BA MÔ HÌNH THẦN HỌC CỔ ĐIỂN[1]
TÂN KINH VIỆN: VAI TRÒ CỦA THÁNH TRUYỀN
Trong giai đoạn Trung cổ của khoa thần học kinh viện, đã có nhiều trường phái và truyền thống khác nhau triển phát phồn thịnh. Dù các trường phái thuộc Bônaventura, Duns Scốt và William Ôckham hay là thuộc nhiều thần học gia khác nữa, có mang lại những đóng góp đáng kể cho thần học, thì học thuyết Tôma vẫn là trường phái có ảnh hưởng nổi bật nhất trong thời hiện đại. Bộ Tổng luận thần học của Tôma đã thay thế cuốn Tổng luận các chủ đề thần học của Phêrô Lombácđô, để trở thành cuốn sách giáo khoa cơ bản trong việc giảng huấn tại các lớp thần học. Và cho dù học thuyết Tân kinh viện từng thành hình và phát triển mạnh trong gian đoạn tiếp theo sau thời Phục hưng và Cải cách, có thề nguyền một mực trung thành với Tôma, thì cũng vẫn để lộ rành rành những quan điểm khác biệt dứt khoát so với tư tưởng và các phạm trù của chính Tôma: những cuộc nghiên cứu sử liệu trong thế kỷ hai mươi đã cho thấy rõ điều đó.
Từ Kinh Viện Tới Thời Hậu Công Đồng Trentô
Phần lớn những chuyển hóa và đổi thay biến học thuyết Kinh viện thành học thuyết tân kinh viện, đều là do những cuộc tranh luận liên quan đến Cuộc Cải cách Tin lành, và do ảnh hưởng của trào lưu Phục hưng gây ra. Tuy thế, một số các đổi thay trong phương pháp nghiên cứu thần học cũng đã manh nha ngay từ trong giai đoạn cuối của thời học thuyết Kinh viện
Trung cổ. Các đổi thay này có thể được coi là những dấu vết của đà xúc tiến việc kiểm duyệt và kiểm trừng (censures) trong lãnh vực nghiên cứu thần học. Chính việc nhận thức về những sai lầm trong lãnh vực tư tưởng thần học, và về tính cách khác biệt giữa các sai lầm thần học và triết học, đã giúp cho đà phát triển của phương pháp nghiên cứu thần học tiến thêm được những bước mới. Qua đó, vai trò của thẩm quyền được chú trọng đến ngày càng nhiều hơn, và con số các nguồn xuất xứ những dữ liệu của việc nghiên cứu thần học cũng tăng dần lên.
Cứ đem hai hình thái thần học của các thế kỷ 13 và 16 mà so sánh, thì sẽ thấy ngay sự kiện chuyển biến nói trên đây. Trong thế kỷ 13, dựa theo khái niệm về khoa học mà Aristốt trình bày trong cuốn Khoa phân tích hậu thiên (Analytica Posteriora), thánh Tôma đã lấy các tín khoản làm nguyên tắc cho việc tìm hiểu và trình bày giáo lý Kitô. Thánh nhân nhận định rằng có một tình trạng hài hòa cơ bản giữa lý trí tự nhiên và mạc khải siêu nhiên. Nếu có những mối bất hài hòa giữa hai bên, thì đó chỉ là do những suy luận sai lầm từ trong triết học, và có thể dựa vào giáo huấn của Kinh Thánh và của các tiến sĩ Giáo Hội mà sửa sai chúng lại.
