BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN B
SỐNG THẬT VỚI LÒNG MÌNH VÀ VỚI CHÚA
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Người Việt nam chúng ta thường nói: “ Xem mặt mà bắt hình dong ”. Câu nói này không phải lúc nào cũng đúng, bởi nhiều khi bắt hình dong nhưng vẫn không đoán đúng cái nội tâm bên trong. Xin mượn câu chuyện sau để trả lời cho câu hỏi trên đây :
Ngày nọ Khổng Tử dẫn những học trò đi du thuyết từ nước Lô sang nước Tề. Trong đam học trò có Nhan Hồi và Tử Lộ, là hai đệ tử ruột của Đức Khổng Tử.
Ngày đầu tiên đặt chân lên nước Tề, Thầy Trò của Đức Khổng Tử được một người giầu có ở trong vùng cho một ít gạo. Hôm ấy Khổng Tử phân công cho Tử Lộ và một số môn sinh khác nữa lên rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi ở nhà nấu cơm.
Lúc Nhan Hồi nấu cơm ở dưới bếp thì Khổng Tử nằm Võng đọc sách ở trên nhà. Thình lình trông xuống bếp, Khổng Tử thấy Nhan Hồi mở nồi cơm ra, xới cơm vào tay rồi nắm cơm lại, ngồi ăn.
Thấy cảnh người học trò ăn vụng, Khổng Tử ngửa mặt lên trời than thở rằng : “ Người học trò mà tôi tín cẩn nhất, lại là một thằng ăn vụng”.
Khi Tử Lộ và các môn sinh khác đi kiếm rau đem về thì nồi cơm ở nhà cũng vừa chín tới. Thế là thầy trò quây quần bên nhau dùng bữa. Trước khi ăn, Khổng Tử nói :
“Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề này, làm cho thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương. Thầy nhớ đến cha mẹ, nên Thầy muốn xới một chén cơm để cúng các Ngài, các con nghĩ có nên không ?”
Nhan Hồi liến chắp tay thưa: “ Thưa Thầy không nên, vì nồi cơm này không được sạch. Lý do là vì hôm nay, khi con mở vung nồi cơm ra để xem cơn đã chín chưa thì vô tình có một cơn gió mạnh thổi vào bếp làm cho bồ hóng trên gác bếp rơi vào nồi cơm. Con đã nhanh tay để đậy vung lại, nhưng không kịp.Thấy thế con xới cơm ở trên ra tính đổ đi. Nhưng con nghĩ rằng, cơm thì ít, mà anh em chúng con lại đông, vì thế, con đã ngồi ăn phần cơm dơ đó. Như thế là hôm nay con đã ăn cơm rồi”.
Nghe Nhan Hồi nói xong Khổng Tử ngước mặt lên trời than thở rằng : “ Chao ôi, thế ra trên đời này có những sự việc, chính mắt mình trong thấy rành rành mà vẫn không hiểu đúng với sự thật được”.Như thế suýt nữa là Khổng Tử ta đã trở thành kẻ hồ đồ.
Qua câu chuyện trên cho chúng ta thấy, đôi khi vì chỉ thấy cái bên ngoài nên nhiều khi chúng ta đánh giá các cử chỉ không đúng. Còn Thiên Chúa thì khác. Ngài thấu suốt lòng chúng ta. Ngài biết rõ những uẩn khúc của lòng người. Ngài dọi ánh sáng cực mạnh vào những góc âm u, tối tăm của lòng người, làm mọi cái đều bị phơi trần, cũng như nhờ tia X quang bác sĩ thấy rõ từng vết khi chụp phim.
Qua câu chuyện các luật sĩ và bà góa dâng đồng tiền nhỏ trong đền thờ do thánh Macô thuật lại trong Tin Mừng, Chúa Giêsu chỉ cho thấy: Thiên Chúa nhìn ý hướng chúng ta làm hơn là việc làm bên ngoài của chúng ta. Một việc tốt nhưng làm với một ý xấu thì mất hết giá trị, không còn tốt. Làm việc thiện là một việc tốt, nhưng nếu không làm vì lòng thương người mà chỉ làm vì hư danh thì hoàn toàn vô giá trị đối với Thiên Chúa. Bà góa dâng hai xu nhỏ được Chúa Giêsu ngợi khen rõ ràng không phải vì giá trị kinh tế của dâng, nhưng vì tấm lòng quảng đại của bà. Chính vì thế Chúa Giêsu bảo đừng để tay trái biết việc tay phải làm. Ngài nhấn mạnh đến cái động lực bên trong của hành động. Động lực đó mà trong sáng thì hành động có giá trị. Vì thế trong hành động luôn phải thanh tẩy ý hướng của mình.
Người ta thường nói: “của cho không bằng cách cho”. Nhờ tấm lòng quảng đại, hai xu của bà góa quý giá hơn cả vàng bạc của những người háo danh. Việc làm tốt phải đi đôi với ý hướng tốt. Ý hướng tốt quan trọng hơn làm gì, cho bao nhiêu.
Thiên Chúa biết rõ chúng ta hơn chúng ta biết chính mình. Chúng ta không biết mình, có khi dối mình. Nhưng không có gì có thể lọt mắt Thiên Chúa. Đối với Ngài mọi sự đều sáng tỏ như ban ngày. Chúng ta chỉ nhìn thấy cái bên ngoài mà không đạt thấu tới cái bên trong. Bởi thế phán đoán của chúng ta thường phiến diện, có khi bất công. Và đây chính là nguyên nhân gây nên nhiều ngộ nhận. Thiên Chúa có cái nhìn khác chúng ta.
Vì Thiên Chúa thấu biết lòng người nên chúng ta cần có thái độ đúng mức. Một mặt đừng bao giờ sợ mình bị hiểu lầm, oan uổng. Người ta chỉ có thể bị hiểu lầm, oan uổng đối với loài người vốn chỉ nhìn thấy cái bên ngoài, chứ không thế bị hiểu lầm, oan uổng đối với Thiên Chúa là Đấng thấu suốt cái bên trong. Mặt khác cần sống rất trung thực với Thiên Chúa. Mọi thái độ sống mập mờ, sống hai mặt, sống hình thức, sống che giấu, sống giả dối đều không thế chấp nhận được và sẽ bị lộ tẩy ngay.
Thiên Chúa cần chính là “tấm lòng” của chúng ta, nhất là sự chân thành của chúng ta. Trước mặt Chúa tấm lòng của chúng ta nhiều bao nhiêu, thì giá trị việc chúng ta làm càng được nhân lên bấy nhiêu. Đúng như lời Kinh Thánh nói: “ Người ta nhìn bề ngoài, nhưng Thiên Chúa nhìn tận đáy lòng mỗi người”.
Lm. Giuse Phan Cảnh
BÀI VIẾT LIÊN QUAN