BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VIII TN – NĂM C – TU SỬA BẢN THÂN ĐỂ CÓ THỂ HƯỚNG DẪN NGƯỜI KHÁC

BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VIII TN – NĂM C

TU SỬA BẢN THÂN ĐỂ CÓ THỂ HƯỚNG DẪN NGƯỜI KHÁC

 

 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Các bài đọc Lời Chúa của Chúa nhật hôm nay mời gọi chúng ta: để có thể chỉ đường cho người khác, chúng ta cần tu sửa chính bản thân mình.

Bài đọc 1, trích từ sách Huấn ca nói với chúng ta: “ Có thử lửa mới biết bình thợ gốm, nghe chuyện trò mới biết ai rởm ai hay. Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người” ( Hc 27,4-7 ).

Bài đọc 2, Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “ Anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích” ( 1Cr 15,54-58 ).

Trong Tin mừng, Chúa Giêsu đặt cho chúng ta một câu hỏi:  “Mù mà lại dắt mù được sao? lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” ( Lc 6,39 ). Với câu hỏi này, Chúa Giêsu đưa ra một chân lý liên quan đến việc hướng dẫn bằng một minh họa rất cụ thể. Về tính tâm linh, người không đủ khôn ngoan, sáng suốt về mặt này mà lại dẫn lối chỉ đường cho người khác đi thì chỉ có nước làm hại người ta thôi. Đôi khi làm hại người ta về mặt vật chất nhiều khi không tai hại bằng làm hại về mặt tâm linh. Vì thế, những người đang có trách nhiệm hướng dẫn về đời sống tâm linh, cần có khả năng đích thực: biết nhìn xa trông rộng và nhất là phải có tình yêu rộng mở, có lòng nhiệt thành và có một đời sống tốt đẹp, phù hợp với những hiểu biết về mặt tâm linh. Những người hướng dẫn người khác về đời sống tâm linh không những phải có những kiến thức đúng đắn và lành mạnh về tâm linh mà còn phải có một đời sống tâm linh thật sự và sâu xa hơn nữa. Thời nay có rất nhiều người hướng dẫn tâm linh quá chú trọng tới kiến thức về tâm linh, chẳng hạn: về đời sống tâm linh, về Thiên Chúa, về đạo đức, về những việc phải làm nhưng lại quá ít chú trọng tới kinh nghiệm đích thực về tâm linh để giúp người khác cảm nghiệm về Thiên Chúa và có tương quan thật sự cá vị với Ngài. Người được chúng ta  hướng dẫn nhận thấy chúng ta nói quá nhiều và quá hay so với thực tế họ sống và cảm nghiệm được. Chúng ta quên rằng đời sống nội tâm của người hướng dẫn về tâm linh có sâu xa thì mới có khả năng hấp dẫn và lôi cuốn người khác đi vào con đường ấy. Lời nói hay chỉ có tác động thoáng qua, còn gương sống mới có tác dụng lôi cuốn đích thực. Người hướng dẫn sáng suốt là người giúp người khác sống được, thực hành được chứ không phải chỉ giúp họ hiểu rõ hay hiểu đúng mà thôi.

Thường thì chúng ta dễ thấy những lầm lỗi của người khác, cho dù lầm lỗi ấy rất nhỏ, còn những lầm lỗi của chính chúng ta thì lại không thấy cho dù rất lớn. Nếu một tập thể, một gia đình hay một cộng đoàn mà trong đó ai cũng đều có tính chỉ nhìn thấy lỗi của người khác, mà không thấy lỗi của chính mình thì đời sống chung sẽ rất khó chịu. Khi chỉ nhìn thấy lỗi của người khác thì mình sẽ dễ dàng trách móc, bực bội, giận hờn người khác và sẽ thấy thật đau khổ khi phải chung sống với những người ấy. Đây là một khuynh hướng chung trong tâm lý mọi người. Nếu chúng ta không ý thức và phản tỉnh hay nói theo ngôn ngữ của Tin mừng là không “tỉnh thức” thì chúng ta khó lòng thoát khỏi tật xấu đó.

Trong đời sống gia đình của chúng ta cũng vậy. Cứ suy nghĩ cho cùng. Về cái đúng và cái sai. Vợ chồng cứ cãi nhau hoài cũng chỉ vì sai với đúng. Chuyện bé bằng hạt cải bỗng trở nên to bằng cái thúng, bởi vì ông bảo đúng mà bà nói không sai. Ông quát bà nói dai thì bà bảo ông độc tài, gia trưởng. Thế là chạm vào tự ái của nhau và  chẳng còn ai nghe ai. Ai cũng cho mình đúng nên mới có việc cãi lộn, tranh tụng. Khi ta cho ta đúng thì chính là lúc ta sai. Tranh nhau chuyện đúng sai sẽ gây ra biết bao tai hại. Vì thế, chỉ khi nào khiêm nhường nhận mình sai, đó mới là lúc ta bắt đầu đúng.

“ Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới” ( Lc 6,41 ). Ca dao Việt Nam có câu: “Nhàn cư vi bất thiện”. Mỗi ngày, chúng ta cần dùng ít phút thinh lặng nhìn lại những tư tưởng, lời nói, và hành động của mình để kiểm điểm, và để thư giãn. Đây là những giây phút riêng tư rất quan trọng cần để duy trì sự quân bình về tình cảm, tâm lý, cũng như thể lý. Những người lười biếng tối ngày ở rỗi một mình là không tốt. Người lười là mồi ngon của những cám dỗ. Đồng thời, chúng ta không nên bạn bè với người nhiều chuyện: những bạn bè nhiều chuyện, ngồi lê đôi mách. Những bạn bè hay xoi mói và dèm pha người này, người khác là những người mà chúng ta cần tránh. Nọc độc chia rẽ, ghen tỵ, và dèm pha của họ sẽ ngấm vào chúng ta một cách dễ dàng. Nó cũng biến chúng ta thành những người ngồi lê đôi mách. Những người dùng lời nói mà phá vỡ hạnh phúc gia đình của người khác. Những ai không nghĩ tốt, không nói tốt, và không có hành động tốt với người khác, chúng ta không nên đến gần và làm bạn với họ: “Gần mực thì đen. Gần đèn thì rạng!”. Chúng ta cũng đừng để cho bất cứ ai có những lời nói ảnh hưởng đến hạnh phúc và đời sống của mình. Trong đời thường chúng ta nên lắng nghe và đón nhận ý kiến xây dựng từ người này, người khác. Nhưng chúng ta cần biết cách gạn đục khơi trong và phân tích xem coi ý kiến nào tốt, ý kiến nào phù hợp với hoàn cảnh của mình và  gia đình mình. Không phải hễ ai nói gì cũng nghe rồi đem vào đời sống khiến ảnh hưởng đến hạnh phúc của chúng ta. Nên lưu ý: Ý kiến dù hay cũng chỉ là ý kiến.

Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người trong chúng ta nhận ra những lầm lỗi của mình để tu sửa, chứ không phải chỉ thấy lỗi của người khác để lên án, nhờ đó mà chúng ta khiêm nhường hơn, dễ sống với người khác hơn.

 

Linh mục. Giuse Phan Cảnh