Thần Học Và Nhu Cầu Của Đức Tin

Thần Học Và Nhu Cầu Của Đức Tin

Fr. Joseph Tân Nguyễn, ofm

Từ “thần học” (theo-logos) trong thời ban đầu đã được hiểu như là lời & lý lẽ “của” Thần thánh, nhưng đến thời Trung Cổ thì mang thêm ý nghĩa lời & lý lẽ “về” Thiên Chúa. Giữa hai ý nghĩa này là những thay đổi trong chuỗi tương tác giữa thần học và các nhu cầu đức tin suốt dòng lịch sử Kitô giáo. Sở dĩ có sự thay đổi là vì mọi ngôn ngữ về Thiên Chúa đều là sự kết nối giữa hai vế: một bên là truyền thống và biểu tượng tôn giáo, Kinh Thánh, mặc khải hay đức tin, và bên kia là tình huống xã hội, kinh nghiệm sống, ngôn ngữ triết học và lý trí.

Ngoài ra, còn có yếu tố thiết yếu thứ ba, đó là lý thuyết hậu cảnh hay phương pháp mà thần học gia dùng để kết nối hai vế trên đây. Lý thuyết hậu cảnh có thể là phạm trù tri thức, phương pháp suy tư thần học, hay quan điểm của giáo quyền. Lý thuyết hậu cảnh điều phối sự tương tác giữa hai vế ở trên sao phù hợp với nhu cầu và tình huống đức tin hiện tại. Cả ba yếu tố đều hiện diện qua nhiều hình thức khác nhau trong lịch sử. Tuy nhiên yếu tố thứ ba thường chỉ được nhận ra sau khi các giả định trong thần học cũ không còn thích hợp, và được thay thế bằng một lý thuyết hậu cảnh mới.

Nghiên cứu về sứ mệnh của thần học không tránh khỏi việc tìm hiểu các nét đặc thù, phong phú và đa dạng mà ngôn ngữ về Thiên Chúa đã để lại. Chúng ta sẽ quan sát cách cụ thể các biến chuyển trong nhu cầu của đức tin như: biện minh cho sự tồn tại của Giáo hội, tìm kiếm sự khôn ngoan, minh chứng tính hợp lý của đức tin, khẳng định vị thế khoa học của thần học, củng cố vai trò của thẩm quyền giáo hội, và đối đầu với thực tại đa dạng của lý tính. Từ đó chúng ta sẽ thấy, dưới ánh sáng của mặc khải, con người đã dùng mọi loại ký hiệu, biểu tượng, phạm trù tri thức và ngay cả sự tĩnh lặng để nói với và nói về Thiên Chúa, thích ứng cho mọi hoàn cảnh và tình huống đức tin.

Sứ mệnh của thần học

Thần học có sứ mệnh giải thích và khai triển ý nghĩa của mặc khải và các biểu tượng tôn giáo cho bối cảnh đức tin. Vì thần học (theo-logos) vốn là ngôn ngữ con người về Thiên Chúa nên cần phải liên tục cập nhật hóa sao cho phù hợp với tình huống thời sự của đức tin. Sứ mệnh kết nối “mặc khải” với “lý trí” của thần học mang tính nước đôi: vừa tìm hiểu nội dung của đức tin (mythos, mặc khải), vừa dùng phương pháp phê phán của triết học (logos, lý trí). Thần học khởi đầu bằng “đức tin nghe” và kết thúc với “đức tin hiểu”.  Do đó, thần học được xem như là hành trình “đức tin tìm kiếm sự hiểu biết” (Fides quaerens intellectum).  Nhờ vào bản tính nước đôi này mà tiến trình suy tư thần học (theo-logos) có thể tránh được những hố sâu cuồng tín. 

Chính vì nỗ lực vừa đáp ứng nhu cầu khách quan của một khoa học vừa có liên hệ mật thiết với thân phận mong manh của đức tin cho nên trong quá trình lịch sử, thần học phải mang tính chất đa dạng. Suy tư thần học được ví như là một con thuyền bồng bềnh giữa biển cả sóng dồn hơn là một chiếc kim tự tháp đặt móng nền kiên cố trong lòng đá sâu. Tuy vậy, qua nhiều thế kỷ biến chuyển, thần học cũng cố sức xác định cho được một số hằng tố làm bản chất đồng nhất, đặc thù và kiên định cho mình.

