ÐỊNH NGHĨA GIÁO HỘI
Kinh Thánh không định nghĩa Giáo hội, nhưng dựa trên các hình ảnh và ẩn dụ Kinh Thánh, các tác giả đã cố gắng trình tả về Giáo hội. Vậy, Giáo hội được gọi là: “Ítraen của Thiên Chúa,” “Giêrusalem,” “thành trì,” “kiến trúc,” hoặc là “vườn nho” của Thiên Chúa, v.v. Và có nhiều từ ngữ còn sát với ý nghĩa của bản tính Giáo hội hơn nữa, cũng đã được dùng đến, như “dân Thiên Chúa,” “Mẹ chúng ta,” “Nữ trinh,” hay “Hiền thê,” v.v. Qua những cách thức miêu tả Giáo hội như thế, có thể thấy được Giáo hội là gì đối với chúng ta, hay nói cách khác: chúng ta cần phải làm gì để hiệp thông với Thiên Chúa. [1]
Giáo hội là một mầu nhiệm; và đã là một mầu nhiệm, thì không danh từ nào, không công thức nào, [2] có thể định nghĩa cho hoàn toàn đúng được. Dẫu vậy, thể theo ý muốn của Ðức Phaolô VI , công đồng Vaticanô II cũng đã để lại cho chúng ta một vài công thức tương tự như dạng định nghĩa: “Không ai còn có thể do dự được là đã có một ý muốn, một nhu cầu, một bổn phận đòi Giáo hội phải tự định nghĩa về mình một cách xứng hợp hơn” (Diễn văn khai mạc khóa II, ngày 29-9-1963).
Kinh Thánh dùng từ Ekklesía để chỉ định thực tại gọi là Giáo hội. Chính từ này cũng đã là một thứ định nghĩa hay. Từ ekklesía phát nguyên từ đôïng từ ek-kaleôâ có nghĩa là “triệu tập” (convocatio),“nhóm hội,” vừa chỉ về hành động: triệu tập, tụ họp; vừa chỉ về kết quả (thụ động) của hành động là cộng đồng được triệu tập.
Trong môi trường văn hóa Hy lạp, Ekklesía có nghĩa là “đám họp công dân” (x. Cv 19: 32-40), với mục đích thường là pháp lý; ngày nay người ta sẽ gọi đó là cuộc ‘mít-tinh’ do một yếu nhân triệu tập. Nhưng Kitô giáo không mượn từ này từ thế giới Hy lạp đương thời, song là lấy nó từ Kinh Thánh.
Trong Cựu Ước bằng tiếng Hy lạp (bản dịch Bảy Mười: LXX ), từ ekklesía được dùng 96 lần để chỉ cộng đồng Ítraen được triệu tập; trong một số lần từ ấy mang ý nghĩa đời, còn lại thì thường (72 lần) được dùng để chỉ về cuộc hội họp tôn giáo, mà tiếng Do thái gọi là Qahal, thường ghép với từYhwh để tạo thành từ Qahal-Yahweh (hội đồng của Giavê), với ý nghĩa kép: “được Thiên Chúa triệu tập” và “sở hữu của Thiên Chúa” (x. Ðnl 23: 2; 1Sb 28: 8; Nkm 13: 1; Mk 2: 5, v.v.). Cựu Ước dùng 115 lần từ Qahal, trong đó 72 lần với ý nghĩa tôn giáo. Những lần hội họp này sẽ là kiểu mẫu cho cộng đồng kitô, tức Giáo hội. Ngay từ đầu, Giáo hội ý thức rõ mình là một cộng đồng do Thiên Chúa triệu tập, chứ không phải là một đoàn nhóm tụ họp do tự ý hay do ý muốn loài người: Ơn gọi thần linh chính là nguồn phát sinh của Dân Thiên Chúa.
Tân Ước dùng đến nhiều từ khác nhau để gọi các môn đồ của Ðức Giêsu. Nhưng ngay từ đầu, từekklesía đã được chọn để chỉ về các ngài như là danh xưng đặc biệt. Thánh Phaolô dùng 62 lần, sách Công vụ các tông đồ 23 lần, sách Khải huyền 20 lần; còn Tin mừng Nhất lãm thì chỉ dùng có 2 lần trong Matthêu; như vậy, Tân Ước dùng từ ekklesía đến 114 lần. Các văn bản tiếng Latinh đã dùng những từ tương tự. Tertullianô dùng từ curia (Apol. 39); các tác giả khác dùng từ contio, hoặccomitia, v.v… Tuy nhiên, nói chung, Giáo hội không muốn dịch nghĩa, nhưng chỉ muốn chuyển âm thành ecclesia mà thôi. Thật ra, ngôn ngữ Kitô giáo có nhiều ‘thuật ngữ’ như vậy, tức là chỉ phiên các từ Hy lạp ra chữ Latinh, như: episcopus, baptisma, christianus …v.v.
Từ ekklesía có nghĩa trước hết chỉ về cộng đồng kitô nói chung, rồi sau đó mới ngụ ý chỉ về cộng đoàn địa phương. Ngay từ đầu, các kitô hữu đã tự giới thiệu là “Giáo hội của Thiên Chúa” (Cv 20: 28). Ðiều đó chứng tỏ họ đã lấy danh xưng này từ Cựu Ước, và đồng thời họ coi mình là Ítraen mới , Ítraen thực, đang lữ hành trong sa mạc (x. 1Pr 2: 9tt; 2Cr 6: 16: Dt 8: 10, v.v.), là “số tín trung còn lại” giữa số đông chối phản đạo (x. Cv 5: 31-32; 7: 1-53). Giáo hội đã được gọi là ekklesía ngay tại Palestina, như thấy được ở trong Mt 16: 18; 18: 18, và trong Cv, nơi các chương nói về cộng đồng Giêrusalem gốc Do thái (x. Cv 5: 11; 8: 1-3; 9: 31; 12: 1-5). Vậy, xét theo tư thế nào – tức là cộng đồng địa phương hay cộng đồng phổ quát – thì Giáo hội Giêrusalem cũng đã được gọi là Ekklesía. [3]
Ban đầu, “Giáo hội” thường được dùng và hiểu theo số ít (x. Cv 2: 47; 8: 1-3), ngay cả khi có ý nói về Giêrusalem (x. Cv 9: 31); sau này, từ ấy mới được dùng ở số nhiều (x. Kh 1: 4; 11: 20: 2Cr 11: 28, v.v.). Nhưng khi Tân Ước nói về các Giáo hội, thì không hề có ý đề cập đến một thứ liên bang, mà chỉ muốn nêu lên một thực tại duy nhất được hiện thực trọn vẹn trong mỗi cộng đoàn. Chính đó là ý nghĩa muốn biểu đạt qua cách nói: “Giáo hội ở Côrintô” (1Cr 1: 2; 2Cr 1: 1). Giáo hội mang ý nghĩa siêu việt trong tương quan với từng cộng đoàn (x. 1Cr 15: 9; Gl 1: 13, v.v.), và vì thế thánh Phaolô đã có thể đi từ số ít qua số nhiều bằng cách phối hợp cả hai ý nghĩa (x. 1Cr 4: 34; Pl 3: 6, v.v.).
Vậy, ý nghĩa của danh từ ekklesía có thể được tóm gọn như sau: “Nhiều mầu nhiệm cao cả được nói lên qua danh từ EKKLESIA. Trước hết là sự triệu tập… để trực tiếp biểu đạt lòng nhân hậu và ánh huy hoàng của ân sủng Thiên Chúa, cũng như để đánh dấu khoảng cách ngăn giữa Giáo hội và những thực tại trần thế khác. Vì những thực tại này là hậu quả của lý trí và khôn ngoan loài người; còn trái lại, Giáo hội là hậu quả của minh trí và kế hoạch Thiên Chúa. Người dùng tác động và tác vụ của các vị mục tử mà rao giảng để kêu mời tự bên trong lẫn bên ngoài.” [4]
NỘI DUNG CỦA TỪ EKKLESÍA: ÐỊNH NGHĨA CHÍNH XÁC
Vì Giáo hội là một thực tại phức tạp và có thể tìm hiểu từ nhiều quan điểm khác nhau, nên khi định nghĩa Giáo hội, các tác giả thường có khuynh hướng nhấn mạnh cách riêng đến một khía cạnh nào đó. [5]
Về phương diện này, câu định nghĩa sau đây của thánh Rôbertô Bellarminô được coi là cổ điển: “Giáo hội là một xã hội gồm nhiều người liên kết với nhau qua việc tuyên xưng cùng một đức tin kitô giáo, và qua việc tham dự các bí tích, dưới quyền tài thẩm của những chủ chăn hợp pháp, nhất là của Ðức Giáo hoàng, vị đại diện duy nhất tại thế của Ðức Kitô.”. [6] Khái niệm ‘xã hội’ là khái niệm thích hợp nhất để giúp nhận thức đúng về Giáo hội trước những nguy cơ của Tin lành, của phái Jansênio â và Pháp giáo (Gallicanisme ), bởi nó nêu rõ tính chất duy nhất, hữu hình và cơ cấu phẩm trật của Giáo hội, ngược lại với những khuynh hướng duy linh hoặc địa phương hóa đưa tới ly khai. Công đồng Vaticanô II cũng đã dùng đến khái niệm ấy: “Giáo hội được thiết lập và tổ chức trong thế gian này như một xã hội” (LG 8), với những cơ cấu phẩm trật. Công đồng Vaticanô I không dùng từ ‘xã hội’ nhưng lại miêu tả những yếu tố cấu thành Giáo hội theo các loại nguyên nhân: nguyên nhân chất thể là các tín hữu; nguyên nhân mô thức là mối hiệp nhất trong đức tin và dây hiệp thông; nguyên nhân cứu cánh là nhân tố làm cho công trình cứu chuộc được trường tồn; và nguyên nhân dụng cụ là các chủ chăn, tức những vị phục vụ sự hiệp nhất; tất cả được thiết đặt theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Ðịnh nghĩa như thế vẫn chưa đủ. Còn cần phải nêu rõ thêm rằng Giáo hội là một xã hội đặc loại, vì Giáo hội bao gồm những yếu tố vượt quá trật tự xã hội tự nhiên: tức là những gì thuộc lãnh vực hay bình diện siêu nhiên của Hội thánh.
Ðể vượt ra ngoài những giới hạn pháp lý của phạm trù ‘xã hội,’ các nhà thần học đã cầu đến khái niệm “hiệp thông .” Hiệp thông là gì? Thưa là một thực tại phức tạp, nhưng có thể tạm nói đó là tương quan liên vị giữa Thiên Chúa và con người, cũng như giữa loài người với nhau: F. Pilgram quan niệm như vậy. [7] Còn J. Hamer thì định nghĩa: “Giáo hội là nhiệm thể Chúa Kitô, nghĩa là một sự hiệp thông vừa bên trong vừa bên ngoài, làm cho sống kết hợp với Ðức Kitô, bởi đã được gầy dựng nên do nhiệm cục của Ðức Kitô trung gian.” [8] Công đồng Vaticanô II nêu bật aun niệm này ở nhiều nơi, như LG 4 chép “Thần khí thống nhất Giáo hội nơi việc kết hiệp (communione) và phục vụ (ministratione), trang bị và dẫn dắt bằng nhiều ân huệ khác nhau (x. Ep 4: 11-12; 1Cr 12: 4; Gl 5: 22).” [9]
Quan niệm Giáo hội như là hiệp thông đáng được đặc biệt đề cao, bởi nó nêu bật những chiều kích siêu nhiên của Giáo hội; chỉ có một điều cần phải lưu ý là đừng lãng quên đi yếu tố hữu hình và tổ chức trong Giáo hội. Vì thế, Pilgram đã cẩn thận ghi thêm để bổ túc, điều ông gọi là một yếu tố biệt loại (sui generis), tức khái niệm politeia (tương tự như một thành phố hay một quốc gia),nghĩa là Giáo hội cũng phải có một cơ cấu tổ chức thuộc thần quyền . Hôm nay nhiều nhà thần học ưu đãi khái niệm hiệp thông trong Giáo hội học. [10]
Giáo Hội: Nhiệm Thể Của Ðức Kitô
Công đồng Vaticanô I đã muốn định nghĩa Giáo hội như là thân thể huyền nhiệm; [11] nhưng các nghị phụ đã không đồng ý với cách miêu trình như thế về Giáo hội, vì đó là một ẩn dụ: các ngài e rằng lối diễn đạt ấy sẽ làm cho rơi vào một thứ thần bí quá khích và bỏ quên đi những khía cạnh cụ thể hữu hình của Giáo hội. Thật ra, các nhà thần học cũng tránh dùng cách nói ấy: trongDictionnaire de Théologie Catholique của Vacant-Mangenot-Amann (năm 1923) không thấy có mục từ Nhiệm theå; còn Catholic Encyclopedia , New York 1907-1912, thì chỉ có một nửa cột viết về đề mục này; các bộ: Kirchliches Handlexicon của M. Buchberger , Freiburg 1907-12, Từ Ðiển Thánh Kinhcủa F. Vigouroux (Paris 1895-1912) và Dictionnaire Biblique. Supplément của L. Pirot cũng chẳng đề cập gì đến chủ đề Nhiệm thể.
Chính Kinh Thánh đã gọi Giáo hội là “thân thể Ðức Kitô;” vậy, khi ghép thêm tính từ “huyền nhiệm”(mysticum), thì một cách nào đó, đã làm ẩn dụ ấy trọn nghĩa. Ðức Piô XII viết: “Ðể định nghĩa, để mô tả khuôn mặt thật của Giáo hội Chúa Kitô, ta không thể tìm thấy thành ngữ nào hay hơn, hoàn hảo hơn, và hoà hợp với khía cạnh thần linh hơn là những thành ngữ “nhiệm thể của Ðức Kitô.’ [12] Dù không đưa ra một định nghĩa duy nhất về Giáo hội, công đồng Vaticanô II cũng đã dành trọn cả số 7 của Hiến chế về Giáo hội để trình bày về thực tại và thực chất của “nhiệm thể.”
Như vậy, Giáo hội là một “thân thể” bao gồm tất thảy những người có cùng một đức tin và đã chịu cùng một phép rửa, qui tụ dưới sự chỉ đạo của một thừa tác vụ phẩm trật, và họ được liên kết với Ðức Kitô, cũng như với nhau bằng những giây liên hệ siêu việt vượt ra ngoài mọi thứ phạm trù nhân loại như: “cùng đích chung,” “phương tiện,” “liên đới,” “niềm tin,” hoặc cả “tình yêu hỗ tương,” v.v. Có thể so sánh những giây liên kết ấy với các mối tương quan sống động giữa đầu và các chi thể trong một thân thể.
Hiến chế Lumen Gentium của Vaticanô II đã định nghĩa Giáo hội như “một thứ bí tích trong Ðức Kitô, hoặc như dấu chỉ, như khí cụ của sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất giữa toàn thể nhân loại” (LG 1). Trong câu này, từ ‘bí tích’ mang ý nghĩa loại suy trong tương quan với ‘bảy bí tích’ của sách bổn, theo nghĩa hẹp. ‘Bí tích’ đây mang ý nghĩa nêu bật mối liên hiệp giữa những yếu tố hữu hình và vô hình trong một tác động duy nhất nhằm tới việc thực hiện công trình cứu độ thế giới. Hai chiều kích dọc và ngang – tức thái độ tùy thuộc vào Thiên Chúa và tầm hướng nhìn về loài người – được phối hợp hài hòa. Giáo hội vừa mang tính chất vật thể mà vừa tiềm chứa năng động thần linh. Giáo hội chính thống dùng ý niệm tương tự, khi nêu bật tính “thần-nhân” của Hội thánh. [13] Ðịnh nghĩa như thế thì quả là hay đẹp, nhưng vẫn còn cần phải được bổ túc bởi những cách thức định nghĩa khác. [14]
Tên gọi Giáo hội là “dân Thiên Chúa ” phát xuất từ Kinh Thánh. Trong phụng vụ thành ngữ này xuất hiện mọi nơi, và các Giáo phụ đã dùng nhiều đến khái niệm này, còn công đồng Trentô thì đã giải thích. Trái lại, họa hiếm lắm Giáo hội học mới dùng đến phạm trù “dân Chúa.” Năm 1940, phát biểu qua cuốn Ekklesiologie im Werden (Giáo hội học trên đường hình thành), M. D. Koster chủ trương rằng thay vì “nhiệm thể,” ý niệm “dân Thiên Chúa” phải được coi là cột xương sống của khoa Giáo hội học. Dù vậy, ba năm sau, thông điệp Mystici Corporis đã làm cho thần học tạm bỏ quên ý niệm “dân Chúa.”
Lợi thế của danh xưng “dân Thiên Chúa” là nói lên mối liên hệ giữa Giáo hội và Ítraen , làm nổi bật chiều kích lịch sử và những quan hệ của Ítraen với các dân tộc khác trên mặt đất. Ðịnh nghĩa này cũng nói lên khá rõ ràng việc Giáo hội thuộc về lãnh vực của lời Chúa hứa và quyết định tuyển chọn của Người cùng giáo ước (1Pr 2: 9-10). Ý niệm “dân Thiên Chúa” cũng nêu rõ tính chất xã hội và phẩm trật của Giáo hội. Cuối cùng, “năng động cánh chung” của Giáo hội cũng tỏ lộ rõ ràng: như là dân lữ hành, Giáo hội đang tiến về “đất hứa” là Nước Thiên Chúa.
Vì thế, M. Schmaus đã định nghĩa “Giáo hội là dân Thiên Chúa của Tân Ước, do Ðức Kitô thiết lập, có cơ cấu phẩm trật, có nhiệm vụ phục vụ Thiên Chúa và công cuộc cứu rỗi mọi người; một dân hiện hữu cụ thể trong dạng cách ‘nhiệm thể’ Ðức Kitô.” [15] Như vậy, tác giả đã nối kết hai khái niệm ‘dân Chúa’ và ‘thân thể Ðức Kitô’ lại với nhau. B. Lambert cũng quan niệm như của Schmaus, dù có khác nhau trong một vài điểm; ông viết: “Giáo hội là dân của Tân Ước được Chúa Thánh Linh và chứng từ của các tông đồ triệu tập, được tụ hợp lại trong Ðức Kitô do tác động thần linh nhờ đức tin và phép rửa, để tạo thành thân thể Ðức Kitô. Trong dân này, Thiên Chúa đã mạc khải cách hữu hình sự hiện diện cứu độ của Người cho thế gian và giữa thế gian, nhờ Lời và Bí tích, qua trung gian những chứng từ của các tông đồ, qua các thừa tác vụ và nhiệm vụ, để kiến tạo Nước Thiên Chúa.”
Quan niệm Giáo hội như là dân Thiên Chúa đã được Vaticanô II dứt khoát phê chuẩn trong chương hai của Hiến chế tín lý về Giáo hội. Quan niệm này nêu rõ vai trò của các tín hữu, sự bình đẳng cân bằng của mọi kitô hữu trong tính tư tế chung và cảm thức đức tin , vai trò tích cực của Giáo hội ở trong thế giới, và sự khác biệt giữa các phận vụ cùng công tác phục vụ chung, nhắm tới cùng một cứu cánh duy nhất.
Giáo Hội: Hiện Thân Của Ðức Kitô Và Thần Khí
Nhiều tác giả khác thì nhấn mạnh đến khía cạnh nhiệm mầu và những yếu tố vô hình của Giáo hội. Nổi tiếng nhất là quan điểm của Johann Adam Mošhler (1796-1838): “Giáo hội hữu hình là chính Con Thiên Chúa hằng tỏ mình cho nhân loại dưới lốt phàm nhân, tự đổi mới không ngừng mà vẫn giữ nguyên như cũ, tức Giáo hội là cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa, một cuộc nhập thể kéo dài cho đến mãi mãi.” [16] Xét cho cùng, lối định nghĩa này phù hợp với ý niệm “nhiệm thể,” và được diễn đạt theo một dạng miêu tả độc đáo và sống động. Sau Vaticanô II, H. Mušhlen đã đề nghị cách định nghĩa Giáo hội theo Thần Khí học; ông quan niệm Giáo hội “như una mystica persona (một ngôi vị huyền bí), như “mầu nhiệm đồng nhất hóa” Thánh Thần với các kitô hữu nơi Ðức Kitô: một ngôi vị trong nhiều nhân vị. [17] Ðến độ có người đã dám coi Giáo hội như một thứ nhập thể của Thánh Linh. Lợi điểm của quan niệm này là nêu bật vai trò của Thánh Thần trong Giáo hội cùng giây liên kết với Ðức Kitô. Mọi năng lực siêu nhiên của Giáo hội đều do Thần Khí mà có.
Một số tác giả khác lại muốn tổng hợp cả hai quan niệm vừa kể trên đây: “Giáo hội là [hiện thân của] Ðức Kitô phục sinh cùng là Thần Khí của Ngài, và được coi như là mối liên hệ cứu độ nối kết mọi người; mối liên hệ này hiện hữu cách tất yếu, hiện thời, năng động và vĩnh viễn, được tỏ lộ cách khả giác … ngõ hầu mọi người có thể hiệp thông với Thiên Chúa cũng như với nhau, và cả vớùi muôn vật trong ngày cuối cùng.” [18] Muốn bảo toàn các yếu tố xã hội của Giáo hội, K. Rahner đã phát biểu là: “Giáo hội là một cộng đoàn được Chúa Kitô kết dựng với tính cách xã hội theo pháp lý. Trong đó, qua đức tin, đức cậy và đức mến, Thiên Chúa tự mạc khải mình cho con người trong Ðức Kitô, ngay giữa thế giới và cho thế giới, dưới dạng thể chân lý và tình yêu, như Người đã định từ muôn thuở.” [19]
Những định nghĩa vừa nêu trên đây và cả những định nghĩa khác nữa, tất cả đều ra sức nêu bật những yếu tố coi như tất yếu và chủ chốt nhất trong bản chất của Hội thánh. Nhưng công thức định nghĩa nào cũng đều phải cần đến các yếu tố bổ túc bởi của những công thức khác. Quả thế, không thể làm khác hơn, bởi Giáo hội là một thực tại phức tạp và rất phong phú; rồi còn hơn thế nữa, bởi Giáo hội là một mầu nhiệm. Thế nên, nhiều nhà thần học nghĩ rằng tốt hơn hết là nên mô tả Giáo hội theo nhiều phương diện và cách thức khác nhau, xét vì không một công thức định nghĩa nào có sức biễu trình Giáo hội cho đầy đủ hoàn toàn được. [20] Trong truyền thống, các tác giả thường dùng những ẩn dụ rút từ Kinh Thánh, có tính cách gợi ý hơn là định nghĩa. Trong cách thức đó, Giáo hội cũng được gọi là “đoàn chiên nhỏ” hoặc “Hiền thê Ðức Kitô;” còn cách gọi “Giáo hội từ Abel” là để nói lên sự việc Giáo hội hiện diện suốt trong toàn bộ tiến trình lịch sử nhân loại. Cũng còn nhiều cách gọi hoặc biểu đạt khác, như là: ecclesia vocandorum , tức Giáo hội của những kẻ được kêu mời; “Giáo hội ba thành phần” (ecclesia tripartita ), hay Giáo hội ba giai đoạn: Giáo hội chiến đấu (nơi trần thế), Giáo hội vinh thắng (ở trên trời) và Giáo hội luyện trạng (trong luyện ngục). Công đồng Vaticanô II đã dùng trở lại các hình bóng của Kinh Thánh về Giáo hội như: đoàn chiên, ngôi nhà hay gia đình của Thiên Chúa, đền thờ, hiền thê Ðức Kitô, mẹ chúng ta, v.v… nhưng rồi cũng không định nghĩa Giáo hội là gì. Vậy, ít nhất phải dùng đến hai mệnh đề để miêu trình về Giáo hội: một để diễn tả các khía cạnh nhân loại, xã hội, hữu hình… và một để chỉ về các yếu tố siêu nhiên, thần linh, vô hình… Phàm nhân sẽ không bao giờ thấu hiểu được Giáo hội là gì, cho đến khi được chiêm ngưỡng Hội Tha ùnh thành tựu vinh quang trong “ngày Tiệc Cưới của Chiên Con.”
[HTTH SỐ 20&21, NĂM THỨ TÁM (1998)]
[1] Xem Rokhof, H.W. , The concept of the Church; a methodological inquiry into the use of metaphors in Ecclesiology, Sheed & Ward, Patmos 1981. Về quan niệm chính thống xin xem Trembelas, P. , Dogmatique de l’Église orthodoxe catholique, Chevetogne 1967, II, 366tt.
[2] Chẳng hạn: “các thánh,” “Kitô hữu,” “tín hữu,” “môn đồ của người Galilêa,” “khách lữ hành,” “dân được tuyển chọn,” “dân thánh,” “dân Thiên Chúa,” “huynh đệ,” “Ítraen mới, hoặc của Thiên Chúa, hoăc Ítraen thực,” “đền thờ Thiên Chúa,” “nhà Thiên Chúa,” “dòng dõi Abrahan,” “Nước Tròi,” “Thân mình Ðức Kitô,” “vườn nho,” “đàn chiên…” vv, và nhiều hơn chúng ta có thể đọc được trong Tân Ước.
[3] Cha E. Schillebeeckx viết “Trái với lập trương trước, ý nghĩa phổ quát của từ ekklesia không phải là một sự ‘đổi mới’ của từ ấy, song là ý nghĩa nguyên thủy từ lúc đầu (xem Gl 1:13; 1Cr 15:9; Pl 3:6)”, trong Church, The Human Story of God, New York 1993, trg. 147
[4] Giáo lý Công Ðồng Trentô, I.10.3.
[5] Xem Dulles, Avery , Models of the Church, expanded edition, N.Y.: Doubleday 1987.
[6]Opera omnia, éd. Justin Fèvre, Paris, 1870, II, trg. 316-318; vì người ta đã nói nhiều về câu này nên phải đọc nguyên văn: Tôi nói rằng GH là “coetum hominum ejusdem chritianae fidei professione colligatum, et eorundem sacramentorum communione collegatum, sub regimine legitimorum pastorum, ac praecipue unius Christi in terris Vicarii Romani Pontificis.” Bellarmino cũng biết đến chiều kích bề trong hoặc “linh hồn” của GH, nghĩa là những ơn của Thần khí, đức tin, cậy, mến, vv;. vì thế phân biệt những thành viên của GH làm ba nhóm: những người thuộc về xác lẫn hồn của GH, những ai chỉ thuộc về xác (các tội nhân), và những ai chỉ thuộc về linh hồn (có đức tin mà chưa chịu phép Rửa tội).
[7] F. Pilgram , Psychologie der Kirche, 1860.
[8] Xem J. Hamer , L’Église est une communion, (Unam sanctam 40), Paris: Cerf 1962, ch. IV.
[9] Xem Philips, G. , L’Église et son mystère au IIe concile du Vatican, Paris 1967, nơi cắt nghĩa số này.
[10] Garijo-Guembe, M.M. , Communion of the Saints. Foundation, Nature, and Structure of the Church, Collegeville, Mn. 1994; Nwaigbo, F. , Church as Communion: An African Christian Perspective. Theology of the Local Church in the Light of the Second Vatican Council, Bamberg, 1996; Rigal, J. , L’ecclésiologie de communion. Son évolution historique et ses fondements, Paris: Cerf 1996; Schindler, D.L. , Heart of the World, Center of the Church: Communio Ecclesiology, Liberalism and Liberation, Grand Rapids, 1997.
[11] Xem Mansi 51. 751-763.
[12] AAS 35 (1943) 199.
[13] Xem Evdokimov, P. , L’orthodoxie, Neuchâtel, 1959.
[14] Xem McPartlan, P. , Sacrament of Salvation; an introduction to eucharistic ecclesiology, Edinburgh: T&T Clark, 1995.
[15] M. Schmaus , Katholische Dogmatik III/I, Muenchen 1958, 40-48.
[16] J.A. Moehler , Symbolik, §36; xuất bản do J.R. Geiselmann, Harmstadt 1958, I, trg. 389.
[17] H. Muehlen , Una Mystica Persona, Muenchen 1964; bằng tiếng Pháp: L’Esprit-Saint dans l’Église; xem G. Dejaifve , “Un tournant dans l’Ecclésiologie, “Nouv.Rev.Théo. 87 (1965) 961tt.
[18] Xem P. Chirico , “One Church: What does it mean?”, Theol. Studies 1967, 668.
[19] Karl Rahner , Handbuch der Pastoraltheologie, Freiburg-Basel-Wien: Herder 1964, I, trg. 118-119.
[20] Xem Y. Congar , “Peut-on définir l’Église?,” trong La Sainte Église (Unam sanctam 41) Paris 1964, 21-44; Fenton , J.C., “Scholastic Definitions of the Catholic Church,” Amer.Eccl.Review 59 (1969) 59-69; 131-145; 218-228.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN