BA HÌNH THỨC DIỄN ĐẠT VỀ THÂN THỂ CỦA CHÚA KITÔTRONG BÍ TÍCH THÁNH THỂ

BA HÌNH THỨC DIỄN ĐẠT VỀ THÂN THỂ CỦA CHÚA KITÔ

TRONG BÍ TÍCH THÁNH THỂ

 

      Về “Thân Thể Chúa Kitô”, chúng ta có thể nói là có “thân thể lịch sử”, “ thân thể Thánh Thể” và “ thân thể Giáo hội”. Đây là những khái niệm đang dần được làm nổi bật trong thần học ngày nay.

Trước hết, thánh Phaolô đã nói rằng chúng ta là thân thể của Chúa Kitô, và rằng Giáo Hội là thân thể mà Chúa Kitô là đầu (1Cr 12). Tuy nhiên, một trong những khó khăn là vấn đề về từ vựng. Trước hết, từ “Giáo Hội” như Phaolô sử dụng phải được hiểu theo nghĩa “toàn thể nhân loại được gọi mời”, chứ không phải là một tổ chức.

 Tiếp theo, từ “ thân thể” có nhiều nghĩa. Đối với thánh Phaolô, có hai nguồn gốc khác nhau cho cụm từ “Giáo Hội là thân thể của Chúa Kitô”, chúng cộng lại nhưng không hoàn toàn giống nhau, và rất thường xuyên chúng ta chỉ nhớ đến nghĩa đầu tiên:

 Một nghĩa liên quan đến ý tưởng “hợp nhất thân thể”, đây là một cách diễn đạt có sẵn trong ngôn ngữ của chúng ta: sự đa dạng của các chi thể tạo thành sự thống nhất của một thể.

Một nghĩa trong đó thân thể được liên hệ với đầu. Ví dụ: “Chúa Kitô là đầu của thân thể là Giáo Hội” (Col 1, 18).

Có thể nói một cách sơ lược rằng chúng ta có ba tham chiếu cho thân thể duy nhất của Chúa Kitô, và điểm quan trọng là thánh lễ.

1) Trích từ bài giảng của thánh Augustino

Trong bài giảng 272 về các bí tích, thánh Augustin nói với những người vừa được rửa tội. Đây là một đoạn liên quan đến thánh lễ. Ba hình thức diễn tả thân thể của Chúa Kitô được chỉ ra: trong phần 1 là “thân thể Thánh Thể”, trong phần 2 là “thân thể lịch sử”, trong phần 3 là “thân thể Giáo hội”, và phần 4 xác định “thân thể Thánh Thể” và “thân thể Giáo hội”:

1.Những gì các bạn thấy trên bàn thờ khi cử hành Thánh thể là bánh và chén: đó là những gì mà mắt các bạn nhận thấy. Nhưng điều mà đức tin của các bạn muốn học hỏi là bánh này là thân thể của Chúa Kitô, và chén này là máu của Người. Điều này gắn liền với một công thức ngắn gọn, có thể đủ cho đức tin. Nhưng đức tin mong muốn được hiểu rõ. Vì các bạn có thể nói với tôi một ngày nào đó: “Các bạn đã ra lệnh cho chúng tôi tin. Hãy cho chúng tôi một lời giải thích giúp chúng tôi hiểu”.

2.Thật vậy, mỗi người trong chúng ta có thể suy nghĩ như thế này: Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, chúng ta biết Ngài lấy thân xác từ đâu, từ Đức Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần. Khi còn nhỏ, Ngài đã được nuôi dưỡng, lớn lên, và trở thành một chàng trai. Ngài đã chết trên thập giá, rồi được tháo đinh và mai táng. Ngài đã sống lại vào ngày thứ ba, và Ngài đã lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Và Ngài sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Ngài hiện đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Vậy thì, làm sao bánh này lại là thân thể của Ngài, và chén này, hay chính xác hơn là thứ bên trong chén, lại có thể là máu của Ngài? Các anh chị em của tôi, đây chính là điều mà chúng ta gọi là các bí tích: chúng chỉ ra một thực tại và hiểu một thực tại khác. Những gì chúng ta thấy là một dáng vẻ thân thể, trong khi những gì chúng ta hiểu là một hoa trái thiêng liêng.

