ĐỐI VỚI TÔI, CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÊ-SU CÓ Ý NGHĨA GÌ?

ĐỐI VỚI TÔI,

CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÊ-SU CÓ Ý NGHĨA GÌ?

Đã từ lâu, tôi vẫn miên man suy nghĩ về cái chết của Đức Giêsu. Tại sao Ngài phải chịu chết mới cứu rỗi được nhân loại? Tại sao Thiên Chúa (TC) lại bắt Con Một yêu dấu của Người phải chết cách nhục nhã đớn đau thảm thương như thế để thực hiện kế hoạch cứu chuộc con người?…

Tôi tự hỏi và đi tìm câu trả lời. Khi mở quyển Kinh Thánh (DCCT 1976) của tác giả LM Nguyễn Thế Thuấn, ở phần tiểu dẫn trang XXXV, tôi đã đọc được đoạn sau: “Chết có giá trị, không phải nguyên vì cái chết của Ngài, nhưng vì Ngài đã vâng phục trọn hảo cho đến đành lòng chịu chết. Lời đáp ứng hoàn hảo ấy đã khai thông cho tất cả mãnh lực tạo thành của ý Thiên Chúa trong lịch sử được lan tỏa ra nên nguồn cứu thoát nhân loại; sự cứu thoát đã tỏ hiện rực rỡ ngay sau đó: ‘Và ngày thứ ba, Ngài đã sống lại’ (1Cor 15,4)”

Vậy thì đã rõ, sự chết-vâng-phục của Đức Giêsu đối với kế đồ của Cha Ngài đã trở nguồn ơn cứu rỗi cho chúng ta.

Nhưng tại sao Ngài phải chết? Sự chết ấy mang ý nghĩa gì? Hiệu quả ra sao?

Có thể nói, sự chết của Đức Giêsu nằm trong chương trình cứu rỗi nhân loại mà TC đã hoạch định từ muôn đời. Và vì TC đã trao cho Con Một của Người sứ mệnh cứu chuộc nhân loại thì người Con ấy phải thi hành ý Cha một cách trung tín và trọn vẹn. “Này con xin đến để thực thi ý Người”

Và đây là mạc khải ý của TC: “Tóm lại, cũng vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,18-19).

Hình ảnh tương phản giữa Adam-cũ và Adam-mới đã tỏ lộ. Đức Giêsu, Adam-mới sẽ thực hiện mầu nhiệm chương trình cứu chuộc nhân loại tội lỗi ngang qua sự chết-khổ-hình-thập-giá và sự sự phục-sinh-vinh-quang-trong-Thần-Khí.

Đức Giêsu vừa có sứ mạng mạc khải ý định chung cuộc của TC, đồng thời cũng là nội dung ân huệ Lời Hứa của TC đối với nhân loại. Theo kế đồ của TC thì để thực hiện việc đổi mới (tức là công cuộc cứu độ nhân loại tội lỗi), cần phải hủy diệt cái cũ đã hư hỏng. Cái cũ, đó là tạo thành cũ cùng với tội lỗi, sự chết (tự nhiên, siêu nhiên), sự phản bội và bất trung (khởi đầu từ nguyên tổ). Nhưng không chỉ hủy diệt mà TC còn phục hồi tạo thành cũ, nhân loại cũ (dòng dõi Adam-cũ) bằng việc ban Thần Khí để con người được sống và sống dồi dào mãi mãi…”Này Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5).

Và trong nhân loại không ai có đủ “tư cách”, đủ lòng mến, đủ hi sinh can đảm, đủ sức mạnh chịu đựng và vâng phục ý của Chúa Cha bằng Đức Giêsu Na-gia-rét. Vâng phục Cha, Ngài đã bỏ thiên giới để xuống trần gian, tự nguyện đảm nhận kế hoạch cứu thế (x.Pl 2,6-11). Khi nhập thể và nhập thế, Đức Giêsu trở thành trưởng tử trong nhân loại; bản thân, cuộc sống và hành động của Ngài thay cho nhân loại nói riêng và cho cả tạo thành nói chung. Như vậy có thể nói, Ngài thực hiện kế hoạch của TC nơi chính bản thân Ngài: Ngài chết cho tất cả cái cũ để chính Ngài được phục sinh nhờ Thần Khí. Từ đó, Ngài trở nên nguyên lý đổi mới cho con người – tạo vật. Nguyên lý tái sinh và tác sinh.