Còn những chuyển biến khác xảy ra về mặt suy tư, trong các thế kỷ 14 và 15, thì đã làm cho nguyên tắc lấy Kinh Thánh và truyền thống làm những thẩm quyền cơ bản, theo cách thức của thánh Tôma, không còn có thể ứng dụng được nữa. Cuộc tranh cãi về vai trò chức quyền giáo hoàng cũng như về vấn đề đặt ra xem ai, – các công đồng, giáo hoàng hay là các đại học? – có đủ thẩm quyền giám sát đối với lãnh vực giáo lý, đã cho thấy là cần phải có một phương pháp nghiên cứu thần học tinh vi và đầy đủ hơn. Một phương pháp thích đáng để ứng đáp với những yêu cầu như thế, đã được Juan de Torquemada đề xuất, và đã được Johann Eck đem ra sử dụng trong cuộc tranh luận với Máctinô Lutêrô tại Leipzig năm 1519, [63] rồi sau đó, đã được Albertô Pigge và Báctôlômê Carranza khai triển thêm trong cuộc luận chiến Phong trào chống Cải cách chủ xướng. [64] Mục tiêu mà phương pháp trên đây nhằm tới là xác định các chân lý của đức tin công giáo (veritates catholicae) bằng cách viện dẫn thẩm quyền của Kinh Thánh và thánh truyền, của các công đồng và của giáo huấn giáo hoàng, v.v. Phương pháp nghiên cứu thần học theo cách thức này là dấu chỉ của một cảnh huống lịch sử khác xa với thời của thánh Tôma trước đó. Trong thế kỷ 16, phương pháp nghiên cứu thần học lại trở thành một cuộc đi tìm cho ra những nguyên lý hiển nhiên từ trong các nguồn dữ liệu khác nhau. Và đó chính là vấn đề mà Melchor Canô, một thần học gia Tây Ban Nha dòng Đaminh, đã gặp phải và đã phải cố gắng tìm cách để giải quyết: vấn đề phân định các loại thẩm quyền của các nguồn dữ liệu khác nhau. Những gì thần học gia này đề nghị, đã gây ảnh hưởng lớn đối với học thuyết Kinh viện Baroc, và đã khai mở con đường chuyển biến đi từ học thuyết Kinh viện Baroc đến học thuyết Tân kinh viện. [65]
Giai Đoạn Kinh Viện Baroc
Melchor Canô đã viết cuốn sách nhan đề Về những nguồn xuất xứ trong thần học (De locis theologici) để bàn về các nguồn dữ liệu có thẩm quyền trong lãnh vực thần học. Xuất bản năm 1563, nghĩa là sau khi tác giả đã qua đời, cuốn sách vừa nói đề xuất một lề lối mới mẻ và đặc thù trong cách thức trình bày và giải quyết các vấn đề thần học. Trong thời kỳ Phục hưng, nhiều nguồn xuất xứ (loci) khác biệt nhau đã được gom góp lại cho nhiều bộ môn khác nhau sử dụng, và Canô đã ứng dụng lối thực hành này rộng ra cho cả khoa thần học nữa, bằng cách lập một danh sách liệt kê những nguồn xuất xứ để từ đó thần học có thể rút ra những dữ liệu gốc làm nền tảng cho các luận chứng và lề lối lập luận của mình.
Khi ứng dụng phương thức dùng những nguồn xuất xứ các dữ liệu gốc vào trong lãnh vực thần học, Canô đã không dựa theo quan niệm của Aristốt, nhưng là theo khái niệm của chủ nghĩa nhân văn để hiểu về nguồn xuất xứ. Đã từng được Rodolpho Agricola, một người theo chủ thuyết nhân văn, trình bày và khai triển, khái niệm về nguồn xuất xứ này bước theo vết chân của Cicêrô, để coi các nguồn xuất xứ như là những cơ sở /căn cứ của luận chứng (sedes argumenti). [66] Sự khác biệt giữa Canô và Aristốt mang một tầm cỡ quan trọng. Đối với Canô, từ locus không chỉ về các tiền đề trong tam đoạn luận, cũng không chỉ về các nguyên lý của khoa thần học, tức là của nền thần học thời Trung cổ; mà trái lại, ở đây, từ ngữ ấy có nghĩa là nơi, là chỗ từ đó thần học tìm ra được các loại thẩm quyền làm nền tảng cho mình. [67] Và từ đó, Canô đã dựa trên uy tín của các loại thẩm quyền trong lãnh vực thần học, để tìm cách đặt một căn bản vững chắc cho nền thần học công giáo. Tác giả liệt kê mười nguồn xuất xứ các dữ liệu có thẩm quyền theo thứ tự sau đây:
(1) Kinh Thánh,
(2) khẩu truyền,
(3) Giáo Hội Công giáo,
(4) các Công đồng chung,
(5) Giáo Hội Rôma,
(6) các giáo phụ,
(7) các thần học gia kinh viện,
(8) lý trí con người,
(9) các triết gia, và
(10) cuối cùng là lịch sử.