Thần học chấp nhận quan điểm và chân lý của tôn giáo như là nền tảng căn bản cho lý luận của mình.  Mục đích của thần học là tìm hiểu nội dung của những gì tôn giáo đón nhận qua mặc khải. Thần học cố gắng tránh rơi vào não trạng chủ quan qua cách nó kết nối tôn giáo với các mô hình tri thức và văn hóa. Trong khi lý giải cho tính hợp lý của niềm tin tôn giáo, thần học rút tỉa “nội dung” từ mặc khải, nhưng “hình thức” thì vay mượn từ các phạm trù triết học.  Là hoạt động tri thức, thần học phải giữ cho nội dung của đức tin luôn được cập nhật và sống động chứ không như những “cổ vật” trong bảo tàng của lịch sử tư duy.  Là ngôn ngữ về Thiên Chúa, thần học luôn phải khiêm tốn nhận ra các giới hạn của mình, một khi lối suy tư thần học cũ không còn thích ứng nữa thì phương pháp thần học mới ra đời.  Như thế, thần học luôn mở rộng và hướng về chân trời vô hạn của đức tin và mặc khải.

Trong thực hành, thần học thường được chia ra ba phạm vi, như ba phần của một đại thụ. “Thần học căn bản” tìm hiểu nền tảng và bản chất của mặc khải, tương quan giữa đức tin với lý trí, cũng như ngôn ngữ và sứ mệnh của thần học. “Thần học tín lý” khai triển chiều sâu và chiều rộng của các qui phạm trong đức tin Kitô giáo. Đây là các chủ đề hay biểu tượng xuất hiện qua mặc khải như Thiên Chúa, Đức Kitô, Sống lại, Cứu độ, Giáo hội, Tạo dựng và Cánh Chung, v.v. Từ đó, “thần học thực hành” hình thành các nguyên tắc cho đời sống đức tin theo các nhu cầu như bí tích, linh đạo, giáo luật, mục vụ, sứ vụ, hoạt động xã hội, v.v.

Bối cảnh đa dạng của đức tin

Sự giao thoa giữa thần học và bối cảnh của đức tin đã trải dài qua nhiều khúc quanh lịch sử khác nhau. Từ thưở ban đầu Giáo hội sơ khai phải lý giải mặc khải Kitô giáo giữa những tranh cãi sôi nổi về sự khác biệt giữa Athens và Jerusalem. Thời Trung cổ, thần học được xem như nỗ lực tìm kiếm sự khôn ngoan hay niềm an ủi cho đức tin khi đức tin bị thử thách. Vài thế kỷ trầm lặng với thần bí học thì xuất hiện loại thần học tự nhiên, khai triển các tín điều Kitô giáo dựa trên triết học biện chứng.

Trong bối cảnh đại học thời Trung cổ với sự gia nhập của triết học Aristote, thần học khẳng định tư thế “khoa học” của mình dựa trên sự hài hòa giữa lý trí và đức tin. Từ đó, suy tư thần học trở thành một học thuật, phân tích tỉ mỉ về bản chất, ngôn ngữ và sứ mệnh của thần học. Hậu quả là thần học cần phải xác định tính đặc thù của mình, nhất là so với triết học. Như thế, sự hài hòa mà Kinh Viện đã cố gắng tạo nên đã bị bào mòn và đưa đến sự tách biệt giữa triết học và thần học.

Với đà phát triển của khoa học thời Ánh Sáng thì lối diễn giải tôn giáo duy lý và duy nghiệm đã trở nên quá giản lược cho nhu cầu của đức tin. Các học giả như Kant, Hegel và Scheilermacher sau đó đều tìm cách phục hồi vị thế của tôn giáo qua cách họ giải thích hiệu lực phán đoán của lý tính. Tuy nhiên khuynh hướng lạc quan của các thần học cấp tiến cũng không tránh khỏi bị phê phán và hoài nghi về khía cạnh công cụ của lý tính. Hậu quả là suốt gần một thế kỷ sau Hegel, việc suy tư thần học trở nên phân cực hơn khi hai phe cấp tiến và bảo thủ tranh chấp với nhau về vai trò trung gian của lý tính trong sứ mệnh thông diễn niềm tin Kitô giáo.

