DIỄN TỪ VỀ THẦN HỌC CHÚA BA NGÔI, KHỞI ĐI TỪ CHÚA BA NGÔI NHIỆM CỤC THEO KARL RAHNER

DIỄN TỪ VỀ THẦN HỌC CHÚA BA NGÔI,  KHỞI ĐI TỪ CHÚA BA NGÔI NHIỆM CỤC THEO KARL RAHNER

 

 

 

Dẫn nhập

Trong phần thứ hai, chúng ta đã phân tích sự phát triển của định đề cơ bản trong tác phẩm của Karl Rahner. Trong phần này, chúng ta sẽ đào sâu xem Rahner tìm cách đặt diễn ngôn về thần học Ba Ngôi bắt đầu từ Ba Ngôi nhiệm cục như thế nào? Như chúng ta đã biết, Karl Rahner là một trong những nhà thần học có những tác phẩm chuẩn bị và đồng hành với công việc của Công đồng Vatican II trong một nỗ lực gấp đôi nhằm trình bày đức tin của Giáo hội, và sự trở lại cội nguồn của đức tin Giáo hội được thiết lập trên nền tảng Chúa Ba Ngôi. Từ đó, các khái niệm nền tảng được sử dụng để giải thích mầu nhiệm hiệp nhất và Ba Ngôi Thiên Chúa trong lời rao giảng của Giáo hội và trong các tuyên bố về huấn quyền của Giáo hội là khái niệm về “ngôi vị” và “bản thể”, “bản tính”. Chúng ta có thể nói rằng các tuyên bố của Giáo hội về ý nghĩa của cặp khái niệm “ngôi vị” và “bản thể” không thể tách rời, vốn là nền tảng của mọi công thức tín lý về Chúa Ba Ngôi: “Thật vậy, chúng ta bắt đầu bằng cách nói rằng Chúa Cha là Thiên Chúa, Chúa Con là Thiên Chúa và đến gặp chúng ta với tư cách là Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và tiếp xúc với chúng ta với tư cách là Thiên Chúa, và ba ngôi vị này, là Thiên Chúa, là một và cùng một Thiên Chúa. Sau đó, để diễn đạt tất cả những điều này, chúng ta biết rằng đó là một và cùng một thần tính được ban cho chúng ta trong ba ngôi vị này” [1].

Có hai điểm bắt đầu ở đây. Đầu tiên là của Thiên Chúa, Đấng duy nhất, và như vậy, Ngài là Cha. Thứ hai là Thiên Chúa là một, nhưng sự thống nhất về bản tính này tồn tại trong ba ngôi vị. Để bắt đầu phần này, chúng ta sẽ trình bày những tuyên bố của huấn quyền Giáo hội liên quan đến Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Sau đó, chúng ta sẽ phân tích mối liên hệ được áp dụng cho Chúa Ba Ngôi. Cuối cùng, chúng ta sẽ đào sâu các khái niệm về “Hypostaste” ( bản tính ) và “Personne” ( ngôi vị ).

1. Tuyên xưng về Chúa Cha.

Thứ nhất, theo Karl Rahner, Giáo Hội tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, Đấng thông hiệp với Giáo Hội như là Thầy và là người tạo nên lịch sử cứu độ, đồng thời là Đấng tạo thành mọi thực tại hữu hạn: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng”. Chắc chắn còn có một cách nói khác, đó là thực hiện lời tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất có ba ngôi, bằng lời tuyên xưng đức tin Ba Ngôi. Đối với Rahner: “ Trong mọi trường hợp, đối tượng của việc tuyên xưng đức tin và thái độ tôn giáo của chúng ta là nội dung cụ thể của ơn cứu độ của chúng ta, chứ không phải là ‘Chúa Ba Ngôi’ theo cách diễn đạt khái niệm mà nó nhận được trong công thức của tín điều: ba trong một” [2]. Hay nói cách khác, như Emmanuel Durand đã phát triển tư tưởng của Rahner: “Chúa Cha được mặc khải một cách cơ bản là Đấng tập trung và thiết lập tính không thể hiểu được của Thiên Chúa” [3]. Tiếp đến, Rahner nhấn mạnh sự hiểu biết về Thiên Chúa là Cha. Ngài viết :

Điều cần thiết là hữu thể không có nguồn gốc này chính là hữu thể mà người ta sẽ biết rằng Ngài là Cha. Tất nhiên, chính sự hiểu biết về Chúa Con sẽ cho thấy, trong việc Thiên Chúa hành động xuyên suốt Cựu ước, và chúng ta cũng hiểu rằng Chúa Cha hành động một cách không phân chia với Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và không thể có cách thức hành động nào khác ngoài cách thức đó. Nhưng điều này không thay đổi được sự thật rằng, chừng nào tri thức con người chưa sở hữu được mặc khải của Chúa Ba Ngôi, thì chính “Chúa Cha” mà tri thức đạt tới, ddieuf này cho chúng ta nghĩ về Thiên Chúa khi Người hành động một cách cụ thể trong lịch sử của Mặc khải: một thực thể cần thiết không có nguồn gốc [4].