Theo Canô, thì bảy nguồn xuất xứ đầu mới đúng là những thẩm quyền thần học đích thực; còn ba nguồn xuất xứ còn lại, thì đối với thần học, chỉ là những thẩm quyền có tính cách ngoại tại mà thôi. [68]
Một bước phát triển khác cũng đã đánh dấu tiến trình chuyển biến đi từ học thuyết Kinh viện Baroc của thế kỷ 16, tiến sang học thuyết Tân kinh viện của các thế kỷ 19 và 20. Các tác phẩm của Điônidiô Pêtaviô (Denis Petau), một thần học gia người Paris, đã giữ một vai trò quyết định đối với giai đoạn phát triển này. Ngày nay, Rôbéctô Bellarminô và Phanxicô Suárez thường được coi như là những nhân vật lãnh đạo tiêu biểu cho nền thần học trong các thế kỷ 16 và 17. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ thứ 20, các thần học gia trường phái Tân kinh viện đã coi Điônidiô Pêtaviô như là người đóng giữ một vai trò quan trọng bậc nhất trong thần học, đến độ các thần học gia Carlô Passaglia và Clêmentê Schader thuộc trường phái Tân kinh viện, đã dành cho ông tước hiệu “ người đứng đầu xuất chúng giữa hàng các thần học gia” (theologorum facile princeps) [69] Pêtaviô đã gây được ảnh hưởng lớn rộng không phải chỉ là qua công trình khai triển phương thức áp dụng các nguồn dữ liệu lịch sử vào trong thần học mà thôi, nhưng còn nhờ cả cách kiểu ông nhận thức về bản chất đặc thù của thần học nữa. [70]
Pêtaviô đã khai triển một quan niệm mới về thần học, coi bộ môn này là một khoa nghiên cứu theo phương pháp suy diễn: đó là một thay đổi lớn so với quan niệm của thời Trung cổ. Ông cho rằng có sử dụng phương pháp suy diễn, thì thần học mới hội đủ điều kiện để đứng vào tư thế của một bộ môn khoa học thực sự. Đà hiểu biết trong thần học tiến triển qua con đường dùng khả năng của lý trí mà suy diễn những tiền đề giáo lý đức tin, để rút ra những kết luận mới. Trong tiến trình suy diễn tam đoạn luận này của thần học, triết học giữ vai trò làm trung gian. Quan niệm như thế là Pêtaviô đã mặc nhiên dùng đến một giả thiết hậu cảnh cho rằng phương pháp suy diễn theo tam đoạn luận là cấu tố làm nên bản chất khoa học của một bộ môn. Thế nên, theo ông, chỉ khi nào biết sử dụng phương pháp suy diễn để đạt đến chỗ rút ra những kết luận thần học, thì lúc đó thần học mới thực sự là một khoa học theo đúng nghĩa sát thực của nó. Cách nhận thức như thế về những kết luận thần học đạt được qua phương pháp suy diễn theo tam đoạn luận, đã dần dần trở thành nét đặc trưng trong quan niệm của học thuyết Tân kinh viện cầm thần học như là một bộ môn khoa học. Cách hiểu như thế về tính chất khoa học đã nắn đúc nên cơ cấu nòng cốt và thể thức chủ yếu trong các bộ sách giáo khoa của môn thần học.
Thần Học Tân Kinh Viện
Điểm đặc thù trong phương pháp nghiên cứu của thần học Tân kinh viện, là chủ trương đẩy mạnh đà phổ biến sách giáo khoa thần học làm công cụ quan yếu trong công trình giảng huấn thần học. Nếu học thuyết Kinh viện Baroc đã thực hiện được nhiều tác phẩm có giá trị trong nỗ lực bình chú bộ Tổng luận thần học của Tôma, thì học thuyết Tân kinh viện đã đóng góp một cách nổi bật vào việc thành hình các bộ sách giáo khoa để dùng trong các trường thần học. Các bộ sách này đi theo một lối diễn tiến rõ rệt: trước tiên là trình bày một cách rõ ràng lập trường công giáo về một đề tài; rồi sau đó, là minh chứng cho tính chất xác thực của đề tài ấy với những luận chứng rút từ Kinh Thánh và từ các văn bản của các tác giả trong Giáo Hội thời sơ khai; và cuối cùng là dùng luận chứng mà bác bỏ những điểm sai lạc trong thần học Tin lành. Cách thức này và phương pháp được dùng trong các bộ sách giáo khoa thần học, biểu hiện rõ dấu vết ảnh hưởng do quan niệm của Pêtaviô về phương pháp thần học để lại. Thêm vào đó, chịu ảnh hưởng nặng của Descartes là người chủ trương nhấn mạnh đến tầm quan yếu của các tư tưởng rõ ràng và phân minh, học thuyết Tân kinh viện đã cố gắng tìm cách để sáp nhập những lý tưởng khoa học ấy vào trong phương thức nghiên cứu thần học của mình. [71] Ba cấu tố trong phương pháp nghiên cứu thần học vừa trình bày trên đây của học thuyết Tân kinh viện, cho thấy rõ một khởi điểm và một phương thức nghiên cứu thần học khác hẳn với lề lối tranh luận của nền thần học Kinh viện thời Trung cổ, cũng như khác hẳn với nỗi bận tâm bình chú trong thời Kinh viện Baroc.
