ÂN SỦNG LÀ SỰ YÊU THƯƠNG CHĂM SÓC CỦA THIÊN CHÚA DÀNH CHO CON NGƯỜI

ÂN SỦNG LÀ SỰ YÊU THƯƠNG CHĂM SÓC CỦA THIÊN CHÚA

DÀNH CHO CON NGƯỜI

Đứng trước sự lan tràn ngày càng tăng của tội lỗi thế gian, lẽ ra Thiên Chúa đã có thể huỷ diệt tội nhân cùng với nó là tội lỗi. Thế mà cách hành xử của Thiên Chúa thật lạ lùng: Ngài đã ban tặng điều quý giá nhất của mình là Con Một của Ngài, để nhân loại được dự phần vào sự sống của Ngài. Những gì chúng ta đã nói về tội thế gian, tội Ađam và nguyên tội đã góp phần làm nổi bật hành vi cứu độ của Thiên Chúa. Tội lỗi tựa như bóng tối khiến cho ánh sáng càng trở nên rực rỡ hơn. Bóng tối không thể huỷ diệt được ánh sáng. Và chính từ sự chết mà sự sống xuất hiện. Vì dẫu cho tôi lỗi có ngập tràn, nguồn thánh sủng còn chứa chan gấp mấy. Ân sủng là ơn ban nhưng không của Thiên Chúa cho con người, thể hiện qua việc: Thiên Chúa tạo dựng con người và cho họ tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa. Ngài ban chính Con Một của Ngài cho nhân loại, để cứu họ khỏi án phạt đời đời và ban Thánh Thần Của Ngài làm cho con người trở nên đầy ơn phúc. Nhưng trên hết mọi sự, ân sủng là một sự yêu thương săn sóc của Thiên Chúa dành cho con người.

Mỗi người chúng ta sinh ra trên cõi đời này đều mang trong mình mầm mống tội lỗi, tội mà tổ tông đã lưu truyền cho chúng ta. Tội này bởi đâu mà có? Thánh Augustinô đã cho chúng ta một câu trả lời: mọi tội lỗi đều do kiêu ngạo và hà tiện mà ra. Theo ngài, kiêu ngạo là sự từ chối tình yêu của Thiên Chúa và hà tiện là từ chối tình yêu tha nhân; nhưng thực ra cả hai chỉ là một.

Tội! một trạng thái đoạn tuyệt với Thiên Chúa, một sự lệch lạc của ước muốn và từ chối ân sủng của Thiên Chúa. Tội làm cho con người mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, mất sự hoà hợp với bản thân, với đồng loại và với mọi loài thụ tạo khác, nhất là vì tội mà con người phải đau khổ và phải chết. Tội đã lan tràn trong nhân loại làm cho con người luôn ở trong hai thái cực: một bên là tự do và một bên là nô lệ; một bên là sống và bên kia là chết; một bên là ánh sáng và bên kia là bóng tối; một bên là con cái và bên kia là tôi tớ. Đó là tất cả những gì tội lỗi đã gây ra cho con người, đã làm cho con người đánh mất đi sự thánh thiện có từ nguyên thuỷ.

Do tội, con người đánh mất ân sủng Thiên Chúa và từ đó sự hỗn loạn đã đi vào thế gian. Tội Ađam đã khiến con người trở thành một “ hữu thế bị thương tích, bị tổn thương”. Ân sủng là được sống hoà thuận với Thiên Chúa. Khi đánh mất ân sủng, sự hoà thuận biến mất và ước muốn trở nên hỗn loạn. Và chính tình trạng hỗn loạn này gọi là nguyên tội, vì nó là hệ quả của tội và vì nó hướng con người đến chỗ phạm tội. Chính do tội này mà giữa con người với nhau và giữa con người với Thiên Chúa luôn có nguy cơ bị tha hoá và chia rẽ. Từ thực trạng này, chúng ta kinh nghiệm về một sự liên đới nhiệm mầu mà trong đó mỗi người vừa là nạn nhân, vừa là tội nhân. Nạn nhân, vì sự ác luôn là một cái gì đó đi trước chúng ta, sẵn sàng chụp xuống trên đầu chúng ta; tội nhân, vì ngay sau đó chúng ta trở thành tòng phạm và tăng thêm sự ác cho nhân loại. Thánh Phaolô đã sáng suốt phân định kinh nghiệm nhân sinh này khi nói mình không làm điều thiện mình muốn mà lại làm điều ác mình không muốn ( Rm 7, 18-20 ).

