HIỂU VỀ CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU ĐỂ SỐNG TÂM TÌNH TUẦN THÁNH

HIỂU VỀ CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU

ĐỂ SỐNG TÂM TÌNH TUẦN THÁNH

                Chúng ta đã cùng nhau bước vào Tuần Thánh với Chúa Nhật Lễ Lá. Để có thể sống tâm tình của Tuần Thánh cách sốt sắng và ý nghĩa, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

1. Tiến trình bữa Tiệc Vượt Qua của người Do thái.

                 Bữa Tiệc Vượt Qua của người Do thái bắt đầu vào lúc 18 giờ và kéo dài đến 24 giờ đêm, gồm 4 phần, tương đương với 4 chén rượu.

a. Chén rượu thứ nhất : Chén khai vị. Khi ngồi vào bàn tiệc, người ta uống chén đầu tiên; ăn rau đắng, cuộn chấm vào chén giấm chua màu gạch đỏ, để nhớ đến những ngày khổ nạn bên Ai Cập. Mỗi thực khách đều có chén rượu riêng của mình, nhưng trước mặt người chủ tiệc, có một chén rượu to, sẽ được trao cho mọi người theo nghi thức và mọi người uống chung. Chúng ta căn cứ vào đoạn Tin mừng theo Thánh Luca: “Khi giờ đã đến, Đức Giêsu vào bàn, và các Tông Đồ cùng vào với Người. Người nói với các ông: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa”. Rồi Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói: “Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau. Bởi vì, Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Nước Thiên Chúa đến”. (Lc 22,14-18).

b. Chén rượu thứ hai : Sau khi khai vị xong, người ta sẽ dọn các thức ăn trên bàn xuống và dọn các thức ăn chính cho tiệc Vượt Qua gồm: chiên nướng, ngoài ra còn có nhiều món thịt khác nữa, thêm trứng rán, rau. Bắt đầu tiệc, người chủ tiệc long trọng cầm tấm bánh chúc lành cho bữa tiệc. (đây là lúc Chúa Giêsu truyền phép bánh). Thánh Luca kể tiếp: “ Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời cảm ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hy sinh vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thấy”. (Lc 22,19). Sau lời tạ ơn xong, người ta dùng tiệc.

c. Chén rượu thứ ba : Đây là chén Chén chúc tụng: “ Và cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thấy, máu đồ ra vì anh em” (Lc 22,20). Sau khi ăn xong, tất cả những gì còn dư đều dọn được xuống. Đây là lúc Chúa Giêsu truyền phép trên rượu. Chúng ta thấy có hai lần truyền phép, nhưng cách nhau bằng một bữa tiệc. Đầu tiệc truyền phép trên bánh, sau đó là bữa ăn : người ta ăn cả một con chiên và uống thoải mái. sau bữa tiệc, Chúa Giêsu mới truyền phép trên rượu. Nên chúng ta không lấy làm lạ, khi trong Thánh lễ, chúng ta nghe đọc “sau bữa ăn tối”. Sau chén CHÚC TỤNG, người ta sẽ đọc phần đầu của những thánh vịnh HALLEL (Tv 105-107). Rồi tiếp tục nói chuyện và ăn uống với nhau với nhau.

d. Chén rượu thứ tư : Đây là chén kết thúc tiệc. Khi muốn kết thúc tiệc, tức khoảng 24 giờ.    Người chủ tiệc cất tiếng đọc phần cuối các Thánh Vịnh Hallel (Tv 111-115), sau đó các thực khách đều uống chung chén rượu cuối cùng và rời bàn tiệc : lúc đó khoảng 24 giờ khuya. Thánh Luca ghi lại cho chúng ta: “ Hát thánh vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra đi lên núi Ôliu. Đức Giêsu nói với các ông: “Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi sống lại, Thấy sẽ đến Galilê trước anh em”. Ông Phêrô liên thưa: “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không”. Đức Giêsu nói với ông: “Thầy bảo thật anh: hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần”. Nhưng Phêrô lại nói quả quyết hơn: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”. Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy. Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghếtsêmani” ( Mt 26, 30-36 ) .

2. Tại sao Đức Giêsu đến Vườn cây dầu gọi là Giếtsêmani ?

Điều này chúng ta cũng có thể hiều được vì 2 lý do này :

        Thứ nhất: Vào lễ Vượt Qua dân chúng kéo về Giêrusalem quá đông mà sức chứa ở đây có hạn, không đủ chỗ để nghỉ ngơi, ăn uống; thêm nữa, người nghèo không có tiền để vào nhà trọ, nên phần đông tấp vào vườn cây dầu ngoài thành để ngủ qua đêm.

        Thứ hai: Vào thời gian thành phố đầy người, những phần tử bất hảo tụ tập lại trong vườn cây dầu, đặc biệt là nhóm Zelốt, tức là “nhóm dao găm”. Đức Giêsu phải trốn lẫn trong đám dân ô hợp vì lúc đó Đức Giêsu đã bị Công nghị kết án và bắt mọi người “ai biết Người ở đâu” phải chỉ điểm. Có lẽ Người thường đến trú một chỗ nào đó trong vườn, mà Giuđa rất quen thuộc, nên dễ dàng chỉ điểm. Thánh Gioan tường thuật: “Sau khi nói những lời đó, Đức Giêsu đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kítrôn. Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với môn đệ đi vào. Giuđa, kẻ nộp Người, cũng biết nơi này, vì Người thường tụ họp ở đó với các môn đệ” (Ga 18,1).

3. Ông Giuđa có phải xa hỏa ngục đời đời như chúng ta hay nói không?

                Đây là câu hỏi đã gây ra biết bao tranh cãi cho các nhà thần học. Ngày nay các nhà Thánh Kinh và thần học nhìn lại vấn đề này. Họ cho rằng Giuđa tin mạnh mẽ vào Đức Giêsu, tin Người là Thiên Chúa, là Đấng Messia. Bấy lâu Giuđa theo Đức Giêsu, nhưng chỉ nghe Người nói xa nói gần về Nước Thiên Chúa, nhưng không biết thực tế như thế nào. Ông chỉ mong Đức Giêsu thực sự xuất hiện là Đấng Messia với đầy uy quyền, đánh đuổi ngoại bang để đem lại tự do cho dân tộc Do Thái. Ông nghĩ phải đẩy Chúa vào chân tường, vào chỗ nguy hiểm nhất ,thì  có lẽ Người mới thể hiện quyền năng thực sự của mình. Thánh Matthêu ghi lại cho chúng ta : “Bấy giờ họ tiến đến, tra tay bắt Đức Giêsu. Và kìa, một trong những kẻ theo Đức Giêsu liền vung tay tuốt gươm của mình ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai. Đức Giêsu bảo người ấy: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thây sao? Người sẽ cập ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần! Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy” . (Mt 26,50-54).

4. Tại sao vị Thượng tế liền xé áo mình ra khi nghe Chúa Giêsu nói Ngài là Thiên Chúa?


             Khi chúng ta nghe từ xé áo, có lẽ chúng ta sẽ nghĩ rằng vị Thượng tế sẽ xé toang áo ra, nhưng thực ra không phải như vậy: chiếc áo trắng dài mà người Do Thái thường mặc, không có nút nào cả; nơi cổ khoét rộng để lọt đầu, ngay cổ áo có hai dây nhỏ để cột cổ áo. Khi xé áo thì vị thượng tế chỉ cần kéo đứt hai sợi dây nhỏ này mà thôi. Và hành động này thường được diễn ra trong dân Do Thái với hai lý do :

            – khi nghe tin một người thân qua đời ; khi nghe tin tức thống khổ của dân tộc.

            – khi nghe một lời phạm thượng ! bức xúc niềm tin, đau khổ không thể chịu được ! Đương nhiên một khi vị thượng tế xé áo mình ra vì lời phạm thượng, lập tức tất cả các vị tư tế, kỳ lão đang hiện diện cũng phải xé áo mình ra ! Thế là bản án được mặc định ký kết.

5. Chúa Giêsu chịu đánh đòn như thế nào?

             Chúng ta chỉ nghe nói Chúa Giêsu chịu đánh đòn, nhưng Người bị như thế nào, thì không ai biết cả.  Ngày nay, nhờ cuộc khám phá tấm khăn liệm thành Turino của các nhà khoa học, với phương pháp Carbon 14, chúng ta mới có thể hiểu được cuộc đánh đòn này tàn nhẫn như thế nào: Dựa vào các dấu roi trên thân xác tử tội được đặt trong khăn liệm, các nhà khoa học đã kết luận : Vì các vết roi còn ghi lại trên đầu, lưng, hai cánh tay và bên hông, các nhà khoa học xác định : người bị đánh đòn bị trói khom lưng vào một trụ đá, hoàn toàn đưa lưng cho lý hình dễ đánh. Cây roi có một cáng dài độ nửa thước, phía trên có 5 sợi dây da. Mỗi dây có buộc thêm 5 cục móc chì. Như thế, một roi đánh vào đầu hay thân xác người tử tội, gồm 25 cục chì. Tất cả cơn giận giữ họ đã trút lên người Đức Giêsu. Sau trận đòn như thế , Chúa  Giêsu đã mê man vì xuất huyết nội. Những ngọn roi đập vào đầu, vào lưng gây xuất huyết trong sọ, trong phối.  Và người ta nói rằng: Nếu không bị đóng đinh, Chúa Giêsu cũng phải chết vì trận đòn này. Sau trận đòn là những lời chế nhạo người Do Thái : “Lính  điệu Đức Giêsu vào bên trong dinh, tức là dinh tổng trấn và tập trung cả cơ đội lại. Chúng khoác cho Người một tấm ảo đỏ, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người.  Rồi chúng chào bái Người: “Vạn tuế đức vua dân Dothái!”. Chúng dùng cây sậy đập đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy. Chế giễu chán, chúng lột áo điều Người ra để đóng đinh vào thập giá”.  (Mc 15,16-20).

6. Chúa Giêsu chịu đóng đinh như thế nào?

                Thông thường , nhìn những bức tranh hay tượng chịu nạn đều vẽ Chúa Giêsu bị đóng đinh ngay giữa lòng bàn tay. Ngày nay, dựa vào khăn liệm thành Turinô, các nhà khoa học khẳng định : nếu đóng đinh vào giữa lòng bàn tay, khi bị treo lên, đinh sẽ làm tét bàn tay, làm cho thân của người tử tội bị đổ xuống, vì không có một điểm tựa nào chắc chắn. Thế nên, đinh đóng nơi tay, sẽ đóng dưới cùm tay, giữa hai xương cánh tay. Xương cùm tay sẽ giữ cho thân thể người tử tội không bị đổ xuống.

           Về đinh đóng ở bàn chân, có thể một đinh dài đóng cả hai bàn chân để chồng lên nhau, hoặc đóng rời từng bàn chân vào thập giá. Theo các nhà khoa học, tử tội bị treo trên thập giá, có thể sống lây lất từ 3 đến 7 ngày. Để kéo dài thời gian cho tử tội đứng trên thập giá, lý hình thường đóng thêm một cái bệ ở thập giá để từ tội có thể dựa mông vào, hoặc một bệ nhỏ dưới hai bàn chân để giữ thân xác từ tội lại. Vì thế, chúng ta thấy có những họa sĩ vẽ Chúa Giêsu bị đóng hai chân trực tiếp vào bệ nhỏ được đóng thêm vào thập giá.

           Hình thức đóng đinh vào khổ giá mạng hình chữ thập là của dân Ba Tư. Hình phạt này được đế quốc La mã dùng để chỉ phạt những người nô lệ trồn chủ và những kẻ phản loạn chống lại để quốc Rôma. Chúa Giêsu đã chịu hình phạt này như một kẻ nổi loạn chống lại để quốc. Chữ “ INRI”, có nghĩa là:  “Giêsu Nazareth vua dân Do Thái!”. Vì là hình phạt sỉ nhục, nên thuở ban đầu thập giả không thể là biểu trưng của Kitô giáo được, nhưng mãi đến thời hoàng để Constantin (334-337) loại bỏ hình phạt này. Thập giả dần dần đã trở thành biểu trưng của Kitô giáo. Thập giá gồm một cây ngang và một cây dọc thẳng đừng. Kitô hữu đã nhìn vào thập giá để thấy biểu trung liên kết giữa trời và đất. Qua cái chết thập giá, Chúa Giêsu đã giao hòa với trời và đất, giữa Thiên Chúa với con người. Là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chết vì loài người, mở đường cho nhân loại có thể tiến đến Thiên Chúa. Từ đó thập giá là dấu chỉ của sự nguyền rủa đã trở thành dấu chứng của sự giao hòa, tái lập lại liên hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại ; vì thế thập giá cũng đã trở thành dấu chỉ hy vọng của chúng ta : chỉ có Đức Giêsu mới có khả năng nói kết giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và nhân loại.

7. Bảy lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá

       Trên thập giá Chúa Giêsu đã nói 7 lời này:

     1. Bấy giờ Chúa Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,33).

     2. Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,42-43).

     3. Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Êli, Êli, lama sabácthani!”Nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 45-47).

     4. Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. (45) Mặt trời tối đi. Bức màn trưởng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. (Lc 22, 44-46).

     5. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của con”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19, 6-27).

     6. Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Ta khát!” (Ga 19,28).

    7. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19, 29-30).

Linh mục. Giuse Phan Cảnh