Trước khi tắt hơi thở cuối cùng, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất” (Gio 19,30). Theo cái nhìn của thánh sử Gioan thì đây chính là lúc Đức Giêsu hoàn thành giao ước mới, là lúc Ngài chiến thắng vinh quang sự chết, là lúc Ngài được Cha chuẩn nhận công trình cứu chuộc nhân loại.

Trở lại việc truy tìm ý nghĩa sự chết-cứu-chuộc của Đức Giêsu, có mấy suy nghĩ  sau:

* Khi Đức Giêsu chết, tất cả tạo thành cũ đã bị hủy diệt, bởi vì cái chết của Ngài là cái chết thực sự của một con-người-sống-thân-phận-người vì Ngài cũng là một con người như chúng ta, trừ tội. Đó không là cái chết “giả” hay chết “ảo”, mà là chết thật. Chết-hủy-mình-ra-không như một tội nhân. Chính Ngài cũng run sợ trước cái chết thật đó, đến nỗi mồ hôi hòa lẫn máu chảy ra…(x. Mt 26, 36-46; Lc 22, 42-46).

* Thiên Chúa Cha đã chuẩn y cái chết-vâng-phục-của-Con-Một của Người và chấp nhận tha thứ cho nhân loại. Người Con ấy, với tư cách là trưởng tử trong nhân loại, đã vâng phục kế hoạch của Cha, cho dù phải hi sinh, phải chết bằng bất kỳ cách nào…

* Cái chết của Đức Giêsu đã minh chứng tình yêu mãnh liệt và sự vâng phục tột cùng của một đại diện nhân loại đối với TC. Chính tình yêu và sự vâng phục này đã giúp thiết lập lại mối tương quan tốt đẹp, bền vững giữa TC và con người. TC hài lòng về người Con của Người và đã phục-sinh Con thân yêu đó. Và từ nay những ai thuộc về Đức Giêsu Kitô cũng sẽ được “giải án tuyên công”…

* Đức Giêsu sau khi sống lại, đã trở nên nguyên lý tái sinh và tác sinh đối với những ai tin-theo Ngài. Vì vậy khi lãnh nhận Đức-Kitô-Thần-Khí nhờ lòng tin và qua bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được chia sẻ hiệu quả của cái chết và ơn huệ Phục sinh của Đức Kitô (x. Rm 6,1-8).

* Biến cố PHỤC SINH mới đem lại ý nghĩa cuối cùng của mầu nhiệm cứu độ và niềm hi vọng chung cuộc của nhân loại. “Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em…” (Gio 16,17).

– – – – – – – – – – – – – – – – –

Sự chết của Đức Giêsu không chỉ là một sự kiện đơn lẻ bình thường của một ai đó trong nhân loại…nhưng chính là một BIẾN CỐ cực kỳ quan trọng, quyết định số phận của nhân-loại-mang-án-chết. Qua biến cố này, TC thực hiện Lời Hứa của người, là tha thứ cho nhân loại, là giải án chết và ban cho họ sự sống đời đời.

Sự chết của Đức Giêsu đã cứu sống nhân loại bị án chết do tội. Sự chết của Ngài đã chôn vùi tất cả mọi hư hỏng trong tạo thành, đồng thời từ cõi chết sống lại, Đức Giêsu-phục-sinh trở nên chính sự sống cho tất cả ai tin Ngài. “Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11)./.

Aug. Trần Cao Khải

Nguồn: ĐCV Thánh Phanxico