BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II TN – NĂM C
NGƯỜI BẢO GÌ CÁC CON CỨ LÀM THEO
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Đọc Tin mừng của Thánh Gioan chúng ta thấy, Đức Mẹ chỉ xuất hiện có hai lần mà thôi: Lần thứ nhất Đức Mẹ xuất hiện vào đầu cuộc sống công khai của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana và, lần thứ hai vào cuối cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu tại đồi Golgotha, dưới chân cây Thập Giá.
Trong Tin mừng hôm nay tại tiệc cưới Cana miền Galilê, Đức Mẹ đã tỏ rõ sự chăm sóc, lo lắng, quan tâm của một người Mẹ đối với con cái, qua việc Mẹ nói với Chúa Giêsu, con của Mẹ rằng : “ Họ hết rượu rồi” ( Ga 2,3 ).
Chúng ta biết rằng, theo tục lệ của người Do Thái, đám cưới thường kéo dài trong 7 ngày. Trong 7 ngày này, các thực khách được mời đều có thể dự suốt từ đầu tới cuối. Tuy nhiên đây không phải là điều bó buộc. Chính vì thời gian ăn cưới kéo dài như vậy, và có lẽ gia chủ được sự mộ mến của nhiều người, nên việc dự trù rượu cho thực thực khách uống của gia chủ không được chính xác. Cũng vẫn theo quan niệm của người Do Thái, thì việc hết rượu nửa chừng trong bữa tiệc cưới, đó là một điều làm tổn thương đến danh dự của gia chủ không ít. Nó cũng còn bị coi như là một dấu hiệu tiên báo một điều bất hạnh cho đôi tân hôn, một sự xui xẻo nào đó.
Thế nhưng việc thiếu rượu trong một đám cưới đông người và lại kéo dài như thế đâu có phải là một vấn đề dễ giải quyết. Trước tình trạng quẫn bách đó của gia chủ, Mẹ Maria đã cảm thông. Mẹ đã có sáng kiến chia sẻ nỗi khổ tâm của gia chủ, cũng như của đôi tân hôn hôm đó. Đồng thời cũng biểu lộ một sự chăm sóc đầy tính cách hiền mẫu của Mẹ. Hơn ai hết Mẹ Maria biết rõ Chúa Giêsu, con Mẹ là người thế nào rồi. Ngài là một Thiên Chúa quyền năng trong hình hài thể xác của một con người. Chính sự hiểu biết đó đã là động cơ khiến Mẹ xin với Chúa Giêsu, làm một việc, mà Mẹ biết rõ không ai có thể làm được, để cứu vãn danh dự cho gia chủ của bữa tiệc và cho đôi tân hôn. Chúng ta nghĩ gì, nếu bữa tiệc hôm đó hết rượu ? Một điều chắc chắn là cuộc vui sẽ chấm dứt. Như chúng ta biết, rượu trước hết là dấu chỉ của niềm vui. Chả thế mà trong Thánh vịnh đã viết rằng : “ Rượu làm hoan lạc lòng người” ( Tv 104,15 ). Vì thế, Mẹ đã đến nói với Chúa Giêsu, con của Mẹ rằng : “Họ hết rượu rồi” ( Ga 2,3 ).
Qua những lời này, Mẹ đã muốn nói gì với Chúa Giêsu, Con của Mẹ ? Có phải đây là một lời nhắc nhở về tình hình rượu để cho Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài uống ít đi không? Chắc chắn là không, bởi vì Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài có bớt “chén chú chén anh” đi nữa, thì cũng không thấm vào đâu, để có thể cứu vãn tình trạng thiếu rượu trong một đám cưới đông người, và kéo dài ngày như thế được. Vậy thì những lời “ Họ hết rượu rối” của Mẹ Maria ở đây có ý nghĩa gì ?
Lời xin của Đức Mẹ vô cùng tế nhị. Mẹ đã không xin với con của Mẹ rằng: “ con hãy làm phép lạ cho họ đi, họ đáng thương lắm”, bởi làm như thế, một cách nào đó có thể hiểu là Mẹ ra lệnh. Nhưng ở đây, Mẹ chỉ trình bày một sự thật. Sự thật đó là “Họ hết rượu rồi”. Hết rượu thì cuộc vui sẽ chấm dứt, và như thế, đối với đôi tân hôn, còn gì đáng thương hơn nữa không ? Với ánh mắt khẩn khoản, với giọng nói van xin, những lời “ Họ hết rượu rồi” của Mẹ Maria, đã trở thành một lời cầu bầu, thể hiện vai trò trung gian của Mẹ với Chúa Giêsu.
Có một điều trong Tin mừng mà chúng ta không thể nào không chú ý đến được, đó là câu trả lời của Chúa Giêsu, một câu trả lời đã khiến cho chúng ta, những người nghe, không thể nào không sửng sốt, Thánh Gioan ghi lại lời của Chúa Giêsu nói với Mẹ Ngài lúc đó rằng : “ Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” ( Ga 2,4 ).
Khi giải thích đoạn Tin Mừng này, các học giả Thánh Kinh đã không nhất trí với nhau về ý nghĩa câu trả lời trên đây của Chúa Giêsu.
Có ý kiến cho rằng, câu đó mang một ý nghĩa trách móc, xem ra như Chúa Giêsu muốn nói với Mẹ Ngài rằng, việc đó có liên quan gì đến bà đâu mà bà xen vào làm gì ? Nếu hiểu theo ý nghĩa này, thì chúng ta phải phỏng đoán rằng, khi nói những lời này, Chúa Giêsu đã cau nét mặt.
Nhưng cũng có ý kiến lại cho rằng, câu trả lời của Chúa Giêsu ở đây, chỉ là một lối trả lời tránh né. Ngài không muốn từ chối, nhưng cũng không muốn nhận lời, xem ra như Chúa muốn nói với Mẹ Ngài là cứ từ từ để xem sao đã.
Sau cùng còn có ý kiến cho rằng, câu trả lời của Chúa Giêsu ở đây ngụ ý cho thấy rằng, Ngài và Mẹ Ngài không ở trên một bình diện. Đây là điều mà chính Đức Maria đã ý thức rõ ràng khi Ngài đến nói với con Ngài : “Họ hết rượu rồi”.
Cũng trong câu trả lời của Chúa Giêsu, Ngài quả quyết rằng , giờ Ngài chưa đến. Trong Thánh Kinh, khi nói đến giờ của Thiên Chúa là có ý nói đến sự vinh quang. Nhưng giờ phút vinh quang của Chúa Giêsu đã được ấn định theo ý của Thiên Chúa Cha hết cả rồi. Bởi đó, khi nói với Đức Mẹ, giờ của Ngài chưa đến, thì Chúa Giêsu muốn nói với Mẹ Ngài rằng, Ngài phải làm theo ý của Thiên Chúa Cha, chứ không thể làm theo ý của ai khác được.
Điều mà chúng ta ghi nhận được ở đây chính là sự am hiểu nhau của Đức Maria và Chúa Giêsu. Sự am hiểu đó đã khiến Mẹ bất chấp câu trả lời của Chúa Giêsu và Mẹ đã nói với những người giúp việc với một lòng tin tưởng, không chút nghi ngờ rằng: “ Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” ( Ga 5,2 ).
Kính thưa cộng đoàn,
Chúng ta đang sống trong một thế giới, một xã hội bon chen, đầy những bất công, lừa đảo, có thể chúng ta đã trở nên những con người “lòng chai dạ đá”, nghĩa là làm ngơ trước những nỗi thống khổ của những người khác. Lối sống thiếu bác ái đó đã không đem lại lợi ích nào cho chính chúng ta cũng như những người khác. Lối sống đó chỉ biến chúng ta thành những con người ích kỷ sống cho chính mình. Lối sống đó, dần dần làm cho chúng ta trở thành một ốc đảo giữa xã hội này.Thật là một điều vô cùng an ủi cho chúng ta, những người đang sống trong cuộc đời đầy khốn khổ này. Khổ vì việc đi tìm miếng cơm manh áo, khổ vì những chèn ép bất công, khổ vì những tranh giành quyền lợi… Tất cả những nỗi thống khổ ấy, Đức Mẹ đều thấu suốt cả. Mẹ cũng đã trình bầy tất cả những nỗi thống khổ ấy với Con của Mẹ, như Mẹ đã làm tại tiệc cưới Cana xưa. Rồi Mẹ lại căn nhặn chúng ta hôm nay : “Hễ Người bảo gì thì hãy cứ làm theo”. Có thể Ngài bảo chúng ta phải làm những công việc xem ra như vất vả vô ích, như Ngài đã bảo những người giúp việc trong tiệc cưới Cana ngày xưa, là múc nước đổ vào chum. Những việc đó, hôm nay có thể là bệnh hoạn tật nguyền, có thể là nghèo túng khổ cực. Nhưng nếu chúng ta biết tuân theo lời căn nhặn của Đức Mẹ, thì chắc chắn chúng ta sẽ được hưởng một phép lạ, không phải biến nước thành rượu, mà là biến đau khổ thành niềm vui và hy vọng.
Sự hiện diện của Đức Mẹ, Chúa Giêsu và các Môn Đệ của Ngài trong bữa tiệc cưới này cho thấy mối liên hệ gia đình giữa Đức Mẹ, Chúa Giêsu với gia chủ bữa tiệc cưới. Nhưng đồng thời cũng nói lên mối quan tâm của Chúa Giêsu và Đức Maria đối với bậc sống lứa đôi, một bậc sống cũng có những đặc tính siêu việt, cao trọng, chứ không phải như một số người vẫn thường quan niệm một cách ngược lại.
Sự hiện diện đó cũng nói lên một nét hài hoà thật tốt đẹp giữa sở thích sống cuộc sống trinh khiết, độc thân và cuộc sống lứa đôi. Sự hài hoà đó, cho phép chúng ta đi đến một kết luận rằng, giá trị của cuộc sống, không hệ tại ở bậc sống, nghĩa là không hệ tại việc sống trong bậc tu trì, độc thân, hay bậc sống lứa đôi, mà hệ tại ở việc có trung thành với những đòi buộc của bậc mình đã chọn sống hay không. Chính tại tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu đã chúc phúc cho đôi bạn trẻ và cũng từ đây Ngài thiết lập Bí tích Hôn Phối như là dấu chỉ của sự trung thành trong tình yêu giữa người nam và người nữ. Và như vậy, Bí tích Hôn Phối có trước bí tích truyền chức và đời sống hôn nhân có trước đời sống tận hiến. Đó là một hồng ân và cũng là trách nhiệm mà mỗi cặp vợ chồng phải chu toàn trong đời sống của họ, như câu chuyện sau:
– Anh yêu! anh đi bộ quanh phố với em nhé?.
– Uhm.
– Anh ơi, em không muốn đi trước.
– Vậy em đi đằng sau anh nhé!
– Anh ơi, em cũng không muốn đi sau.
– Vậy em muốn đi như thế nào?
– Em muốn đi song song với anh, vì: Có những khó khăn em không thể vượt qua được khi ở đằng trước. Nhưng em cũng không muốn ở đằng sau, bởi anh sẽ không chịu được những mất mát, khó khăn hơn nữa. Vì vậy chúng ta nên đi cùng nhau, song song với nhau. Cùng vượt qua những khó khăn này. Không ai phải hứng chịu trước.
Câu nói: “ Họ hết rượu rồi”, đó có thể cũng là những lời mà Đức Mẹ đã nói với Chúa Giêsu khi Mẹ thấy những gia đình đang cạn dần đi “ chén rượu tình thương”. Thời gian, tính tình, thói quen, tập quán của nhau, cũng như những hoàn cảnh về sức khỏe, về kinh tế…có thể đã làm vơi đi tình thương trong các gia đình. Đó chính là những lúc chúng ta cần đến những phép lạ. Để có rượu mới và ngon, thì Đức Mẹ đã xin điều đó với Chúa, nếu chúng ta biết mời Chúa và Mẹ đến với gia đình của mình thì chúng ta sẽ hạnh phúc.
Lm. Giuse Phan Cảnh
BÀI VIẾT LIÊN QUAN