Cuối cùng, khi Vatican II phải đối đầu với một thế giới đầy rẫy những tranh chấp về quyền lực, bất công xã hội, phân biệt chủng tộc, chạy đua võ khí nguyên tử, lạm dụng môi sinh, mơ hồ về lý tính, v.v., thì vai trò điều phối của lý tính trở thành phức tạp và đa dạng hơn. Trong bối cảnh đó, nhiều phương pháp suy tư thần học mới đã lần lượt ra đời: thần học tiên nghiệm, thần học giải thích, thần học phân tích, thần học tương quan liên đới, thần học phụ nữ, thần học môi sinh, và các hình thức thần học giải phóng và chính trị.

Khi thần học gia có nhu cầu cập nhật những vấn đề liên quan đến đời sống đức tin, họ đã không ngần ngại vay mượn các phạm trù tri thức để khai triển thần học cho thích ứng hơn với bối cảnh xã hội của họ. Vì tôn giáo là yếu tố căn bản và sinh lực cho hạnh phúc xã hội nên sự tồn tại và phát triển của niềm tin tôn giáo là trọng tâm cho thần học. Suy tư thần học bao gồm sự giao thoa giữa các trò chơi ngôn ngữ triết học, ngôn ngữ thần học và ngôn ngữ tôn giáo. Những sự đối nghịch giữa thần học và các môn khoa học khác dần dần tan biến và các hợp đề giữa lý trí và đức tin bắt đầu xuất hiện.

CÁC NHU CẦU CỤ THỂ CỦA ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

Mối tương quan giữa triết học và thần học sẽ bị chi phối bởi các nhu cầu kết nối đức tin với bối cảnh xã hội vốn đã tạo nên bản sắc của thần học. Vì thần học là cầu nối giữa mặc khải và tình huống của đức tin, nên khi quan sát các ngôn ngữ của đức tin chúng ta cũng sẽ “bắt mạch” tính năng động của đức tin qua các nhu cầu của đời sống đức tin sau đây.

Nhu cầu kết nối biến cố Kitô với Do Thái giáo và văn hóa Hy-La.

Khởi đầu, thần học có sự tương tác với văn hóa Hy-La là vì Giáo hội sơ khai có nhu cầu giải thích “biến cố Kitô” trong bối cảnh truyền giáo. Nỗ lực tách biệt “logos” ra khỏi “mythos trong triết cổ đại Hy lạp đã gặt hái được nhiều hoa quả nơi tinh thần phê phán của Socrates, Plato và Aristote. Triết lý “Stoic” nhấn mạnh về khía cạnh thực hành như rèn luyện đức hạnh, kiềm chế bản thân, và sự quan phòng của Thượng đế. Triết học Tân-Plato khai triển con đường thần bí, tương quan giữa Thượng đế và thế giới, sự bất tử của hồn và nguồn gốc thần linh của vũ trụ. Các trường phái này đã để lại ảnh hưởng sâu đậm lên quá trình suy tư thần học Kitô giáo.

Tuy nhiên hành trình tiếp thu văn hóa Hy-lạp vào thần học đã không hoàn toàn suôn sẻ. Phản ứng của Giáo hội sơ khai về triết lý Hy-lạp thì đa dạng, từ sự phản kháng của Phaolô về tính thế tục của “khôn ngoan” cho đến cách dùng “logos” như nền tảng trong thần học nhập thể của Gioan. Khi bị lôi cuốn vào tranh luận với các thiểu số quá khích thì thần học mang hình thức biện giáo, phòng thủ và tách biệt (Irenaeus, Marcion, Valerius, Montainism). Nhu cầu về thẩm quyền trong tranh luận thần học cũng đã nảy sinh cơ cấu tổ chức và các sứ vụ trong Giáo hội.

Đến thế kỷ thứ IV, qua tiến trình hòa giải giữa các trường phái thần học và khẳng định tính “chính thống” của đức tin Kitô giáo, nền tảng siêu hình của Kitô giáo bắt đầu xuất hiện. Thần học biện giáo giờ đây được thay thế bằng các cuộc tranh luận và giải hòa tại các Công Đồng Chung, với mục đích thiết lập sự thống nhất về đức tin vốn được tự do rao giảng trong Đế quốc La-mã. Thần học thời Giáo hội sơ khai và giáo phụ hầu hết đều dựa trên triết học Plato (siêu hình), Tân-Plato (tín lý) và Stoic (luân lý). Trong khi các phạm trù triết học giúp hệ thống hóa thần học, thì các trường phái chú giải đa chiều (Alexandria, Antioch) giúp làm giảm bớt tính thần thoại của Kinh Thánh và tạo nền tảng hợp lý của niềm tin Kitô giáo.