Khi con người phạm tội, Thiên Chúa không bỏ rơi họ, mà Ngài hứa ban Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu Kitô Con Một yêu dấu của Ngài đến trong thế gian để giao hoà con người với Thiên Chúa. Và quả thực, Đức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này, Ngài đã giải thoát con người khỏi tội lỗi của nó. Ngài dẫn đưa con người khỏi tình trạng nô lệ, khỏi phần đất nô lệ và đưa vào miền ánh sáng diệu kỳ của ơn cứu độ, của sự giải thoát tâm linh. Hay nói theo ngôn ngữ của Thánh Irénê: “ Con Thiên Chúa làm người để cho con người được làm con Thiên Chúa”. Nếu tội làm cho con người đoạn tuyệt với Thiên Chúa, thì sự nhập thể của Đức Giêsu Kitô đã nối lại mối giây liên lạc bị cắt đứt vì tội. Nếu tội làm cho con người xa Chúa, thì nhờ sự chết và phục sinh của Đức Giêsu Kitô đã đem nhân loại về lại với Thiên Chúa. Nếu tội làm cho con người ra tối tăm, mờ mịt và trở thành nô lệ cho dục vọng, nô lệ cho xác thịt và cho những đam mê vật chất, thì Thiên Chúa lại ban ân sủng của Ngài để cho con người thấy ánh sáng mặc khải, đặt con người vào chính lộ. Nâng đỡ những yếu đuối của con người, giúp con người thắng được những cám dỗ thấp hèn và làm cho con người trở nên vững vàng hơn.

Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta xuất hiện, mà chúng ta là chúng ta. Nhưng chúng ta có mặt trên cuộc đời này là do ân sủng và tình yêu bao la của Chúa. Ân sủng là chính Chúa, là sự thông hiệp trong đó Ngài tự hiến cho con người như ân huệ thần linh hóa, đó chính là Ngài. 

