấng Cứu Độ Duy Nhất,” truy cập: 15/05/2022, https://catechesis.net/khao-luan-ve-kito-hoc-duc-kito-dang-cuu-do-duy-nhat-10/

[3] Cf. Công Đồng Vaticanô I, Hiến chế Gaudium st Spes, số 22.

[4] Karl-Heinz Ohlig, Kitô Học Qua Các Tác Giả, (Đại Chủng Viện Thánh Giuse), 399.

[5] Thánh Bộ Đức Tin, Tuyên ngôn Dominus Jesus, số 10.

[6] HĐGMVN, UB. Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, (Nxb: Tôn Giáo, 2011), 50.

[7] Karl Rahner, Foundations of Christian Faith: An Introduction to the Idea of Christianity, 299.

[8] Karl Rahner, “Christmas in the light of the Ignatian Exercises, in Theological Investigations,” vol, 17, trans. Margaret Kohn (London: Longman and Todd, 1981), 37.

[9] Cf. Ga 11,27; 9,39; 12,46; 16,28; 18,37.

[10] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu Thành Nazaret – III, (Nxb: Tôn Giáo, 2013), 294.

[11] Walter Kasper, Đức Giêsu Kitô – Một Kitô Học Theo Hướng Phê Bình Lịch Sử Và Tín Lý, ed: Lm. Đaminh Phạm Xuân Uyển, SDB, (Nxb: Đồng Nai, 2015), 393.

[12] Karl Rahner, Những Nền Tảng Đức Tin Kitô Giáo – Tập 2: Kitô Học, ed: Lm. Phaolô Nguyễn Luật Khoa, OFM, (Nxb: Tôn Giáo, 2013), 31.

[13] Phanxicô, “Ý Nghĩa Cứu Độ của Biến Cố Phục Sinh,” translated by Phaolô Phạm Xuân Khôi, truy cập: 02/02/2021, http://www.giaophanvinhlong.net/Bai-Giao-Ly-cua-DTC-Phanxico-Y-Nghia-Cuu-Do-cuaBien-Co-Phuc-Sinh.html 

[14] Rahner, K., Foundations of Chritian Faith, (New York: Crossroad 1984), 280.

[15] F. Gómez Ngô Minh, SJ, “Khảo Luận Thiên Trường Về Đức Kitô – Chương X: Đức Kitô: Đấng Cứu Độ Duy Nhất.”

[16] Edid.

[17] Irênê, “Chống Lạc Giáo,” quyển III (C.H, III, 16,6).

[18] C.H, V, 20,2.

[19] Karl-Heinz Ohlig, Kitô Học Qua Các Tác Giả, (Đại Chủng Viện Thánh Giuse), 397.

[20] J. Ratzinger, Elementi di teologia fondamentale, (Editore: Morcelliana, 2005), 186.

[21] Gioan baotixita Nguyễn Khắc Bá, Giáo Trình Kitô Học và Thần Học Về Chúa Ba Ngôi, (Đại Chủng Viện Vinh Thanh, 2009), 441.

[22] LG., số 14.

[23] Gioan Phaolô II, Thông điệp Đức Tin và Lý Trí, ed. Lm Nguyễn Hông Giáo, OFM, (Nxb: Tôn Giáo, 2015), số 31-32.

[24] Phaolô Phạm Xuân Khôi, “Tính Duy Nhất và Phổ Quát của Đức Kitô và Hội Thánh trong công trình Cứu Độ,” truy cập: 01/06/2022, https://conggiao24h.com/tinh-duy-nhat-va-pho-quat-cua-duc-kito-va-hoi-thanh-trong-cong-trinh-cuu-do.html