Nhu cầu tìm kiếm sự khôn ngoan và niềm an ủi khi đức tin gặp hoạn nạn.

Sau gần một kỷ nguyên từ khi Aristote đóng cửa nhà trường ở Athens (529 AD) thì triết học quay về con đường thần bí (Tân-Pythagorean, Plotinus). Điều này cho thấy triết học chưa hoàn toàn dứt bỏ được sự lôi cuốn của “mythos”. Vấn đề sinh tồn và cứu rỗi trở thành cấp bách hơn trong thời loạn lạc. Động lực tìm kiếm sự khôn ngoan trong triết học cổ đại, qua lăng kính Kitô giáo, được hiểu như lộ trình trở về với Thiên Chúa chính là hạnh phúc vĩnh cửu. Augustine và Boethius cho chúng ta hình ảnh con người như một thụ tạo yếu đuối, chìm đắm trong chốn lưu đày với hạnh phúc mong manh bên trong lẫn bên ngoài mình. Thần học và mạc khải soi sáng tâm hồn đi tìm sự công chính của đức tin. Thần học giúp đức tin hiểu rõ hơn về thực tại vĩnh cửu và sự hiệp nhất của các yếu tính nơi Thiên Chúa.

Lộ trình tìm kiếm Thiên Chúa của Thánh Augustine khởi đầu với sự “tỉnh ngộ” sau khi đọc Cicero và Plotinus. Augustine khẳng định rằng con người gặp gỡ chân lý và cái đẹp tối cao không qua giác quan và thế giới bên ngoài nhưng bằng cách đi vào bên trong tâm hồn. Nơi đó, nhờ ánh sáng vĩnh cửu đang chiếu rọi bên trên lý trí, chúng ta mới có thể nhận ra các chân lý toán học và đạo đức học là tất yếu và vĩnh hằng, cùng với cái đẹp, hữu thể và sự thiện tối cao chính là Thiên Chúa. Ân sủng sẽ trợ giúp sự khao khát cho khôn ngoan đạt đến cùng đích tối cao là Thiên Chúa. Hai tác phẩm nổi tiếng “Tự Thuật” và “Thành Đô Thiên Chúa” là biểu tượng của lộ trình cá nhân và tập thể nhân loại đi tìm hạnh phúc vĩnh cửu. Thiên Chúa được mô tả như Ánh Sáng vĩnh cửu đang chiếu soi từ bên trên lý trí.

Một thế kỷ sau Augustine, qua tác phẩm “Niềm an ủi của Triết học” Boethius cho thấy lý trí không chỉ khởi động hành trình của đức tin (Augustine) mà còn là niềm an ủi và chấn chỉnh cho sự hiểu biết về những tình huống trớ trêu của đức tin. Boethius than phiền về sự quan phòng có vẻ lơ là của Thiên Chúa đã để cho kẻ ác độc nắm quyền hành và gây tai họa cho người thiện lành. Nhưng tại sao một học giả Kitô giáo lại quay về triết học để tìm sự an ủi trong cơn hoạn nạn. Tuyệt phẩm này đã đưa ra một vấn đề quan trọng cho thần học, đó là làm sao để cho hành trình tìm kiếm hạnh phúc tối hậu của đức tin tránh bị đồng hóa thành sự tìm kiếm các cơ may trong cuộc sống. Nàng Triết lý giải rằng chỉ có một Thiên Chúa là Đấng điều hành vũ trụ và toàn năng trên tất cả mọi sự vật, kể cả sự kiện con người. Khởi đầu từ logic nhất quán của tư duy, Nàng Triết giải thích bản chất của sự hiệp nhất của sự thiện, rồi đến tính phổ quát của các yếu tính về Thiên Chúa.  Qua các giải thích này, Boethius là người đầu tiên đặt vấn đề về tính thực tồn của “khái niệm phổ quát” vốn là chủ đề sẽ được tranh luận suốt thời Trung Cổ và đưa đến sự phân biệt giữa chủ nghĩa duy thực và duy danh.

