ĐỐI THOẠI – HƯỚNG TỚI TRUYỀN GIÁO
Lm. Giuse Nguyễn Kế
Dẫn Nhập:
Truyền giáo như là việc Thiên Chúa đi đến với con người ngay trong chính bối cảnh sống cụ thể của họ để trao ban niềm vui ơn cứu độ. Trước khi về trời Chúa Giêsu đã trao lại sứ mệnh ấy cho Giáo Hội: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ, còn ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16,15-16). Vì thế có thể nói được rằng, lịch sử Giáo hội cũng chính là lịch sử truyền giáo. Qua từng giai đoạn Giáo hội đã đề ra những phương thức truyền giáo khác nhau ngõ hầu có thể đáp ứng tâm thức của con người trong mỗi thời đại, làm cho Tin Mừng có thể đụng chạm và thấm nhuần trong đời sống con người trong những bối cảnh văn hóa nơi mỗi một lãnh thổ cụ thể. Trong bài này, người viết đề nghị một phương thức truyền giáo cho bối cảnh Việt Nam hôm nay, truyền giáo như là “Đối Thoại – Hướng Tới Truyền Giáo”. Khởi đi từ suy tư trên nền tảng cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaria, người viết sẽ cho thấy dòng chảy của Tin Mừng qua Giáo hội được tuôn trào tới cuộc sống con người thông qua hình thức đối thoại. Từ đó mở ra những cuộc đối thoại mới hướng tới việc truyền giáo ngay trên mảnh đất hình chữ S.
Nội Dung:
- Khái Niệm
- Đối Thoại Là Gì?
Theo từ điển Tiếng Việt: “đối thoại” là cuộc nói chuyện, trao đổi qua lại trực tiếp giữa hai người hoặc nhiều người.[1] Nói cách khác, đối thoại là nói với và nói cùng người khác. Tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh sử dụng mà đối thoại lại mang nội dung và ý nghĩa khác nhau.
Tự bản chất, đối thoại đúng nghĩa luôn bao hàm thái độ dấn thân, chấp nhận thách đố, phải đưa tới chân lý. Đối thoại cũng đòi buộc phải tôn trọng sự khác biệt và chối từ tham vọng chinh phục người khác. Đối thoại đòi hỏi phải vượt thắng cảm xúc, thiên kiến, tập quán để bình thản đặt vấn đề, kiên nhẫn lắng nghe và sáng suốt lãnh hội quan điểm của người khác.[2]
- Truyền Giáo Là Gì?
Theo hán Việt: “truyền” có nghĩa là đem của người này mà trao cho người khác; “giáo” là đạo. Như vậy Truyền giáo có nghĩa là phổ biến đạo.[3]
Theo từ điển Công Giáo, truyền giáo có nguồn gốc từ tiếng Latinh là Missio. Nguyên gốc Missio là một danh từ gốc bởi động từ mittere: có nghĩa là sai, gửi, phái, cử đi. [4] Danh từ Missio được dùng theo nhiều nghĩa, đặc biệt là trong Sắc Lệnh Ad Gentes nhắm đến nghĩa là việc sai đi, bắt nguồn từ Chúa Cha (x. AG, số 2); hay nói đến sứ mạng của Giáo Hội (x. AG, số 9-10; LG, số 17); Missio cũng mang ý nghĩa là một hoạt động chuyên biệt của Giáo Hội: rao giảng Tin Mừng cho những ai chưa biết Chúa (x. AG, số 6; 20; 27b).
- Đối Thoại – Hướng Tới Truyền Giáo
Phương thức này được đặt trên nền tảng từ “chính sự đối thoại yêu thương ban ơn cứu độ của Chúa Cha với nhân loại qua Chúa Con và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.”[5] Nó khởi nguồn từ chính sự sống nội tại nơi Thiên Chúa là một sự hiệp thông hoàn hảo của việc cho đi và nhận lại, đó là căn tính cho việc mở ra cho người khác, của sự hiệp thông trong quan hệ và trong sứ mạng.[6] Khi đến với nhân loại Chúa Giêsu cũng thực hiện những cuộc đối thoại với con người thuộc mọi thành phần, địa vị, giai cấp khác nhau. Thậm chí, khi mới 12 tuổi, sau khi dự lễ, Ngài đã ở lại đền thờ Giêrusalem đối thoại với các thầy thông thái (Lc 2,47-50).