Từ điểm này, Chúa Cha ai là? Theo Moltmann: “Trong chính Thiên Chúa, Đấng với tư cách là Thần khí và Ngôi Lời đến giữa chúng ta […] là nền tảng và nguồn gốc vô hạn của việc Ngài đến trong Chúa Con và Thần khí, và được duy trì như vậy, chúng ta gọi Thiên Chúa duy nhất là Cha” [5].

Chúng ta cũng thấy rằng trong Tân Ước, Chúa Giêsu nhiều lần gọi Thiên Chúa là Cha, và từ này có một nội dung khác với nội dung của người Do Thái. Ngài diễn tả tương quan Cha-Con theo nghĩa hẹp của khái niệm này, qua đó, Ngài mặc khải tương quan nội tại nơi Thiên Chúa. “Thiên Chúa thông ban chính mình trong Chúa Thánh Thần khi Người tỏ mình ra trong Đức Giêsu Kitô” [6]. Thật vậy, tiếng Abba mà Chúa Giêsu dùng chính là tiếng “Cha” thân mật hiện ra trên môi miệng người Con. Bằng cách dùng ngôn ngữ này để kêu cầu Thiên Chúa Cha, Chúa Giê-su đã bày tỏ bản chất thật của ngài là Con Thiên Chúa.

Tân Ước không chỉ gọi Thiên Chúa là Cha như trong Cựu Ước, nhưng gọi Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (x. 2Cr 1,3). Chính nhờ Chúa Giêsu và trong sự kết hợp với Chúa Giêsu, người Kitô hữu lãnh nhận Chúa Thánh Thần để gọi Thiên Chúa là Cha (x. Rm 8,15). Chính sự mạc khải của Chúa Giêsu và mối quan hệ Cha – Con gần gũi giữa Người và Thiên Chúa cũng cho chúng ta thấy rằng, Cha trên trời cũng là Đấng sáng tạo và thực hiện công trình cứu độ nơi Con Một của Người. “ Nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta ; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu” (1 Cr 8,6).

Cuối cùng, từ điểm khởi đầu của việc nhận biết Thiên Chúa là Cha, Rahner giúp chúng ta hiểu được mặc khải của Thiên Chúa cho chúng ta về chính Ngài là Cha của Chúa Con. Rahner nhấn mạnh: “ Từ lúc người tín hữu nhìn thấy nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng thuần túy và đơn thuần là “Chúa Con”, và nơi Chúa Thánh Thần, nguyên tắc nội tại của mối liên hệ này và của sự gần gũi tuyệt đối của chúng ta với Thiên Chúa. Thiên Chúa không có nguồn gốc, Đấng đã tạo nên đối tượng của đức tin trong Cựu Ước trở thành Cha của chúng ta, nguồn gốc và nguyên lý của mọi thần tính” [7].

Thiên Chúa là Cha của  Chúa Con duy nhất, Chúa Giêsu Kitô  là trưởng tử của chúng ta. Chính trong mối liên hệ này với Chúa Con mà Thiên Chúa được gọi là “Cha”. Tư cách làm cha của ngài được xác định bởi mối quan hệ của Ngài với Người Con đó, và bởi mối quan hệ của Người Con đó với Chúa Cha. Nói cách khác, Chúa Cha chỉ hiện hữu như một người Cha khác biệt với Chúa Con bằng cách hiến thân hoàn toàn cho Chúa Con. Chúa Cha không hiện hữu trước hết với tư cách là một ngôi vị được cấu tạo trong chính Ngài và cho chính Ngài: chính hành động sinh ra Chúa Con đã tạo nên Ngài một ngôi vị [8].