Nhu cầu cung cấp nền tảng biện chứng cho tính hợp lý của mặc khải.

Suốt gần 500 năm sau cái chết của Boethius, hoàn cảnh bất ổn về chính trị gây nên bởi sự sụp đổ của Roma trước sức mạnh của các nhóm ngoại xâm “Barbarians” không thuận tiện cho việc suy tư hay nghiên cứu thần học. Nhưng thế kỷ XI khởi đầu một hướng đi mới trong suy tư mới gọi là biện chứng pháp. Nhiều học giả như Anselm và Abelard đã áp dụng phương pháp này vào thần học, với mục tiêu giải thích và bảo vệ tính hợp lý của các tín điều Kitô giáo. Anselm (1033-1109) khai triển hệ thống thần học dựa trên “lý lẽ của đức tin” cho thấy đức tin và lý trí có sự hiệp nhất nội tại. Tín lý Kitô giáo là hợp lý bởi vì chúng liên quan đến bản tính và hoạt động của Thiên Chúa, Đấng chính là Chân lý tối cao và tỏ hiện sự khôn ngoan huyền diệu trong mọi sự Người làm. Vì con người tự bản chất có trí khôn, nên chúng ta có thể nắm bắt lý lẽ của đức tin. Anselm áp dụng các nguyên tắc của biện chứng pháp để tạo ra một luận cứ về sự tồn tại của Thiên Chúa. 

Abelard (1079-1142) khẳng định rằng Thiên Chúa vượt qua mọi khả năng tri thức của con người, nhưng không vì thế mà đức tin trở thành bất khả tri. Giáo lý Công giáo cần phải được minh họa và làm sáng tỏ. Abelard dùng lý luận biện chứng để biện hộ cách hùng hồn cho tính hợp lý của tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi. Lý trí con người thì giới hạn về mầu nhiệm nhưng các triết gia tiền Kitô giáo cũng đã nhận ra Ba Ngôi nơi yếu tính của Thiên Chúa. Do đó, phương pháp biện chứng có thể giúp lý trí nắm bắt phần nào về mầu nhiệm này.  Nếu không có sự mâu thuẫn nội tại giữa đức tin và lý trí, thì ta có thể bảo đảm là những gì học được từ thẩm quyền của mặc khải thì cũng học được từ lý trí. Abelard khai triển phương pháp loại suy, nhận ra sự giống nhau và khác nhau giữa lý trí và mặc khải để làm sáng tỏ hơn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Abelard đề nghị một loại thần học tự nhiên về Ba Ngôi vốn mang lại ảnh hưởng sâu đậm lên thần học Kinh Viện sau này. Đây là một trong những nỗ lực “đức tin tìm kiếm sự hiểu biết” của thần học Trung Cổ.

Nhu cầu thiết lập sự hài hòa giữa lý trí và đức tin.

Triết-thần Kinh Viện được xây dựng trong bối cảnh đại học với các luồng tư tưởng Hy-lạp mới được du nhập qua văn hóa Ả-rập. Các chủ đề như “ý niệm phổ quát”, “luận cứ về sự tồn tại của Thiên Chúa” và “thần học tự nhiên” giờ đây được đem ra tranh luận rộng rãi một khi mà thần học được xem như là một “khoa học thánh” chuyên biệt. Qua những sáng tác của các học giả Hồi giáo, phương pháp suy tư của Aristote được đón nhận và bổ sung vào thần học Plato đang thịnh hành. Kinh Viện khai thác cách Aristote phân biệt giữa bản chất và hiện hữu, và những luận cứ về sự hiện hữu của “nguyên nhân đệ nhất” dựa trên nguyên nhân và cứu cánh của vũ trụ. Aristote được tôn vinh như là “Triết gia” và Averroes là “nhà chú giải.” Nhiều học giả Kinh Viện rất phấn khởi trong việc xây dựng thần học trên nền tảng triết học Aristote, nhưng cũng có nhiều vị thận trọng hơn hoặc tiếp tục dùng mô hình nhị nguyên của Plato. Nói chung, Kinh Viện đã tạo nên một sự tổng hợp triết-thần chưa từng có trong lịch sử. Thần học phải trở thành nền tảng khôn ngoan phổ quát và tri thức sâu sắc, bao gồm mọi bộ môn khoa học.