Mọi Kitô hữu đều mang trong mình sứ mệnh truyền giáo (x. AG, số 15), họ được mời gọi phải đi ra khỏi chính mình, đi ra khỏi sự an toàn của bản thân, để đi gặp tha nhân trong tâm thế của người đem niềm vui và hy vọng, nhất là những người bị lãng quên, những người đang cần được cảm thông, cần an ủi, giúp đỡ. Nghĩa là sẵn sàng để mở lòng ra với mọi người, để đón nhận mọi người, để sống với mọi người, và để phục vụ mọi người bằng tình yêu thương theo gương Chúa Giêsu, và cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Kitô.[7]
- Tính Cấp Thiết Của Vấn Đề
Trong bài thuyết trình tại Đại Hội Loan Báo Tin Mừng – Lần III, tại Tổng giáo phận Huế (01.04.2015), Đức Giám mục Anphongsô Nguyễn Hữu Long nói rằng: Công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, sau hơn 400 năm Tin Mừng được chính thức truyền giảng trên đất Việt, tỷ lệ người Công giáo mới ở mức chưa đầy 7% dân số, thậm chí, tỷ lệ này so với cách đây nửa thế kỷ vẫn không thay đổi, khoảng 6,93%.[8] Điều này cho thấy, công cuộc truyền giáo của chúng ta chưa được thực sự quan tâm đúng mức. Thực tế là đa số các tín hữu Việt Nam chưa được tiếp cận và học hỏi thấu đáo về các văn kiện về Truyền giáo của Giáo hội, chính vì thế họ chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn về việc loan báo Tin Mừng theo tinh thần của Công Đồng Vaticanô II.[9]
Việc tổ chức đời sống Giáo hội tại Việt Nam dường như vẫn đang ở trên khía cạnh là “quản trị”, công cuộc truyền giáo chưa thực sự được quan tâm đủ, chưa thực tế, chưa có hành động cụ thể.[10] Có chăng là những dịp đặc biệt của giáo phận hay hội dòng (truyền giáo theo mùa)… tổ chức lễ thật lớn, chọn những khẩu hiệu thật “hot”, trang trí thật hoành tráng… nhưng sau đại lễ thì tất cả lại ‘tắt ngủm’, ai lo về truyền giáo thì cứ tiếp tục “bơi” bằng sức riêng của mình.
Thiếu tổ chức và thống nhất từ trên. Mỗi năm các ủy ban trực thuộc HĐGM. Việt Nam thường tổ chức họp với các thành viên của các giáo phận (chủ tịch ủy ban của các giáo phận, dòng tu) một hai lần, trong đó có ủy ban truyền giáo. Nhưng dường như là chỉ để lắng nghe các bài báo cáo, chứ chưa đưa ra được một đường hướng chung, bởi vì mỗi giáo phận, mỗi dòng tu có những hoàn cảnh khác nhau. Mà dù cho cuộc họp có đưa ra những thống nhất nhưng khi trở về giáo phận, cộng đoàn dòng tu thì lại tùy vào bề trên. Thế rồi mạnh ai nấy làm mà không có sự cộng tác giữa các thành phần, ai thích thì gồng mình lên làm, ai nhiệt huyết thì làm, ai không làm thì thôi.
Trong mấy năm trở lại đây, Việt Nam không ngừng vươn lên theo đà phát triển chung của thế giới toàn cầu. Song vẫn còn những điều đáng báo động, đặc biệt trên phương diện con người. Sự phát triển nhanh chóng về khoa học, kĩ thuật làm cho đời sống con người ngày càng cải thiện, tuy nhiên nó cũng khiến không ít người bị cuốn vào vòng xoáy của thời đại máy móc và khô cứng. Một lối sống quá coi trọng vật chất và tục hóa tâm linh trong sự lãnh đạm và vô cảm. Nhất là đời sống của giới trẻ có phần rộng rãi, phóng túng, thậm chí cuồng loạn, coi thường giá trị văn hóa, đạo đức thuần phong mỹ tục, xem nhẹ tình thân gia đình, coi thường mạng sống của người khác… Những con người ấy hơn lúc nào hết họ đang ở trong cơn khát “Nước Hằng Sống” (Ga 4,10-15). Điều này đã đặt Giáo Hội Việt Nam trước những thử thách trong việc thực thi sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Đòi hỏi nhất thiết Giáo Hội Việt Nam nói chung và từng giáo phận nói riêng phải có những định hướng truyền giáo và áp dụng phương cách phù hợp.
