BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ: HÃY ĐỂ CHÚA GIÊSU LÀM VUA CUỘC ĐỜI CHÚNG TA

BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ

HÃY ĐỂ CHÚA GIÊSU LÀM VUA CUỘC ĐỜI CHÚNG TA

 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Những ngày cuối cùng của năm phụng vụ sắp kết thúc, Giáo hội cho chúng ta mừng kính lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, như  muốn nhắc nhớ cho mỗi người chúng ta ý thức mình là công dân của nước Thiên Chúa. Đồng thời để tôn vinh Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu.

Tin Mừng hôm nay ghi lại, trong cuộc đối thoại với Philatô, đại diện cho quyền lực của cả Đế quốc Roma, vào những giờ phút nghiêm trọng nhất trong cuộc đời của Chúa Giêsu, Ngài đã không một chút ngần ngại để xác nhận một sự thật mà khi nói như thế Chúa Giêsu biết là sẽ dẫn Ngài đến đâu. Thế nhưng Chúa Giêsu đã không sợ dù là việc đó có làm cho Philatô có đủ lý do hơn để tuyên bố án tử cho Ngài. Philatô hỏi Chúa: “ Ông là Vua sao?” ( Ga 18,37 ). Chúa Giêsu trả lời một cách dứt khoát, không một chút ngại ngùng: “ Quan nói đúng, tôi là Vua” ( Ga 18,37 ). Cuối cùng như chúng ta đã thấy, khi Chúa bị treo ở trên Thập giá, chính Philatô một con người nắm tất cả quyền lực của trần thế tại đất nước Do thái lúc đó đã truyền viết và gắn một tấm bảng thật lớn để mọi người có thể nhìn thấy trên đầu cây Thập giá của Chúa Giêsu, tấm bảng với dòng chữ rất rõ như thế này: “ Giêsu Nagiarét, Vua dân Do thái” ( Ga 19,19 ).

Quả thực Chúa Giêsu là Vua như Ngài đã xác nhận, nhưng cuộc sống và cách cai trị của Ngài chẳng giống với bất cứ một ông Vua nào trên trần thế này cả. Nói đến Vua, chúng ta thường liên tưởng đến một người có uy quyền. Một người trần thế được trở thành vua thì thường do người khác phong cho. Với Chúa Giêsu thì không như thế. Trước khi về trời Chúa đã long trọng tuyên bố với các môn đệ của Ngài: “Mọi quyền trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy” (Mt 28,18).

Khi nói đến uy quyền của Vua thì người ta thường liên tưởng đến một lãnh thổ mà một ông Vua thực thi uy quyền của mình. Lãnh thổ của một ông vua trên trần thế thường là một không gian có biên giới, có bờ cõi, có biên cương, trong đó thần dân của vua sinh sống. Đối với Chúa Giêsu thì không như thế. Ngài nói thẳng với Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” ( Ga 18,36 ). Chúa Giêsu không muốn uy quyền của Ngài bị đóng khung trong một thứ không gian nhỏ bé ở trên đất này. Uy quyền của Ngài bao la, bao phủ cả trời và đất. Nước của Ngài không có bờ cõi, không có biên cương. Vương quốc của Ngài là vương quốc của sự thật, của sự sống, của sự thánh thiện, của công chính, yêu thương và an bình. Vương quốc đó vượt xa mọi thứ vương quốc chóng tàn và mau qua ở dưới trần gian.