Khởi Điểm: Giáo Huấn Của Giáo Hội
Trong các bộ sách giáo khoa thần học thời Tân kinh viện, nội dung bàn thảo về các chủ đề thần học khởi đầu bằng cách trình bày những luận đề giải thích về giáo huấn của Giáo Hội. Cuốn sách giáo khoa đầu tiên chọn cách thức tiến hành này là cuốn Theologia Wirceburgensis ra mắt năm 1771, đã từng được rộng rãi phổ biến và thịnh hành đắc dụng cho việc giảng huấn thần học. Sở dĩ nội dung bàn thảo thường bắt đầu với một luận đề về giáo huấn của Giáo Hội như thế, là vì thần học Tân kinh viện xác nhận rằng giáo huấn của Giáo Hội là quy phạm trực tiếp của đức tin (regula fidei proxima). Chính giáo huấn này đem lại cho tín hữu một quy phạm rõ ràng và một căn bản xác định để dựa theo đó làm tiêu chí mà nắm chắc được những chân lý tích chứa trong Kinh Thánh và các truyền thống. Kinh Thánh và các truyền thống cũng được công nhận là quy phạm của đức tin, nhưng chỉ là quy phạm gián tiếp. [72] Cách phân biệt giữa hai loại quy phạm trực tiếp và gián tiếp, biểu thị mối quan tâm có tính cách biện giáo của thần học Tân kinh viện trong thời hậu công đồng Trentô, đối với vấn đề giải thích nội dung giáo lý của đức tin công giáo sao cho sáng tỏ, bằng những công thức súc tích và ngắn gọn nhất. Vì tính cách chính xác và hình thức ngắn gọn ấy sẽ tạo được những điều kiện dễ dàng hơn nhiều cho việc truyền giảng, chỉ dạy và học hành các công thức đức tin. [73]
Phương thức trên đây đưa tới hai điểm thay đổi có tầm quyết định trong truyền thống kinh viện cổ điển: một là về hình thức trình bày; hai là về vai trò của Kinh Thánhtrong thần học. Hình thức trình bày thay đổi, chuyển biến từ vấn đề (quaestio) qua luận đề. Vấn đế trong thời đầu và tranh luận biện bác (disputatio) trong thời cuối của Học thuyết kinh viện, đã là những hình thức làm khuôn mẫu cho việc giảng huấn thần học. Lối giảng huấn trong thời kinh viện cổ điển bắt đầu với việc nêu lên những câu hỏi, những vấn đề để bàn thảo, biện bác theo hình thức tranh luận; còn các giảng sư trong thời Tân kinh viện thì bắt đầu với lề lối trình bày những luận đề về giáo huấn của Giáo Hội. Chenu, một sử gia nổi tiếng, đã mô tả rất chính xác như sau về sự khác biệt ấy:“ Bởi lẽ một tín khoản là một vấn đề (quaestio), chứ không phải là một luận đề (thesis), thế nên, vấn đề chính là từ cần phải được dùng trong các bộ sách giáo khoa. Việc thay đổi cách thức dùng từ tự nó là một hành động vạch trần cho thấy thái độ trở mặt tàn bạo, áp đặt ách nô dịch lên đầu những phương pháp giáo dục từng được soạn thảo cùng sử dụng tại trong các đại học của thế kỷ 12, và đã từng được ca tụng coi như là: những phương pháp linh hoạt, và cho dù có phải vất vả với công tác nghiên cứu học hỏi nặng nhọc, thì cũng vẫn biết để tâm giữ thái độ cởi mở đối với tinh thần ham tìm tòi học hỏi của cả sinh viên lẫn giáo sư.” [74]
Điểm thay đổi thứ nhì liên hệ đến vai trò của Kinh Thánh. Học thuyết Kinh viện thời Trung cổ dành cho Kinh Thánh một ưu thế ngoại hạng, và phần lớn việc giảng huấn trong thời đó đều chủ yếu nhằm vào công tác chú giải Kinh Thánh. Các vấn đề thảo luận đều được giải quyết bằng cách viện dẫn thẩm quyền nội tại và thích đáng nhất, tức là Kinh Thánh; vì, như thánh Tôma hằng xác quyết, khi được xây dựng trên nền tảng của Kinh Thánh, thì tất yếu và từ bản chất nội tại, một luận chứng có được giá trị trung thực và chính xác. Đối với Học thuyết Tân kinh viện, thì hoàn toàn khác hẳn, chứ không phải như thế: phản ứng ngược lại với lề lối thường trực (đơn thuần) viện dẫn Kinh Thánh, các nhà thần học Tân kinh viện đã bắt đầu lý luận rằng Kinh Thánh thường hay bị diễn giải sai lạc. Vì thế, họ chủ trương coi giáo huấn chính thức của Giáo Hội là quy phạm chủ yếu (đầu tiên) và trực tiếp của đức tin.