Nhận thấy sự cấp bách đó, Thư mục vụ năm 2025 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nhấn mạnh đến sứ vụ truyền giáo “Cùng nhau loan báo Tin Mừng.” Các Đức giám mục cũng đã đề nghị cách thực hành truyền giáo cụ thể: Các thành viên trong các gia đình yêu thương, quan tâm và liên đới với nhau hơn; Các gia đình sống thân thiện, bác ái với những người không cùng niềm tin tôn giáo; và giữa các gia đình và cộng đoàn, cần nỗ lực giao hòa với nhau.
- Nền Tảng Kinh Thánh: Cuộc Đối Thoại Giữa Đức Giêsu Và Người Phụ Nữ Samaria (Ga 4,4-42).
Thánh sử Gioan thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và cô Sychar (một người phụ nữ Samaria) tại bên bờ giếng Giacob. Cuộc đối thoại được bắt đầu bằng việc Chúa Giêsu nói với người phụ nữ: “xin chị cho tôi uống nước”. Sẽ không có gì đáng nói nếu chỉ dừng lại ở việc Chúa Giêsu xin nước để uống, nhưng điều đáng nói ở đây là một người Do Thái lại giao tiếp với một người Samaria. Người phụ nữ hết sức bất ngờ, sửng sốt và dường như có một chút “kênh kiệu”: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một người phụ nữ Samaria cho ông nước uống sao?” (Ga 4,8).
Khởi đi từ việc xin nước uống để giải cơn khát thể lý, Chúa Giêsu đã đưa cuộc đối thoại chuyển sang một hướng khác, khi Ngài đề cập đến một thứ “nước hằng sống” và đề cập đến đời sống của người phụ nữ. Chị nhận ra được tính chất ngôn sứ của Chúa Giêsu khi Người nói đến thực tại đời sống của chị: năm đời chồng. Đây là một bước đi tới sự thật, nhờ đó người phụ nữ cảm thấy được giải thoát khỏi quá khứ của chị. Hơn ai hết, chị cảm nhận cơn khát yêu thương trong chị dường như chưa bao giờ được đáp ứng thỏa đáng. Chúa Giêsu giúp người phụ nữ biết nhìn vào chính bản thân mình, đồng thời là nhìn vào Chúa để nhận biết Người là ai (x. Ga 7-15). Chúa Giêsu đưa người phụ nữ Samaria đi tới một bình diện hiểu biết mới, về việc phụng tự chân thật, nơi thờ phượng không thể quan trọng hơn Đấng được tôn thờ (x. Ga 4,21-24). Ngài mạc khải về một Thiên Chúa chân thật và hằng sống đang hiện diện ngay tại giếng Giacob, ngay trong lòng chị, dẫu cho quá khứ đời chị không mấy tốt đẹp.
Cuộc đối thoại với Chúa Giêsu đã thực sự giải phóng người phụ nữ khỏi những nhập nhằng của các mối tương quan, khỏi những ràng buộc nặng nề của luật lệ trần thế. Giờ đây, ngọn lửa hạnh phúc đang bùng cháy trong tâm hồn chị, chị như thấu cảm được sự quan tâm của Chúa Giêsu. Chị bỏ lại vò nước là vật thực sự quan trọng đối với cuộc sống hằng ngày của chị. Giờ đây nó không còn quan trong nữa, chị đã được bước vào trong một tương quan mới là nhận biết Thiên Chúa chân thật và yêu thương chị. Chị quay trở về và làm cho niềm vui đời chị được lan tỏa đến cho những người khác, chị bắt đầu cuộc đối thoại mới trong niềm vui, chị kể lại cho mọi người về Chúa Giêsu, về cuộc gặp gỡ với Ngài, và chị đã được biến đổi ra sao.
- Hướng Tới Những Cuộc Đối Thoại Mới
- Đối Thoại: Hướng đến sự hòa điệu giữa Tin Mừng với các nền Văn hóa.
Hiện nay Việt Nam hơn 50 dân tộc và nhóm người ngoại quốc sinh sống tới từ những các quốc gia khác nhau. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng. Việt Nam được điều hành bởi một thế quyền duy nhất là Đảng Cộng Sản, thành thử văn hóa của các dân tộc không ngừng được giao thoa tạo nên những biến đổi đáng kể theo chiều hướng đa dạng và có tính liên tục, đặc biệt trong bối cảnh di dân từ các tỉnh lẻ ra các thành phố lớn như hiện nay làm cho sự đa dạng về văn hóa xảy ra ngay trong cùng một thành phố, trong cộng đoàn giáo xứ. Trong bối cảnh như thế, việc loan báo Tin Mừng trở thành một tiến trình phải được thường xuyên cập nhật hóa.