2. Tuyên xưng về Chúa Con.

Karl Rahner nhấn mạnh rằng Chúa Con là Đấng tuyệt đối mang lại ơn cứu độ và là sự thông ban chính mình của Chúa Cha trong nhiệm cục cứu độ [9]. Đồng ý với điều này, Congar cũng bày tỏ: “ Chúa Con không chỉ được hiểu là nội tại mà còn và trước hết là con người Giêsu Kitô. Ngôi Lời không chỉ là nội tại thần linh, mà còn là Ngôi Lời mặc khải và truyền bá sự sống trong lịch sử cứu độ, trở thành xác phàm và làm người trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô” [10].

  Chúng ta có thể hiểu điều này, vì Chúa Cha có một người Con duy nhất. Chúa Con được sinh ra. Người đồng bản tính với Chúa Cha, vì Chúa Cha thông ban cho Người tất cả những gì Người là. Chính nhờ Chúa Con mà Chúa Cha tỏ mình ra trong nhiệm cục cứu độ, và biểu thức này không gì khác hơn là điều Chúa Cha ban chính mình giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Rahner giải thích điều này như sau:

Nói về Chúa Giê-su, điều đầu tiên phải nói (và chúng ta có thể nói điều này mà không sợ hãi) là ngài có một ý thức cụ thể và toàn bộ về chính mình, ý thức đó là “Chúa Con”, khá đơn giản. Nhưng theo một cách độc đáo: trong ngôi vị “Đấng Cứu Thế tuyệt đối” (ngài là “Đấng Cứu Thế”, và từ này phải được hiểu theo một nghĩa căn bản khác với từ “tiên tri”), Chúa Cha “ở đó” cùng với Người. Ý chí, sự cứu rỗi, sự tha thứ, vương quốc của Ngài; tất cả những điều này trong Chúa Giêsu, được ban cho chúng ta trong việc chia sẻ sự sống thần linh với Ngài [11].

Sau cùng, Rahner diễn tả sự thông truyền “có tính nhiệm cục” và “nội tại” của Thiên Chúa với Con của Ngài. Đối với ông, việc “tôn vinh” của Chúa Con được xem như là sự thông truyền thần tính của Chúa Cha có một khía cạnh kép và không thể tách rời. Điều xuất hiện trước hết với chúng ta là quà tặng chính mình mà Thiên Chúa, trong kế hoạch cứu độ của Người, đã thực hiện cho Chúa Giêsu, Đấng đã mang ơn cứu độ này nơi chính con người của Người. Nhưng, bởi chính sự kiện này, một sự truyền thông khác nảy sinh trước mắt chúng ta, ý nghĩa mà chúng ta hiểu (không hoàn hảo) theo cách hiểu của sự truyền đạt thứ nhất: sự truyền thông của thực tại thần linh nơi Thiên Chúa là sự biểu lộ đến từ Chúa Cha theo cách thức mà nó là vĩnh cửu; trong trường hợp Thiên Chúa quyết định tự do tỏ mình ra cho thế giới, thì không thể hiểu gì khác hơn là như thế này: Chúa Con là sự thể hiện kế hoạch của Chúa Cha.

3. Tuyên xưng về Chúa Thánh Thần.

Liên quan đến những khẳng định cơ bản của huấn quyền về Chúa Thánh Thần, Rahner giúp chúng ta hiểu rằng, việc Chúa Cha tự hiến mình trong ngôi Con của Người, ơn mà qua đó Người thông ban chính mình cho chúng ta một cách trực tiếp nhất và qua đó Người tạo dựng nên chúng ta. Một khuynh hướng đón nhận món quà như vậy, đó là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con. Thiên Chúa thông ban chính mình, Ngài là Thiên Chúa theo cách biểu lộ, dưới ảnh hưởng của tình yêu, sự gia tăng lòng quảng đại của món quà của Ngài và gia tăng sức mạnh hành động của Ngài nơi chúng ta. Điều này có nghĩa là Ngài có cùng bản thể với Chúa Cha, rằng Ngài là Thiên Chúa, trong khi khác biệt với Chúa Cha và Chúa Con. Ngài xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con bằng sự truyền thông vĩnh cửu của yếu tính thần linh, nhưng cuộc tiến bước này là một và cùng một hành động của Chúa Cha và Chúa Con [12].

Vậy thì Chúa Thánh Thần là ai? Chúng ta thấy Chúa Giêsu không nói nhiều về Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần đã được gợi lên nhiều bởi các tông đồ và các Kitô hữu đầu tiên. Đặc biệt sứ điệp Chúa Giêsu loan báo về sự hiện diện của Nước Thiên Chúa và mọi quyền năng của Chúa Giêsu được thực hiện trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu, từ nhập thể cho đến phục sinh, là một cuộc sống trong Chúa Thánh Thần (x. Gl 1,16; Rm 1,3).