Lập trường chủ trương như thế, – tức là coi giáo huấn chính thức của Giáo Hội là quy phạm trực tiếp của đức tin, – đã làm cho lề lối nghiên cứu thần học theo phương pháp Tân kinh viện mang thêm một nhân tố đặc trưng mới, đó là: cẩn thận vạch rõ tính chất ràng buộc, bắt buộc hay là cưỡng chế của giáo huấn Giáo Hội. [75] Các mệnh đề thần học đều được xếp hạng tùy theo trình độ quy chiếu về với trung tâm của đức tin, tùy theo tầm mức xác thực và thứ vị kiểm định (censure) tương ứng của chúng. Chẳng hạn, nếu là những mệnh đề biểu đạt những chân lý mạc khải thực sự, thì những mệnh đề thần học ấy được xếp vào loại de fide divina (thuộc đức tin thần khải): phủ nhận chúng là rơi vào tình trạng rối đạo. Nếu là mệnh đề biểu đạt chân lý không những mạc khải mà lại còn được huấn quyền Giáo Hội minh định nữa, thì đó là những mệnh đề được coi là thuộc đức tin thần khải minh định; còn những gì huấn quyền thông thường của Giáo Hội dạy như là chân lý mạc khải, thì được xếp vào loại các chân lý thuộc đức tin (de fide). Được xếp vào trong thứ bậc kế tiếp, tất cả những nghị quyết trực tiếp xuất phát từ tác vụ giáo huấn của Giáo Hội: chúng được công nhận là thuộc đức tin của Giáo Hội, hoặc là vì đã được minh định như thế, hoặc chỉ là vì chúng thường được coi như thuộc vào thứ bậc ấy. Những quan điểm thần học khác thì được xếp theo những định mức tương ứng khác, thấp hơn, như là: cận tín (proxima fidei), chắc chắn xét về mặt thần học, thuộc ý kiến chung, và thuộc ý kiến cái nhiên.
Hẳn là nỗ lực phân loại cho rõ ràng và phân minh các mệnh đề thần học, đã tương ứng phần nào với trào lưu triết học thịnh hành thời đó. Học thuyết Tân kinh viện đã chọn lấy lý tưởng khoa học của Descartes, tức là cố nắm cho được những tư tưởng rõ ràng và phân minh. Qua việc phân loại như thế, phương pháp nghiên cứu thần học của học thuyết Tân kinh viện đã đề ra những tiêu chí làm định mức cho những cuộc bàn thảo và tranh luận trong lãnh vực thần học. Có thể bất đồng ý kiến và có những lập trường dị biệt, nhưng chỉ là trong khuôn khổ của các mệnh đề đã được phân loại theo giai trật các định mức thần học, tức là theo mối quan hệ gần xa đối với đức tin mà thôi. Cho dù, phản ứng nghịch lại với phương pháp Tân kinh viện, nhiều nhà thần học có lên tiếng chỉ trích cách thức phân loại nói trên, thì ngày nay lề lối nhận thức các mệnh đề về giáo lý đức tin theo các định mức thần học như thế, cũng đang được thanh thản định giá lại cho quân bình và công bình hơn. Lối phân chia thứ tự các định mức như thế không phải là không có giá trị thần học, vì nó có lợi điểm là giúp xác nhận rõ lãnh vực của những gì còn có thể bàn cãi, tranh luận được, tức là xác định các phạm vi trong đó, còn được phép có những quan điểm riêng, những ý kiến bất đồng và những lập trường dị biệt. Cách thức phân loại ấy cũng giúp cho biết phân biệt để khỏi lẫn lộn cho rằng hết thảy mọi dữ liệu trong truyền thống Kitô đều phải được coi như là căn bản và chủ yếu đối với đức tin công giáo.