Theo Thánh Âugustinô: Ân sủng phát xuất ra như một nguồn “trợ lực” mà con người cần đến để vượt thắng cho được tình trạng bệnh hoạn yếu nhược của mình, và để làm điều lành đúng như lề luật quy định và trí tuệ nhận thức. Tình trạng bệnh hoạn yếu nhược của con người là tình trạng bất lực làm cho con người không còn có khả năng để yêu thích điều thiện được nữa. Khả năng yêu thương này: con người đã có được ngay từ đầu, nhưng đã làm mất đi vì phạm tội, và nay đã được ban lại cho nhờ ân sủng. Chính thế, ân sủng “chữa lành” con người và làm cho con người có lại được khả năng yêu thích điều thiện. Ân sủng “khôi phục” động lực nội tâm nơi con người: động lực của tình thương, và chính ân sủng sẽ trở thành động lực nội tâm ấy của tình yêu; nhờ thế, con người mới cảm thấy là mình đang được thu hút bởi sự thiện, và mới thưởng thức được niềm “vui thú và yêu thích” khi làm điều thiện. Như vậy, ân sủng chính là “tình thương tuôn đổ tràn ngập vào trong tâm lòng chúng ta” (Rm 5, 5). Tất cả những điều đó đều là công trình của Thánh Linh. Quả thế, ân sủng tức là “món quà” nhưng không Thiên Chúa ban – chính là Thánh Linh “đã được ban cho chúng ta” (Rm 5, 5): Ngài là Tình yêu của Thiên Chúa Cha ban cho con người; là Tình yêu đưa dẫn tới tình yêu cùng chỉ giáo cho biết cách yêu thương, và làm cho con người kiện toàn được bản chất của mình trong tình yêu. Đó chính là sự trợ giúp do Thánh Linh ban xuống: ân sủng hiểu theo nghĩa “trợ giúp” như thánh Âugutinô quan niệm, chính là thế. Như vậy, ân sủng, tình yêu trở thành nguồn gốc phát sinh tính chất tự trị của hành động con người; và nhờ đó, từ nay con người có được khả năng để thực sự hợp tác với Thiên Chúa. Vậy là mọi dấu vết của nguy cơ duy ngoại đã được tẩy sạch. Chính ở nơi mình, ở trong nơi sâu thẳm của bản thể mình, ở trong “con tim” của mình, con người sẽ tìm thấy nguồn mạch và cội gốc của hành động mình. Quả thật, chính tình yêu thương đã nắn đúc nên hành động của con người: tình yêu thương nằm tận trong “con tim” con người; tình yêu mà cho dù có xuất phát từ Thiên Chúa, thì cũng thực sự là “của chính bản thân” con người. Ân sủng do Thiên Chúa ban, mang lại cho con người một khả năng mới để yêu thích và thực thi điều thiện; do đó, ân sủng là tình thương. Ân sủng là “một sự gia tăng tiềm lực nội tâm” , nhờ đó con người trở nên mạnh mẽ hơn trong quyết tâm thực thi điều thiện; và một khi đã trở thành của con người, thì sức mạnh ấy không gì khác hơn là mãnh lực của tình yêu, mãnh lực làm cho tình yêu nên mãnh liệt. Vì thế, thánh Âugutinô đã nhấn mạnh nhiều lần và nói rằng Thiên Chúa hoạt động ngay “trong trái tim” con người bằng cách “tuôn đổ tình yêu” vào trong đó. Thật vậy, thành quả cuối cùng của ân sủng là biến đổi con người trở thành những “người yêu mến” . Con người yếu đuối và bệnh hoạn cần đến ân sủng trợ giúp hầu có được một sức đỡ nâng trong cảnh suy nhược của mình: một sức đỡ nâng đến từ Thiên Chúa, vì con người không làm sao tìm thấy nó được từ nơi chính mình, nhưng nó lại thấm nhập vào tận trong nơi sâu thẳm nhất của bản thể, của nhân vị, tức vào tận trong “con tim”.

Dù đến từ bên ngoài, ân sủng cũng không phải là cái gì xa lạ đối với con người; trái lại, nó hoàn toàn “tự nhiên” đối với con người, bởi vì nó đáp ứng trọn vẹn những yêu cầu của mình và tái tạo con người lại theo đúng bản chất tinh tuyền nhất của con người. Chính vì thế: yêu thương là “tự nhiên” đối với con người; còn không yêu thương tức là phản tự nhiên . Hơn nữa, ai không hoàn thành mỹ mãn được con người của mình trong chiều kích tình thương, thì không thể nói mình đã thực sự là “con người” với cả ý nghĩa trọn vẹn của nó.