3.Nếu các bạn muốn hiểu thân thể của Chúa Kitô là gì, hãy nghe lời của thánh Phaolô tông đồ, khi Ngài nói với các tín hữu: “anh em là thân thể của Chúa Kitô, và mỗi người trong chúng ta là các chi thể của thân thể đó”(1 Cr 12,17). Vậy thì, nếu chính các bạn là thân thể của Chúa Kitô và các chi thể của Ngài, thì chính mầu nhiệm của các bạn đang ở trên bàn thờ của Chúa, và chính mầu nhiệm của các bạn mà các bạn nhận lấy. Khi các bạn nghe nói: “Mình Thánh Chúa Kitô”, các bạn đáp: “Amen”. Và qua lời đáp này, các bạn đồng ý, các bạn tin. Vậy hãy trở thành các chi thể của thân thể Chúa Kitô, để lời “Amen” của các bạn là chân thật.

4.Vậy tại sao thân thể lại có trong bánh? Lại nữa, đừng nói gì về chính chúng ta, hãy nghe tiếp lời của thánh Phaolô tông đồ, khi Ngài nói về bí tích này, đã bảo chúng ta: “ Vì chỉ có một tấm bánh duy nhất, chúng ta, dù là muôn ngàn người, lại là một thân thể duy nhất” (1 Cr 10,17). Hãy hiểu điều này và vui mừng: sự thống nhất, sự thật, lòng đạo đức, tình yêu! Một bánh duy nhất: bánh đó là ai? Một thân thể duy nhất, trong khi chúng ta là một đám đông. Hãy nhớ rằng người ta không làm bánh từ một hạt duy nhất, mà từ rất nhiều hạt. Hãy trở thành điều các bạn thấy, và nhận lấy điều các bạn là. Đây là những gì thánh Phaolô tông đồ nói về bánh.

2) Ba hình thức trong thân thể của Chúa Kitô là công trình của Thánh Thần

Thân thể duy nhất của Chúa Kitô thể hiện qua ba hình thức không thể tách rời nhau, và các Giáo phụ đã khai triển sự phong phú này.

Và nếu có thể nói, “ba thân thể” này là công trình của Thánh Thần:

  • Điều này đúng đối với “thân thể lịch sử” vì Chúa Giêsu Kitô được “thụ thai bởi Chúa Thánh Thần…”
  • Điều này đúng đối với “thân thể Thánh Thể” như nhấn mạnh trong lời nguyện đầu tiên trên bánh và rượu: “ Lạy Chúa, Chúa thật là đấng Thánh, là nguồn mọi sự thánh thiện. Vì thế, chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hóa những của lễ này, để trở nên cho chúng con Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”. (Kinh nguyện Thánh Thể số 2).
  • Điều này đúng đối với “thân thể Giáo hội” như nhấn mạnh trong lời nguyện thứ hai dành cho cộng đoàn (dành cho Giáo Hội): “Chúng con tha thiết nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần” ( Kinh nguyện Thánh Thể số 2).

3) Ba hình thức trong thân thể của Chúa Kitô theo Guillaume de Saint-Thierry

Mỗi khi người đọc thận trọng tìm thấy trong các sách điều gì liên quan đến thịt hoặc thân thể của Chúa Giêsu, hãy tìm hiểu theo định nghĩa ba dạng của thịt hoặc thân thể Ngài, như tôi không tìm thấy trong sự hiểu biết của mình, cũng như không tự tạo ra bằng cảm giác riêng, mà là đã rút ra từ những câu nói của các Giáo phụ. Thật sự, phải hình dung thịt hoặc thân thể này hoặc thân thể đã bị treo trên cây thập giá và đã được hiến tế trên bàn thờ, hoặc thịt hoặc thân thể Ngài là sự sống ở lại trong những ai đã ăn thịt Ngài, hoặc cuối cùng, thịt hoặc thân thể Ngài chính là Giáo Hội: vì Giáo Hội được gọi là thân thể của Chúa Kitô.

Ba hình thức thân thể của Chúa Kitô này không được hiểu theo cách khác ngoài chính thân thể của Chúa, được nhìn nhận theo bản chất, theo sự thống nhất và theo hiệu quả. Vì thân thể của Chúa Kitô, khi Ngài ở trong mình, Ngài trao ban cho mọi người làm của ăn cho sự sống đời đời, và làm cho những ai nhận Ngài một cách trung thành sống trong sự thống nhất với Ngài, qua tình yêu thiêng liêng và qua sự chia sẻ bản tính của chính Ngài, Ngài là Đầu của thân thể Giáo Hội[1].