Các Nguồn Chứng Liệu: Kinh Thánh & Thánh Truyền
Bước thứ hai trong tiến trình nghiên cứu thần học của học thuyết Tân kinh viện là nỗ lực nhằm minh chứng cho chân lý của luận đề bằng cách nêu rõ mối liên hệ mà nó có đối với các nguồn chứng liệu của đức tin, tức là đối với Kinh Thánh và truyền thống. [76] Tuy nhiên, việc minh chứng căn cứ vào nguồn dữ liệu cũng cần phải tiến hành theo một thể thức nhất định, nghĩa là không phải bằng những luận chứng biệt lập, nhưng chính là với luận cứ dựa theo đường hướng của giáo huấn Giáo Hội. Đó cũng không phải là một cố gắng để thực hiện một cuộc phân tích có tính cách phê bình và sử học, về các nguồn dữ liệu của thần học, bằng cách căn cứ vào các đề tài và bối cảnh lịch sử cá biệt của chúng. Ngược lại, việc chọn lựa và tìm hiểu các nguồn dữ liệu phải được xác định bởi mệnh đề (tiêu đề) cần được chứng giải. Nhưng trong thực tế, các đoạn trích từ Kinh Thánh hoặc từ văn bản của các tác giả Kitô trong thời Giáo Hội sơ khai, chỉ thu hẹp vào trong một loại những “ chứng thư“ (proof-texts) để chứng giải cho một mệnh đề riêng lẻ. Khi được dùng để trưng dẫn, các đoạn văn này thường bị tách rời hẳn khỏi mạch văn nguyên thủy của chúng, để được hiểu chủ yếu như là những luận chứng xác minh cho chân lý của luận đề phát biểu về một điểm giáo thuyết nào đó.
Thực ra, thể thức chứng giải ấy cũng đã được minh nhiên biện bạch để trở thành chính đáng nhờ lề lối phân biệt giữa quy phạm trực tiếp (cận tín) và gián tiếp (viễn tín) của đức tin. Quy phạm cận tín là chìa khóa giải thích giúp cho hiểu về ý nghĩa và về giá trị chứng dẫn của các nguồn dữ liệu gián tiếp của đức tin. Thế nên, một thần học gia Tân kinh viện đã biện minh một cách rõ ràng với những lời lẽ như thế này:“Thế lực xác minh của Kinh Thánh (do Thiên Chúa) linh ứng, cũng như của các văn kiện trong truyền thống, thì tùy thuộc vào tác vụ giáo huấn của Giáo Hội, bởi lẽ chính vì chúng là thành quả của tác vụ giáo huấn ấy, nên các nguồn dữ liệu kia mới có được giá trị về mặt tri thức đối với chúng ta.” [77]
Hệ Thống Hóa Suy Tư Thần Học
Bước thứ ba trong tiến trình phát triển của nền thần học Tân kinh viện là ra sức giải thích luận đề một cách có hệ thống, và từ đó tiến đến việc thấu hiểu cho sâu sắc hơn về chân lý mà luận đề chứa đựng. Đã từng được xác nhận ở trong luận đề và đã từng được xác minh bằng những chứng giải của Kinh Thánh cũng như của truyền thống, thì trong giai đoạn cuối cùng này, giáo huấn của Giáo hội sẽ được minh họa thêm nữa bằng suy tư triết học. Lối suy tư này tiến hành theo cách dùng những thí dụ, những trường hợp tương tự, và những cách kiểu so sánh rút tỉa từ kinh nghiệm trong bình diện tự nhiên. Các thí dụ ấy có tác dụng minh họa luận đề và làm cho ý nghĩa của nó được xác đáng hơn. Trong gian đoạn này, công tác suy tư có hệ thống tìm cách để nối kết các luận đề riêng lẻ lại với các tín khoản khác, cũng như để từ đó, nêu rõ cho thấy là các luận đề này ăn khớp chặt chẽ với toàn bộ các tín khoản.