Ta lấy một ví dụ về  tình thương của loài người là tình bạn. Có thể có tình bạn giữa hai người đồng trang đồng lứa, hoặc là giữa những người rất khác biệt nhau về văn hóa, về địa vị xã hội… Tình bạn thì tự do, không ngờ trước được, không thể chịu được cảnh gò ép hoặc trục lợi, và bộc phát một cách tự nhiên để lớn lên trong tinh thần xả kỷ vô vị lợi. Hai người bạn hiểu nhau trong niềm tôn trọng lẫn nhau: mỗi bên biết rõ bên kia, và chấp nhận nguyên vẹn con người của bạn mình mà không cảm thấy trở ngại để sống tình thân ở giữa những khác biệt và quãng cách. Người này giúp đỡ người kia, và biết cách giúp đỡ làm sao để tránh gây ra cảm tưởng bị hạ nhục hoặc bị xúc phạm cho bên kia; quả thế, giúp đỡ là để nói lên tình thân đối với nhau được tượng trưng qua món quà trao đổi trong tự do, chứ không phải để đánh dấu cho rõ địa vị hơn kém. Người này quý trọng người kia, và lấy làm thỏa lòng thấy bạn mình thật chính là mình. Và mối thân tình mật thiết sẽ không làm cho lòng tôn trọng lẫn nhau bị sứt mẻ đi chút nào.Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người cho thấy một mẫu gương tình bạn sâu đậm nhất: “Ta không gọi các con là tôi tớ, mà là bạn hữu” (Ga 15, 15). Điều này không làm và cũng không được làm cho con người quên đi mình là ai và Thiên Chúa là ai, hoặc không còn nhớ mà kính trọng Thiên Chúa cho xứng với địa vị tối cao của Ngài. Dĩ nhiên là sự nhận thức và lòng tôn kính này sẽ không làm cho tình thân mật bạn hữu và sự tự do đã được thông ban cho con người, phải mất mát đi một tí gì. Con người hài lòng vì vốn là tôi tớ mà nay đã được nâng lên hàng con cái. Thế nên, dù không quên thân phận tôi đòi thuở trước, con người cũng vẫn muốn được phục vụ Vị Chủ và là Cha của mình với tất cả tự do.

Tình thương giữa hai người tình sẽ cho thấy rõ hơn về mối tương quan giữa ân sủng và ý chí con người, giữa sáng kiến đề nghị của Thiên Chúa và thái độ ứng đáp của con người; và đặc biệt là làm cho hiểu rõ về cách thức Thiên Chúa “ảnh hưởng” đến ý chí con người mà không ép uổng, không lừa bịp, không đoạt mất quyền tự quyết cũng như không hạ nhục, nhưng chỉ giúp cho trưởng thành và tác động làm sao để con người biết sống tình thương mà kiện toàn bản thân của chính mình cho sung mãn. Thật vậy, việc phân tích năng động tính trong tình yêu giữa hai người tình, sẽ giúp cho hiểu rõ hơn về các thành tố phức tạp cần phải có như sau: việc thấu hiểu lẫn nhau, ý chí chấp thuận với tinh thần trách nhiệm, ý nghĩa của bước đầu một bên tiến tới với bên kia, và ý thức biết rằng cho dù có những điều kiện như thế, thì mãi mãi cũng vẫn còn một phần bí nhiệm sâu kín không thể hiểu thấu hết được.

             Nhờ ân sủng gây dựng và ban cho khả năng yêu thương, nên chúng ta mới có điều kiện để đạt tới được tình trạng công chính. Ai biết kiện toàn con người mình trong tình yêu, và biết yêu thương cho phải lẽ (đúng trật tự của bản tính mình), thì kẻ ấy cũng sẽ hoàn chỉnh được chính mình trong đức công chính. Quả thế, yêu thương là việc làm công chính; từ chối không muốn yêu thương là hành động phản công chính. Như vậy, chúng ta đã được công chính hóa nhờ đức công chính của Thiên Chúa, bởi vì tình thương của Ngài đã ban cho chúng ta khả năng yêu mến, và đã đặt để chúng ta ở trong tình trạng công chính của tình yêu, ngõ hầu chúng ta biết yêu mến Thiên Chúa và tha nhân cho phải lẽ. Thế nên, không phải nhờ làm “việc lành” mà được trở nên công chính; nhưng là nhờ được công chính hóa bởi đức công chính của tình yêu, nên chúng ta mới thực hiện được các công trình của tình yêu đúng như các giới răn chỉ dạy.

