BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN B: SỰ THÁNH THIÊNG CỦA TÌNH YÊU GIA ĐÌNH

BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN B

SỰ THÁNH THIÊNG CỦA TÌNH YÊU GIA ĐÌNH

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Xã hội Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang chuyển mình cách mạnh mẽ và đang có những thay đổi tích cực về kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật… Nhưng cùng với đó là  những mất mát to lớn, những mặt trái một một nền luân lý bị đảo lộn, trong đó đáng kể nhất là sự khủng hoảng những giá trị cơ bản liên quan đến sự bền vững của hôn nhân gia đình và tình liên đới giữa các thành viên trong bối cảnh của thế giới hôm nay. Đó là một sự pha trộn giữa bóng tối và ánh sáng. Sự pha trộn ấy cho thấy lịch sử không đơn thuần là một sự tiến bộ nhất thiết tiến về cái hay hơn, tốt hơn, nhưng là một diễn biến của tự do, và hơn thế nữa còn là một cuộc chiến giữa những mối tự do đối nghịch nhau, nghĩa là, nói theo thánh Augustinô, một cuộc xung đột giữa hai tình yêu: một bên là lòng yêu mến Thiên Chúa đến độ coi rẻ chính mình và một bên là lòng yêu mình đến độ coi rẻ Thiên Chúa. Căn nguyên của những hiện tượng tiêu cực ấy thường là do sự suy đồi trong quan niệm và trong kinh nghiệm về tự do, người ta không còn coi tự do như khả năng thực hiện sự thật Thiên Chúa vạch ra cho hôn nhân gia đình, nhưng coi nó như một năng lực tự lập để tự xác định chính mình, thường là chống lại người khác, và để lo cho sự thoải mái ích kỷ của mình. Đó là một thứ bóng tối khủng khiếp nhất mà các gia đình đang phải đối diện.

Tin mừng Chúa nhật 27 thường niên hôm nay, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh tình trạng lỏng lẻo của nền đạo đức về hôn nhân vào thời của Ngài, cần phải được hàn gắn, sửa đổi. Những kẻ chỉ muốn kết hôn để tìm lạc thú được nhắc nhở rằng hôn nhân cũng là trách nhiệm. Những kẻ xem hôn nhân chỉ như một phương tiện nhằm thoả mãn các đam mê thể xác phải nhớ đó là một sự liên hiệp thuộc linh, Chúa Giêsu đang xây một thành lũy chung quanh để bảo vệ sự thánh thiêng của gia đình.

Luật ly dị của người do thái vốn bắt nguồn từ thứ luật 24,1. Đoạn sách này là nền tảng của toàn thể vấn đề. Câu ấy chép như sau: “ Khi một người nam cưới vợ, nếu nàng chẳng được ơn trước mặt chàng, bởi chàng thấy nơi nàng một xấu hổ nào, thì chàng được viết một tờ ly dị, trao vào tay nàng và đuổi khỏi nhà mình”. Chúa Giêsu chỉ xem thứ luật này như một quy định do hoàn cảnh chứ không phải là một sự ràng buộc vĩnh viễn. Những chứng cứ mà  Chúa Giêsu trích dẫn còn trở về những thời xa xưa hơn. Ngài nêu chuyện sáng tạo trời đất như đã trình thuật trong Sách sáng Thế: “ Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” ( St 1,27 ). Theo quan điểm của Ngài, ngay trong bản chất của các sự việc, là sự kết hợp bền vững giữa hai người bằng một phương cách mà không bao giờ luật lệ, quy định của con người có thể phá vỡ, cắt đứt được ràng buộc đó. Chúa Giêsu kiên quyết, trong cơ cấu vũ trụ, hôn nhân là một sự tuyệt đối vĩnh viễn, bất khả phân ly, chẳng có quy tắc nào của Môsê nhằm vào một hoàn cảnh tạm thời lại có thể thay đổi nó được: “ Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” ( Mc 10,9 ).

Ngày hôm  nay, người ta nói đến nguy cơ của những bạn trẻ tôn vinh và chấp nhận những thứ hôn nhân “đặc biệt” như : hôn nhân không cam kết, hôn nhân không mục đích, hôn nhân thử nghiệm, hôn nhân liền tay, hôn nhân tiền hôn hậu thú vv…Tất cả những “mác” hôn nhân ấy đang hấp dẫn nhiều bạn trẻ và đã gây không ít đau đớn, thất vọng cho họ ! Đã có nhiều sự buồn thảm về thực trạng bi kịch của những “mốt” hôn nhân như thế. Quả đúng  như một danh nhân đã nói : “Họ mơ mộng khi yêu nhau và thức tỉnh khi lấy nhau”. Phải chăng đó là cái giá phải trả của sự đánh mất chính bản thân mình. Có lẽ trong cuộc sống đang có nhiều khủng hoảng và thách thức về những vấn đề hôn nhân gia đình, chúng ta tự thức tỉnh để nhìn lại mục đích, ơn gọi của hôn nhân gia đình là gì và tự hỏi nên làm gì để có thể bảo vệ, củng cố mái ấm càng ngày càng ấm êm hơn. Câu trả lời xin dành cho tất cả những ai có lòng thành tâm thiện chí muốn trả lại sự thánh thiêng cho đời sống hôn nhân gia đình. Xin dành cho từng người trẻ chúng ta, những người dễ bị cuốn hút, thay đổi và tôn sùng những giá trị mới lạ nhưng cũng là những người đầy nhiệt huyết, niềm tin, bản lĩnh và là tương lai của Giáo Hội và xã hội. Vâng, dù cho gia đình có biến đổi ra sao đi nữa, chúng ta vẫn hy vọng gia đình sẽ mãi là chiếc nôi, là tổ ấm, là cung thánh của sự sống,  nơi ấy thoả mãn nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần của mỗi con người. Quả vậy, thành quả của tình yêu là hôn nhân, thành quả của hôn nhân là mái ấm gia đình và con cái được sinh ra và lớn lên trong đó. Tình yêu – Gia đình, chuỗi những từ ấy thường luôn đi liền nhau và gợi nên hình ảnh về một tổng thể cấu trúc với nét đẹp hài hòa, thiêng liêng và đầy ý nghĩa. Cấu trúc ấy cho thấy rằng khi chấp nhận đời sống hôn nhân, người ta phải có mục tiêu cụ thể để hướng tới : xây dựng và phát triển một gia đình hạnh phúc, ấm êm để nhờ ân huệ và thành quả tình yêu ấy, con cái được sinh ra, được giáo dục trưởng thành để trở nên những con người hữu ích cho xã hội và Giáo hội.

            Xin cho ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, soi chiếu vào trong đời sống của mỗi gia đình chúng ta, thắp sáng lên những giá trị thánh thiêng để xóa tan những bóng tối trong đời sống gia đình mỗi người, trả lại cho đời sống gia đình nét đẹp, vẻ huy hoàng mà Thiên Chúa đã yêu thương và tác dựng thuở ban đầu.

Lm. Giuse Phan Cảnh