BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C: HÃY TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA ĐẾN

BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C

HÃY TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA ĐẾN

 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Từ “Mùa Vọng” không có nghĩa là “trước Lễ Giáng Sinh”; nó xuất phát từ tiếng Latinh “adventus” có nghĩa là “đến”. Trước đây từ này được sử dụng trong tiếng Latinh để chỉ sự xuất hiện của Chúa Giêsu Kitô, vị cứu tinh ở giữa nhân loại. Truyền thống Mùa Vọng sử dụng biểu tượng của nến trong suốt bốn Chúa Nhật Mùa Vọng. Truyền thống này dựa trên Cựu Ước và kết nối những người theo đạo Kitô Giáo với người Do Thái. Mỗi Chúa Nhật Mùa Vọng, người theo đạo Kitô Giáo có phong tục thắp dần dần một trong bốn ngọn nến, đặt trên một vòng hoa thực vật, với những ý nghĩa biểu trưng của nó:

Chúa Nhật I Mùa Vọng, ngọn nến tượng trưng sự tha thứ cho Adam và Eva. Chúa Nhật thứ hai, ngọn nến tượng trưng cho đức tin của các Tổ Phụ nơi Đất Hứa. Chúa Nhật thứ ba, ngọn nến tượng trưng niềm vui của vua Đa-vít, cử hành Giao Ước với Thiên Chúa. Chúa nhật thứ tư, ngọn nến tượng trưng cho lời giảng dạy của các đấng tiên tri, công bố một triều đại hòa bình và công lý.

Hôm nay, chúng ta cùng nhau bước vào Mùa Vọng, năm phụng vụ mới là năm C. Mùa Vọng vừa là thời gian chuẩn bị tâm hồn để mừng Chúa Giáng sinh, biến cố Con Thiên Chúa đến trần gian lần thứ nhất ban ơn cứu độ cho nhân loại, vừa là thời gian để chúng ta trông đợi Chúa Kitô sẽ đến lần thứ hai trong uy quyền vinh quang để phán xét chung nhân loại và từng người chúng ta vào ngày tận thế.

Tin mừng hôm nay cũng nhắc nhớ mỗi người chúng ta sống tỉnh thức và sẵn sàng để đón Chúa đến trong cuộc đời. Tỉnh thức sẵn sàng bằng việc chu toàn các việc bổn phận hằng ngày, từ việc nội trợ trong gia đình, học tập tại nhà trường, lao động nơi nhà máy, công sở, buôn bán nơi phố chợ, cày cấy ngoài đồng ruộng…Chính Chúa Giêsu cũng cảnh báo các môn đệ đừng quá quan tâm đến các công việc trần gian, mà quên rằng cái chết có thể sẽ bất ngờ đến vào bất cứ lúc nào, giống như “chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất”(Lc 21,35). Đức Giê-su nhắc nhở các môn đệ cần có thái độ tỉnh thức sẵn sàng giống như ông chủ nhà kia canh thức không để kẻ trộm đào ngạch khóet vách nhà mình!. Nếu chúng ta biết “tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21,36), sẵn sàng ra đón khi Chúa đến thì việc Chúa đến bất ngờ sẽ lại trở thành niềm vui cho chúng ta. Ngày đó, chúng ta sẽ không phải “lo lắng hoang mang trong cảnh biển gào sóng thét” (Lc 21,25), sẽ không “sợ đến hồn xiêu phách lạc” (Lc 21,26), nhưng sẽ “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (Lc 21,28), vì chúng ta sắp được lãnh ơn cứu chuộc của Chúa. Chúa Giêsu bảo chúng ta phải ngẩng đầu lên vì chúng ta thường cúi đầu xuống. Chúng ta cúi đầu xuống để chỉ nhìn thấy những cái dưới đất. Chúng ta chỉ khao khát, tìm kiếm những cái dưới đất và lấy làm thỏa mãn với những gì ở dưới đất. Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy ngẩng đầu lên là muốn thức tỉnh chúng ta. Đừng giam mình trong những giấc mơ nhỏ bé, hão huyền và tầm thường. Đừng bao giờ lấy làm thỏa mãn với những cái dễ dãi, tương đối. Đừng ưa hàng giả, hàng kém chất lượng. Chúng ta hãy biết mơ ước những cái thật cao cả. Một chén cơm đầy, một ngôi nhà sang trọng, một chiếc xe hơi lộng lẫy đã đủ để thỏa mãn ước mơ làm người của chúng ta chưa? Có còn cần cái gì khác nữa không? Cần tìm kiếm những gì thực sự đưa tới hạnh phúc chứ không phải chỉ đánh lừa hạnh phúc.Cái hạnh phúc cao cả và chân thật đó chính là ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã hứa, là ơn giải thoát, lòng yêu thương, sự sống trọn vẹn mà Thiên Chúa muốn trao ban. Ơn cứu độ đó từ trời mà xuống, là hồng ân mà mỗi chúng ta cần đón nhận. Chính vì thế mà cần tỉnh thức và sẵn sàng để biết ngẩng đầu lêm mà đón lấy.

 Nhiều người sống như trong cơn mê của vòng xoáy cuộc đời. Trong tuần họ lo làm việc để kiếm tiền, rồi đến cuối tuần lại dành thời giờ để đi chơi du lịch leo núi hay đi tập dưỡng sinh… mà lơ là các việc đạo đức như cầu nguyện sớm hôm, dự lễ Chúa nhật và các lễ buộc, xưng tội rước lễ. Đặc biệt, Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta thường nghĩ rằng mình còn sống lâu, nên không cần phải sám hối ngay, nhưng cứ để đến lúc gần chết sám hối cũng không muộn. Nhưng chần chừ không dứt khoát quay về với Chúa là kế sách cám dỗ hoàn hảo nhất của ma qủi đối với chúng ta. Vì thế, cùng với thánh Phao-lô, chúng ta cần suy gẫm lời của ngài: “ Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,12-14).

Mùa vọng là thời gian Giáo Hội kêu gọi chúng ta luôn tỉnh thức cầu nguyện để sẵn sàng đón chờ Chúa. Chờ đợi trong tin yêu như con cái chờ đợi người cha hay người mẹ thân yêu trở về, chứ không chờ đợi trong sự lo lắng buồn sầu. Chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể làm ngay hôm nay, bắt đầu ngay từ bây giờ và ở đây.

  Lm. Giuse Phan Cảnh