CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI KITÔ HỮU

CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI KITÔ HỮU

Dẫn nhập

Trước công đồng Vaticanô II, Chúa Thánh Thần là một ngôi vị bị lãng quên trong một góc trời xa lạ đầy huyền bí. Thánh Linh như ngọn lửa đom đóm leo lét, chập chờn giữa một đêm đông âm u giá lạnh kéo dài gần 14 thế kỷ. Thần Khí như ngọn gió hắt hiu trên sườn đồi cô đơn cuối chân trời. Mới khoảng 30 gần đây, các phong trào Thánh Linh, phong trào Canh Tân Đặc Sủng …phát triển khá rầm rộ với số thành viên lên tới hàng triệu người. Riêng ở Việt nam, có lẽ do hoàn cảnh đặc thù, nên những phong trào này mới được số ít người biết đến và hoạt động tương đối âm thầm. Nhìn chung, đại đa số giáo dân chúng ta vẫn còn xa lạ với Thánh Thần. Tại sao vậy? Trong khuôn khổ này, chúng ta cùng tìm hiểu về Chúa Thánh Thần trong đời sống người kitô hữu, để chúng ta yêu mến Ngài và sống gần gũi với Ngài hơn.

I. Chúa Thánh Thần Là Đấng Nào?

1. Chúa Thánh Thần là Ngôi thứ Ba.

Chúa Thánh Thần là Ngôi thứ Ba, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Ngài là Thiên Chúa thật, cùng một bản tính và một quyền năng như Chúa Cha và Chúa Con. Thiên Chúa Ba Ngôi là tín điều căn bản của Công giáo mà Chúa nhật nào chúng ta cũng hát hoặc lớn tiếng tuyên xưng qua Kinh Tin Kính. Tuy Ba Ngôi một Chúa nhưng chúng ta vẫn thích tách Ba Ngôi ra làm ba khung trời riêng biệt. Cần tôn vinh, ngợi khen, cảm tạ, ta đồng thanh hoặc âm thầm dâng những lời chúc tụng lên Chúa Cha. Cần tâm sự, chúng ta có thể trò truyện với Chúa Giêsu hàng giờ. Cần xin Chúa soi sáng giúp mình làm một việc gì, lúc đó chúng ta mới chịu ghé qua Chúa Thánh Thần trong giây lát rồi lập tức vùi đầu vào công việc mà chúng ta đã ấp ủ và lên kế hoạch từ lâu rồi. Chúng ta còn tuyên xưng rằng: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần …Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con” ( Kinh Tin Kính ). Như thế chứng tỏ một cách rõ ràng rằng chúng ta chỉ thích tuyên xưng chứ không thích thực hiện niềm tin này vào trong cuộc sống. Lý do đơn giản là Ngôi Ba Thánh Thần dường như rất còn xa lạ với phần đông chúng ta.

2. Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ.

Trước khi hiến mình trên Thánh giá, Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”(Ga 14,16). Khi còn sống nơi trần thế, Đức Giêsu là Đấng bảo trợ các môn đệ của mình. Sau khi Đức Giêsu về trời, Chúa Cha đã ban cho chúng ta một Đấng Bảo trợ khác là chính Thánh Thần. Mang tiếng là Đấng bảo trợ và ở với chúng ta luôn mãi, nhưng thật oái oăm, Thánh Thần dường như không bao giờ được chúng ta nhớ tới trong những giờ phút lâm nguy. Thực vậy, mỗi khi đối đầu với đau khổ, khó khăn người thì vội chạy tới Mẹ Maria, kẻ thì tìm đến Thánh Giuse, … Có người đi tới tận mũi Cà mau cầu xin với cha Diệp. Người khá giả có thể đáp máy bay sang cầu xin với Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Lộ-đức … Hoá ra Chúa Thánh Thần chỉ được tiếng oai phong là Đấng Bảo trợ nhưng thực tế chúng ta rất ít khi chạy đến với Ngài.

3. Chúa Thánh Thần là Đấng Hướng dẫn.

Thường thường, trước khi khởi sự làm việc gì đạo đức, chúng ta mới cùng nhau hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con … Cứ như thể suốt đời Ngài chu du khắp nơi và chỉ viếng thăm khi ta cầu xin Ngài. Ấy là chưa kể rất nhiều khi miệng thì hát mà lòng trí vẫn bay bổng tới những phương trời vui chơi, giải trí, làm ăn, học hành.. thậm chí đầu óc còn mải toan tính việc trả thù rửa hận cho thỏa lòng. Hơn nữa, làm sao ta có thể nghe được tiếng của Ngài hướng dẫn mà làm theo?! Khó quá!