Abertô Cả đưa các nguyên tắc tư duy của Aristote vào việc khai triển thần học ở Đại Học Paris, nhưng Thomas Aquinas (1225-1274) mới là người gây ảnh hưởng sâu đậm nhất. Thomas lý luận rằng mọi tri thức con người đều có nguồn gốc từ kinh nghiệm, và qua tác động của lý trí con người có thể nắm bắt một số tri thức tự nhiên về Thiên Chúa. Chân lý tự nhiên là “khai lộ” của đức tin (pre-amble of faith) và qua đó Thiên Chúa đã lôi cuốn lý trí đi theo những chân lý cao cả hơn tức là các mầu nhiệm mặc khải. Vì cả hai xuất phát từ cùng một nguồn thần linh cho nên lý trí và đức tin không thể mâu thuẫn nhau. Khởi đầu bằng những dữ kiện thu thập từ giác quan, lý trí con người có thể nhận ra nguyên nhân đệ nhất của mọi sự vật. Cũng như thế, thần học tìm hiểu về Thiên Chúa từ những chân lý được mặc khải qua Kinh Thánh, đi từ “đức tin nghe” tới “đức tin hiểu.” Thomas rất lạc quan về tính hài hòa giữa lý trí và đức tin hay ân sủng.

Cũng từ Đại Học Paris nhưng Bonaventure cẩn thận hơn về sự hài hòa tất yếu giữa triết học và thần học. Bonaventure cho rằng sự tìm kiếm tri thức cách tự nhiên và do nỗ lực của con người có thể đưa chúng ta đến sự sai lầm và tự cao. Aristote đã không nhận ra các “nguyên mẫu” (ý niệm trong tư tưởng của Thiên Chúa) và sai lầm về sự tồn tại vĩnh cửu của thế giới. Chỉ qua sự dẫn dắt của ánh sáng thần linh của đức tin và thần học thì lý trí mới có thể đạt đến tri thức siêu việt và cùng đích chính là Thiên Chúa. Bonaventure vẫn chấp nhận tiền đề mọi tri thức bắt đầu từ kinh nghiệm, nhưng ngài khởi đầu bằng “kinh nghiệm của đức tin,” nhìn thực tại từ nhãn quan của tạo dựng và nhập thể vốn mang dấu vết của Thiên Chúa Ba Ngôi. Qua đó, ngài khai triển siêu hình học, tri thức luận và đạo đức học. Có thể nói, cùng đích của thần học theo Thomas là đạt đến tri thức hay giáo lý về Thiên Chúa (sacra doctrina), nhưng theo Bonaventure là sự kết hiệp thần bí (mystical union) với Thiên Chúa.

Nhu cầu phân biệt ranh giới giữa thần học và triết học.

Vào cuối thể kỷ XIII, ảnh hưởng quá đáng của triết lý Averroes trên Kinh Viện đưa đến thái độ hoài nghi và phê phán về việc triết học. Tiêu biểu là chỉ bốn năm sau cái chết của Thomas, Đức Giám Mục Tempier (Paris) công bố “Cấm lệnh 1277”, biện bác các hệ luận của triết học duy lý và lối suy tư thần học theo Aristote. Trưởng thành trong giai đoạn này, Scotus cũng đã phản đối quan điểm cho rằng tự triết học có thể thỏa mãn mọi khao khát tri thức của con người. Ông chống lại những nguyên lý tất yếu trong triết Ả-rập và nhấn mạnh về tính bất tất và tùy thuộc của vũ trụ vào ý chí tự do của Thiên Chúa. Tạo dựng và những gì “tốt đẹp” trong đó không do một Trí tuệ vĩnh hằng nào tiền định nhưng vì Thiên Chúa muốn như thế.  Scotus bác bỏ quan niệm duy thực về “ý niệm phổ quát” và giải thích “cá tính đặc thù” (haecceitas) của thụ tạo trong thuyết ý chí tự do của ông. Scotus phục hồi cách dùng ngôn ngữ và khái niệm thần học cho chính xác hơn.