Hiến Chế Gaudium et Spes đã mở ra với thế giới, trong đó việc đối thoại với các nền văn hoá là điều đặc biệt quan trọng đối với hoạt động truyền giáo. Văn hóa chính là một biểu hiện về cách sống con người, tạo nên sự khác biệt giữa các vùng miền. Hiến chế Gaudium et Spes khẳng định rằng: Thiên Chúa “nói theo nền văn hoá riêng của mỗi thời đại” (GS., số 52-62), Giáo Hội cũng “đã sử dụng các nguồn lực của các nền văn hoá khác nhau trong việc rao giảng của mình để truyền bá và cắt nghĩa thông điệp của Đức Kitô.” Vì vậy “Tin Mừng của Đức Kitô không ngừng canh tân đời sống và văn hoá” (GS., Số 58).
Tuy khác biệt, nhưng Tin Mừng phải được sống, phải được loan báo và bám rễ vào một nền văn hóa cụ thể đến mức không thể tách rời. Sự tách biệt Tin Mừng ra khỏi văn hóa sẽ là thảm trạng, gây ảnh hưởng sâu xa trên cả việc loan báo Tin Mừng lẫn nền văn hóa.[11] Bài học về lịch sử truyền giáo tại Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta không thể áp dụng cách rập khuôn phương thức loan báo Tin Mừng của Tây Phương vào bối cảnh của đất nước chúng ta. Chúng ta không thể đem Tin Mừng đến với con người mà không thông qua nền văn hóa cụ thể nơi con người sinh sống. Có lẽ cụm từ “Trung Thành và Thích Nghi” (Constants in context) mà tác giả Stephen B. Bevans Roger P. Schroeder lấy làm tiêu đề cho một cuốn sách của mình là gợi mở tuyệt vời để suy tư về việc đưa Tin Mừng vào các văn hóa. Công việc này luôn luôn bao gồm hai yêu tố cho và nhận, ngoài việc trao ban những giá trị Tin Mừng, Giáo hội còn đón nhận những điều tích cực có trong các nền văn hóa.[12]
Bên bờ giếng Giacob Chúa Giêsu đã xin nước uống của người phụ nữ Samaria trước khí giới thiệu về Nước hằng sống. Chính vì vậy đối thoại văn hóa không bao giờ là một sự áp đặt nhưng nhất thiết phải là một sự thuyết phục bằng tình yêu và tôn trọng tự do. Giáo Hội phát sinh từ một vị Thiên Chúa cứu độ qua việc từ bỏ mình thì không thể tự cho rằng mình có nền văn hoá vượt trội hơn các dân tộc nơi mình đang sống và hoạt động.[13] Thật vậy, công cuộc Tin Mừng hóa các nền văn hóa sẽ không thể là một sự bãi bỏ, hay hủy diệt mà là kiện toàn (x. Mt 5,17-19), là đưa tới sự viên mãn (x. Ep 3,19; Cl 1,19). Dù mang tính siêu việt nhưng đức tin không thể quên đi chiều kích “ngôn sứ” và lắm khi cần phải tỏ rõ thái độ cứng rắn (gạn đục khởi trong) đối với văn hóa bị tục hóa, mê tín và tội lỗi. [14]
- Đối Thoại: Hướng đến việc trân trọng “Chân – Thiện – Mỹ.”
