NĂM THÁNH 2025 – CÙNG NHÌN VỀ BÍ TÍCH HÒA GIẢI LÀ BÍ TÍCH CỦA TÌNH THƯƠNG THIÊN CHÚA ĐỂ GIÚP CHÚNG TA SỐNG NIỀM HY VỌNG

NĂM THÁNH 2025

CÙNG NHÌN VỀ BÍ TÍCH HÒA GIẢI LÀ BÍ TÍCH CỦA TÌNH THƯƠNG THIÊN CHÚA ĐỂ GIÚP CHÚNG TA SỐNG NIỀM HY VỌNG

 

Chúng ta bước vào Năm Thánh 2025 với chủ đề: “ PILGRIMS OF HOPE – NHỮNG NGƯỜI HÀNH HƯƠNG CỦA HY VỌNG ”. Mở đầu bài hát chính thức của Năm Thánh, chúng ta được nghe những lời đầy hi vọng : “ Đang bừng cháy trong con ngọn lửa hy vọng…”. Quả thật, Năm Thánh là cơ hội để chúng ta làm sống lại niềm hy vọng, là dịp để tìm lại Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình. Đồng thời, Năm Thánh luôn là dịp để mỗi chúng ta cảm nghiệm về sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong dòng suy tư ấy, chúng ta cùng nhìn về Bí tích Hòa giải là bí tích của tình thương Thiên Chúa để giúp chúng ta sống niềm hy vọng trong Năm Thánh đặc biệt này.

  1. Bí tích Hòa giải với những tên gọi khác nhau.

Khi nói đến Bí tích Hòa giải, chúng ta thường nghe nhiều tên gọi khác nhau. Tuy nhiên, mỗi tên gọi đều diễn tả những ý nghĩa thần học của bí tích này.

Trước hết, với tên gọi Bí tích Hoán cải. Đây lời Chúa Giêsu mời gọi hối nhân hoán cải trở về với Thiên Chúa mà họ đã xa cách vì tội lỗi.

 Thứ đến, với tên gọi Bí tích Thống hối hay Sám hối. Điều này diễn tả tiến trình hoán cải, sám hối và đền tội của hối nhân trong việc lãnh nhận Bí tích.

Tiếp theo, với tên gọi Bí tích Xưng tội. Đây là hành vi xưng thú tội lỗi của hối nhân với Cha giải tội. Theo nghĩa sâu xa hơn, bí tích này là sự tuyên xưng con người nhận biết và ca ngợi sự thánh thiện của Thiên Chúa và lòng từ bi của Ngài đối với người tội lỗi [1].

 Cùng với đó, với tên gọi Bí tích Tha thứ hay Giải tội. Vì trong bí tích này, Thiên Chúa tha thứ cho hối nhân những tội lỗi mà họ đã xúc phạm đến Ngài và đến anh chị em.

Cuối cùng, với tên gọi Bí tích Hòa giải hay còn gọi là Bí tích Giao hòa. Vì qua Bí tích này, hối nhân được hòa giải với Thiên Chúa.

  1. Bí tích hòa giải là bí tích phục hồi chúng ta tước vị làm con của Thiên Chúa.

Công thức xá giải của bí tích này đã diễn tả cho chúng ta tất cả ý nghĩa : “Thiên Chúa là Cha toàn năng hay thương xót đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ Hội Thánh mà ban cho (con…) ơn tha thứ và bình an. Vậy cha tha tội cho (con…) nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Khi nói đến Bí tích Hòa giải, chúng ta thường nhấn mạnh nhiều đến chiều kích tha tội, nhưng thật ra mà nói, chiều kích tha tội chỉ là một phần của Bí tích Hòa giải. Điểm chính yếu nhắm tới là làm con của Thiên Chúa. Dưới cái nhìn của Bí tích Hòa giải qua dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, chúng ta thấy hành vi của người con diễn tả chiều kích nhân sinh của bí tích này:  lý trí: “ bao nhiêu người làm công cho cha ta (hành vi xét mình). Ý chí: “thôi ta đứng lên” (hành vi ăn năn). Dấn thân: “thế là anh ta đứng lên”  (hành vi xưng tội). Anh ta tưởng mình chủ động nhưng thực ra người cha mới chủ động, ông đứng từ đằng xa. Anh ta chưa nghĩ hết kịch bản, chưa kịp nói lời “xin làm công trong nhà Cha” thì người cha đã ngắt ngang và kêu người làm đeo nhẫn, lấy áo đẹp cho anh. Với người cha, anh ta vẫn luôn là con.