Mặc dù có nhiều kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần, nhưng các tông đồ và các Kitô hữu thời sơ khai có nhận ra Chúa Thánh Thần như một ngôi vị không? Thật vậy, Chúa Thánh Thần hiếm khi được trình bày dưới dạng một ngôi vị. Ngôi vị của Chúa Thánh Thần hiện diện trong các mối tương quan, nhất là trong tương quan với Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu Kitô. Trong mối quan hệ này, Chúa Thánh Thần là một ngôi vị sống động, khác biệt với Chúa Cha và Chúa Con. Trong tương quan với Chúa Cha, là Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần được Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Con, để loan báo cho các môn đệ những gì thuộc về Chúa Cha và Chúa Con (x. Ga 16,14). Chúa Thánh Thần làm chứng cho Đức Giêsu và dẫn các môn đệ đến sự thật toàn vẹn (x. Ga 14,15; 16).

Chúa Thánh Thần hoạt động trong sự hiệp nhất với Chúa Con và Chúa Cha. Nhờ sự nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa và trong hồng ân Chúa Thánh Thần, địa vị tối thượng thần linh của Chúa Con và Chúa Thánh Thần được tỏ lộ rõ ​​ràng; cả hai cùng Thiên Chúa Cha chia sẻ cùng một thần tính, một hữu thể thần linh. Thiên Chúa tự mạc khải mình là Chúa Cha trong sự mặc khải của Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mạc khải này đồng thời là mạc khải về sự hiệp nhất của Thiên Chúa trong tương quan ba ngôi:  Cha, Con và Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần phát xuất từ ​​Chúa Cha và Chúa Con. Con giống Cha trong mọi sự, ngoại trừ Cha được gọi là Cha và Con đồng bản thể với Cha. Vì thế, Chúa Cha là nguồn phát sinh Chúa Thánh Thần; Chúa Con, cũng như Chúa Cha, Chúa Con hằng hữu vì thế cũng là nguồn phát sinh Chúa Thánh Thần. Hoạt động nội tại này có liên quan đến Chúa Ba Ngôi nhiệm cục cứu độ cho nhân loại.

Như vậy, Chúa Cha và Chúa Con là một nguyên lý duy nhất sinh ra Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, Thần Khí đến từ Chúa Cha và Chúa Con. Về sau, để mô tả hoạt động của Chúa Ba Ngôi nội tại, thần học Công giáo dùng từ “nhiệm xuất”: Chúa Cha là nguồn của Chúa Con và Chúa Thánh Thần phát xuất từ ​​Chúa Cha và Chúa Con.

Ở đây, theo Rahner, chúng ta phải hiểu sự phân biệt của Chúa Thánh Thần trong tương quan với Chúa Cha và Chúa Con theo cách tương tự như điều đã được nói về Chúa Con trong mối quan hệ với Chúa Cha. Khởi điểm là một kinh nghiệm đức tin: nhờ điều mà chúng ta gọi là Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa (tức là Chúa Cha) thực sự trao ban chính mình cho chúng ta trong tình yêu và sự tha thứ, đồng thời mang lại sự thông ban chính mình này, và chính Người là sự hỗ trợ cho chúng ta. Điều này có nghĩa là Chúa Thánh Thần hoàn toàn là Thiên Chúa [13].

4. Mối tương quan áp dụng cho Chúa Ba Ngôi.

Vấn đề chúng ta đang xem xét ở đây là làm thế nào trong đời sống Ba Ngôi, chúng ta có thể diễn tả mối tương quan hỗ tương của các ngôi vị. Theo Rahner: “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đối với chúng ta và trong chính nội tại, đều sở hữu một và cùng một thần tính; nhưng mặt khác, chúng không hợp nhất thành một bản tính thuần túy” [14]. Đối với Rahner, “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần chỉ được phân biệt dưới góc độ của mối tương quan” [15]. Điều này có nghĩa chính xác là trong Thiên Chúa, mọi thứ đều duy nhất, mọi thứ đều là một. Rahner viết:

Do đó, phải nói rằng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đồng nhất với một thần tính duy nhất, trong khi được phân biệt bởi các mối quan hệ hỗ tương của các ngôi vị. Điều phân biệt Ba Ngôi vị với nhau, vì vậy định đề thể hiện sự đồng nhất của bản chất và sự phân biệt của Ba Ngôi vị có thể nhận được công thức sau đây, được phát biểu bởi thánh Anselm và được chấp nhận bởi Công đồng Florence: Nơi Thiên Chúa, tất cả là một, vì đó không phải là vấn đề về những tương quan trái ngược nhau. Do đó, những tương quan trái ngược này lại đồng nhất một cách cụ thể với hai “sự thông truyền” của bản tính thần linh, dù chúng được coi từ bất cứ khía cạnh nào: như hành động của Chúa Cha chia sẻ bản tính thần linh với Con của mình, và thông qua Con của mình, với Chúa Thánh Thần, như sự tiếp nhận của Chúa Con và Chúa Thánh Thần [16].

Đối với Rahner, khái niệm “mối tương quan” là một lời giải thích rằng Thiên Chúa duy nhất là Cha, Con và Thần. Ở đây, để đi xa hơn, Rahner đặt ra câu hỏi: nhưng cuối cùng, làm sao có thể có ba ngôi vị riêng biệt trong Thiên Chúa nếu mỗi ngôi vị này thực sự được đồng nhất với một bản tính đơn giản và duy nhất của Thiên Chúa? Theo Monltmann: “Ba ngôi vị thần linh tồn tại với tư cách là Cha, Con và Thần linh trong các mối quan hệ mà các ngôi vị với nhau và được xác định bởi các mối quan hệ này. Theo quan điểm này, là một ngôi vị có nghĩa là: tồn tại trong mối quan hệ” [17].

Từ điểm này, Rahner giúp chúng ta hiểu chính xác quan điểm của thần học dựa vào để phòng thủ chống lại những đối lập với học thuyết về Chúa Ba Ngôi. Rõ ràng là không thể đồng nhất hai thực tại tuyệt đối với thực tại thứ ba nếu chúng không thực sự đồng nhất với nhau, điều này vẫn còn là vấn đề khi đó là vấn đề của hai mối quan hệ thuần túy, và hơn nữa, của hai mối quan hệ đối lập nhau. một thực tại tuyệt đối (bản tính của Thiên Chúa). Rõ ràng là không đủ để trả lời rằng các mối tương quan nơi Thiên Chúa, hầu như khác biệt với bản tính của Ngài, chỉ cần có những khác biệt như vậy để không nhầm lẫn chúng với nhau, ngay cả khi chúng thực sự đồng nhất với nhau. Nói rõ hơn, Rahner giải thích: “ Nếu ai đó nghĩ rằng việc viện đến sự phân biệt ảo giữa “bản tính” và “ngôi vị” trong Thiên Chúa có thể giúp ích phần nào trong việc giải quyết khó khăn cơ bản do chủ nghĩa duy lý nêu ra, thì ít nhất hãy nhanh chóng nhấn mạnh rằng sự phân biệt như vậy không liên quan đến hai thực tại tuyệt đối, nhưng nó được thiết lập giữa một thực tại tuyệt đối và một cái gì tương đối” [18].

Từ quan điểm này, Rahner chỉ ra hai nguyên tắc giúp chúng ta hiểu hoạt động chung “ngoại tại” và chiếm hữu. Thứ nhất, hoạt động chung của Ba Ngôi, vốn chỉ thích hợp với một hay một trong Ba Ngôi, giống như bản tính thần linh, được mỗi người sở hữu theo cách riêng của mình; và nếu hoạt động này tồn tại theo cách thức Ba ngôi như vậy, thì chính vì cùng một yêu cầu, đồng bản tính và tuyệt đối như nhau, đòi hỏi bản tính thần linh tồn tại trong ba ngôi vị.

5. Khái niệm “Hypostaste” và “Personne”.

5.1. Khái niệm về ” Hypostaste “.

Để hiểu thuật ngữ “Hypostaste”, Rahner gợi ý rằng chúng ta cần có hai thái độ: “Duy trì nền tảng của kinh nghiệm thiêng liêng của con người, nơi mà Ba Ngôi được bộc lộ một cách cụ thể, và mặt khác, để hiểu đúng mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất, đức tin cần tuyên xưng Ba Ngôi là một và cùng một Thiên Chúa” [19]. Theo Rahner, giáo huấn về nhập thể, như thường được dạy trong trường học và sách giáo khoa, thực sự chỉ hoạt động dựa trên các khái niệm trừu tượng về thần linh, chứ không dựa trên khái niệm chính xác về Thiên Chúa. Nó thường thắc mắc về ý nghĩa của công thức: Chúa tạo ra con người, nhưng không phải về câu hỏi hiểu tại sao lại là Logos chứ không phải một ngôi vị khác đã trở thành con người. Hơn nữa, không có gì đáng ngạc nhiên nếu người ta nghĩ rằng kể từ Thánh Augustinô, ngược lại với truyền thống cổ xưa, thần học xem xét ít nhiều dứt khoát ý tưởng rằng một ngôi vị của Chúa Ba Ngôi có thể trở thành con người, do đó sự nhập thể của một ngôi vị thần linh được xác định như vậy không nói với chúng ta điều gì về ngôi vị của mình trong Chúa Ba Ngôi [20].

5.2. Khái niệm “ personne” ( Ngôi vị ).

Đối với Rahner, thành ngữ “Ba ngôi trong Thiên Chúa” thu hút một mối nguy hiểm gần như không thể tránh khỏi, và đôi khi đã quá muộn để tránh, hãy tưởng tượng rằng Thiên Chúa có ba ý thức riêng biệt, ba trung tâm của đời sống thần linh, ba trung tâm hành động… Và điều làm tăng nguy hiểm là phương pháp thường được dùng để dạy về Chúa Ba Ngôi. Chúng ta bắt đầu bằng cách phát triển ngay từ đầu một khái niệm về “ngôi vị” được rút ra từ kinh nghiệm và triết học của con người, nhưng độc lập với học thuyết Mặc khải và lịch sử của nó, và chúng ta áp dụng khái niệm này cho Thiên Chúa, chứng minh rằng có ba ngôi vị trong Thiên Chúa. Chắc chắn, trong quá trình phát triển, bằng cách suy ngẫm về mối tương quan giữa sự thống nhất và ba tính cách trong Thiên Chúa, chúng ta cung cấp những chi tiết cần thiết để hiểu đúng. Điều mà ba ngôi vị  trong Thiên Chúa chắc chắn dẫn đến việc nhận ra, mà không chạm vào nó, một số thay đổi nhất định và những giới hạn nhất định trong quan niệm này về “ngôi vị” mà chúng ta cùng dấn thân trong cuộc sống này, một cuộc phiêu lưu trong đại dương huyền bí của Thiên Chúa [21]. Rahner giải thích:

Chúng ta có thể giải thích mà không sợ hãi rằng, chiều kích Ba Ngôi ảnh hưởng đến đời sống mật thiết của Thiên Chúa có thể được gọi là “ba tính cách”, nhưng hãy cẩn thận, khi bắt đầu suy đoán, không giữ lại khái niệm “ngôi vị” hơn những gì tiếp theo từ tiền đề kinh thánh. Tất cả những khó khăn chắc chắn sẽ không được khắc phục vì tất cả những điều đó, khái niệm về “ngôi vị” ngày nay, theo cách sử dụng ngoài thần học của nó, có một ý nghĩa khác. Nhưng chúng có thể ít hơn, và nguy cơ hiểu lầm về ba thiên chúa  sẽ bị loại bỏ [22].

Rahner chỉ ra rằng các thuật ngữ “ngôi vị” và “bản tính” chỉ là một cách khác để diễn đạt kinh nghiệm và công thức đức tin sớm hơn và cơ bản hơn của con người. Chúng ta thực sự bước vào mối tương quan với Thiên Chúa và với mầu nhiệm sâu xa nhất và triệt để nhất của Người: đó là Chúa Cha. Thần tính này thực sự được ban cho chúng ta nơi Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Đấng mà chúng ta sẽ cẩn thận không hiểu như là đấng trung gian của Thần tính, hay nói cách khác, đơn giản là Thần tính của Chúa Cha. Điều này có nghĩa là:

Nếu chúng ta muốn làm cho các khái niệm về “ngôi vị” và “bản tính” thể hiện tín điều về Chúa Ba Ngôi, và không gì khác, thì chúng ta không được bao gồm bất cứ thứ gì khác ngoài những gì được suy ra từ quan sát được thể hiện trên nền tảng của định đề cơ bản của chúng ta: nó có trước ở bên trong. khuôn khổ của nhiệm cục cứu độ mà Chúa Ba Ngôi được mặc khải cho chúng ta, một Chúa Ba Ngôi không gì khác hơn là sự sống của Thiên Chúa nơi chính mình, để đức tin không thể buộc chúng ta tin bất cứ điều gì khác ngoài những gì chúng ta biết nhờ sự mặc khải này [23].

Về thuật ngữ “ngôi vị”, Rahner chỉ ra vấn đề sử dụng khái niệm “ngôi vị” trong học thuyết Ba Ngôi. Đặc biệt, ngài cho chúng ta thấy một số khó khăn cơ bản về khái niệm ngôi vị, nhất là khi chúng ta nói: “Trong Thiên Chúa có ba ngôi vị, Thiên Chúa hiện hữu trong ba ngôi vị”. Theo Rahner, để ngăn chặn nguy cơ giải thích sai lầm mà cách dùng từ hiện tại có thể mắc phải khi chúng ta nói về ba ngôi vị, cần phải liên tục trở lại với kinh nghiệm mà lịch sử cứu độ mang lại cho chúng ta, kinh nghiệm đầu tiên và kinh nghiệm cuối cùng, nguồn gốc của mọi suy đoán thần học. Chúng ta kinh nghiệm Thiên Chúa.

Đến đây, Rahner cho chúng ta thấy rằng cái mà chúng ta gọi là “ba ngôi vị” trong Thiên Chúa rõ ràng là một vấn đề thuộc khoa học tâm linh. Chúng ta cũng phải nhìn nhận nơi Thiên Chúa sự hiểu biết về ba ngôi này, theo nghĩa mỗi ngôi vị biết mình và người khác, và cả sự hiểu biết về Chúa Ba Ngôi, từ “tri thức” được hiểu theo nghĩa đầy đủ là “ý thức”. Nó là một “đối tượng” của tri thức. Nhưng không phải có ý thức:

Chúng ta phải nói về một ý thức duy nhất tồn tại theo ba cách. Chỉ có một ý thức thực sự trong Thiên Chúa, nhưng được Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần sở hữu theo cách riêng của mỗi người trong số họ. Điều đó có nghĩa là những gì đủ điều kiện cho cách tồn tại ba lần không phải là một bộ ba của ý thức. Do đó, sự tồn tại của người như vậy, không phải là cá nhân, theo nghĩa là từ này hiện đang mang ý nghĩa mà nó đã mang trong thời hiện đại. “Sự phân biệt” của các ngôi vị không ngụ ý sự tồn tại của các trung tâm ý thức riêng biệt cũng như nó được cấu thành bởi nó. Tất nhiên, các ngôi vị biết họ là khác biệt. Nhưng không phải vì lương tâm cụ thể của mỗi ngôi vị trong số họ; chỉ có một ý thức thực sự, chung cho ba ngôi vị, và chính trong đó, ý thức về sự phân biệt tương ứng của các ngôi vị được tôn trọng [24].

Ở đây, chúng ta tự đặt câu hỏi: khái niệm ý thức này có khả năng giải thích khái niệm về “ngôi vị”, bảo vệ nó khỏi bất kỳ sự giải thích sai lầm nào không? Rahner đưa ra một lời giải thích chính xác và đầy đủ:

Để trả lời những câu hỏi này, bằng cách tóm tắt tất cả những phản ánh trước đó, một lần nữa, chúng ta phải bắt đầu từ định đề cơ bản của chúng ta. Thiên Chúa là duy nhất, và sự thông truyền của Ngài về chính Ngài là không thể phân chia; điều khác biệt là ba (phương thức) mà cùng một Thiên Chúa ban chính mình cho chúng ta, chẳng hạn như Ngài ở trong chính Ngài chứ không phải qua trung gian của một thực tại khác biệt với Ngài, thực tại không đại diện cho Ngài và điều đó sẽ kết nối chúng ta với ngài nhờ một định hướng siêu việt. Chúng ta tìm thấy chính Thiên Chúa với tư cách là chính mình trong mỗi phương thức mà Người có để tự hiến mình, những phương thức rõ ràng là tương đối với nhau, nhưng không trùng khớp với nhau theo một nghĩa phương thức nào [25].

Kết luận.

Để kết luận, chúng ta có thể nói rằng, Rahner đã xây dựng rất tốt diễn ngôn của thần học Ba Ngôi bắt đầu từ Ba Ngôi nhiệm cục. Rahner đã cho chúng ta thấy rõ ràng rằng, có chỗ, bên trong Thiên Chúa là một và duy nhất, có một sự phân biệt thực sự, bởi vì Ngài vừa là Đấng hiện hữu, không có nguồn gốc, vừa là Đấng tự hiến ( đó là cha); một người là biểu hiện của món quà đó (và đó là Chúa Con); người đón nhận trong tình yêu (đó là Thần khí): và chính nhờ những sự phân biệt này mà Thiên Chúa là một Thực thể có khả năng tự thông truyền cho nhân loại. Nói cách khác, theo Moltmann: “ Thiên Chúa duy nhất tồn tại trong ba ngôi vị riêng biệt. Với thành ngữ “hình thức tồn tại riêng biệt”, Rahner muốn khôi phục lại trong học thuyết Chúa Ba Ngôi, mà ngày nay gây ra những hiểu lầm, những khái niệm về hypostase và personne” [26].

Do đó, lập luận của Rahner bao gồm việc bác bỏ ba phản đối có thể có đối với công thức của ngài. Đầu tiên dựa trên quan điểm chung của thần học tân kinh viện rằng vì nhập thể là một hành động siêu phàm được hoàn thành nhờ quan hệ nhân quả hiệu quả, nên đó là một hành động chung của Chúa Ba Ngôi và do đó, nó cũng phải được thực hiện một cách hiệu quả bởi mỗi ngôi vị. Chúng ta có thể nói rằng Rahner tìm cách liên kết với Chúa Ba Ngôi nhiệm cục và định nghĩa về con người như một mối quan hệ từ nhiệm cục này. Đối với Rahner, nếu đúng là qua cách tiếp cận với tất cả lòng thương xót mà Thiên Chúa tự hiến mình cho con người theo cách thức Ba Ngôi, thì sự dâng hiến Ba Ngôi này là một nền tảng tồn tại từ vĩnh cửu trong chính nội tại của Ba Ngôi. Vì vậy, “ Có lẽ người ta sẽ nói rằng, bằng cách chấp nhận xuất phát điểm này, chúng ta thấy được nơi “Chúa Con” và “Thần Khí” cách tự hiến cho Chúa Cha. Nhưng không có gì ở đây phá hủy các khái niệm về ‘sự tồn tại’ và ‘bản tính’ theo cách hiểu của đức tin chân chính” [27]. Theo Rahner, Ba Ngôi nhiệm cục được đồng hóa với Ba Ngôi nội tại.

                                                          Lm. Giuse Phan Cảnh

                                                          ĐCV Phaolo Lê Bảo Tịnh – Thanh Hóa.

 

Chú thích:

[1] Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 63.

[2] Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 69.

[3] Emmanuel DURAND, Le Père, Alpha et Oméga de la vie trinitaire, Coll. « Cogitatio fidei », 267, Paris, Cerf, 2008, p. 247.

[4]  Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 71.

[5] Jürgen MOLTMANN, Trinité et Royaume de Dieu, coll. « Cogitatio fidei » ,123, Paris, Cerf, 1984, p.189.

[6] Yves LABBÉ, Essai sur le monothéisme trinitaire, coll. « Cogitatio fidei », 145, Paris, Cerf, 1987, p. 40.

[7]  Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 71-72.

[8] François VARILLON, L’humilité de Dieu, Paris, Centurion, 1974, p. 106-108.

[9]  Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 74.

[10] Yves CONGAR, Je crois en l’Esprit Saint, Paris, Cerf, 2002, p. 38.

[11] Ibid., p. 74. Ici, pour savoir pourquoi le concept de « porteur absolu du salut » montre évidemment l’union hypostatique, nous pouvons lire, Karl RAHNER, Science, évolution et pensée chrétienne, Paris, Cerf, 1967, p. 144-168.

[12]  Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 77.

[13] Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 78.

[14] Ibid., p. 79.

[15]  Ibid., p. 79.

[16] Ibid., p. 83.

[17]  Jürgen MOLTMANN, Trinité et Royaume de Dieu. Contributions au traité de Dieu, coll. « Cogitatio fidei », 123, Paris, Cerf, 1984, p. 216-217.

[18] Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 81.

[19]  Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 84.                                           

[20]  Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 18.

[21]  Ibid.,  p. 51-53.

[22]  Ibid.,  p. 53.

[23] Ibid.,  p. 66.

[24] Ibid., p. 120-121

[25] Ibid., p. 123.

[26] Jürgen MOLTMANN, Trinité et Royaume de Dieu, coll. « Cogitatio fidei » 123, Paris, Cerf, 1984, p. 188.

[27]  Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 85.