BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN  B – PHẨM CHẤT CỦA NGƯỜI MỘN ĐỆ CHÚA GIÊSU

BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN  B

PHẨM CHẤT CỦA NGƯỜI MỘN ĐỆ CHÚA GIÊSU

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Trình thuật của Thánh Marco được trích đọc trong Tin mừng hôm nay, kể lại biến cố Chúa Giêsu loan báo lần thứ hai cho các môn đệ biết về cuộc khổ nạn mà Ngài sẽ chịu phải chịu. Ngài nói với các ông : “ Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết, Người sẽ sống lại” ( Mc 9,31).

Để có thể dạy cho các môn đệ biết sự thật này của mầu nhiệm cứu độ, liên quan đến cuộc khổ nạn, tử nạn và phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu đã đem các môn đệ của Ngài đến một nơi thanh vắng, xa cách dân chúng và đám đông ồn ào. Bầu khí lắng đọng, nghiêm trang và thinh lặng, bao giờ cũng cần thiết cho việc lãnh nhận các sự thật siêu việt trong cuộc đời người môn đệ, hay nói theo kiểu diễn tả của loại tiểu thuyết kiếm hiệp, là thời gian người môn sinh phải lên núi để thao luyện các chiêu thức của môn “võ nghệ tâm linh”.

Các môn đệ của Chúa Giêsu nhận thức được điều đó, nhưng mỗi người vẫn cứ đang chờ đợi một tương lai, theo tham vọng riêng tư của mình. Vì thế khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn mà Ngài sẽ phải chịu, thì việc làm này như là một gáo nước lạnh, xối lên những tham vọng rất trần tục của các ông. Họ không thể nào chấp nhận ý tưởng về một Đấng Cứu Thế, mà lại phải chịu đau khổ và phải chết một cách nhục nhã như thế được.

Kiểu nói ở thể thụ động “sẽ bị nộp” mà Chúa Giêsu dùng ở đây, có nghĩa là chính Thiên Chúa đã trao phó Ngài trong tay loài người. Như vậy, cái chết của Ngài, không phải là một rủi ro tình cờ, mà đó là một biến cố nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng đó lại là điều mà trí óc của các môn đệ Chúa Giêsu, không thể hiểu nổi. Vì thế, các ông tiếp tục tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong vương quốc trần tục mà các ông nghĩ là Chúa Giêsu sẽ thiết lập. Nhưng Chúa Giêsu tuyên bố : “ Tôi đến là để phục vụ” ( Mc 10, 44). Và khi Ngài đã phục vụ như thế, thì Ngài cũng muốn cho chúng ta, những người đã được xức dầu để nên một với Ngài, cũng phải phục vụ như Ngài.

Đại văn hào Tagore đã xác tín điều trên đây trong mấy vần thơ sau đây :

   “Trong giấc ngủ, tôi mơ thấy cuộc đời chỉ toàn là vui tươi,

      Thức dậy, tôi thấy cuộc đời chỉ toàn là phục vụ.

      Phục vụ là niềm vui .”

Nhưng làm thế nào để phục vụ trở thành niềm vui ? Làm thế nào để phục vụ đem lại hạnh phúc thực sự ?

Thưa phục vụ là nâng đỡ những người đã lỡ sa ngã vào những đống bùn nhơ, mà không phán đoán những lỗi làm của họ. Phục vụ là cố gắng trở thành tiếng nói của những kẻ không có tiếng nói. Phục vụ là cố gắng không để mình rơi vào thái độ bực dọc, thiếu tế nhị đối với người mà mình phục vụ. Phục vụ là đến với những người không có gì để trả công cho mình. Phục vụ là sẵn sàng giup đỡ những người vô ơn, những người có thái độ hằn học, chua cay đối với mình. Phục vụ là mang lấy gánh nặng của kẻ khác trên đôi vai mình, là chia sẻ những mối lo âu của họ.

Nói tóm lại, phục vụ là cho đi chính mình. Và nếu cần soi sáng cho những ý niệm về phục vụ trên đây, chúng ta hãy nhìn vào đời sống của Đấng đã quả  quyết một cách không ngần ngại rằng : “Tôi đến không phải là để được phục vụ, mà là để phục vụ” ( Mc 10,45 ) . Đấng ấy là Chúa Giêsu, Đấng đã đưa ra một nguyên tắc lãnh đạo xem ra có vẻ trái nghịch, mà chúng ta nghe trong Tin Mừng hôm nay, đó là “ Ai muốn làm lớn, hãy trở nên rốt hết và tôi tớ cho mọi người” ( Mc 9,35 ), mà trở nên rốt hết và tôi tớ mọi người là gì, nếu không phải là phục vụ ?

Có lẽ chúng ta sẽ không tìm thấy được câu trả lời nào ngắn gọn mà lại đầy đủ cho bằng câu trả lời này là ; “ Yêu”. Đúng thế. Tình yêu càng lớn, càng nồng thắm, thì mức độ trao ban càng cao, mà càng trao ban nhiều thì phục vụ càng đắc lực.

Chúng ta hãy cứ nhìn vào đời sống của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy điều đó: tại sao Ngài đã rong ruổi khắp đó đây để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ? Tại sao Ngài đã quên mình, quên ăn, quên ngủ, để giảng dậy, để chữa bệnh tật…? Thưa vì YÊU. Yêu một nhân loại đang quằn quại trong đau khổ, đau khổ vì già yếu bệnh tật, vì thiếu ăn, của ăn thể chất cũng như của ăn tinh thần, đau khổ vì bị áp bức, chèn ép… Nhưng nhất là đau khổ vì tội lỗi. Chính vì thế mà Ngài đã trao ban thời giờ, trao ban công sức, trao ban tình yêu của Ngài cho nhân loại. Công việc trao ban ấy đã không chịu dừng lại ở đó, mà đã tiến xa mãi cho đến tận cùng. Cao điểm của sự trao ban ấy là Thập Giá. Tại nơi đây, Ngài đã không dành lại một thứ gì nữa, dẫu là một giọt máu cuối cùng còn sót lại trong con tim, Ngài cũng trao ban. Rồi vượt qua cao điểm, Ngài đã tiến tới tột đỉnh của sự trao ban, là Bí Tích Thánh Thể, một Bí Tích của tình yêu trao hiến.

Đối với chúng ta, nguyên tắc được Chúa Giêsu nêu ra ở đây, xem ra không mấy hấp dẫn, bởi chúng ta thường nghĩ rằng, muốn làm lớn, nghĩa là muốn có nhiều quyền thế thì phải có nhiều tiền, phải có địa vị cao, phải có danh giá. Chính vì thế không lạ gì con người thường mải mê với việc theo đuổi danh lợi. Ước gì cuộc sống của chúng ta, được dệt nên bằng những việc phục vụ, phục vụ trong âm thầm, phục vụ vô danh, phục vụ vô vị lợi, chúng ta sẽ thấy cuộc đời đầy niềm vui và hạnh phúc. Hạnh phúc ấy không phải chờ cho đến mãi đời sau, chúng ta mới được nếm hưởng, mà chúng ta có thể nếm hưởng ngay ở đời này, nếu chúng ta biết xả thân phục vụ theo tinh thần của Chúa Giêsu.

Lm. Giuse Phan Cảnh