II. Chúa Thánh Thần trong đời sống người kitô hữu.

            Đời sống của người kitô hữu là một đời sống được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Điều này đã được Thánh Phaolô quả quyết: “ Quả thế, tất cả những ai được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, họ đều là con cái của Thiên Chúa” ( Rm 8,14 ).

1. Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong lòng chúng ta và thần hoá chúng ta.

a. Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong lòng chúng ta.

Nhà thần học Yves Congar đã viết: “ Chúa Thánh Thần là sự nội tâm, sự tự do. Được đổ vào lòng chúng ta, chúng ta khẩn cầu Ngài như là vị khách dịu hiền và rất khả ái của tâm hồn chúng ta” ( Yves Congar, Je crois en Saint Espris, vol 3, 1999, p. 17 ). Thánh Phaolô nói một cách rõ ràng hơn về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lòng những người tín hữu: “Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Ngài đến cư ngụ trong lòng chúng ta” (Gl 4,6). Chúa Thánh  Thần được ban cho mỗi người kitô hữu, để thiết lập sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn những ai đón nhận Ngài. Nhờ Thánh Thần, Thiên Chúa hiện diện trong con người, khi thông ban cho họ chính sự sống và tình yêu của Ngài. Theo kinh nghiệm của Thánh Augustinô, Chúa Thánh Thần hiện diện tận chốn sâu thẳm nhất của lòng chúng ta, một sự hiện diện sâu thẳm và thân mật hơn cả chính chúng ta gần gũi với mình.

b. Chúa Thánh Thần thần hoá con người chúng ta.

Thánh Iréne đã từng nói: “ Thiên Chúa làm người để con người được thần hoá”, sự thần hoá này được thực hiện nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Trong Chúa Thánh Thần chúng ta được làm cho trở nên con của Chúa Cha và trở nên những người anh em của Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi tận căn chúng ta khi Ngài thần hoá chúng ta. Nghĩa là Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được tham dự vào chính bản tính và đời sống của Thiên Chúa, làm cho chúng ta hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta kêu lên được rằng: “ Abba, Cha ơi! Như thế, anh em không còn là nô lệ, nhưng là con, và nếu là con, thì anh em cũng là người thừa kế” ( Gl 4,6-7 ). Sự thần hoá này sẽ đạt tới sự viên mãn trong Đức Kitô vào thời gian cuối cùng, khi kẻ chết sống lại, khi đó chúng ta sẽ là con Thiên Chúa cách viên mãn như Đức Kitô trong Thánh Thần của Ngài: “ Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con cái Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ, chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” ( 1Ga 3,1-2 ).

2. Chúa Thánh Thần giải thoát chúng ta khỏi luật của tội và sự chết.

Chúa Thánh Thần là luật nội tâm và tối thượng của người kitô hữu. Luật này không phải là khắc trên bia đá nữa, nhưng được khắc trong lòng chúng ta: “ Rõ ràng anh em là bức thư của Đức Kitô được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người” ( 2Cr 3,3 ). Trong Chúa Thánh Thần, chúng ta được giải thoát khỏi luật của tội và sự chết: “ Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Giêsu Kitô, đã giải thoát tôi khỏi luật và sự chết” ( Rm 8,2 ). Qua luật mới này, người kitô hữu là người được mời gọi tới sự toàn vẹn của tình yêu và tự do. Chúa Thánh Thần mang lại tự do đích thực trong tâm hồn người tín hữu. Vì ở đâu có Chúa Thánh Thần thì ở đó có tự do ( 2Cr 3,14 ).

3. Hoa trái của Chúa Thánh thần trong đời sống người kitô hữu.

Nếu đời sống của người kitô hữu được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần thì sẽ nảy sinh và mang lại nhiều hoa trái trong cuộc sống. Những hoa trái đó giúp chúng ta sống tốt tương quan đối với Thiên Chúa, đối với tha nhân và đối với chính mình.

1. Đối với Thiên Chúa.

           Chính nhờ Chúa Thánh Thần mà con người có được tình yêu tuyệt đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa trở thành điểm quy hướng mọi tình cảm và lựa chọn của người kitô hữu. Chúa Thánh Thần làm cho con tim của người kitô hữu không bị hoen ố và bảo vệ người tín hữu khỏi mọi hình thức thờ ngẫu tượng và bất trung với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần làm cho tâm hồn người tín hữu luôn được bình an và chan chứa niềm vui trong mọi gian nan thử thách của cuộc sống. Ngài giúp họ luôn biết hướng tất cả mọi sự và biến cố, gánh nặng cuộc đời về tình yêu vô biên của Thiên Chúa, biết đón nhận tất cả trong sự phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa.

2. Đối với tha nhân.

