BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT I MÙA CHAY – NĂM C

BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT I MÙA CHAY – NĂM C

 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Trong xã hội ngày nay, phần đa mọi người thường quan niệm rằng: để được hạnh phúc thì phải có tiền. Người ta bảo: Có tiền mua tiên cũng được. Quan niệm này xem ra khá đúng, bởi lẽ có nhiều tiền sẽ làm cho con người cảm thấy hưng phấn hơn, vui vẻ hơn. Điều này làm tôi nhớ một về trải nghiệm sau những lần đi tham quan du lịch. Một lần nọ, tôi có dịp ghé thăm bãi biển Sầm Sơn cùng nhóm bạn. Chúng tôi biết rằng Sầm Sơn có khu nghỉ dưỡng FLC rất nổi tiếng, và chúng tôi rủ nhau vào thăm cho biết. Nhưng khi đoàn xe máy chúng tôi vừa đến cổng thì bác bảo vệ ra chặn lại hỏi: Ây, các thanh niên, đi đâu vậy? Chúng tôi xuống xe, rồi xin: Bác cho chúng cháu vào thăm quan một chút. Bác bảo vệ tiếp lời: Ở trong đây không cho xe máy vào đâu. Thế là chúng tôi phải quay xe ra về mà chưa thể vào thăm khu nghỉ dưỡng này. Rồi một dịp khác, chúng tôi lại có dịp nghỉ lễ, và lần này chúng tôi quyết định thuê một chiếc xe con 7 chỗ để đi du lịch, nhóm vẫn muốn vào FLC một lần xem thế nào. Khác với lần trước, khi phát hiện xe chúng tôi xi nhan vào cổng khu nghỉ dưỡng, từ xa, bác bảo vệ cúi mình chào một cách rất trân trọng. Đến gần, tài xế hạ cửa kính xuống, gật một cái, bác bảo vệ kính cẩn: mời anh vào. Cũng cánh cửa ấy, cũng bác bảo vệ ấy nhưng ngồi trên ô-tô nó khác với ngồi xe máy. Dường như trong xã hội ngày nay, con người ta thường định giá nhau dựa vào những thứ anh có: anh đi xe gì? Anh dùng điện thoại gì? Anh đeo đồng hồ gì? Anh mặc bộ đồ thương hiệu nào, anh có loại bằng cấp gì?

Chắc hẳn, trong mỗi chúng ta ít nhiều cũng có trải niệm khi mình có đầy đủ vật chất nó như thế nào rồi: Cái cảm giác sở hữu một chiếc áo mới, một cái điện thoại mới, một cái ô-tô mới, hay xây một ngôi nhà mới, quả thật đó là một cảm xúc hạnh phúc khó có thể diễn tả. Những người công nhân, viên chức sau những ngày tháng làm việc vất vả, đến ngày được nhận lương thì còn gì vui sướng bằng. Tại sao tiền bạc lại có sức hấp dẫn mạnh đến vậy? Đơn giản, có tiền thì mua cái gì cũng được, làm cái gì cũng dễ, nói cái gì cũng đúng. Khi đi đâu đó mà có chút tiền trong ví sẽ thấy mình tự tin hơn, mạnh mẽ hơn. Tiền bạc đảm bảo cho con người một cuộc sống dư dật, sung túc. Và, đi theo đồng tiền vẫn là quyền lực và danh vọng. Cũng vì sức mạnh ghê gớm của nó, nên đối với con người thời đại này, ba thứ: tiền bạc, quyền lực, danh vọng vẫn luôn là một mãnh lực khó có thể chối từ. Thế nên, trong xã hội này có tiền, có quyền, có danh vọng quả thật là rất sướng.

Chúng ta tự hỏi, tất cả những thứ con người làm thước đo cho hạnh phúc liệu chừng đã đủ để thỏa mãn cuộc sống của họ không? Bài Tin mừng hôm nay sẽ mở cho chúng ta một suy nghĩ khác.

Sau ba lần bị ma quỷ cám dỗ, Chúa Giê-su đã thẳng thừng từ chối tất cả những thứ thế gian cho là tiêu chuẩn để đạt được hạnh phúc. Hơn tất cả, Ngài mở cho con người nhận ra rằng hạnh phúc không chỉ hệ tại ở việc no cái bụng, đủ đầy về vật chất hay có một sức mạnh quyền lực, danh vọng trên người khác. Nhưng đó là Nước Trời. Chúa Giê-su là Thiên Chúa, Ngài vốn giàu sang một cách tuyệt đối, Ngài quyền lực hơn tất cả các vua Chúa trần gian này, nhưng Ngài đã từ bỏ tất cả vì con người chúng ta, như trong thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-lip-phê: Chúa Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì, địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế (Pl 2, 6-7). Một vị Thiên Chúa đã từ bỏ cho đến nỗi không có nơi tựa đầu. Một vị Thiên Chúa dám từ bỏ chính bản thân mình để nói cho nhân loại biết hạnh phúc đích thực là được hiệp thông với Thiên Chúa. Nhưng thật tiếc khi con người đã bỏ qua chân lý này để chạy theo những thứ tùy phụ bên ngoài, những thứ chỉ giải quyết được thỏa mãn ngắn hạn mà không thể thỏa mãn được khát vọng sâu thẳm bên trong tâm hồn con người. Đó là khát vọng thiêng liêng mà tâm hồn và thể xác luôn khao khát đó là Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc đích thật.

Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, ma quỷ cám dỗ Chúa Giê-su, nó đã đánh vào điểm yếu của một con người đó là nhu cầu ăn uống, quyền lợi, và sự thỏa mãn bản thân. Tin vào lời dụ dỗ của nó là một sự sai lầm, vì có được những thứ đó chúng ta sẽ đánh mất nhiều thứ khác. Nhưng đáng buồn thay đó cũng chính là sai lầm trong nhận định của con người thời đại, trong đó có chúng ta. Có khi trong đời sống hằng ngày, chúng ta vẫn đi tìm những thứ thế gian vẫn tìm kiếm đó là tiền bạc, quyền lực, và thể hiện cái tôi vị kỷ. Chúng ta đã không ngần ngại sử dụng sử khéo léo để biến lời nói thành cái bánh. Để được ban tặng một cái gì đó mà chúng ta thích, nhiều lần chúng ta đã không ngần ngại bái lạy thế gian, quỵ lụy người ta. Tệ hơn, để có của cải vật chất, có khi, chúng ta vẫn dám làm liều, đánh đổi chính phẩm giá của mình. Đó là 3 cám dỗ khủng khiếp nhất mà ma quỷ bày ra để kéo chúng ta ra khỏi ơn gọi mà Thiên Chúa trao phó, để rồi chúng ta làm theo lời mời gọi của thế gian, ma quỷ và xác thịt.

Trong Mùa Chay thánh này, Thiên Chúa qua Giáo Hội vẫn luôn mời gọi chúng ta hãy thanh lọc tất cả những lời mời gọi mà từng ngày, từng giờ ma quỷ, thế gian vẫn thì thầm bên tai. Bỏ qua những cám dỗ ngon ngọt ấy, chúng ta sẽ được nối lại tình yêu với Thiên Chúa, một mối tình Phụ – Tử bền chặt mà bấy lâu nay vì vật chất đã bị phủ lấp đi; bỏ qua những lời mời mọc của tiền bạc chúng ta sẽ biết cách quay trở lại với tình thân gia đình, nơi có những người thân cận là cha mẹ, vợ (chồng), con cái đang thiếu thốn tình cảm mà chúng ta đã lâu rồi không dành cho họ; bỏ qua cái tôi vị kỷ, vợ chồng sẽ nối lại được tình cảm mà bấy lâu nay đang bị xa cách vì tính hiếu thắng; bỏ đi sự cám dỗ về quyền lực, cha mẹ và con cái sẽ dễ dàng xích lại gần nhau để cảm thông, chia sẻ những nỗi khó khăn; thoát đi cám dỗ của vật chất mỗi người sẽ cảm nhận được đời sống bình an, thanh thản vì được tự do sống là chính mình. Dẫu biết rằng, để duy trì sự sống này cũng cần có những vật chất để phục vụ cho cuộc sống, nhưng cốt lỗi là chúng ta đừng lạm dụng để làm tôi cho nó, tìm mọi cách để có nó mà bỏ qua rất nhiều giá trị cao đẹp. Giá trị Tin Mừng vẫn luôn mời gọi mỗi người hãy biến những của cải vật chất trở thành phương tiện để phục vụ cho ơn gọi nên thánh, giúp chúng ta làm những công việc bác ái và các việc lành phúc đức khác. Còn cuộc đời chúng ta, không phải được xây dựng bởi bất cứ thứ gì khác ngoài Chúa. Chỉ có Chúa mới là của ăn, chỉ có Chúa mới là Đấng chúng ta thờ lạy, chỉ nơi Chúa chúng ta mới thể hiện được con người mầu nhiệm cách tròn đầy nhất. Còn các thứ khác Thiên Chúa sẽ thêm cho chúng ta, hầu giúp chúng ta đạt đến cùng đích là được hưởng hạnh phúc thật với Thiên Chúa. Chúng ta hãy ghi nhớ một quy luật nhân sinh này:

Tiền tài địa vị cũng sẽ tan.

Cao sang danh vọng cũng sẽ tàn.

Phấn son nhan sắc đâu còn mãi.

Chỉ còn Thiên Chúa với đời ai?

Chủng sinh: Maccô Hỏa Văn Lợi