BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA – NĂM C
CHÚNG TA LÀ CON YÊU DẤU CỦA CHÚA QUA BÍ TÍCH RỬA TỘI
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Hôm nay, Giáo hội cho chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Đây là tột đỉnh của việc Thiên Chúa tỏ mình ra qua Đức Giêsu Kitô, và cũng là tột đỉnh của việc Chúa Giêsu tỏ mình ra là Thiên Chúa. Với lễ này, chúng ta kết thúc mùa Giáng Sinh để bước vào mùa Thường niên. Với biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, Ngài sẽ công khai thi hành công cuộc cứu chuộc mà Thiên Chúa Cha trao phó cho Ngài.
Khi nói đến Phép rửa, chúng ta thấy trong Cựu Ước có bốn hình ảnh để diễn tả:
Thứ nhất, hình ảnh nước là biểu trưng nguồn mạch sự sống và sự sinh sôi nảy nở; Kinh Thánh xem nước như được ấp ủ bởi Thần Khí, nước hàm chứa năng lực thánh hóa muôn loài.
Thứ hai, hình ảnh con tàu của ông Nôê tiên báo ơn cứu độ nhờ Bí tích Rửa Tội; trong con tàu ấy, tất cả tám người được cứu thoát.
Thứ ba, hình ảnh nước biển là biểu tượng của sự chết; vì vậy, nước có thể là hình bóng của mầu nhiệm thập giá; qua biểu tượng này, Bí tích Rửa Tội nói lên sự hiệp thông với sự chết của Đức Kitô; đặc biệt cuộc vượt qua Biển Đỏ, giải thoát khỏi ách nô lệ là hình ảnh báo trước ơn giải thoát nhờ Phép Rửa.
Thứ tư, hình ảnh vượt sông Giođan, nhờ việc vượt sông này, dân Do Thái tiến vào Đất Hứa; hình ảnh ấy tiên báo đời sống vĩnh cửu nơi Giao ước mới.
Theo như trình thuật của Thánh Luca trong Tin mừng hôm nay, khi Gioan rao giảng về phép rửa sám hối, thì dân chúng cứ tưởng rằng ông là vị cứu tinh, là Đấng Messia mà họ vẫn hằng mong đợi. Chính vì thế mà ông đã phải lên tiếng đính chính, bằng cách giới thiệu với họ về Đấng mà họ đang trông đợi. Gioan nói : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc 1,7). “Có người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1,30). “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 1,30).
Khi rao giảng sự sám hối và làm phép rửa cho dân chúng, Gioan đang chuẩn bị cho thời đại mới, thời đại của Đấng Messia. Chính trong viễn tượng về Đấng Messia đang đến gần, Gioan cũng ý thức phép rửa mà mình thực hiện chỉ để chuẩn bị cho một phép rửa khác: “Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,8). Như thế, nơi Gioan, phép rửa để tỏ lòng sám hối mà ông thực hiện chỉ là nghi thức tạm thời và sẽ được thay thế bằng một phép rửa khác do Đấng Messia. Gioan nhiều lần loan báo phép rửa của Đấng Messia sẽ thực hiện trong Thánh Thần
Khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã đến sông Giođan để xin ông Gioan làm phép rửa cho mình. Chúa Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa, không phải là để được khỏi tội lỗi, bởi vì Ngài là Thiên Chúa, Đấng thánh thiện tuyệt đối, như thế thì làm gì có tội lỗi để mà xin tẩy rửa ? Ở đây, Ngài chỉ muốn nói lên ý muốn hoà đồng của Ngài với con người, những người mang thân phận của một tội nhân, Ngài hòa mình vào dòng nước để cảm thông thân phận yếu đuối của con người. Hay nói cách khác, Ngài muốn nếm thử thân phận của một tội nhân, thân phận mà Ngài đã tự chọn lấy, khi Ngài thi hành kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha. Theo kế hoạch đó, Ngài phải gánh lấy tội của nhân loại, để chết thay cho nhân loại. Như thế việc Chúa Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa ở đây, cũng giống như việc ngài đã thi hành những luật khác, mà luật Do Thái đòi buộc, chẳng hạn như luật cắt bì, luật thanh tẩy, luật nộp thuế.
Trong ngày Ngài chịu phép rửa: “Trời mở ra, Thánh Thần của Chúa ngự xuống trên Ngài dưới hình chim bồ câu và có tiếng từ trời phán : “Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” ( Lc 3,22 ). Trong sách Sáng thế, chúng ta thấy, Thánh Thần Chúa đáp xuống để khai mở công cuộc sáng tạo. Ở đây, hình ảnh Thánh Thần ngự xuống làm cho chúng ta liên tưởng đến một cuộc sáng tạo mới trong Chúa Giêsu. Đó chính là công cuộc cứu chuộc mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện trong những ngày sắp tới.
Kính thưa cộng đoàn,
Nếu phép rửa của Chúa Giêsu tại sông Giođan đã là khởi điểm cho sứ mạng rao giảng công khai của Ngài, thì phép rửa của chúng ta trong Giáo Hội cũng phải là khởi điểm cho một cuộc đấu tranh chống lại sự dữ là tội lỗi. Bí tích Rửa Tội là nền tảng của đời sống Kitô hữu, là cổng vào đời sống thiêng liêng, là cửa mở để lãnh nhận các bí tích khác. Nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi, được tái sinh làm con Chúa, được trở thành chi thể của Đức Kitô, được tháp nhập vào Hội Thánh và được tham dự sứ vụ của Hội Thánh.
Người Kitô hữu chúng ta, khi chịu phép Rửa tội cũng đã lãnh nhận sứ mạng tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu. Hãy dân thân vào sứ mạng đó bằng cách sử dụng mọi năng lực để làm chứng cho Chúa Giêsu. Chứng tá của chúng ta sẽ trở nên vô cùng giá trị, nếu chứng tá đó được thể hiện bằng cuộc sống thường ngày của chúng ta. Hãy nhìn vào Gioan Tiền Hô để mà thi hành sứ mạng chứng nhân đó của chúng ta. Trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được mời gọi: “Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô, vậy con hãy nhận lấy chiếc áo trắng này, hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước tòa Đức kitô, Chúa chúng ta, để con được sống muôn đời”. Chiếc áo trắng đó bây giờ còn trắng không hay đã phai mầu? Rồi tiếp đến, chúng ta được nhận một ngọn nến sáng: “ Con đã trở nên ánh sáng Chúa Kitô. Con hãy luôn luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong đức tin, để khi Chúa đến con xứng đáng ra nghênh đón người với toàn thể các thánh trên trời”. Ngọn nến sáng ấy còn được thắp lên hay đã tắt lịm?
Với phép Rửa mà chúng ta đã lãnh nhận, chúng ta cũng đã được Chúa Cha xác nhận như Ngài đã xác nhận Chúa Giêsu : “Đây là con Ta yêu dấu”. Thế nhưng còn việc chúng ta có được nghe câu nói kế tiếp sau đó của Chúa Cha là “ Đẹp lòng Ta mọi đàng” hay không, thì điều đó còn tùy thuộc ở nếp sống hằng ngày của chúng ta. Cách thức để chúng ta có thể được nghe những lời đó, là noi gương khiêm tốn và vâng phục thánh ý Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Ước gì Phép Rửa mà mỗi người chúng ta đã lãnh nhận, luôn nhắc nhở chúng ta về một sứ mạng của người Kitô hữu, đó là truyền giáo. Mà cách truyền giáo hữu hiệu nhất là truyền giáo bằng đời sống của chúng ta. Chính đời sống ấy sẽ trở nên ánh sáng dẫn lối cho người khác tìm đến với Chúa để nhận lãnh sự sống đời đời được ban qua Chúa Giêsu.
Lm. Giuse Phan Cảnh
BÀI VIẾT LIÊN QUAN