Với một nền văn hóa đậm chất tâm linh, có thể nói Việt Nam là vùng đất của các tôn giáo (Tín Ngưỡng Dân Dân; Phật Giáo; Cao Đài; Hòa Hỏa…). Nơi những tôn giáo ấy có nhiều điểm tương đồng với niềm tin Kitô giáo, ta luôn tìm thấy có những yếu tố, những tia sáng của chân lý và ân sủng, có thể mang đến cho chúng ta những ý tưởng cụ thể về việc cứu độ.[15] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong Tông huấn Evangelium nuntiandi, đã nhìn nhận các tôn giáo ngoài Kitô giáo như là những cộng đồng mang theo mình “tiếng vang của hàng ngàn năm tìm kiếm Thiên Chúa,” cũng như các giá trị thiêng liêng của các tôn giáo như những hạt giống của Lời và như một chuẩn bị cho Tin Mừng.[16] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khi còn đương nhiệm đã nhấn mạnh rằng, đối thoại với các tôn giáo khác là một ưu tiên hàng đầu của Giáo Hội:
“Trong khi Giáo Hội tuyên bố không sai lầm Chúa Kitô là đường, là sự thật, và là sự sống” (x. Ga 14,6), tuy nhiên “Giáo Hội cũng tôn trọng tất cả những gì là đúng đắn và tốt đẹp nơi các tôn giáo khác, và Giáo Hội tìm cách, với sự thận trọng và bác ái, để tham gia vào một cuộc đối thoại chân thành và thân thiện với các tín hữu của các tôn giáo mỗi khi có thể. Để làm được như thế, Giáo Hội làm việc hướng đến sự hiểu biết lẫn nhau và sự tiến bộ vì lợi ích chung của nhân loại.”[17]
Chúa Thánh Thần đã và vẫn đang hoạt động trong thế giới là một xác tín căn bản của việc đối thoại với các tôn giáo. Công đồng Vatican II đề ra định hướng rõ ràng cho việc đối thoại với các tôn giáo khác là cùng nhau khám phá và làm triển nở những yếu tố “chân lý và ân sủng do sự hiện diện tiềm ẩn của Thiên Chúa nơi mọi tôn giáo” (AG., số 9). Giáo Hội trân trọng sự thật trong các tôn giáo khác, đồng thời giữ vững niềm xác tín rằng Đức Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x. Ga 14, 6), và chính Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất. Tuy nhiên, việc tuyên xưng Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất không buộc phải đưa đến kết luận rằng chỉ những Kitô hữu đích thực mới là những người được cứu độ. Bởi vì Thiên Chúa chiếu ánh sáng vào tâm trí mọi người và nói với muôn dân tộc qua lương tâm, tiếng nói bên trong của Thiên Chúa (x. Ga 1,19).[18] Cần phải nắm vững căn tính của Tin Mừng nhưng cũng cần cởi mở để đưa đến việc thấu hiểu người khác nhất là những người chưa phải là Kitô hữu, trong ý thức rằng cuộc đối thoại sẽ làm phong phú cả đôi bên.[19] Tránh chủ trương “cào bằng tôn giáo”.
Trong mức độ sâu xa của cuộc đối thoại với các tôn giáo luôn là cuộc đối thoại cứu độ, nó nhất thiết phải được diễn ra trong tính cách chân thành, thân thiện và cởi mở, bao dung và lắng nghe nhau. Giáo Hội không ngừng cố gắng và cổ vũ, ở mọi cấp bậc và trên mọi phương diện mở ra với tinh thần gặp gỡ và hợp tác các tôn giáo khác nơi mà chính bản thân mình đang hiện diện.[20] Việc đối thoại này đưa người tín hữu đến việc khám phá ra sự viên mãn nơi mầu nhiệm Chúa Kitô.
- Đối thoại: Bằng một trái tim mở rộng với người nghèo.
Kể từ năm 1986, Việt Nam tiến hành đổi mới đất nước, nền kinh tế có những bước phát triển mạnh mẽ và đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ, đời sống của người dân được cải thiện về mọi phương diện. Tuy nhiên, tình trạng phân hóa giàu – nghèo trong các tầng lớp dân cư lại ngày một gia tăng với khoảng cách ngày càng lớn giữa Thành thị với Nông thôn, Đồng bằng với Miền núi.[21] Điều này đặc biệt mời gọi Giáo Hội tại Việt Nam phải lưu tâm.