Quả thật, Bí tích Hòa giải là bí tích giúp cho chúng ta thấy được tất cả tình thương bao la ấy. Người con hoang đàng khước từ cha của mình, bỏ nhà cha, tách khỏi cuộc sống của cha để bước vào con đường riêng, sống lối sống riêng của mình và thích làm chủ đời mình chứ không muốn dựa vào cha. Và từ lúc lãnh phần gia sản của riêng mình để sống theo ý mình thì người con hoang đàng đi vào con đường của bóng tối. Hậu quả của bóng tối là đau khổ và sự chết.

Bí tích Hòa giải giúp chúng ta đụng chạm cụ thể đến tình trạng tội lỗi của mình, giúp cho chúng ta biết mình là ai, mình đang làm gì và mình đang sống trong chỗ nào. Thế nhưng, không chỉ dừng lại ở đó, sau khi đã biết mình là ai, bí Tích Hòa giải đưa chúng ta đến gặp gỡ Thiên Chúa để biết Thiên Chúa là ai? Bí tích Hòa giải sẽ giúp chúng ta cảm nghiệm được tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ cảm nghiệm được Thiên Chúa là Đấng tha thứ và hơn thế nữa, Thiên Chúa là một Người Cha Nhân Hậu. Trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, chúng ta bắt gặp dung mạo của một người cha đợi chờ con mình trở về không phải để nói lời tha thứ, vì người cha có giận con mình đâu mà tha thứ, người cha đợi chờ con trở về là để phục hồi cho người con tước vị làm con mà người con đó đã đánh mất khi bỏ nhà ra đi.

Cũng vậy, nơi Bí tích Hòa giải, Thiên Chúa đợi chờ chúng ta trở về, không phải chỉ để tha tội vì Thiên Chúa từ đời đời đã tha thứ cho chúng ta. Ngài tha thứ cho chúng ta ngay khi ông bà nguyên tổ phạm tội. Vì thế nơi Bí tích Hòa giải, chúng ta được trở thành con của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu. Thiên Chúa đợi chúng ta trở về để “mặc” cho chúng ta chiếc áo cứu độ, “đeo” cho chúng ta chiếc nhẫn làm con của Chúa và “xỏ” dép cho chúng ta để phục hồi địa vị cao sang mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho chúng ta. Vậy để có thể có một thái độ đúng đắn khi cử hành và lãnh nhận Bí tích Hòa giải, xin mạo muội đưa ra một vài điểm chấm phá từ góc độ mục vụ.

  1. Đâu là điều cần thiết cho mục vụ Bí tích Hòa giải?

Có nhiều vị mục tử sống tận tụy và dấn thân hết mình cho bí tích này và hình ảnh người mục tử nhân hậu, người phục vụ Bí tích Hòa giải mà các Cha giải tội diễn tả vẫn in sâu trong tâm hồn của nhiều người giáo dân, giúp cho họ có thể dễ dàng đến với Bí tích Hòa giải. Tuy nhiên, trong thời đại của chúng ta, Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng nói: “ Bí tích Hòa giải đang gặp nhiều đe dọa, một đàng lương tâm và ý thức tôn giáo của con người thời đại bị lu mờ, người ta mất dần cảm thức về tội và có quan niệm sai lầm về sự sám hối; đàng khác, có nhiều người nghĩ rằng, có thể lãnh nhận ơn tha thứ trực tiếp từ Thiên Chúa, kể cả trong trường hợp bình thường mà không cần lãnh nhận Bí tích Hòa giải” [2].