Rồi cùng lúc, giai đoạn cuối này cũng tìm cách để thực tại hóa các luận đề cho đến một mức nào đó. Tùy theo nhu cầu ứng đáp các vấn đề đang gặp, các luận đề sẽ được đem ra ứng dụng vào trong các lãnh vực cụ thể của cuộc sống đức tin. Nói cách khác, đây là giai đoạn của cố gắng nhằm chứng minh rằng các chân lý cổ truyền liên hệ chặt chẽ với các vấn đề hiện đại, và tàng trữ những câu trả lời thích đáng cho các vấn đề này. Ngoài ra, giai đoạn này còn nhằm tới một tiêu đích khác nữa, đó là kiếm cách để giải quyết các vụ tranh luận giữa các trường phái kinh viện khác nhau (ví dụ: các cuộc tranh cãi giữa phái theo Tôma và phái theo Scôtô, hoặc là giữa các lập trường khác nhau của những người theo học thuyết Tôma), hầu kiến tạo một hệ thống tư tưởng thần học minh bạch và phong phú hơn. Và như thế, trong khuôn khổ của học thuyết Tân kinh viện, thay vì gây thách đố hoặc giữ thái độ chỉ trích, thì suy tư triết học đã đóng vai công cụ hay là phương thế, để hợp tác đắc lực với suy tư thần học. Tiêu đích của triết học lúc đó là nhằm cung ứng một mức nhận thức sâu sắc hơn mãi về các chân lý thần học.
Khủng Hoảng Trong Nền Thần Học Tân Kinh Viện
Ngày nay, thần học Tân kinh viện thường bị chỉ trích bởi những người muốn tìm cách để cập nhập hóa thần học. Tuy nhiên, những thái độ chỉ trích này thường có khuynh hướng bỏ quên, không lưu ý cho đủ tới những thành tựu quý hóa mà nền thần học Tân kinh viện đã đem lại. Nền thần học này cũng đã phải tìm cách để đương đầu với những vấn đề gai góc của thời đó, hệt như những gì các thần học gia ngày nay đang cố sức làm. Đối đầu với những đợt tấn công của chủ thuyết duy lý chống lại mạc khải và những hình thức cụ thể của tín ngưỡng (tôn giáo), thần học Tân kinh viện đã dồn nỗ lực để khai triển một khoa biện giáo nhằm minh giải về mạc khải và về thể chế của tôn giáo. Còn khi phải đối đầu với lập luận của chủ thuyết duy lý đòi phải có những tư tưởng rõ ràng và phân minh, thì thần học Tân kinh viện đã dốc sức xác định một cách thật rõ ràng, các yếu tố cấu thành mạc khải Kitô. Cách hiểu có màu sắc duy lý về chân lý, tức là theo khuôn khổ của những mệnh đề xác định và những ý tưởng minh bạch, ứng dụng vào trong phương pháp Tân kinh viện, cũng phản ánh phần nào dấu vết ảnh hưởng của chính chủ thuyết duy lý mà thần học Tân kinh viện ra sức đánh đổ chống lại. Rồi trong thời tranh luận về vấn đề đại kết, thần học Tân kinh viện đã cố công nêu rõ – dù là trong một cách thức thế thủ – tính chất đặc trưng của bản sắc đức tin công giáo; cũng như đã can đảm bảo vệ đức tin ấy chống lại những thách đố hóc búa gặp thấy trong thời đại của mình. Những gì ngày nay thường xem ra như là thiếu sót, thất bại trong thần học Tân kinh viện, cũng đều cần phải được truy nguyên một phần về với ảnh hưởng mà nền thần học này hấp thụ từ những trào lưu tư tưởng và những phạm trù thịnh hành trong thời đó.