Nếu nền tảng của công chính là tình yêu, thì rõ ràng là con người cần phải “hợp tác” vào trong công trình công chính hóa chính mình, bởi vì chính con người phải yêu thương lấy, chứ không ai có thể yêu thương thay cho được. Con người yêu thương vì muốn yêu thương, vì không thể không yêu thương, một khi đã được tình yêu “lôi kéo và quyến rũ”, như vẫn thấy. Con người yêu thương, vì bản thể con người hướng trọn về với tình yêu và cảm nhận rằng làm người công chính tức là sống trong tình thương.

Suốt trong tiến trình công chính hóa này, Thiên Chúa hằng ở bên cạnh con người. Không gì có thể xảy ra ngoài ý muốn của Thiên Chúa. Không phải Thiên Chúa chỉ can dự “vào một thời điểm nhất định nào đó” mà thôi: luôn luôn tình yêu đòi hỏi phải có hai bên, phải có tác động qua lại; không thể chỉ có một mình mà yêu thương được. Nếu thế thì muốn tách biệt và để con người sống riêng rẽ tại một nơi không có Thiên Chúa hay không cần đến Thiên Chúa, là một mộng ước hết sức vô nghĩa. Quyền tự do của tình yêu cần được thực thi không phải là ở giữa một nơi cô quạnh hay là ở trong một chốn hư không, nhưng là ở trong sự hiện diện của tha nhân, của phía bên kia. ” vị tha” phải có thì mới yêu thương được.

Ân sủng là một khả năng mới của chúng ta về sự sống, qua đó chúng ta thực sự cảm nghiệm ơn cứu độ và ơn cứu chuộc, sự giải thoát và canh tân, niềm vui, sự bình an, hạnh phúc và viên mãn. Chúng ta đến với ân sủng để trở nên thụ tạo mới, và nhờ ân sủng chúng ta trở nên con cái Chúa. Sống trong ân sủng là sống trong Chúa, trong sự hiệp thông với mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Chúa mời gọi chúng ta dấn thân sống cuộc sống ân sủng trong mọi quyết định và sự lựa chọn trong đời chúng ta. Mỗi cuộc đời có một ý nghĩa; mỗi người có phần tham dự trong ân sủng. Chúng ta có thể đáp trả và lớn lên mạnh mẽ trong đức tin, đức cậy và đức mến. Bởi vì đức tin hoạt động nhờ đức mến, sự thánh hóa là sức mạnh năng động của công chính hóa và ơn cứu độ trong thời hiện nay của đời chúng ta. Đó là một đời sống yêu thương, cuộc hành trình qua “sự tự hủy” của Đức Kitô đến với nhân loại mới. Đức mến là đáng tin cậy và vững bền, cùng với đức cậy nâng đỡ. Mỗi người, mỗi thực thể có tiềm năng được tình yêu Chúa chạm đến. Trong nghĩa này, cả tạo vật có liên quan đến ân sủng. Tuy nhiên ngược lại, người ta có thể nói về kinh nghiệm ân sủng theo ngôn ngữ của sự nghịch lý. Trong đời mình, chúng ta có thể cảm nghiệm những thời điểm ân sủng, những lúc chúng ta cảm thấy bị lôi cuốn thực thi sự tự do lớn hơn trong mọi hoạt động, xét về sự siêu việt của con người. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể cảm nghiệm những lúc khi chúng ta ý thức mình là hữu thể có giới hạn, bị vỡ ra trong sức mạnh tự nhiên của giới hạn con người. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng mình có một xu hướng bẩm sinh là phó cho số phận. Đây là mầu nhiệm của sự liên đới xuyên lịch sử trong sự dữ, vốn làm yếu khả năng yêu mến và có tương quan với Chúa và tha nhân. Như thế, không ai có thể làm điều gì mà không ảnh hưởng đến người khác, dù là điều tốt hay xấu. Là con người, chúng ta sống trong tình trạng liên đới và tương thuộc với nhau và với toàn vũ trụ. Hiểu như vậy, chúng ta cũng là “Adam và Eva”, nếu chúng ta xa Chúa và ân sủng của Chúa. Đồng thời, chúng ta tin rằng mình được hướng về vinh quang mai sau, bởi vì tiềm năng của bản tính con người, mà Chúa tạo cho mỗi người chúng ta, không thể bị mất do sức mạnh của tội lỗi và sự chết. Thiên Chúa tiếp tục trao ban tình thương biến đổi của Ngài, dù cho chúng ta ích kỷ. Sau cùng, Chúa chúc chúng ta sống trong nhân loại vinh hiển và sự thiện hảo bất diệt, vì đó chính là Chúa. Ân sủng giúp chúng ta hoàn tất trọn vẹn cuộc đời ta và đạt đến sự viên mãn cánh chung của lịch sử, nghĩa là, sự hiệp thông thiêng liêng với Chúa trong hiểu biết và mến yêu. Ân sủng Chúa sẽ “chữa lành, hoàn thành và nâng cao” mọi thụ tạo.