Khi nghĩ đến một ông vua thường chúng ta cũng còn liên tưởng đến cách những ông vua thường dùng để cai trị dân và đối với một ông vua có thế lực mạnh thì người ta còn hay liên tưởng đến những phương thức ông dùng để chinh phục và mở mang bờ cõi cho vương quốc của ông càng ngày càng rộng lớn, cũng như uy quyền của ông càng ngày càng mạnh. Nhưng khi nói về việc cai trị của những người làm lớn trong cuộc sống trần thế Chúa Giêsu đã nói như thế này: “Anh em biết, thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống tri dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân” (Mt 20,25-26). Họ thống trị xuyên qua các mánh lới chính trị, sức mạnh quân sự hay mãnh lực kinh tế cùng với cả một hệ thống luật pháp trợ lực. Còn Chúa Giêsu thì không như thế. Ngài không đến để thống trị, nhưng để phục vụ. Ngài nói với  các môn đệ của Ngài: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ” (Mt 20,26-27). Chính Ngài cũng đã làm như thế: “ Con người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28). Cả cuộc đời công khai của Chúa Giêsu hầu như chỉ là cuộc sống ở ngoài đường. Người ở giữa dân của Người. Không nhà cao cửa rộng. Không lụa là gấm vóc, không cao lương mỹ vị. Ngài bước những  bước đi với dân của Ngài. Ngài chia sẻ với dân từng miếng cơm manh áo. Bệnh tật Người chữa cho lành. Què quặt Người làm cho đứng dậy mà di. Mù loà Người cho được nhìn thấy. Sa đọa Người vực dậy. Ngài làm tất cả những điều đó chỉ  vì lòng yêu thương. Ngài yêu thương dân như yêu thương chính mình. Chẳng có một ông Vua nào trên trần thế này làm được như thế.

Chúa Giêsu, quả thực Ngài là Vua. Nhưng Vua Giêsu khác hẳn với những vua khác ở trần gian này. Ngày lên ngôi vua của Ngài là ngày Ngài bị treo trên Thập Giá. Ngài không có phủ việt, không có vương miện, không có cẩm bào. Phủ việt của Ngài là một cây sậy, Vương miện của Ngài là một vòng gai, Cẩm bào của Ngài là một miếng vải đỏ. Ngài không cai trị thần dân của Ngài bằng quyền bính, mà lại bằng phục vụ, bằng hầu hạ , bằng cách làm tôi tớ cho thần dân. Khẩu hiệu sống của Ngài đã được Ngài đưa ra ngay khi Ngài đến trần gian là : “ Con Người không đến để được phục vụ, mà là để phục vụ” ( Mc 10,45 ). Luật trong nước của Ngài thật là đơn giản, vắn gọn. Luật đó là luật yêu. Ngài không như các vị vua khác, sống trong cung điện nguy nga tráng lệ, hoàn toàn xa cách với thần dân, mà trái lại Ngài ở bên cạnh thần dân của Ngài. Ngài đã chọn cho Ngài một tên để nói  lên tính cách bình dân, gần gũi với thần dân của Ngài. Tên đó là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Hôm nay mừng lễ Chúa Kitô Vua là một dịp để  chúng ta suy tôn Ngài làm vua của cuộc đời chúng ta.  Và khi đã nhận Đức Giêsu Kitô là Vua, chúng ta được mời gọi cố gắng sống xứng đáng là công dân của nước Ngài, nước của tình yêu, công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần. Vâng, Có người nói chơi rằng thế giới này là thế “gian” chứ đâu phải thế “ngay” cho nên đầy dẫy sự gian dối, lọc lừa. Ai gian dối thì thuộc về nước thế gian, người yêu chuộng chân lý mới thuộc về Nước của Chúa. Yêu chuộng chân lý là sống thật với Chúa, với lương tâm mình và với mọi người. “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này chỉ để làm chứng về Chân lý” ( Ga 18,37 ). Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng hãy cố gắng làm chứng cho chân lý giữa thế giới đầy gian trá này. Muốn hiểu được chân lý, con người cần có một cái tâm trong sáng, và một cái nhìn không bị vẩn đục bởi những giá trị phàm trần. Một trong những cách nói lên việc chúng ta suy tôn Chúa Giêsu là Vua, đó là tống khứ những tội lỗi, những thói hư tật xấu đang ngự trị trong ngai lòng chúng ta để dành lại ngai đó cho Chúa.

Lm. Giuse Phan Cảnh