          Chúa Thánh Thần giúp người tín hữu có lòng từ bi, nhân hậu, muốn điều tốt cho người khác. Đồng thời, Ngài cũng giúp họ biết chia sẻ, cảm thông với người khác gặp cảnh buồn vui, đồng cảm với những vấn đề của họ và tìm cách giúp họ. Chúa Thánh Thần hoạt động trong những hành động bác ái và phục vụ cụ thể mà không cần đáp trả và không cần biết đến. Chúa Thánh Thần còn giúp chúng ta biết sống kiên nhẫn với tha nhân, biết mở con tim của mình ra để đón nhận anh chị em đồng loại như hình ảnh của Thiên Chúa. Điều này thể  hiện trong việc đón tiếp người khác với sự tôn trọng và lắng nghe, không thành kiến cũng không xét đoán bề ngoài.

2. Đối với chính mình.

         Chính Chúa Thánh Thần làm cho mỗi người chúng ta ý thức về chính mình cách đúng đắn và biết hoà hợp những khả năng, tình cảm, hành động của mình với ơn Chúa ban. Chúa Thánh Thần giúp mỗi người chúng ta biết trung thành với chính mình, biết rõ mình, biết tin vào mình và tin vào ơn Chúa. Từ sự trung thành đó, mà chúng ta biết làm chủ bản thân mình. Chúa Thánh Thần làm cho người tín hữu có một con tim hiền lành và khiêm nhường, giống trái tim Chúa Giêsu, biết cảm thông và nhân ái với người khác.

4. Những ân sủng và đặc sủng được ban bởi Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần ban cho con người những ân huệ cần thiết để giúp con người đạt tới ơn cứu độ. Dưới tác động của ơn Chúa Thánh Thần, con người hành động và thực hiện những hành vi phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa và với chân lý của Ngài.

a. Những ân sủng của Chúa Thánh Thần:

Chúa Thánh Thần là Đấng ban tặng các ân sủng của Thiên Chúa cho người tín hữu. Nhờ đó họ sống và hành động theo ý Thiên Chúa và không còn chỉ dựa trên những khả năng nhân loại. Chúa Thánh Thần ban cho các tín hữu vô vàn ân sủng của Ngài, giúp họ sống đời kitô hữu cách trọn vẹn. Trong đó có bảy ơn của Chúa Thánh Thần, được Kinh Thánh nói đến trong sách tiên tri Isaia đó là: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn mạnh sức, ơn đạo đức và ơn kính sợ Thiên Chúa.

b. Những đặc sủng của Chúa Thánh Thần:

Chúa Thánh Thần ban những đặc sủng cho những người Ngài muốn trong những hoàn cảnh cụ thể và trong các tình huống đặc biệt. Các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban thì rất đa dạng và khác nhau, nhưng chỉ có một mục đích là xây dựng Giáo Hội và để thi hành sứ vụ của Giáo Hội. Các đặc sủng về lời nói: ơn ngôn ngữ, ơn tiên tri, ơn giải thích ( 1Cr 14,13 ); Đặc sủng về công việc: ơn chữa lành, ơn làm phép lạ, ơn lãnh đạo, ơn quản trị, ơn bác ái; Đặc sủng về hiểu biết: ơn phân định các thần khí lành dữ, ơn thấu hiểu các bí nhiệm…

III. Chúa Thánh Thần theo cảm nhận của bản thân.

Một trong những viên ngọc quý giữa kho tàng Lời Chúa mênh mông mà Chúa muốn trao tận tay, Chúa muốn trao tận tâm hồn mỗi người chúng ta, đó là: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).

Chúa Thánh Thần quả là món quà vô giá, tuyệt vời. Ngài sẽ hoá thành những khuôn mặt cực kỳ sống động và hấp dẫn.

1. Chúa Thánh Thần là con tim tình yêu của Chúa Cha

Vì quá yêu chúng ta, Chúa Cha đã trao cho chúng ta trọn vẹn trái tim thổn thức yêu thương của Ngài. Từ muôn thủa, Ngài đã tuôn đổ vào lòng ta con tim tình yêu Thánh Thần để chúng ta mãi mãi bơi lội trong biển tình thương bao la của Ngài. Ta hít thở tình yêu của Ngài, lớn lên trong tình yêu của Ngài. Đi dâu, ở đâu, tôi cũng nằm gọn trong vòng tay âu yếm của Ngài như Chúa Giêsu trong trái tim nhân lành của Chúa Cha: “Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa”(Ga 17,26). Ta thấy đó, tình Chúa Cha yêu thương Đức Giêsu ở trong tâm hồn chúng ta. Mà tình yêu thương này chính là Thánh Thần tình yêu của Chúa Cha yêu thương Chúa Giêsu và mỗi người trong chúng ta. Còn gì hạnh phúc hơn?. Thánh Gioan đã xác tín rằng: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta”( 1Ga 3,24). Chúng ta đều biết rằng nam nữ yêu nhau mong ước được ở bên nhau đã là khoái lắm rồi! Tình yêu giữa Chúa và ta sâu đậm hơn nhiều vì Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa. Nhờ đâu mà ta biết được ta kết hợp với Chúa đậm sâu như vậy? Đó chính là nhờ con tim tình yêu Thần Khí – con tim này như một chất keo siêu dính, kết hợp chúng ta nên một với Chúa. Quả vậy, Thánh Thần chính là con tim tình yêu của Cha.