           Khi nhận ra ân sủng của Thiên Chúa, tôi như đã tìm được kho báu : kho báu của tình yêu Thiên Chúa, và ơn gọi của tôi được Thiên Chúa để triển nở trong tôi, tôi nghe được tiếng nói từ nội tâm “Ta thương con, Ta đã thêu dệt con trong lòng mẫu thân con”(Tv 139,13). Tôi vẫn nghe bên tai mình Chúa Giêsu vẫn ban cho mình một cuộc sống mật thiết và sung mãn với Thiên Chúa Cha, và tôi nghĩ rằng mình được đón nhận và đón nhận một cách nồng hậu. Tôi cũng cảm nghiệm rằng Chúa Giêsu đã đến để chia sẻ căn tính của Ngài với tôi, cũng có lúc Ngài bị ruồng bỏ, bị mọi người chê bai, hành hạ và đỉnh cao là cái chết nhục nhã trên cây thập giá để nói cho tôi biết rằng tôi là con người yêu dấu của Thiên Chúa và tôi nhận ra cuộc sống của tôi cũng rất đặc biệt. Thiên Chúa đã chúc phúc cho tôi, đời tôi nằm trong tay Ngài, một vòng tay đang ôm ấp tôi và toàn gia đình nhân loại. Mặc dù là con ruột hay con nuôi thì tôi vẫn là con yêu dấu của Thiên Chúa, là người được chọn của Thiên Chúa và mọi người đều thuộc về cùng một vị Thiên Chúa tình yêu. Tôi nhận ra căn tính đích thật của đời mình là con cái Thiên Chúa. Khi tôi đã chấp nhận căn tính này và ổn định với căn tính ấy tôi sẽ chấp nhận sống trong một thế giới cho dù thế giới này đem lại cho tôi nhiều đau khổ hay niềm vui. Tôi đã đón nhận những lời tích cực cũng như tiêu cực như một cơ hội củng cố căn tính căn bản của tôi. Vì chính căn tính làm cho tôi được tự do này thì vượt mọi lời khen chê của mọi người. Tôi thuộc về Thiên Chúa và chính với tư cách là con Thiên Chúa mà tôi được sai vào trong trần gian. Như thế, tôi cũng là món quà đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban vào trần gian.Tôi cũng hiểu rằng nước trời cũng đang hiện thực nơi cuộc đời tôi, Thiên Chúa đã gieo hạt giống của Ngài vào trần gian này qua tôi, cho dù mọi người có ngủ hay thức, có bận rộn hay không thì hạt giống ấy vẫn âm thầm mọc lên ( Mc 4, 27), công trình của Thiên Chúa vẫn thực hiện cho những người đón nhận Ngài và Ngài sẽ làm cho vững mạnh thêm để tiến mãi trên con đường Ngài đã vạch ra. Từ đó tôi cũng nghiệm ra một yếu tố quan trọng trong cuộc đời là tôi đang ngụp lặn trong Ân sủng Thiên Chúa, sở dĩ tôi có được ngày hôm nay là do tôi đã nhận tất cả từ nơi ân sủng Thiên Chúa. Thiên Chúa đã sửa soạn trước cho tôi để tôi thi hành thánh ý Ngài. Các biến cố diễn ra trong đời tôi là một tiến trình Thiên Chúa thực hiện ân sủng. Nhìn vào lịch sử đời tôi, tôi thấy mình thực sự đang sống trong thế giới “đầy ân sủng”, nơi mà mọi người và mọi sự kiện có thể tỏ lộ và là tín hiệu của niềm cậy trông siêu việt. Chính sự hiện hữu của tôi là cả một khung trời ân sủng. Cuộc đời tôi không giống như bao cuộc đời khác, tôi cảm nhận ân sủng đến với tôi rất riêng, tôi được quan tâm một cách đặc biệt bởi vì Thiên Chúa yêu tôi.