Công Đồng Vaticanô II quả quyết một cách mạnh mẽ: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô” (MV 1). Giáo Hội luôn ôm lấy nhân loại và thế giới vào trong đời sống sinh hoạt của mình, cùng chia sẻ niềm vui và cùng lo âu với những khắc khoải của con người, nhất là những người nghèo, những người ở tận đáy của xã hội.[22] Người nghèo mà chúng ta đang nói tới ở đây, không chỉ là những người nghèo đói về vật chất mà thôi. Họ còn là những người nghèo về đức tin, đó là những người chưa bao giờ được nghe biết Tin Mừng, nhừng người ngoài Kitô giáo, những người không tin hay cả những người Kitô hữu không sống đạo. Không chỉ dừng lại ở khía cạnh không gian địa lý, họ là những người đang ở xa cõi lòng con người, đang phải chịu nhiều vùi dập, khốn khổ, bất công bởi xã hội, bởi chính đồng bào, thậm chí đồng đạo của mình gây nên.[23]
Việc đối thoại ở đây bao gồm một kinh nghiệm và hiểu biết đích thực về tình trạng nghèo khổ, thiếu thốn và áp bức của họ. Sự gặp gỡ đối thoại với người nghèo cần thiết một sự dấn thân và đồng hành để tạo ý thức cho họ lãnh trách nhiệm và tham dự thực sự vào các quyết định có tính chất định đoạt cuộc đời họ và nhờ đó họ tự giải phóng mình. Trong sứ vụ truyền giáo của mình, người nghèo và những người bị loại trừ, bị bỏ rơi trong xã hội phải là lựa chọn ưu tiên của chúng ta. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh trong Tông sắc Misericordiae Vultus:
“Hãy mở to mắt để nhận ra tình trạng khốn khổ của thế giới, để thấy những vết thương của anh chị em chúng ta đang bị tước mất nhân phẩm, và ý thức rằng chính chúng ta được mời gọi lắng nghe tiếng họ kêu gào xin được cứu giúp.”[24]
Việc tham dự vào sứ vụ của Thiên Chúa chính là để chúng ta nói với và nói vì người nghèo về một vị Thiên Chúa yêu thương, công bằng, có quyền năng, và sẵn sàng đưa tay bảo vệ họ (x. Đnl 11,2).[25] Sứ vụ của Giáo hội là bước ra đến tận ngoại vi nhân bản của con người để mở rộng cánh cửa mà nhìn tận vào trong ánh mắt, trong lắng nghe, để đồng hành với những người đang đứng bên lề đường.[26] Để nói cho họ biết mỗi một nhân vị đều đặc biệt quan trọng đối với Thiên Chúa.
- Đối thoại: Hướng đến việc cùng nhau phục vụ công ích.
Giáo Hội không thể đứng bên lề lịch sử hay ngoài trần gian vì tự bản chất Kitô giáo là một tôn giáo nhập thể và nhập thế. Tuy nhiên, Giáo Hội không thể đồng hóa với bất cứ một chế độ chính trị, một hệ thống kinh tế hay một nền văn hóa nào (hòa đồng, chứ không hòa tan). Do những vết sẹo và những thương tích của lịch sử in hằn trong tâm trí phần đông người Việt dẫn đến việc xảy ra những xung khắc, hiểu lầm… làm cho việc đối thoại với chính quyền các cấp vẫn còn nhiều trở ngại. Nhất là chính quyền ở các huyện miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Giáo Hội không thay thế trách nhiệm của các nhà cầm quyền, nhưng góp phần chính đáng vào đời sống quốc gia, để phục vụ toàn dân, trong tinh thần đối thoại và hợp tác, tôn trọng lẫn nhau. Theo Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội Công giáo: Chính quyền và Giáo Hội độc lập và tự trị trong lãnh vực riêng của mình, nhưng cả hai đều phục vụ con người, giúp con người thi hành các quyền của mình cách trọn vẹn, những quyền được gắn liền với bản chất của con người vừa là công dân và vừa là Kitô hữu.[27] Vì thế cần phải loại bỏ thái độ “đối đầu” để dấn thân vào ‘con đường đối thoại’ thẳng thắn, trong sự cộng tác chân thành.