Ockham cũng không mấy tin tưởng về khả năng của lý trí đạt đến chân lý. Ockham muốn bảo vệ tự do và tính toàn năng của Thiên Chúa qua tính bất tất của thụ tạo. Triết học phải hài lòng với chân lý “gần đúng” và chỉ có đức tin mới có thể đem lại sự chắc chắn. Đa nguyên (plurality) không phải là điều tất yếu nếu ta có thể giải thích thực tại cách giản dị hơn. “Dao cạo” của Ockham đã loại bỏ tất cả các phạm trù của Aristote mà chỉ giữ lại “bản chất” và “phẩm tính”. Nhưng trong thần học, khi xét khái niệm “Thiên Chúa Ba Ngôi” phải thêm vào phạm trù “tương quan” vốn không phải là một thực thể riêng biệt trong triết học. Sự khác biệt giữa ngôn ngữ triết học và ngôn ngữ thần học nói lên tính bất tương đồng giữa triết học và thần học. Sau thế kỷ XIV, năng lực đầu tư vào sự tổng hợp triết-thần của Kinh Viện không còn nữa; từ đó triết học và thần học tách biệt, mỗi bên phát triển theo lộ trình riêng biệt của mình.

Nhu cầu khẳng định vai trò của thẩm quyền trong thần học

Trong khi kết nối hai vế của thần học (Kinh Thánh & kinh nghiệm sống đức tin), thần học gia luôn phải giả định “thẩm quyền” hay lý thuyết hậu cảnh nào đó vốn tạo nên căn tính và phương pháp suy tư thần học.  Sau biến cố Cải Cách Tin Lành, có hai lối suy tư thần học dựa trên hai quan điểm đối lập về thẩm quyền: thần học Tân Kinh Viện và Thần Học Cải Cách. Thần học Tân Kinh Viện Baroc (thế kỷ XVI) khẳng định thẩm quyền của logic tam đoạn luận (Cano) và tính chứng thực của nguồn liệu mặc khải (Petau). Thần học Tân Kinh Viện thế kỷ XIX xuất phát từ các quy phạm đức tin mà tính xác thực và kiểm định của chúng xuất phát từ giáo quyền.  Mục đích của thần học Tân Kinh Viện là bảo vệ và làm sáng tỏ nội dung của đức tin chính thống, được xây dựng trên nền tảng vững chắc của truyền thống Giáo hội. Khi chống lại não trạng tân thời thì thần học “Tân-Thomas” vẫn dùng triết duy lý (Descartes). Hậu quả là loại suy tư này thường mang tính phòng thủ hoặc giáo điều, và gây nên phản ứng ngược chiều về vai trò của thẩm quyền trong suy tư thần học.

Mặt khác, suy tư thần học theo phong trào Cải Cách thì cởi mở và lạc quan hơn trong cách tiếp cận não trạng tân thời. Thần học Cải Cách nhấn mạnh vào hiệu lực của việc rao giảng chân lý Kinh Thánh trong tình huống xã hội. Thất vọng với quan điểm giản lược của thời Ánh Sáng, các triết gia duy tâm và lãng mạn đã tạo ra những phạm trù thần học mới, như giải thích về tính hiệu lực của lý tính trong thực hành luân lý (Kant), trong tiến trình biện chứng của tinh thần lịch sử (Hegel), hay trong cảm thức tùy thuộc tuyệt đối của tồn tại (Schleiermacher). Thành công của thần học cấp tiến thì dựa trên khả năng hội nhập đức tin vào tình huống tân thời. Tuy nhiên, với thực tế chiến tranh triền miên và đau khổ vô nghĩa đeo đẳng nhân loại trong suốt thời hiện đại, các viễn tượng cấp tiến sớm được thay thế bằng “theologis cruxis,” nhắc nhở chúng ta về sự mơ hồ của lý tính tân thời. Lý trí không chỉ là công cụ kết nối mạc khải với tình huống của đức tin, nhưng cũng có thể trở thành tự mãn và làm lu mờ các thử thách của Tin Mừng. Thần học Cải Cách bắt đầu hoài nghi về thẩm quyền và vai trò môi giới của lý trí trong tiến trình suy tư thần học.

Nhu về phương pháp suy tư thần trong bối cảnh đa dạng của đức tin.

Suốt hơn hai thế kỷ trước Vatican II, thần học Công Giáo đã không đối thoại trực diện với lý tính tân thời như các đồng nghiệp Tin Lành. Vì lẽ, thần học Công Giáo đã được bao che bởi một lịch sử kiềm chế và bảo thủ, một mặt lên án chủ thuyết tân thời (“Index”; “Aeternis Patris” 1879), mặt khác bị thống trị bởi chủ thuyết Tân Kinh viện và Tân-Thomas. Tuy vậy, vẫn có những nỗ lực “bắt cầu” giữa thần học Công Giáo với lý tính tân thời như: phương pháp lãng mạn của Newman, chủ thuyết phát triển lịch sử của Loisy, và triết học hành động và lịch sử của Blondel. Maréchal và de Lubac với trường phái “Nouvelle Théologie” cũng đã để lại ảnh hưởng quan trọng trong tương quan giữa triết học và thần học trong giai đoạn này.

Với cải cách của Vatican II, thần học Công giáo sẵn sàng mở cửa, chào đón “thần khí” mới. Tuy nhiên viễn cảnh thế giới bên ngoài thì không được lạc quan cho lắm. Khác với thời Kinh Viện, thần học ngày nay phải thi thố hiệu lực của nó trong một bối cảnh đa dạng và phê phán triệt để. Thần học phải đối đầu với một thế giới đầy rẫy bất công, đau khổ vô nghĩa, tệ nạn xã hội và môi trường gây ra bởi tham vọng vô biên của con người đang nắm trong tay nền khoa học và kỹ thuật cao nhất trong lịch sử nhân loại. Vận mạng con người đang nằm trong tay những thiểu số có độc quyền và ưu thế trong lãnh vực võ khí nguyên tử. Hơn nữa, sự mơ hồ của lý tính tân thời đã làm cho sứ mệnh kết nối di sản Kitô giáo với tình huống đức tin trong thế giới ngày nay trở thành phức tạp hơn. Tuy vậy, thần học Công giáo không thể đứng bên lề lịch sử, nhưng đã tạo nên những làn sóng suy tư mới trong giai đoạn sau Vatican II. 

Các thần học gia Công giáo đã đáp ứng lại các nhu cầu phức tạp này, và hậu quả là có bốn khuynh hướng suy tư thần học mới xuất hiện sau Vatican II. “Thần học tiên nghiệm” tìm cách kết nối chiều kích tiên nghiệm của chủ thể với các chủ đề tối yếu của mặc khải (Karl Rahner). “Thần học giải thích” xây dựng căn tính Kitô dựa trên sự tương quan liên đới giữa các kinh nghiệm đức tin khác nhau (Schillebeechx).  “Thần học thực hành” khai triển mối tương quan giữa “praxis” của đức tin với nguồn của đức tin như trong thần học chính trị, thần học giải phóng và thần học phụ nữ (Metz, Gutierres, E. Fiorenza, etc.) Cuối cùng, thần học hậu phê phán lột trần não trạng duy nền tảng (foundationalism) đang tiềm tàng trong lý tính hiện tại và hồi phục các hình thức sự sống của đức tin tiềm tàng nơi các trò chơi ngôn ngữ của truyền thống tôn giáo.

Kết

Như lịch sử cho thấy thần học được sinh ra, nuôi dưỡng và trưởng thành trong các bối cảnh đặt thù của đức tin. Thần học có sứ mệnh giữ cho nhịp cầu kết nối giữa mạc khải và nhu cầu của đời sống đức tin được luôn thông suốt. Các thừ thách mới cho đức tin, như phong trào “Thiên Chúa đã chết” hay “thế tục hóa”, đã không làm cho thần học bị bế tắc, nhưng trái lại còn tạo cơ hội để khai triển những “trò chơi ngôn ngữ” (Wittgenstein) mới và thích ứng hơn cho thần học. Tóm lại, nếu đức tin có thử thách thì đức tin mới trưởng thành, vậy thì thần học cũng phải có những khúc quanh thì ngôn ngữ về Thiên Chúa mới thực là một ngôn ngữ sống động.

Tài liệu tham khảo

Sytematic Theology, Roman Catholic Perspectives. Francis Schussler Fiorenza and John P. Galvin, editors. Second Edition, Fortress Press, Minneapolis, 2011.

Giải Thích Học & Thông Diễn Học. Joseph Tân Nguyễn, OFM. Học Viện Phanxicô, 2020.

Tương Quan Triết Thần. Joseph Tân Nguyễn, OFM. Học Viện Phanxicô, 2020 

Triết Học Ngôn Ngữ. Joseph Tân Nguyễn, OFM. Học Viện Phanxicô, 2021.