           Hiếm có ngày nào mà lại không có mây mù trôi qua. Nhưng hôm nay tôi không còn bận tâm về gốc gác của mình nữa, tôi không để cho nỗi buồn phiền biến thành chán nản hoặc để cho cảm thức bị loại bỏ biến thành cảm giác bị bỏ rơi nhưng thay vào đó là sư tin tưởng và niềm hy vọng cho cuộc đời sau này của tôi hơn. Tôi sẽ sống trong cuộc đời với lòng biết ơn và tin tưởng mong muốn gặt hái những thành quả tốt đẹp trong những ngày tháng sắp tới. Tôi biết rằng ngay trong những lúc tôi cảm thấy hoàn toàn bỏ rơi thì Thiên Chúa vẫn không bỏ mặc tôi một mình, nhưng hơn lúc nào hết tôi nghe được tiếng thì thầm bên tai “Từ ngàn đời,Ta vẫn yêu con và yêu con bằng mối tình muôn thuở”

Như vậy, qua ân sủng, Thiên Chúa đưa dẫn con người đạt cho tới mức thành tựu sung mãn của bản thân mình. Bị tội lỗi làm thương tổn nặng nề, con người cần được chữa trị và nâng đỡ. Nhưng nhờ được đặt vào trong bối cảnh tình thương, nên những sự kiện và hành động trợ giúp ấy không mảy may mang tính cách hạ nhục và không làm cho con người cảm thấy thấp hèn thua kém hay phải mang nặng mặc cảm tự ti; ngược lại, còn giúp cho con người có điều kiện để yêu thương và được yêu thương; rồi nhờ tình yêu đó mà con người có khả năng và cơ hội sống qua kinh nghiệm hai bên đối xử qua lại hầu như ngang với nhau. Nói cho cùng, tác dụng tối hậu của ân sủng là “thần hóa”, tức là biến hóa con người thành con cái Thiên Chúa trong Con Một của Ngài là Đức Kitô, ngay giữa lòng Thiên Chúa Ba Ngôi.

Để kết luận, tôi nhớ lại câu chuyện cha Anthony De Mello kể về một con cá nhỏ trong đại dương. Con cá nói: “Xin lỗi, tôi tìm đại dương. Xin chỉ cho tôi biết đại dương ở đâu?”. Vâng đúng thế, câu trả lời là nếu chúng ta chỉ cần mở mắt, mở lòng và nhìn, thì rồi ta sẽ hiểu thôi. Thánh vịnh 139 soi chiếu suy tư của chúng ta về sự biểu lộ của ân sủng:

 “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan? Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài. Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện, đến ở nơi chân trời góc biển phương Tây, tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn, cánh tay hùng mạnh giữ lấy con” ( Tv 138) .

Lm. Giuse Phan Cảnh