KẾT LUẬN
Sự cần thiết của phương thức Đối Thoại – Hướng Tới Truyền Giáo. Chúng ta cần xác định ngay rằng đối thoại hoàn toàn không thể thay thế truyền giáo, nhưng là đi kèm theo sứ vụ truyền giáo, hướng về ‘mầu nhiệm hiệp nhất’.[28] Đối thoại là quy tắc chung và là một trong những phương cách cần thiết cho mọi mô thức truyền giáo. Việc truyền giáo không gì khác hơn là tham gia vào sứ vụ của Thiên Chúa, mà bản tính và hành động của Thiên Chúa mang tính đối thoại.[29] Nhận lãnh sứ mệnh từ Chúa Giêsu, Giáo Hội tham dự vào sứ mạng truyền giáo của Thiên Chúa Ba Ngôi, vì thế truyền giáo chỉ có thể được tiến hành trong đối thoại và thực thi trong sự khiêm nhường. Đó là một sự “khiêm nhường táo bạo”.[30]
Thay đổi tư duy về truyền giáo: Truyền giáo là sứ mệnh chung, thuộc về bản chất của Giáo Hội, tức là mọi thành viên trong gia đình Giáo Hội đều phải lãnh lấy sứ mệnh này. Đó là một tiến trình tiệm tiến lâu dài chứ không phải một sớm một chiều, “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3,6). Truyền giáo không phải là tìm mọi cách để rửa tội cho người khác và coi đó là thành tích để thể hiện cái tôi. Chúng ta ý thức rằng đức tin là một món quà của Thiên Chúa và nó phải được đón nhận bằng sự tự nguyện, Giáo Hội chưa bao giờ ép buộc ai phải tin khi người đó chưa sẵn sàng. Cần hướng đến việc Phúc Âm Hóa theo phương thức đối thoại cụ thể trong bối cảnh văn hóa, xã hội cụ thể. Không lấy Châu Âu làm tiêu chuẩn, đem nguyên mô hình truyền giáo bên Châu Âu về áp dụng vào Việt Nam. Bỏ quan niệm về một mẫu thức đã trở thành định chế để chấp nhận việc truyền giáo sáng tạo hơn. Thành lập các văn phòng truyền giáo tại các giáo phận, để sẵn sàng lắng nghe, giải đáp và đối thoại.
Quan tâm đến việc đào tạo người truyền giáo: Người truyền giáo trước hết phải được sống và cảm nghiệm sứ điệp niềm vui Tin Mừng, việc chia sẻ sứ điệp ấy không chỉ bằng cách lặp lại các lời của Tin Mừng, mà qua việc nội tâm hóa Tin Mừng sẽ đưa đến hoa quả của việc gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh đã được lớn lên trong đời sống của mình, từ đó mở ra một đời sống chứng tá đậm chất Tin Mừng. Đặc biệt quan tâm đến vai trò của người giáo dân trong sứ vụ đặc biệt này. Đào tạo để chính người giáo dân trở thành người truyền giáo. Việc giảng dạy chuyên sâu về thần học và mục vụ truyền giáo nơi các Chủng viện và các Học viện là thực sự cần thiết. Phối hợp và tổ chức truyền giáo theo các mô hình nhỏ, với sự cộng tác của cả giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Tổ chức các buổi hội thảo và câu chuyện truyền giáo tại các giáo phận, giáo hạt…
Trong thời đại dịch Covid-19 những nằm vừa qua, như là một điểm sáng tích cực về đời sống chứng tá của cộng đồng người Công giáo Việt Nam. Đứng trước những khó khăn của dịch bệnh, bất chấp những nguy hiểm nhưng đã có nhiều các linh mục, tu sĩ, giáo dân tham gia vào tuyến đầu để phục vụ các bệnh nhân. Nhiều các dòng tu, giáo xứ, hội đoàn và các nhóm giáo dân tích cực tham gia cứu trợ những người nghèo, những người gặp khó khăn vì dịch bệnh… Ngoài ra, trong những năm gần đây ban Cariatas của các giáo phận, các nhóm thiện nguyện Công giáo cũng phát triển mạnh mẽ. Họ tích cực đi đến với những người nghèo khổ, bệnh tận, cô thế cô thân, và đi cả vào những bản làng người đồng bảo thiểu số để giúp đỡ họ. Những điều đó đã tạo lên được những tiếng vang tích cực, hình ảnh và tinh thần Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam được nhiều người biết tới hơn. Qua đó mở ra những cơ hội tuyệt vời trong việc gặp gỡ đối thoại – hướng tới truyền giáo.
Chú thích:
[1]Từ Điển Tiếng Việt, truy cập: 05/05/2022, https://vtudien.com/viet-viet/dictionary/nghia-cua-tu-%C4%91%E1%BB%91i%20tho%E1%BA%A1i
[2] Cf. Nguyễn Thái Nguyên, “Đối Thoại – Truyền Giáo,” truy cập: 05/05/2022, http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/TaiLoanBaoTinMung/34DoiThoaiTruyenGiao_Bai01.htm
[3] HĐGMVN. Ủy Ban GLĐT, Từ Điển Công Giáo, (Nxb: Tôn Giáo, 2016) 934.
[4] HĐGMVN. Ủy Ban GLĐT, Từ Điển Công Giáo, 934.
