THÁNG HOA – SUY NIỆM VỀ MẸ MARIA THEO TIN MỪNG NGÀY 19: BÀ ANNA, NỮ NGÔN SỨ

NGÀY 19: BÀ ANNA, NỮ NGÔN SỨ

LỜI CHÚA 

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 2, 36-38).     

  36Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 38Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

SUY NIỆM

Cùng giờ với cụ già Simêôn, bà goá Anna cũng tới Đền Thờ. Tin Mừng ca ngợi đời sống thanh tịnh, khắc khổ và tận tuỵ phụng sự Chúa. Bà nhận ra Trẻ Giêsu là Đấng Cứu Độ và nói về Người với những ai đang mong ơn cứu độ.

Cảnh xảy ra vẫn ở lối vào Đền Thờ. Chúng ta xin ơn được tận tuỵ phụng sự Chúa và Giáo Hội trong môi trường ta sống.

Công trạng của Bà Anna

Thánh Luca chỉ phác thảo mấy nét thoáng qua về Bà goá thánh thiện Anna này. Hồi thanh xuân, bà goá chồng sau bảy năm chung sống. Thử thách đau thương đó hẳn đã làm bà như đụng chạm được tận tay sự giả trá hão huyền của cuộc đời con người. Từ đó, bà hoàn toàn hướng về những sự trên trời: Bằng việc thủ tiết trọn vẹn, một cuộc sống chay tịnh và đền tội; bằng những giờ khắc cầu nguyện trong Đền Thờ. Bà không rời nơi thánh. Vì thế, Chúa đã ban cho bà ơn nói tiên tri.

Bà goá thánh thiện này nêu gương sáng lạ lùng biết chừng nào! Gương sống cuộc đời trần thế này sốt sắng, dưới sự hướng dẫn của ơn thánh, nhưng khi đó chưa có trước mắt mình gương sáng của Chúa Giêsu! Người ta nói rằng thánh Phaolô khi xây dựng điển hình người nữ goá bụa Kitô giáo, là đã mượn những đường nét ở bà goá Anna này. “Người phụ nữ thật sự goá bụa, phải xây dựng tất cả hy vọng của mình nơi Thiên Chúa, và ngày đêm gia tăng nhiều việc cầu xin khẩn nguyện” (1Tm 5, 5). Giáo Hội sơ khai gán một vai trò chính thức cho những bà goá như vậy, dùng họ làm giáo lý viên và cử hành bí tích Rửa tội cho những người cùng giới. Ngay thời đại chúng ta, ai kể hết bao việc lành được thực hiện bởi những người từ bỏ công việc phàm tục, chỉ còn sống  cho Thiên Chúa và tha nhân!

Ngày nay, dù ở bậc sống nào, chúng ta cũng đều có thể rút tỉa từ cuộc đời bà Anna này một bài học về lòng sốt mến và tận tuỵ với Chúa. Điều tốt lành như thế, thì mọi tâm hồn can đảm và quãng đời đều nên học hỏi. Một điểm đáng chú ý nữa là, ta thấy bà quả phụ này thích cầu nguyện nơi Đền Thờ. Bà hiểu là lời cầu nguyện dâng lên nơi thánh, thì bay thẳng lên Chúa , sau khi đã trở nên thơm tho vì những lễ tế và lời ca ngợi công cộng ở đó. Nếu đối với Đền Thờ Giêrusalem mà bà quả phụ còn thấy có sức thu hút kỳ lạ như vậy, huống chi đối với các nhà thờ chúng ta ngày nay, nơi hằng ngày Hy Tế Thánh Giá được cử hành và nơi luôn luôn cất giữ Mình Thánh Chúa ! Vì thế khi nào có thể, chúng ta hãy cố gắng đến nhà thờ viếng Chúa, đọc kinh, cầu nguyện, dâng lễ.

Mạc khải cho bà Anna

Nhờ bản năng tiên tri hướng dẫn, bà Anna nhận ra Đấng Cứu Thế. Vui sướng xiết bao! Nhưng bà không giữ niềm vui một mình, bà vội vả, theo cách thế của mình, làm cho người khác cũng được nếm sguui sướng đó, những người từng mong đợi ơn Cứu Độ Itraen.

Sau khi dừng lại suy ngắm niềm hân hoan dạt dào của người quả phụ thánh thiện, chúng ta hãy xem Chúa phân phát các ân huệ và phân công các vai trò nhiệm vụ tuỳ điều kiện mỗi người như thế nào. Là đàn ông, có thể có thế lực, cụ già Ximêong được giao sứ mạng tích cực : Tiên báo những khổ đau của Chúa Cứu Thế và Đức Maria. Bà Anna thì chỉ có thể san sẻ niềm vui lớn lao của mình cho những người xung quanh, qua từng câu truyện riêng tư. Đức Maria, vì là phụ nữ, thì không giảng dạy; nhưng với tư cách là Mẹ Thiên Chúa, Người được dành cho vai trò đẹp đẽ hơn cả, đó lAnộng tác vào công cuộc cứu chuộc. Ôi ! Công việc Thiên Chúa làm thật diệu kỳ! Khi suy nghĩ về ba con người và ba định mệnh đó, ta thấy cả ba điều thánh thiện. Nhưng vai trò cao cả nhất, đó là cứu độ loài người bằng những hy sinh khổ đau kết hợp với hy sinh của Chúa Kitô.

Liệu ta có biết hy sinh vì các linh hồn không ? Những khó nhọc vất vả hằng ngày ta phải chịu : Việc nội trợ, việc nghề nghiệt, việc học hành, … vốn bao gồm biết bao hy sinh. Nhưng chúng chỉ có giá trị cứu độ, nếu ta chấp nhận những hy sinh đó vì Chúa và kết hợp với cuộc khổ nạn của Người.

Đức Maria với bà Anna

Sau lời tiên báo của cụ già Simêôn, chác tâm hồn Đức Mẹ dạt dào xúc cảm và tràn ngập lo âu biết dường nào! Hẳn là Mẹ muốn rời ngay Đền Thờ, trở lại nơi trú ngụ để lặng lẽ suy nghĩ về những lời đầy bí ẩn lạ lùng đó ! Thế nhưng, bà Anna lại chạy tới, làm ầm cả lên. Việc đó xem ra không hợp lúc. Nhưng Đức Mẹ không tỏ ý khó chịu, Mẹ lặng lẽ đón lấy những lời tiên báo của bà, lại còn tỏ ra ân cần, biết ơn, là vì Mẹ hiểu tất cả đều là công việc Chúa làm, nơi Ximêong cũng như nơi Anna. Đây cũng là đặc tính của những tâm hồn thật đạo hạnh. Họ an ủi người khác, họ quan tâm đến khổ đau của người khác, họ quên mình vì hạnh phúc tha nhân: Tất cả vì Chúa.

Phần ta, liệu ta có được phần nào sự quảng đại đó không ? Trong truyện trò trao đổi hằng ngày, ta có quan tâm đến nhu cầu kẻ khác thay vì chỉ nghĩ, chỉ nói đến ta không?

Lạy trái tim đau đớn và vẹn sạch Mẹ Maria, chúng con đã thấy bắt đầu thấm thía những bài học của việc suy niệm về Mẹ trong Tin Mừng. Riêng từ câu chuyện bà Anna, chúng con xin Mẹ giúp chúng con lòng sốt sắng tận tuỵ phụng sự Chúa trong bậc sống Chúa đặt để vào chúng con, và biết quảng đại chia sẻ niềm vui thiêng liêng của mình cho những người xung quanh. Con cũng xin Mẹ cho con biết siêng năng lần hạt, như bao tâm hồn đạo đức xưa nay, không phải để được Mẹ ban ơn này ơn nọ cho chúng con phần xác, nhưng nhất là để chúng con học gương Chúa và Mẹ mà biết hết tâm phụng thờ Chúa và phục vụ tha nhân, vì khi lần hạt, chúng con suy ngắm gương nhân đức của Chúa và Mẹ. Amen.

Nguồn: Lm. Phêrô Lê Duy Lượng