BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – NĂM C
Đức tin là bảo đảm cho những điều chúng ta hy vọng
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Chúng ta bước vào Chúa nhật II Phục sinh, cũng được gọi là Chúa nhật của Lòng Thương Xót Chúa. Tin mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta một nhân vật tên là Tôma. Tôma đã trở thành người đồng nghĩa với sự cứng lòng tin và người ta thường hay nói: “cứng lòng như Tôma”. Tội nghiệp cho thánh Tôma, ngài đã đi vào lịch sử với sự cứng lòng tin nổi tiếng của ngài. Hôm nay, để công bằng hơn, chúng ta hãy có một cái nhìn về phía người khác và phía những tông đồ khác biện hộ cho Tôma một chút kẻo tội nghiệp ngài.
Chiều ngày lễ Phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ nhưng Tôma đi vắng. Khi ông về, các tông đồ kia kể lại cho ông nghe, ông không tin và còn thách thức : “Nếu tôi không nhìn thấy dấu đinh ở tay Thầy, nếu tôi không thọc ngón tay tôi vào lỗ đinh. nếu tôi không thọc bàn tay tôi vào vết thương ở cạnh sườn Người thì tôi không tin” ( Ga 20, 25 ). Với Tôma, ngài tuyên bố chẳng bao giờ tin Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết cho đến khi thấy tận mắt, đặt ngón tay trên dấu đinh của tay Chúa và đặt bàn tay vào chỗ mũi giáo đã đâm nơi cạnh sườn Ngài. Chiều ý Tôma, một tuần lễ sau, cũng vào chiều Chúa nhật, Chúa Giêsu hiện ra một lần nữa với các tông đồ và có cả Tôma ở đó.
Tôma đã vắng mặt, có lẽ bởi ngài đã rút lui khỏi các buổi họp mặt hiệp thông của các môn đệ. Và vì không có mặt với các môn đệ nên ông mất cơ hội gặp Chúa Giêsu, lúc Ngài hiện đến lần thứ nhất. Chúng ta sẽ mất mát nhiều nếu tự tách mình ra khỏi sự hiệp thông với anh chị em để tìm cách sống cô đơn. Nhiều điều tốt đẹp có thể đến khi chúng ta cùng nhóm họp hiệp thông với nhau trong Giáo Hội nhưng sẽ không xảy ra nếu chúng ta sống cô đơn. Khi gặp cảnh đau buồn, chúng ta thường có khuynh hướng muốn đóng cửa lại nhốt mình riêng một nơi, không muốn gặp ai cả. Nhưng chính những lúc như thế, mặc dầu đau buồn, chúng ta nên tìm cách thông hiệp với các anh chị em khác, vì trong sự thông hiệp đó chúng ta có cơ may gặp Chúa mặt đối mặt nhiều hơn cả.
Mặc dù như thế, nhưng chúng ta cần ghi nhận hai đức tính này ở Tôma: thứ nhất, ngài nhất định không chịu nói là mình tin khi ngài không tin, không bao giờ nói là mình hiểu trong khi ngài không hiểu. Ngài không hề đè nén sự nghi ngờ của mình xuống bằng cách làm như mình không hề nghi ngờ. Tôma không thuộc loại người nói gì tin đấy khi chưa hiểu điều mình tin. Ngài muốn biết chắc mọi sự, và thái độ này của Tôma hoàn toàn đúng. Thứ hai, Tôma là một mẫu người đòi hỏi cho chắc chắn thì có đức tin vững vàng hơn một người chỉ lặp lại những điều mình chẳng bao giờ suy nghĩ đến, không thật sự tin tưởng. Chính sự hoài nghi như thế đến cuối cùng sẽ đạt đến niềm tin vững chắc.
Từ niềm tin vững chắc ấy, Tôma sẽ đi đến cùng của niềm tin. Ngài nói : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” ( Ga 20,28 ). Với Tôma không có vị trí lưng chừng. Ngài không làm bộ hoài nghi chỉ nhằm để thăm dò người khác, ngài nghi ngờ vì muốn trở thành người biết chắc, và khi đã biết chắc rồi thì hoàn toàn tuân phục.
Nơi Tôma, có cái gì rất đáng yêu, đáng ngưỡng mộ. Với Tôma, có đức tin không phải là chuyện dễ, ngài không bao giờ sẵn sàng vâng lời ngay. Tôma là người muốn biết chắc chắn, ngài tính thật kỹ giá phải trả. Một khi đã biết chắc, ngài nhất quyết tin và vâng phục cho đến cùng.
Có đức tin như Tôma thì tốt hơn là đức tin bằng đầu môi chót lưỡi, vâng lời như Tôma vẫn tốt hơn cái gật đầu dễ dàng đồng ý nhận làm việc gì đó mà không cân nhắc, để rồi sau đó rút lại điều mình đã hứa. Cám ơn Tôma, vì nhờ ngài mà chúng ta có được một xác tín vững chắc vào Chúa Phục Sinh.
Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta cũng vậy. Một người chồng cần tin vợ và cố gắng để xứng đáng với niềm tin của vợ. Và người vợ cũng cần như vậy, cần bỏ tính nghi ngờ, ghen tương và cãi cọ. Cha mẹ cần cho con cái có cơ hội chứng tỏ chúng đáng tin. Mặt khác, con cái cần tin tưởng nơi cha mẹ, cần ý thức rằng: kỷ luật và tập tục của gia đình không phải đặt ra để kiềm chế, nhưng để bảo vệ con cái. Chủ chăn và giáo dân cần tin tưởng lẫn nhau. Thầy cô giáo tin tưởng học sinh. Học sinh cần tin tưởng thầy cô giáo. Bệnh nhân cần tin tưởng bác sĩ mới có nhiều cơ may khỏi bệnh. Chúng ta củng cố lòng tin bằng mỗi cố gắng trở nên đáng tin cậy giữa một xã hội đầy gian dối.
Khi có niềm tin nơi Thiên Chúa. Chúng ta sẽ sống trong niềm vui và sự bình yên. Niềm tin, nhất là niềm tin siêu nhiên, là yếu tố vô cùng cần thiết cho chúng ta trong cuộc sống. Nó cần thiết như tay lái của con tàu, như ngọn đèn soi dẫn trong đêm tối để chúng ta khỏi bị vấp ngã và đi tới đích đã được định sẵn cho cuộc đời chúng ta. Đó là chỗ bám cho chúng ta tránh khỏi bị trao đảo khi bước đi trên quãng đường gian nan khó khăn của cuộc sống. Chúng ta hãy cố gắng tạo cho mình một niền tin, dù chỉ ở mức độ bình thường tự nhiên cũng còn hơn không. Có như thế chúng ta mới an tâm vui sống, mới có động lực để chúng ta tiến về phía trước của cuộc sống mà không đứng khựng lại tại chỗ. Và khi chúng ta thấy khó tin được ai hay khi chúng ta cảm thấy khó tin ngay với chính mình, hãy kêu lên Chúa những lời của thánh Tôma: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” ( Ga 20,28 ).
Lm. Giuse Phan Cảnh
BÀI VIẾT LIÊN QUAN