BÀI SUY NIỆM LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI: THÁNG 11 – MÙA CỦA TÌNH YÊU-BÁO HIẾU-HIỆP THÔNG

BÀI SUY NIỆM LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI

THÁNG 11 – MÙA CỦA TÌNH YÊU-BÁO HIẾU-HIỆP THÔNG

 Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!

Người ta thường nói rằng: đời là một vở tuồng mà trong đó mọi người đều phải đóng vai của mình cách xuất sắc, người nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu đèn màu và khi họ sống cuộc sống đời thường thì không giống nhau. Khi chúng ta đóng vai trò của mình trong cuộc sống, thì chúng ta không phải là biểu diễn mà là sống với vai trò của mỗi người đã lãnh nhận từ Chúa ban. Bởi vì, nói theo Tin Mừng, mỗi người phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về nhưng gì mình đã làm khi còn sống ở thế gian.

Hôm nay, chúng ta dâng thánh lễ để nhớ đến và cầu nguyện Các Tín Hữu Ðã Qua Ðời, đặc biệt là ông bà, cha mẹ và anh chị em thân bằng quyến thuộc trong cộng đoàn, là cơ hội để mỗi người chúng ta nghĩ đến cái chết của bản thân mình. Quả thật, Lá xanh hay lá vàng có thể “rụng” bất kỳ lúc nào, dù gió to hay gió thoảng; trái xanh hay trái chín cũng có thể được (hay “bị”) người ta “hái” bất cứ lúc nào, dù sáng hay chiều. Không ai muốn nói đến sự chết. Người ta cho đó là “chuyện xui xẻo”. “Chết” là điều có thật, không ai tránh khỏi. Nhưng chết có phải là hết không ? và chết rồi thì chúng ta sẽ đi về đâu ?

Lời Chúa trong ngày lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời hôm nay cho chúng ta một câu trả lời, một niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu mà Thiên Chúa hứa cho mỗi người chúng ta.

Trong bài đọc thứ nhất trích từ sách ngôn sứ Isaia, phác họa cho chúng ta viễn ảnh của một thế giới mai hậu : ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc, thịt thì béo, rượu thì ngon, và cũng tại trên núi này, Người sẽ bỏ chiếc khăn tang che phủ mọi dân và tấm màn trùm lên muôn nước. Tử thần sẽ bị vĩnh viễn tiêu diệt. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người và trên toàn cõi đất này. Để mọi người được hoan hỷ vui mừng bởi ơn cứu độ đã được trao ban. Và ơn cứu độ ấy chỉ đến với ai biết mở lòng mình ra, để cho tình yêu, ân sủng cuả Thiên Chúa rót đầy và chảy tràn vào trong tâm hồn của người ấy mà thôi. Câu chuyện trong Tin Mừng của Thánh Luca mà chúng ta vừa nghe là một ví dụ : Có hai tên gian phi bị đóng đinh trên thập giá, một người thì nhận ra ơn cứu độ của thiên Chúa, còn một người thì không…

Vâng kính thưa cộng đoàn ! nếu Đức Giêsu không sống lại thì nói như thánh Phaolô niềm tin của chúng ta thật là trống rỗng, và nếu Đức Giêsu không sống lại chúng ta cũng chẳng cần phải tin vào Ngài làm gì cả, bởi vì đó chỉ là cái chết của một người anh hùng mà thôi. Nhưng thưa quý ông bà và anh chị em ! Đức Giêsu đã chết và  Ngài đã sống lại. Chính sự sống lại đó bảo đảm và khơi nguồn sự sống lại sau này của chúng ta. Vì thế, chúng ta tin Ngài, chúng ta đi theo Ngài, chúng ta tôn thờ Ngài và chúng ta dâng hiến tất cả cho Ngài. Và chỉ khi nào chúng ta ở trong Thiên Chúa thì đời chúng ta mới được bình an và hạnh phúc mà thôi. Như thánh Augustino đã phải thốt lên : « lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng nên con cho Chúa, và lòng con những khắc khoải cho tới khi được an nghỉ trong Chúa ».

Nói đến đây, tôi nhớ đến một bài hát rất hay  của nhạc sĩ Hoài An «  nếu chỉ còn một ngày để sống ». Lời của bài hát rất gần với tâm tình của người công giáo chúng ta. Đại khái lời của bài hát như thế này : “Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta trả ơn cuộc đời, làm sao ta đền đáp bao người, nâng ta lên qua bước đời chênh vênh? Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta chuộc hết lỗi lầm, làm sao ta thanh thản tâm hồn, xuôi đôi tay đi giữa hừng đông? Nếu chỉ còn một ngày để sống, muộn màng không lời hối lỗi chân thành? Buồn vì ai, ta làm ai buồn, xin bao dung tha thứ vì nhau. Nếu chỉ còn một ngày để sống, chợt nhận ra cuộc đời quá đẹp, phải chăng ta có lúc vội vàng, nên ra đi chưa được bình an? Một cuộc đời đáng sống là một cuộc đời biết chuẩn bị cho ngày mình chết. Hãy sống  như chỉ còn một ngày để sống, đó là sứ điệp mà các tín hữu đã qua đời gửi đến mỗi người chúng ta.

Và đâu đó mỗi người chúng ta giờ này nghe được lời cầu khẩn của các linh hồn : “từ vực thẳm con kêu lên Ngài, lạy Chúa. Muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý, nghe lời con tha thiết nguyện cầu. ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng, nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ, để chúng con biết kính sợ ngài” ( Tv 130, 1-4 ). Thật vậy, các linh hồn ở luyện ngục phải đền tội rất đau khổ vì các tội đã phạm khi còn sống. Họ phải tẩy luyện đi những tội nhẹ còn vướng mắc khi nhắm mắt, phải thanh tẩy những nợ nần về của cải, tiền bạc khi còn sống mà họ chưa thanh toán xong vì lẽ công bằng, hay về danh dự, danh thơm tiếng tốt mà họ đã gây ra cho người khác. Thời gian thanh luyện này dài hay ngắn, lâu hay chóng, tùy theo tội lỗi và thiết sót của từng người. Đau khổ lớn nhất và trước nhất của các linh hồn trong nơi luyện ngục là không được xem thấy Chúa. Họ biết Chúa và yêu mến Chúa mãnh liệt, nhưng còn bị phân cách, không thấy Chúa trong một thời gian, đó là điều khiến họ đau khổ vô cùng. Vậy chúng ta hãy thương các linh hồn ấy, chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể làm được để giúp đỡ họ. Hai việc làm tốt nhất là dâng thánh lễ và thực thi bác ái. Xin mỗi người hãy cố gắng thật nhiều, đặc biệt trong tháng 11 này. Quả thực, tháng 11 là thời gian hội ngộ, tháng các linh hồn, mùa tình yêu, báo hiếu, hiệp thông. Đây là cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với những người thân yêu đã khuất, trong đó đặc biệt phải kể đến ông bà, cha mẹ, những người đã sinh thành, dưỡng dục chúng ta, mà chúng ta không bao giờ được quên bổn phận phải báo hiếu.

Lm. Giuse Phan Cảnh