Quả thật có nhiều người có đạo từ lâu mà đã không còn đến với Bí tích Hòa giải nữa, có những người không đến với Bí tích Hòa giải vì đối với họ, Bí tích Hòa giải không còn có ý nghĩa gì trong cuộc đời của họ nữa. Cũng có khi nguyên nhân nằm bên phía Thừa tác viên của bí tích này. Thực tế cho thấy có nhiều lý do khách quan và chủ quan của cả cha giải tội và của cả hối nhân khiến cho Bí tích Hòa giải bị khủng hoảng nghiêm trọng như lời Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói đến.

a. Đối với Thừa tác viên của Bí tích Hòa giải.

Trước hết, chúng ta cần xác định với nhau rằng, Thừa tác viên của Bí tích hòa giải là người Mục tử đại diện cho Chúa Kitô trong Bí tích này. Giáo hội đã quả quyết : “ Thừa tác viên của Bí tích Hòa giải là người đầy tớ của ơn tha thứ của Thiên Chúa”[3].

Thừa tác viên là người làm công việc được giao, tức là người phục vụ cho ơn hòa giải. Như thế, Thừa tác viên của Bí tích Hòa giải không phải là cội nguồn phát sinh ơn tha tội. Họ không phải là người ban ơn theo nghĩa là “tôi có, nên tôi ban cho mọi người”. Không! Họ là người đại diện thay mặt Chúa Kitô để thực hiện ơn giao hòa của Thiên Chúa. Qua Thừa tác viên của Bí tích Hòa giải, hối nhân lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Như vậy, là người phục vụ và thay mặt Chúa, Thừa tác viên Bí tích Hòa giải cần thi hành chức năng cách tốt nhất để hiệu quả ân sủng của bí tích này được thực hiện ở mức cao nhất. Như người mục tử nhân lành,như người samari nhân hậu sẵn lòng băng bó vết thương của hối nhân, như vị thầy thuốc lành nghề chữa lành các bệnh nhân, như vị thầy đức tin dạy con đường dẫn đến Thiên Chúa, như người cha đầy lòng nhân hậu, như vị tư tế đầy lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa,  như vị thẩm phán chí công, không thiên vị ai và luôn xét xử cách công bằng và nhân hậu.

Thứ đến, khi nói về tinh thần phục vụ của Thừa tác viên Bí tích Hòa giải, Giáo hội luôn nhấn mạnh đến thái độ phục vụ của Cha giải tội: “Khi cử hành Bí tích Hoà giải, Cha giải tội chu toàn cách tuyệt hảo sứ vụ giao hòa và an ủi đối với các tín hữu thống hối” [4]. Cha giải tội phải là dấu hiệu và dụng cụ của tình thương Thiên Chúa đối với hối nhân, nghĩa là “qua thái độ tiếp đón hối nhân với tình hiền phụ và một cung cách thực thi sứ mạng của người phục vụ đích thực, Cha giải tội làm sáng tỏ tình thương của Chúa vượt lên trên lầm lỗi của con người” [5].

Hơn nữa, Thừa tác viên của Bí tích Hoà giải được mời gọi chu toàn sứ mạng trong sự khiêm tốn. Khi nói về linh mục, có người đã nói: “ Linh mục không hề được miễn chuẩn khỏi tội lỗi”. Như mọi người, Linh mục cũng là những bình sành, lọ đất, dễ vỡ. Tự bản chất, Cha giải tội cũng là con người yếu đuối, bất toàn nhưng được tuyển chọn để phục vụ anh chị em do lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính vì thế, Thừa tác viên Bí tích Hòa giải trước tiên phải là người ý thức thân phận tội lỗi của mình, cảm nghiệm hơn ai hết lòng thương xót của Thiên Chúa. Những điều đó thúc đẩy Cha giải tội, trong sự khiêm hạ, trở nên giống Chúa Kitô công bố Tin mừng cho tội nhân thống hối và đem lại niềm vui cho hối nhân.

Cha giải tội được mời gọi dấn thân theo tinh thần của người mục tử tốt lành, luôn lo lắng cho đoàn chiên và sẵn sàng lên đường tìm con chiên lạc trở về. Chính Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt vời khi Ngài cho thấy Ngài là Mục tử tốt lành. Đặc tính của người Mục tử, đó là biết rõ chiên của mình: “ Ta biết chiên của Ta và chiên Ta biết Ta “ ( Ga 10,14 ). Đó cũng là người Mục tử mà với sự hiện diện của mình, trong sự yêu thương và quan tâm lo lắng, đoàn chiên cảm thấy được an toàn trước những hiểm nguy rình rập, bởi vị Mục tử dám “hy sinh mạng sống mình để bảo vị bảo vệ đoàn chiên” ( Ga 10,15 ). Quan trọng hơn nữa, với những con chiên lạc lối, người Mục tử sẵn sàng hy sinh những sự an toàn, những lợi ích riêng của mình để lên đường đi tìm con chiên lạc và đến khi tìm được rồi thì “vác chiên trên vai trở về trong vui mừng hân hoan” ( Mt 18,12-14 ). Thành ra, Linh mục trong tư cách là Mục tử, một mặt phải lo lắng chu toàn cho đoàn chiên, tức là những tín hữu thuộc trách nhiệm của mình được chăm sóc chu đáo, mặt khác, ngày cũng phải có lòng thương cảm sâu xa đối với những con người tội lỗi, đặc biệt là những con người tội lỗi mà bị cả những đồng loại của mình bỏ rơi, như Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương trước những kẻ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt ( Mt 10,36 ).

Cha giải tội được mời gọi để phục vụ như người samari nhân hậu, sẵn lòng gắn bó vết thương của hối nhân, những vết thương đang làm xói mòn tâm hồn họ. Để làm được điều này, đòi hỏi Cha giải tội phải hy sinh nhiều thứ, ngay cả niềm vui riêng. Trong nhiều trường hợp, sự cảm thông giữ vai trò quyết định cho việc trở lại, nhất là những trường hợp hối nhân đang bị khủng hoảng nghiêm trọng. Một sự cảm thông, an ủi, khích lệ giúp cho hối nhân như thể người chết đuối bắt được phao cứu mệnh, có chỗ dựa cần thiết để thoát khỏi sự tuyệt vọng, thoát khỏi những mặc cảm và từ đó quay trở về với Chúa và tha nhân.

Đồng thời, Cha giải tội được mời gọi phục vụ như vị thầy thuốc lành nghề, chữa lành các bệnh nhân. Nói đến thầy thuốc là nói đến sự chữa trị. Cha giải tội là thầy thuốc chữa trị bệnh tâm hồn. điều này đòi hỏi Ngài chăm sóc hối nhân bằng một tấm lòng của người mẹ hiền, dịu dàng và chu đáo. Ngài cần phải biết định bệnh và cho thuốc một cách hợp lý, giúp hối nhân có thể được chữa lành vết thương nội tâm, thoát khỏi những mặc cảm tội lỗi và những tình trạng phạm tội mà tự mình hối nhân không thể thoát ra được. Qua những lời giảng dạy, hướng dẫn và khuyên nhủ bằng lời nói vừa tầm với sự hiểu biết của hối nhân, Cha giải tội giúp hối nhân khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa, khám phá ý nghĩa của Bí tích Hòa giải. Điều này quan trọng, vì nó sẽ dẫn hối nhân đến tâm tình thống hối ăn năn và ước muốn quay trở về với Thiên Chúa Tình Yêu.

Cha giải tội được mời gọi có thái độ như người cha đầy lòng nhân hậu, chờ đón và nhận lấy đứa con hoang đàng trở về. Một người cha chỉ chờ đợi để tha thứ cho con của mình. Hình ảnh người cha nhân từ nhiều lúc phải được bộc lộ ra cụ thể bằng một giọng nói ân cần nhẹ nhàng, gần gũi nơi sự chăm lo chu đáo, nơi thái độ hiền hòa và kiên nhẫn của Cha giải tội. Vì thế, vai trò của Cha giải tội là vai trò của một người cha biết yêu thương. Khi nhận ra Thiên Chúa qua Cha giải tội có tấm lòng của người cha nhân hiền, hối nhân dễ dàng đến với Chúa hơn.

Cha giải tội được mời gọi phục vụ như vị thẩm phán chí công, không thiên vị ai và luôn xét đoán cách công bằng và nhân hậu. Giáo luật nói: “ Tư tế phải nhớ rằng khi giải tội mình đóng vai trò thẩm phán” [6]. Thái độ quá vị luật, quá nguyên tắc hay nóng nảy, khắt khe thái quá, sẽ làm xấu đi hình ảnh vị thẩm phán công minh mà ngài được mời gọi diễn tả. Mặt khác, hối nhân khi bị khiển trách nặng nề hay phải làm việc đền tội quá nặng hoặc bị cư xử một cách thiếu tế nhị, thiếu bác ái thì khó lòng mà họ có thể quay trở lại với tòa giải tội nữa.

Sau cùng, Cha giải tội được mời gọi thi hành sứ vụ mục tử trong tư cách là vị tư tế của Thiên Chúa. Cha giải tội cần luôn tự nhắc nhở mình đang thi hành một tác vụ thánh, tức là một hành động để tôn vinh Thiên Chúa. Qua Bí tích Hòa giải, ngài tham dự vào chức vụ tư tế với tư cách là hiện thân của Chúa Kitô và nhân danh Giáo hội. Đây thực sự là điều quan trọng, bởi khi xác định như thế, Cha giải tội sẽ cử hành bí tích cách trang trọng, nghiêm trang và sốt sắng trong hiệp thông sâu xa với hối nhân. Và khi thực thi đặc quyền ban phép tha tội, ngài đang nhân danh Giáo hội tôn vinh Thiên Chúa qua việc công bố những việc kỳ diệu nơi lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở tinh thần phục vụ mà thôi, mà không nói đến sự chuẩn bị nơi Cha giải tội thì vẫn còn thiếu sót. Cha giải tội cần có sự hiểu biết đầy đủ về cách cử hành Bí tích [7]. Sự chuẩn bị về chiều kích tri thức là điều cần thiết và quan trọng để Cha giải tội có thể chu toàn sứ mạng của mình. Việc cử hành Bí tích Hòa giải đâu phải chỉ đơn thuần là việc ngồi nghe tội và đọc công thức xá giải là xong. Cha giải tội sẽ áp dụng rất nhiều môn học khác nhau khi được đào tạo tại Đại Chủng Viện như: luân lý, tín lý, tâm lý… cho việc hướng dẫn và khuyên giải. Cha giải tội cần có sự phán đoán, nhạy bén về mức độ nặng nhẹ của tội mà hối nhân đã phạm để giúp đỡ hối nhân có thể thoát ra được. Trên thực tế, ngày hôm nay cho thấy, với sự phát triển về nhiều mặt của xã hội, con người thời đại đang đụng chạm tới những vấn đề mới về luân lý, chẳng hạn như những vấn đề nhức nhối của lãnh vực luân lý sinh học: sinh sản vô tính, mang thai hộ, an tử, trợ tử, nạn nạo phá thai, ngừa thai, vốn đang là một vấn đề mà chúng ta đang phải đối diện mỗi ngày. Nếu không có sự học hỏi và hiểu biết chu đáo, làm sao Cha giải tội có thể giải thích và hướng dẫn đúng đắn cho hối nhân? Không những thế, nếu không có sự học hỏi đến nơi đến chốn, Cha giải tội sẽ dẫn người ta đến chỗ sai đường và rơi vào tình trạng mà Chúa Giêsu đã cảnh báo: “ Mù mà lại dắt mù được sao? lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” ( Lc 6,39 ). Mặt khác, Cha giải tội cần có khả năng thích ứng với từng hối nhân, với những trình độ riêng biệt, người tri thức thì khác với người bình dân. Chúng ta nói như thế là để thấy được sự chuẩn bị chu đáo của Cha giải tội quan trọng như thế nào? Chính sự chuẩn bị chu đáo và đầy đủ sẽ tạo cho Cha giải tội một nền tảng vững chắc để hướng dẫn người ta mà không lạc hướng, giúp người ta từng bước tăng trưởng trong đời sống tâm linh.

Bên cạnh sự chuẩn bị những kiến thức căn bản đó, Giáo hội cũng mời gọi Cha giải tội phải có một đời sống cầu nguyện sâu xa. Bởi nếu không có một đời sống cầu nguyện và kết hiệp với Chúa, Cha giải tội sẽ khó mà cử hành bí tích trọn vẹn được, mà thường chỉ thực hiện công việc này một cách hời hợt cho xong nhiệm vụ mà thôi. Chính đời sống đạo đức thánh thiện và kết hợp mật thiết với Chúa là một lời mời gọi hữu hiệu và hết sức lôi cuốn các hối nhân đến với tòa giải tội.

b. Đối với các hối nhân khi lãnh nhận Bí tích Hòa giải.

Thái độ đầu tiên của hối nhân là cần hiểu biết về Bí tích Hòa giải. Để có thể xưng tội thì cần làm bốn việc sau: Xét mình, ăn năn dốc lòng chừa, xưng tội và đền tội. Có nhiều người vì chưa có sự hiểu biết đúng đắn về bí tích này nên có thái độ ngại ngùng và sợ hãi khi xưng thú tội lỗi của mình.

Thứ đến. Hối nhân cần nhìn nhận con người tội lỗi yếu đuối của mình để khiêm tốn cúi mình trước mặt Chúa mà xin ơn tha thứ và lòng thương xót của Ngài. Khi chúng ta nhận ra con người tội lỗi của mình để đến với Chúa thì cuộc đời của chúng ta sẽ được biến đổi.

 Hơn nữa. Điều quan trọng là hối nhân có lòng ăn năn, thống hối. Đây là điều không thể thiếu trong Bí tích Hòa giải. Thống hối là dấu hiệu của một tâm hồn nhận ra tình thương của Thiên Chúa và muốn kết hiệp với tình thương ấy. Từ tình trạng thiếu vắng tình thương Thiên Chúa, hối nhân cảm nhận được nhu cầu cấp thiết của tình thương ấy trong đời của mình và họ đứng dậy trở về để được sống trong tình thương hải hà của Thiên Chúa.

Để được điều đó, hối nhân cần nhận ra được sự cần thiết của Bí tích Hòa giải và xem việc lãnh nhận bí tích này là một việc quan trọng cho phần linh hồn của mình. Chính nhờ việc nhận ra những yếu tố quan trọng ấy mà hối nhân mới cảm nhận Bí tích Hòa giải như một nhu cầu không thể thiếu cho đời sống đức tin của mình. Nhưng thực tế thì nhiều người Kitô hữu chưa cảm nhận được đây là một nhu cầu thực sự của mình. Họ xem việc đi xưng tội như một bổn phận, một năm ít nhất là một lần. Vì thế,  cần tránh xem thường Bí tích Hòa giải. Một điều cần thiết phải nhận ra là mặc dù Thiên Chúa có thể cứu rỗi nhân loại mà chẳng cần tới cuộc nhập thể, không cần tới Giáo hội và các Bí tích. Thế nhưng, Ngài đã cứu rỗi nhân loại qua những dấu chỉ và dụng cụ, và Bí tích Hòa giải là một trong những dụng cụ ấy [8].

Kết luận

Năm Thánh là thời gian thuận tiện để chúng ta khám phá ra lòng thương xót của Thiên Chúa, là dịp để chúng ta niềm hy vọng. Và Bí tích Hòa giải đích thực là bí tích của tình thương để giúp chúng ta sống niềm hy vọng ấy. Nơi bí tích này, Thiên Chúa hiện diện chờ đợi chúng ta đến để ban ơn tha thứ và giúp chúng ta chống trả lại những cơn cám dỗ cũng như trợ lực để giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn. Đó là lý do để chúng ta siêng năng lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Vậy trong năm Thánh 2025 này, chúng ta cùng nhìn về Bí tích Hòa giải là bí tích của tình thương Thiên Chúa để giúp chúng ta sống niềm hy vọng và hãy siêng năng lãnh nhận Bí tích này.

Lm. Giuse Phan Cảnh

Ghi chú

[1] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1424.

[2] R. VATICANO, Bí tích – Nguồn ơn cứu độ, Nxb Lưu Hành nội bộ, 2005, p. 305.

[3] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1466.

[4] Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, số 38.

[5] Nghi Thức Thống Hối, số 10.

[6] Giáo luật 1983, đ 978.

[7] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1466.

[8] LOUIS MARIE CHAUVET, Bí tích – Khi Ngôi Lời mặc lấy xác phàm, Nxb Tủ sách chuyên đề, 1993, p.11.