LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH VÀ HOẠT ĐỘNG
CHỦNG VIỆN LÊ BẢO TỊNH THANH HOÁ
Ngược dòng lịch sử, công cuộc loan báo Tin Mừng tại giáo phận Thanh Hóa luôn gắn liền với quá trình giáo dục và đào tạo ơn gọi. Các cơ sở đào tạo: Tiểu chủng viện Ba Làng (năm 1918), trường Hữu Lễ (năm 1923), trường thầy giảng thánh Gioan Tiền Hô (năm 1934) đã là những nơi không chỉ cung cấp đội ngũ “thợ gặt lành nghề” cho cánh đồng giáo phận mà còn sản sinh những thừa sai can trường vượt biên giới xứ Thanh đến với vùng đất Châu Lào xa xôi.
Tuy nhiên, với biến cố phân chia Nam Bắc sau hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, các cơ sở đào tạo trong giáo phận đều bị đóng cửa. Đặc biệt sau năm 1975, việc đào tạo linh mục bị ngưng trệ hoàn toàn. Trong suốt thập kỷ 1976-1986, giáo phận Thanh Hóa chỉ thêm được 4 linh mục, không còn cơ sở đào tạo nào hoạt động và rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng.
Năm 1988, Đức cha Phêrô Phạm Tần, giám mục giáo phận Thanh Hóa đã cùng với Đức cha Phêrô-Gioan Trần Xuân Hạp, giám mục giáo phận Vinh, tái thiết lập Đại Chủng viện Phanxicô Xavier Xã Đoài với một tên mới: “Đại Chủng viện Vinh-Thanh” làm nơi đào tạo linh mục chung cho cả hai giáo phận Vinh và Thanh Hóa. Trong ngày khai giảng khóa đầu tiên, Vinh-Thanh đã đón nhận 18 chủng sinh cho 2 giáo phận Vinh và Thanh Hóa.
Năm 1994, khi Đức cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm được Tòa Thánh bổ nhiệm về coi sóc giáo phận Thanh Hóa, ngài đã bắt tay ngay vào việc quy tụ các ứng sinh, xây dựng ngôi nhà cấp bốn phía sau Tòa Giám mục, tạm làm nơi để các ứng sinh có thể lui tới tĩnh tâm, học hành và tu luyện, rồi sau đó được gửi đi học tại Đại Chủng viện Vinh-Thanh.
Nối tiếp định hướng tốt đẹp của vị tiền nhiệm trong việc đào tạo linh mục, ngày 09/11/2005, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã chính thức khôi phục lại Tiểu Chủng viện với tên gọi của vị thánh tử đạo xứ Thanh – Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh. Đây sẽ là nơi giúp những ai muốn hiến thân phụng sự Thiên Chúa trong thiên chức linh mục xác tín hơn vào ơn gọi, có kiến thức khả dĩ, có nhân cách trưởng thành và quen thuộc với mục vụ. Để rồi, họ sẽ được gửi đi học tại Đại Chủng viện Vinh-Thanh và các Đại Chủng viện khác nhau trong nước cũng như hải ngoại.
Trong những năm gần đây, khi số Chủng sinh theo học Đại Chủng viện Vinh-Thanh tăng hơn. Do đó cơ sở của Đại Chủng viện Vinh-Thanh trở nên chật chội, ảnh hưởng đến việc đào tạo linh mục cho cả hai giáo phận. Việc gửi các chủng sinh đi tu học tại các Đại Chủng viện khác cũng khó khăn về nhiều mặt. Mặt khác, để đánh dấu sự trưởng thành và phát triển giáo phận trong 85 năm qua, Thanh Hóa cũng cần phải có một cơ sở đào tạo ứng sinh linh mục riêng phù hợp với nền văn hoá, hoàn cảnh địa lý và nhu cầu thực tiễn. Đây sẽ là định hướng mang tính lịch sử mở ra một chương mới cho giáo phận trong thời kỳ xã hội nước ta đang phát triển với nhiều sự thay đổi.
Vì những lí do đó, ngày 02/09/2016, Đức Giám mục Giáo Phận Giuse Nguyễn Chí Linh đã công bố chính thức thành lập Đại Chủng Viện Lê Bảo Tịnh Thanh Hóa. Đây là một mốc lịch sử hết sức quan trọng đối với đại chủng viện cũng như đối với Giáo phận Thanh Hóa.
Hiện nay, Đại Chủng Viện đã đi vào hoạt động tương đối ổn định với đội ngũ ban Giám Đốc và ban đào tạo trẻ trung-năng động. Chủng viện cũng có một ban giảng huấn đông đảo được mời về từ cả trong và ngoài Giáo phận. Chủng viện đang đào tạo 2 khóa thần học với 32 chủng sinh; 2 khóa triết học với 26 chủng sinh và 1 lớp thử với 18 chủng sinh. Ngoài ra chủng viện cũng đang đào tạo 3 lớp dự bị với 49 ứng sinh, (số liệu năm học 2021-2022).
Các chủng sinh, ứng sinh được chủng viện tập trung đào tạo theo hướng dẫn của tông huấn “Patores dabo vobis”, đào tạo liên tục, trường kì, cơ bản và tập trung trên 4 chiều kích chính: nhân bản (là nền tảng của việc đào tạo), thiêng liêng (là linh hồn của việc đào tạo), trí thức (là phương tiện của việc đào tạo) và mục vụ (là mục tiêu cụ thể của việc đào tạo). Bốn chiều kích này đan kết chặt chẽ và hỗ trợ cho nhau để hướng tới việc đào tạo một người mục tử như lòng Chúa mong ước.
Ban truyền thông Chủng viện Phaolô Lê Bảo Tịnh Thanh Hoá