Tuy nhiên, có hai vấn đề cơ bản đưa đến tình trạng khủng hoảng trong nền thần học Tân kinh viện,[78] và đã gây ra việc chuyển hướng trong phương pháp nghiên cứu thần học đi từ lề lối cổ điển bước qua cách thức hiện đại. Vấn đề thứ nhất là sự kiện càng ngày ý thức về tính chất lịch sử của tư tưởng con người nói chung, càng trở thành rõ rệt hơn, ảnh hưởng đến cả trong lãnh vực thần học; và nếu đem áp dụng cho thần học, thì sự kiện ấy sẽ đưa đến chỗ nhìn nhận rằng những gì thần học khẳng định cũng đều mang đậm tính chất lịch sử. Vấn đề thứ hai là sự việc hình thành một tương quan mới giữa thần học và triết học. Sự kiện thành hình của các khoa trong triết học như tiên nghiệm luận, hiện tượng luận, khoa chú giải, và triết học hiện sinh, đã ảnh hưởng sâu đậm làm cho vai trò triết học đóng giữ ở trong phương pháp nghiên cứu thần học, biến đổi hẳn đi: triết học không còn bị thu hẹp vào trong phạm vi giữ vai đơn thuần làm trợ tá hay công cụ cho công tác suy tư thần học nữa.
Francis Schussler Fiorenza
Chú thích:
[63] Xem P.Polman, Die polemische Methode der ersten Gegner der Reformation (Muenster: Aschendorf, 1931) và L’élément historique dans la controverse religieuse du XVIe siècle (Gembloux: J.Duculot, 1932)
[64] Albert Pigge, Hierarchiae ecclesiasticae assertio (1547). Xem Ch.H. Lohr, “Modelle fuer die Ueberlieferung theologischer Doktrin: Von Thomas von Aquin bis Melchior Cano,” trong Werner Loeser et al., eds., Dogmengeschichte und katholische Theologie (Wuerzburg: Echter Verlag, 1985) 148-67
[65] Về tầm mức ảnh hưởng của thần học kinh viện ở Tây Ban Nha, xin xem Melquíades Andrés, La teología espanõla en el siglo xvi (Madrid: BAC, 1976) 2 cuốn.
[66] Canô không chỉ khác với Aristốt, mà còn khác với Melanchthon, một thần học gia giáo phái Lutêrô, dùng locus như là locus communis
[67] Trong khi Ambroise Gardeil lúc đầu cho rằng Canô dùng loci theo ý nghĩa của Aristốt, thì Albert Lang lại cho rằng Canô theo Cicero và hiểu loci cách khác hẳn; xin đọc A.Lang, Die theologische Prinzipienlehre der mittelalterlichen Scholastik (Freiburg: Herder, 1964). Hiện nay người ta thường theo A. Lang. Xem Elmer Klinger, Ekklesiologie der Neuzeit (Freiburg: Herder, 1978) và M.Jacquin, “Melchior Cano et la théologie moderne,“ Rev. des scienc. théol. et phil. 9 (1920) 121-41.
[68] Lohr, “Modelle fuer die Ueberlieferung…” 148-67.
[69] Xem Walter Kasper, Die Lehre von der Tradition in der Roemischen Schule (Freiburg: Herder, 1962).
[70] Xem Michel Hoffmann, Theologie, Dogma und Dogmenentwicklung im theologischen Werk Denis Petau (Muenchen: Herber Lang, 1976); Igna-ce-Marcel Tshiamalenga Ntumba-Mulemba, “La méthode théologique chez Denys Petau,” Ephemerides Theologicae Lovanienses 48 (1972) 427-78; Leo Karrer, Die historisch-positive Methode des Theologen Dionysius Petavius (Muenchen: M.Hueber, 1970).
[71] Alexander Ganoczy, einfuerung in der Dogmatik (Darmstadt: Wissenschaftilche Buchgesellschaft, 1983). Xem thêm B. Durst, “Zur theologischen Methode,” Theol. Rev. 26 (1927) 297-313, 361-72.
[72] Xem Kasper, Die Lehre… 40-47
[73] Ganoczy, Einfuerung… 130-43
[74] Chenu, Towards Understanding 96
[75] Liên quan đến ý niệm đặc thù về huấn quyền trong học thuyết Tân kinh viện, xin đọc T.Howland Sanks, Authority in the Church: A Study in Changing Paradigms (Missoula, Mont.: Scholars Press, 1974).
[76] Về khái niện “truyền thống” trong Trường Roma, xin xem Kasper, Die Lehre von der Tradition
[77] Durst, “Zur theologischen Methode” 310
[78] W. Kasper, The Methods of Dogmatic Theology (Shannon, Ireland: Ecclesia Press, 1969).
Nguồn: Đcv. Phanxico xavie
BÀI VIẾT LIÊN QUAN