[5] ĐGH. Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 29
[6] Cf. Stephen B. Bevans, SVD và Roger P. Schroder, SVD. “Truyền Giáo Như Đối Thoại Ngôn Sứ,” ed: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên, truy cập: 09/05/2022, https://mfvietnam.org/index.php/en/health/bai-vi-t/855-truy-n-giao-nhu-d-i-tho-i-ngon-s
[7] ĐGH. Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, số 49.
[8] Cf. ĐGM. Anphongsô Nguyễn Hữu Long,“Canh tân hoạt động loan báo tin mừng tại Việt Nam ngày nay,” Bài thuyết trình tại Đại hội Loan báo Tin Mừng lần III (Huế, 01-04/9/2015), truy cập: 10/05/2022, http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GiaoHoiVN/BaiGiangCacDC/31LoanBaoTinMung3.htm
[9] Cf. Gm. Anphongsô Nguyễn Hữu Long, “Canh tân hoạt động loan báo Tin Mừng tại Việt Nam ngày nay.”
[10] Cf. Lm. Jerome Nguyễn Đình Công – Giám đốc Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo tại Việt Nam, “Bề trên quản trị chứ không phải bề trên truyền giáo”, Khóa bồi dưỡng Thần Học và Truyền Giáo tại Vũng Tàu 30/-2/7/2020. Trích theo: Mic. Nguyễn Khắc Minh, “Truyền giáo Việt Nam hiện nay: Ánh sáng và bóng tối,” truy cập: 09/05/2022, https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/truyen-giao-viet-nam-hien-nay-anh-sang-va-bong-toi-40319
[11] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Ecclesia in Asia, số 21.
[12] Cf. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Ecclesia in Asia, số 23.
[13] Cf. Stephen B. Bevans, SVD và Roger P. Schroder, SVD. “Truyền Giáo Như Đối Thoại Ngôn Sứ,” ed: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên, truy cập: 09/05/2022, https://mfvietnam.org/index.php/en/health/bai-vi-t/855-truy-n-giao-nhu-d-i-tho-i-ngon-s
[14] Cf. Lm. Thái Nguyên, “Đối Thoại – Truyền Giáo,” truy cập: 10/05/2022, http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/TaiLoanBaoTinMung/34DoiThoaiTruyenGiao_Bai01.htm
[15] Cf. Nostra Aetate, số 2; Ad Gentes, số 3.
[16] T. P. Rausch, Đạo Công Giáo Thiên Niên Kỷ thứ Ba, ed: Nguyễn Đức Thông, (Nxb: Tôn Giáo, 2010), 432.
[17] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI phát biểu khi ngài tiếp kiến các Giám mục của Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân hành hương Ad Limina tại Tòa Thánh Vatican, vào sáng ngày 03/03/2011.
[18] Cf. Peter Kreeft, Ronald K. Tacelli, “Kitô Giáo và Các Tôn Giáo Khác,” Nguyên tác: “Pocket Handbook of Christian Apologetics,” truy cập: 05/09/2022, http://conggiao.info/kito-giao-va-cac-ton-giao-khac-d-16752
[19] ĐGH. Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, (2013), số 251.
[20] Ecclesia in Asia, số 31.
[21] Cf. Bùi Thị Hoàn, “Phân hóa giàu- nghèo ở Việt Nam hiện nay thực trạng và giải pháp,” truy cập: 12/05/2022, https://tailieu.vn/doc/phan-hoa-giau-ngheo-o-viet-nam-hien-nay-thuc-trang-va-giai-phap-2009830.
[22] Cf. Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, số 1.
[23] Gaudium et Spes, số 15.
[24] ĐGH. Phanxicô, Tông Sắc Misericordiae Vultus, số 15.
[25] Stephen B. Bevans, SVD và Roger P. Schroder, SVD, “Trung Thành và Thích Nghi,” ed: Lm. Ddaminh Ngô Quang Tuyên, (Nxb: Tôn Giáo, 2020), 460-461.
[26] ĐGH. Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, số 46.
[27] Hội Đồng Giáo Hoàng về Công lý & Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo, số 425.
[28] Thánh Bộ Đức tin, Tuyên ngôn Dominus Jesus, (2000), số 2.
[29] Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD, “Cần Một Đối Thoại Ngôn Sứ Cho Những Vấn Đề Truyền Giáo Hôm Nay,” truy cập: 05/05/2022, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/can-mot-doi-thoai-ngon-su-cho-nhung-van-de-truyen-giao-hom-nay-40283
[30] David J. Bosch, Transforming Mission: Paradigm Shifts in Theology of Mission (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1991), 489.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN