BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA CHAY – NĂM C

BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA CHAY – NĂM C

Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ!

Trong dịp tết vừa qua, con có đến chúc tết một gia đình và tình cờ bắt gặp một ông cố làm nghề bói toán. Sau một hồi trò chuyện, ông bắt đầu tâm sự, Tôi trước đây cũng là người công giáo, mẹ tôi ở xứ này và cha tôi là người xứ bên đây. Thấy con bắt đầu mắt tròn mắt dẹp ngạc nhiên, thì ông nói tiếp. Cách đây gần 70 năm, gia đình ông rất là nghèo, làm không đủ ăn. Bố ông còn giữ chìa khóa kho và cửa nhà thờ. Một hôm, bố ông đi giúp người họ hàng xa đào cái ao và được trả công 10 lon gạo và 2 con cá. Tai họa bắt đầu từ đây, khi gia đình ông đang ăn cơm thì dân làng ùn ùn kéo đến đầy sân với tiếng chửi bới và nhục mạ. Mọi người trong gia đình ai cũng ngạc nhiên, sau cùng, ông chánh trương cất tiếng nói: “tang chứng vật chứng đây rồi, tại sao ông lại lấy trộm lúa của giáo xứ, mấy ngày ông đi vắng thì giáo xứ mất 1 bao lúa. Chỉ có ông mà thôi, vì ông là người giữ chìa khóa”. Rồi Họ trói ông và giải về sân nhà xứ để tra hỏi. Ông đã nói là không lấy nhưng chẳng ai cho ông có cơ hội thanh minh. Cuối cùng ông tuyên bố: “tôi thề là tôi không lấy lúa của nhà thờ, còn nếu mọi người không tin tôi, cha xứ không tin tôi thì từ nay tôi sẽ bỏ đạo”. Nhưng với cái nghèo, cái đói của thời cuộc và cơn nóng giận đã che mất lý trí của mọi người nên chẳng ai tin ông. Thế là cả gia đình ông này đã bỏ đạo và chuyển đi biệt xứ.

Cộng đoàn phụng vụ thân mến! Câu chuyện trên cho chúng ta thấy, phần đông con người dường như đối xử với nhau rất nóng vội, thiếu sự nhẫn nại với nhau, họ không thể cho ai cơ hội thanh minh hay sửa sai mà ngay lập tức sẽ kết án. Đó đang là cách hành xử của mọi người ở mọi thời, Điều đó có vẻ đúng và còn được coi là cách làm khôn ngoan mà bất kỳ người thành công nào cũng cần phải biết. Vì để vươn lên thì phải biết chớp thời cơ, tận dụng cơ hội sai lầm của người khác.

Tuy nhiên, Các bản văn Kinh Thánh mà chúng ta vừa nghe hôm nay cho chúng ta một suy nghĩ hoàn toàn trái ngược khi miêu tả có một vị Thiên Chúa đầy lòng từ tâm, nhân hậu, yêu thương và rộng lòng thứ tha. Thật vậy, Bài đọc 1 trích sách Xuất Hành kể lại việc Thiên Chúa mạc khải Danh Ngài cho Môsê khi Thiên Chúa đã hiện ra với ông qua bụi gai cháy mà không tàn. Hình ảnh này diễn tả sự hiện diện linh thiêng và vĩnh cửu của Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa mạc khải danh Ngài là “Đấng Hiện Hữu”, Ngài khẳng định rằng Ngài là Đấng trung thành với giao ước, là Cha luôn đồng hành và cứu giúp dân. Lịch sử dân Israel là một chuỗi bất chung, nhưng Thiên Chúa thì quá đỗi yêu thương, Ngài kiên nhẫn sửa dạy dân Ngài, sẵn sàng tha lỗi cho họ.

Bài Tin Mừng hôm nay diễn tả cuộc trò chuyện giữa Đức Giêsu và một số người sau sự kiện những người Galilê bị quan Philatô giết và mười tám người bị tháp Silôác đè chết là những thảm kịch gây đau xót cho nhiều người. Nhưng Chúa Giêsu đã khẳng định rằng những nạn nhân ấy không phải là những người tội lỗi hơn người khác. Qua đó, Chúa muốn chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không xét đoán con người qua những biến cố đau buồn xảy ra trong cuộc đời. Ngài không phải là vị quan tòa hà khắc, nhưng là Đấng giàu lòng thương xót. Tiếp đến, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc hoán cải. Qua dụ ngôn cây vả không sinh trái, Chúa cho thấy rằng Thiên Chúa luôn nhẫn nại và cho chúng ta thêm thời gian để thay đổi. Hình ảnh người làm vườn xin chủ cho thêm một năm để chăm sóc cây vả chính là biểu tượng của lòng thương xót và sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Ngài không vội kết án, nhưng luôn chờ đợi chúng ta quay về. Tuy nhiên, thời gian không kéo dài mãi, bởi cái rìu đã đặt dưới gốc cây rồi. Vì thế, đây cũng là lời mời gọi khẩn thiết để mỗi người phải nhìn lại đời sống mình và sẵn sàng đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng sự hoán cải thật lòng. Như vậy ta thấy, Thiên Chúa thật sự là Đấng chậm giận và giàu lòng xót thương.

Sự chậm giận và tình thương của Thiên Chúa được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô. Trong suốt cuộc đời rao giảng Tin Mừng, Ngài đã đối xử với tội nhân bằng lòng nhân hậu và sự kiên nhẫn vô biên. Ngài không kết án người phụ nữ ngoại tình, nhưng khuyên bảo bà: “Hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Ngài cũng tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. (Lc 23,34)

Trở lại với câu chuyện lúc đầu, sau một hồi kể chuyện thì cụ ông đã rươm rướm nước mắt và nói thêm: giá như mọi người trong giáo xứ kiên nhẫn hơn chút nữa, giá như mọi người có tình thương và tin tưởng chút nữa thì gia đình tôi đã không phải chịu nhục nhã suốt mất chục năm qua và chúng tôi đã không phải trở thành như bây giờ… ở đây ta thấy, chỉ vì mọi người thiếu tin tưởng và kiên nhẫn lắng nghe mà gia đình ông cố này đã phải mất đức tin, mất quê hương và mất cả danh tiếng cho đến bây giờ. Thực sự hậu quả quá là nặng nề.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta dễ dàng nóng giận khi bị xúc phạm, bị hiểu lầm hoặc đối diện với những khó khăn. Nhưng hãy nhớ rằng sự nóng giận không mang lại điều tốt đẹp, mà chỉ khiến chúng ta xa rời bình an của Chúa. Sách châm ngôn nói: “Người nào chậm giận thì có hiểu biết sâu xa, còn kẻ nóng tính thì bộc lộ sự điên rồ” (Cn 14,29). Vậy, Thay vì dễ dàng giận dữ, ta hãy học cách kiên nhẫn và tha thứ. Khi gặp những người làm tổn thương mình, hãy nhớ đến Chúa Giêsu – Đấng đã chịu bao đau khổ mà vẫn yêu thương con người. Hãy thực hành lòng bao dung, kiên trì trong lời cầu nguyện, và để Chúa hướng dẫn trái tim mình. Trong gia đình, nếu vợ chồng biết kiên nhẫn với nhau thì tình yêu sẽ đong đầy, cha mẹ biết kiên nhẫn với con cái thì gia đình sẽ hạnh phúc, bạn bè biết kiên nhẫn với nhau thì tình bạn sẽ bền chặt, mọi người biết kiên nhẫn với nhau xã hội sẽ thăng tiến.

Sự kiên nhẫn và lòng thương xót của Chúa thì vô ngần vô hạn, nhưng con người chúng ta lại có hạn có ngần, vì chúng ta không thể sống mãi để hưởng sự tha thứ của Thiên Chúa. Vậy, Chúng ta hãy can đảm đứng lên, trở về với Ngài, đừng tự ti mặc cảm về tội lỗi, nhưng hay tin tưởng vào Ngài, vì Ngài nói: “tội các ngươi dù có đỏ như son cũng nên trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều cũng nên trắng như bông” (Is 1,18). Chúa luôn luôn chờ đón, vấn đề là ta có đáp trả lại tình yêu và sự đợi chờ của Chúa hay không?

Mùa chay là mùa của tình yêu hiến tế, 40 ngày chay thánh là hồng ân đặc biệt để chúng ta nhìn vào cõi lòng mình, nhìn vào chính cái tôi của mình, và nhìn vào mối tương quan của mình với Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và đã hiến mạng sống để chuộc tội chúng ta, Ngài như người cha luôn mong ngóng những đưa con hoang đàng trở về để được Ngài yêu thương và tha thứ. Vậy, kính thưa cộng đoàn! “Tình yêu đáp đền tình yêu”, chúng ta hãy đáp trả lại tình yêu Chúa bằng cách tin tưởng, mến yêu, canh tân sám hối và trở về sống trong sự yêu thương của Ngài, có như thế thì ơn cứu độ của Chúa mới sinh ích nơi mỗi người chúng ta. Amen.

Chủng sinh. Giuse Bùi Văn Quang