2. Chúa Thánh Thần là sức mạnh thần kỳ.

Trong cuộc sống trần gian này, có biết bao điều làm cho tâm trí chúng ta chán nản, thân xác chúng ta mệt mỏi, rã rời khiến tâm hồn ta tràn đầy thất vọng, chỉ muốn buông xuôi tất cả. Trong vũng sâu u hoài đó, ta lấy đâu ra sức mạnh thần kỳ để vượt qua, để vươn lên? Khỏi cần tìm đâu xa, chúng ta chỉ cần trầm tư một chút, ngắm nhìn tâm hồn mình để khám phá ra sức mạnh tiềm tàng ẩn giấu trong đó. Ta sẽ nhận ra kho sức mạnh quyền năng vô tận có thể giúp ta hoá giải hoặc vượt qua những yếu đuối một các khá dễ dàng mà không cần phải chiến đấu vất vả khổ sở bằng ý chí của đầu óc con người. Chính thánh Phao-lô đã chia sẻ cảm nghiệm về sức mạnh Thần Khí trong bản thân mình: “Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ” ( 2Tm 17,)

Kết Luận

Để kết thúc, xin được mượn lời của Công Đồng Vaticanô II, như một lời tuyên tín cho mỗi người chúng ta vào Chúa Thánh Thần: “Khi công trình Chúa Cha trao phó cho Chúa Con thực hiện trên trần gian đã hoàn tất ( Ga 17, 4), Chúa Thánh Thần được sai đến trong ngày lễ Ngũ Tuần để thánh hóa Giáo hội mãi mãi, và như thế những ai tin sẽ được tới cùng Chúa Cha qua Chúa Kitô trong Giáo hội duy nhất ( Ep 2, 18). Chính Ngài là Thánh Thần ban sự sống, là mạch nước vọt lên sự sống vĩnh cửu ( Ga 4, 14; 7, 38-39); nhờ Ngài, Chúa Cha hồi sinh những kẻ đã chết vì tội lỗi, đợi đến khi phục sinh thân xác hay chết của họ trong Chúa Kitô ( Rm 8, 10-11). Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo hội và trong tâm hồn các tín hữu như ngự giữa đền thờ ( 1Cr 3, 16; 6, 19). Trong họ, Ngài cầu nguyện và chứng nhận họ là dưỡng tử ( Gl 4, 6; Rm 8: 15-16.26). Ngài thông đạt cho Giáo hội toàn thể chân lý toàn vẹn ( Ga 16,13). Ngài thống nhất Giáo hội trong mối hiệp thông và trong công tác phục vụ. Ngài trang bị và dẫn dắt Giáo hội bằng những ân huệ phẩm trật và đoàn sủng khác nhau, trang điểm Giáo hội với những hoa quả của Ngài ( Ep 4,11-12; 1Cr 12,4; Gl 5, 22). Nhờ sức mạnh Phúc âm, Ngài làm cho tươi trẻ, không ngừng canh tân và đưa dẫn Giáo hội đến chỗ kết hợp hoàn toàn với Phu Quân mình. Thực vậy, Chúa Thánh Thần và Hiền thê nói cùng Chúa Giêsu rằng: ‘Xin hãy đến’ (Kh 22, 17). Như vậy, Giáo hội phổ quát xuất hiện như ‘một dân tộc được đoàn hợp do mối hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần’ ” (LG 4).

Cuối cùng, Chúa Thánh Thần hằng không ngừng nâng đỡ đời sống của người Kitô hữu để họ được mãi kiên trì trong niềm hy vọng cánh chung. Giữa trăm chiều thử thách, Ngài vẫn luôn đứng bên cạnh  như Ðấng An ủi hằng bảo vệ các kitô hữu ( Ga 16,8t). Ngài nâng đỡ Hiền thê của Ðức Kitô trong khi chờ đợi ngày Chúa quang lâm, và mạnh mẽ phù trợ lời cầu của Giáo hội: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!” (Kh 22,17). Xác tín điều đó, chúng ta hãy chạy đến với Chúa Thánh Thần, hãy cầu xin Ngài trong mọi nơi mọi lúc, để Ngài thánh hoá và hướng dẫn chúng ta đến bến bờ vinh quang.

Lm. Giuse Phan Cảnh