BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA CHAY – NĂM C
HÃY SÁM HỐI ĐỂ ĐÓN NHẬN ƠN THA THỨ CỦA CHÚA
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Mùa chay là thời gian thuận tiện để mỗi người chúng ta thành tâm sám hối và mở tâm hồn để đón nhận ơn tha thứ của Chúa. Chúa Nhật tuần trước qua việc biến hình trên núi, Chúa Giêsu đã hé mở ra cho chúng ta thấy vinh quang Nước trời mà Ngài mời gọi chúng ta đi vào. Chúa Nhật III hôm nay, chúng ta sẽ nói với nhau về con đường dẫn chúng ta đến hưởng vinh quang đó. Và, để có thể đi vào con đường vinh quang này, chúng ta cần phải sám hối.
Một cách thật đơn sơ chúng ta có thể hiểu: Sám hối là hối hận về tội lỗi của mình và quyết tâm làm lại cuộc sống cho tốt hơn. Như thế, muốn có được lòng sám hối thì điều kiện đầu tiên không thể thiếu đó là phải thấy được tội lỗi, lỗi lầm của mình. Nói một cách đơn giản hơn là thấy được mình là người có tội. Nhưng Làm sao để biết mình là người có tội? Người Do thái, họ căn cứ vào những tai họa bên ngoài để nhận diện lành dữ, tốt xấu.
Chẳng hạn như trong Tin Mừng hôm nay, một số những người Galilê bị Philatô giết. Họ là những người đến Giêrusalem dâng lễ tế, chắc họ đã gây ra một vài hỗn loạn trong khuôn viên đền thờ, do đó đội binh La mã đã ra tay can tiệp và tàn sát tại chỗ không nuơng tay và sự kiện thứ hai là việc tháp Si-lô-ác đổ xuống làm chết 18 người trước đó. Dưới con mắt của những người Do Thái thì những người này quả là những người bị Chúa phạt.
Tâm lý của chúng ta khi thấy người khác gặp khổ, người ta thường nói: “Chúa phạt!”; nhưng không phải thế, có những tai họa Chúa cho phép nó xảy ra, để trở nên dấu chỉ nhắc nhở người có tội, là cơ hội giúp con người phản tỉnh về cách sống của mình để thực sự hoán cải. Và đôi khi, Chúa dùng chính sự yếu kém của chúng ta để làm những điều tốt đẹp như câu chuyện sau muốn diễn tả:
Có một người gánh nước nọ có hai cái bình gốm lớn, mỗi cái được cột vào đầu của một sợi dây và rồi được anh ta gánh để mang về nhà. Một trong hai cái bình thì còn rất tốt và không bị chút rò rỉ nào cả. Cái còn lại bị nứt một chút nên nước bị vơi trên đường về nhà, chúng chỉ còn lại có hai phần ba.
Hai năm trời anh ta vẫn sử dụng hai cái bình gùi nước đó, mặc dù lượng nước mà anh ta mang về nhà không còn nguyên vẹn. Và lẽ dĩ nhiên, cái bình tốt tỏ vẻ hãnh diện, trong khi cái bình nứt thì cảm thấy vô cùng xấu hổ.
Một ngày nọ, bên dòng suối, cái bình nứt đã thưa chuyện với người gánh nước: “Tôi rất xấu hổ về bản thân và muốn nói lời xin lỗi ông về thời gian đã qua”.
Anh ta hỏi lại cái bình: “Sao lại phải xin lỗi? Mà ngươi xin lỗi về chuyện gì?”.
Cái bình nứt đáp lại: “ Suốt hai năm qua, do vết nứt của tôi mà nước đã bị rò rỉ trên đường về nhà, ông đã phải làm việc chăm chỉ nhưng kết quả mang lại cho ông đã không hoàn toàn như ông mong đợi”.
Với lòng trắc ẩn của mình, người gùi nước rất thông cảm với cái bình nứt, ông ta nói: “Khi chúng ta trên đường về nhà, ta muốn ngươi chú ý đến những bông hoa tươi đẹp mọc bên vệ đường”.
Quả thật, cái bình nứt đã nhìn thấy những bông hoa tươi đẹp dưới ánh nắng mặt trời ấm áp trên đường về nhà và điều này khuyến khích được nó đôi chút. Nhưng khi đến cuối đường mòn, nó vẫn cảm thấy rất tệ bởi nước đã chảy ra rất nhiều, một lần nữa nó lại xin lỗi người gánh nước.
Người gánh nước liền nói: “Ngươi có thấy rằng những bông hoa kia chỉ nở một bên vệ đường, chỉ phía bên ngươi không? Thật ra, ta đã biết rất rõ về vết nứt của ngươi, và ta đã lấy điểm yếu đó để biến nó thành lợi điểm. Ta đã gieo một số hạt hoa ở vệ đường phía bên ngươi, và mỗi ngày trong khi ta gánh nước về nhà, ta đã tưới chúng từ những chỗ rò rỉ của ngươi. Giờ đây, ta có thể hái những bông hoa tươi tắn ấy để trang trí nhà cửa của ta. Không có vết nứt của ngươi, ta đã không có những bông hoa duyên dáng để làm đẹp ngôi nhà của mình.
Trong thẳm sâu tâm hồn của mỗi chúng ta, ai cũng đều có những vết nứt. Vì vậy, chẳng ai là hoàn hảo cả, tất cả chúng ta đều có thể là cái bình nứt, nhưng nếu chúng ta biết chấp nhận và tận dụng nó, thì mọi thứ đều có thể trở nên có ích. Mỗi người chúng ta ai cũng đều có một vết nứt, một góc tối ở trong tâm hồn và kích cỡ to nhỏ khác nhau. Điều quan trọng là chúng ta có biết tẩy rửa để làm sáng góc tối trong tâm hồn đó hay không mà thôi. Sám hối không phải là tiếng khóc của sự thất vọng nhưng là một sự khao khát vươn lên để hướng đến sự thánh thiện. Mùa chay như một cơ hội để cho mỗi chúng ta sám hối và rà soát lại cuộc sống của mình. Cho dù chúng ta là ai thì mỗi người cũng đều cần sám hối, bởi vì : “ Không phải thế đâu, nhưng nếu các ngươi không sám hối thì các ngươi cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13,5).
Lm. Giuse Phan Cảnh
BÀI VIẾT LIÊN QUAN