NẾU 2+2=4, VẬY THIÊN CHÚA HIỆN HỮU

NẾU 2+2=4, VẬY THIÊN CHÚA HIỆN HỮU
 

Trong cuốn sách tuyệt vời có tên Năm bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa của mình, Edward Feser giải thích về luận chứng này một cách chi tiết. Được gợi hứng từ Augustinô, chúng ta hãy bắt đầu với một thực tại: 2+2=4…

Aristote, Alsenmô, Aquinô, Liebniz và William Lane Craig đã đưa ra những lý lẽ thời danh cho việc tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. Còn có một cách thế ít được biết đến hơn được đưa ra bởi Augustinô, một nhân vật uyên bác đến từ Phi châu.

Trong cuốn sách tuyệt vời có tên Năm bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa của mình, Edward Feser giải thích về luận chứng này một cách chi tiết. Được gợi hứng từ Augustinô, chúng ta hãy bắt đầu với một thực tại: 2+2=4.

Có những thực tại hiện hữu dưới dạng vật chất. Một căn nhà được làm từ gỗ, đinh và ximăng. Một chú chó có lông, các bắp thịt và bộ xương. Lại có những thực tại khác hiện hữu trong tâm trí. Những ký ức của tôi khi xem buổi hòa nhạc của nhóm Grateful Dead và việc chạy đua với Harvard hiện hữu trong tâm trí. Những gì bạn tin về loài chó và về sôcôla cũng hiện hữu trong tâm trí bạn.

Vậy 2+2=4 là một thực tại vật chất hay thuộc tâm trí? Dĩ nhiên, các thực tại vật chất có khối lượng, độ dài và tỷ trọng cụ thể. Nhưng thực tại 2+2=4 không có những đặc điểm này. Vậy nên, thực tại 2+2=4 không hiện hữu như một đối tượng vật chất.

Hơn nữa, các thực tại vật chất phụ thuộc vào chất liệu để duy trì sự hiện hữu của chúng. Khi tuyết tan chảy, người tuyết cũng biến mất. Nhưng 2+2=4 không phải là một thực tại sẽ chấm dứt nếu người ta đốt hết sách toán. Các chân lý toán học có thể được biểu diễn dưới dạng các ký hiệu hay lời nói. Nhưng thực tại tính của chân lý toán học không phụ thuộc vào việc trình bày chân lý ấy. Thực tại 2+2=4 luôn đúng trước cả khi có ai đó ghi chép hay biểu đạt. Vì thế, thực tại 2+2=4 không hiện hữu như một đối tượng vật chất.

Ngược lại, chân lý này là một thực tại thuộc trí, hiện hữu trong tâm trí của tôi lẫn bạn. Những thực tại trí tuệ phụ thuộc vào tâm trí để hiện hữu. Nếu tâm trí tôi bị triệt tiêu, những ký ức về những trận chơi bóng ngẫu nhiên tại sân bóng Northwest với Michelle Akers và việc tập Nhu thuật với Royce Gracie sẽ biến mất. Nếu tâm trí bạn bị hủy hoại, nhận thức về người mẹ và món ăn ưa thích của bạn cũng sẽ biến mất cùng với đó.

Tuy vậy, thực tại 2+2=4 không thể triệt tiêu, cho dù hết thảy mọi trí óc nhân loại bị phá hủy. Điều này luôn đúng trước cả khi có người nào đó nhận thức về nó. Nó vẫn là sự thật cho dù hết thảy nhân loại không còn tồn tại. Các thực tại toán học như 2+2=4 có tính phi thời gian, bất biến, khả tri và chính xác. Như thế, bởi thực tại 2+2=4 là một thực tại vượt thời gian và không đổi nên không lệ thuộc vào một tâm trí tùy ngẫu, trong thời gian và khả biến. Chính xác mà nói, thực tại 2+2=4 phải hiện hữu nơi một tâm trí không bắt đầu hiện hữu và cũng không chấm dứt hiện hữu, bởi vì sự đúng đắn của 2+2=4 không bắt đầu cũng không kết thúc. Hơn thế, 2+2=4 không chỉ là thực tại toán học duy nhất. Thật vậy, chỉ trong phạm vi phép cộng đã có vô hạn các thực tại toán học (3+3, 4+4, 5+4,…). Và còn có vô số những thực tại toán học khác của phép trừ, phép nhân, phép chia, đại số và giải tích… Quả thế, có vô số các chân lý vĩnh cửu, bất biến và khả tri. Nhưng chỉ có một tâm trí vô hạn mới có thể hiểu biết vô hạn thực tại.

Do đó phải hiện hữu một tâm trí nằm ngoài thời gian, không bắt đầu hiện hữu, cũng không chấm dứt hiện hữu, tâm trí ấy hiểu biết vô hạn thực tại. Từ thông dụng được dùng trong tiếng Anh để chỉ một tâm trí hiện hữu tất yếu, có trí tuệ vĩnh cửu và hiểu biết vô hạn là “Thiên Chúa”.

Đến đây, ngay lúc này, ai đó có thể đáp trả rằng, trên thực tế, 2+2=4 không phải là một thực tại khách quan gắn liền với vật chất hay tâm trí. Theo quan điểm này, 2+2=4 chỉ đơn thuần là tập hợp các ký hiệu hay ý tưởng mà con người tạo ra. Toán học còn chẳng thật hơn bà tiên đỡ đầu của Cô bé Lọ Lem. Toán học chỉ là câu chuyện hư cấu và không mang lại cho chúng ta chân lý thực tiễn.

Nhưng nếu toán học không chân thật, thì khoa học cũng thế. Như Paul Davies chỉ ra, “Các quy luật vật lý… hết thảy được trình bày như những phương trình toán học”. Lấy ví dụ như định luật II Newton về chuyển động: lực bằng khối lượng nhân gia tốc [F=ma]. Hoặc hãy xem xét công thức E=mc2 của Einstein. Những công thức này dựa vào sự chính xác của phép nhân. Nếu toán học không cho chúng ta chân lý khách quan thì khoa học cũng không thể cho chúng ta lý khách quan.

Trên thực tế, chính việc xem toán học đơn thuần là những từ ngữ hay ý tưởng mà con người tạo ra giống như một câu truyện cổ tích mới là chuyện hư cấu. Bà tiên đỡ đầu cho Cô bé Lọ Lem không thể làm di chuyển về mặt vật lý một chiếc Boeing 747 từ sân bay Los Angeles đến Boston. Còn khoa học thì có thể.

Khoa học mang lại cho chúng ta những chân lý khách quan, là những điều phụ thuộc vào tâm trí con người, giúp hiện thực hóa công nghệ của chúng ta. Khi con người nhận ra rằng mặt trời hóng hơn băng, họ hiểu ra một chân lý khách quan. Cũng vậy, khi con người đầu tiên nhận thức 2+2=4, người này khám phá ra một chân lý khách quan đúng thực. Khoa học luôn chân thực. Vậy nên toán học phải có thực chứ không hư cấu.

Nói tóm lại, 2+2=4 là một thực tại khách quan. Những thực tại toán học không hiện hữu như những đối tượng vật chất có màu sắc, hình dạng và cân nặng; thay vào đó, chúng hiện hữu trong tâm trí của bạn và tôi. Những thực tại thuộc trí phụ thuộc vào tâm trí để hiện hữu. Nhưng thực tại 2+2=4 (giống như vô số những dữ kiện toán học khác) là một thực tại phi thời gian và là chân lý bất biến, nên nó không thể phụ thuộc vào những tâm trí như của chúng ta để bước vào và bước ra khỏi hiện hữu. Vì thế, nhất thiết phải hiện hữu một tâm trí là hiện hữu tất yếu, có trí tuệ vĩnh cửu và hiểu biết vô hạn. Augustinô gọi tâm trí ấy là Thiên Chúa.
 

Chuyển ngữ: Grêgôriô Võ Trần Nhựt
Chuyển ngữ từ: catholiceducation.org
Nguồn: gpquinhon.org