4) Ba hình thức trong thân thể của Chúa Kitô theo Bernard Sesboüé

Có ba cách diễn đạt và thực tại về thân thể của Chúa Kitô, hay ba hình thức của thân thể Chúa Kitô:

  • Thân thể lịch sử của Chúa Giêsu, tức là thân thể vật chất của Chúa Giêsu trước khi Phục Sinh, sinh ra từ Đức Trinh Nữ Maria, chết trên thập giá và nay đã sống lại.
  • Thân thể Thánh Thể của Chúa Kitô, thân thể bí tích có cách hiện hữu độc đáo so với thân thể lịch sử và không hoàn toàn đồng nhất với nó. Vì thế, “Thân thể Thánh thể” còn được gọi là “thân thể mầu nhiệm”.
  • Thân thể Giáo hội của Chúa Kitô, thân thể tổng thể của Chúa Kitô, được hình thành từ tất cả những ai tham dự vào cùng một bánh. Thân thể này được gọi là “thân thể thật”. Bởi vì việc xây dựng thân thể Giáo hội này là mục tiêu và điểm đến của toàn bộ kế hoạch cứu độ.

Vấn đề là làm sao vừa giải thích sự phân biệt, vừa duy trì sự thống nhất giữa ba “hình thức” của thân thể duy nhất của Chúa Kitô. Ý nghĩa của bộ ba này là nhấn mạnh tính hữu hiệu của mầu nhiệm, từ sự nhập thể đến ơn cứu độ của toàn thể Giáo Hội (và nhân loại trong Giáo Hội), thông qua việc cử hành Thánh Thể. Mục đích cuối cùng của Thánh Thể không phải là sự thay đổi của bánh và rượu thành thân thể và máu của Chúa Kitô, mà là việc đưa tất cả cộng đoàn vào trong sự tháp nhập với thân thể của Chúa Kitô qua sự ban tặng của Thánh Thần[2].

5) Từ thân thể lịch sử đến thân thể Giáo hội thông qua thân thể Thánh Thể: hành trình được thực hiện trong Lời nguyện Thánh Thể theo Louis-Marie Chauvet

Một lời nguyện Thánh Thể, có thể nói một cách tóm tắt, gồm hai chuyển động trong ba phần. Hai chuyển động không gian: lên và xuống ( để tôn vinh Thiên Chúa và cho ơn cứu độ của chúng ta ), tức là: một hành động tạ ơn và một lời cầu xin. Và ba phần trong thời gian: quá khứ, hiện tại, và tương lai.

Mọi thứ trong lời nguyện này được bao trùm bởi hành động tạ ơn, một diễn đạt mà chính từ “Thánh Thể” có ý nghĩa. Đây chính là công trình được trao cho Giáo Hội (cho “chúng ta”, tức là cộng đoàn hiện diện ) và cũng là động lực khởi phát lời nguyện: “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta”. Đây chính là yếu tố xuyên suốt toàn bộ lời nguyện. Thực tế, lời nguyện sẽ kết thúc khi chương trình này được công nhận là hoàn thành trong doxologie (lời ca ngợi) cuối cùng: “ chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa, là Cha Toàn Năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thành Thần đến muôn đời”.

Món quà của Chúa Kitô trong quá khứ: “Thân thể lịch sử” của Người

Lời tạ ơn trong phần đầu tiên của Kinh Nguyện Thánh Thể đặc biệt tập trung vào cái mà chúng ta gọi là “Lời Tạ Ơn” và đỉnh cao của phần này là bài Thánh Ca (Sanctus), và đôi khi tiếp tục sau đó (như trong Kinh Nguyện Thánh Thể số 4). Mục tiêu của lời tạ ơn này hướng đến quá khứ. Giáo hội tạ ơn Thiên Chúa vì vũ trụ mà Ngài đã tạo ra với mục đích trao tặng cho con người, và đặc biệt vì lịch sử mà Kinh Thánh kể lại, một lịch sử có thể gọi một cách chính xác là “lịch sử cứu độ”. Lịch sử này được tóm gọn một cách cực kỳ cô đọng, thậm chí chúng ta chỉ tập trung vào Chúa Giêsu Kitô, và thậm chí chỉ vào cái chết và sự phục sinh của Người. Do đó, mục đích của lời tạ ơn là món quà mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại qua Con Một của Ngài, Chúa Giêsu, một món quà trong việc hiến dâng chính cuộc sống của Ngài vì tất cả mọi người, và sự chấp nhận của Thiên Chúa Cha đối với sự hiến dâng này, được thể hiện qua sự phục sinh của Chúa Giêsu. Món quà này là món quà của Chúa Giêsu trong thân xác lịch sử của Người, tức là thân xác thực sự và hữu hình mà Ngài đã nhận từ Đức Maria, đã dâng hiến trên thập giá và đã được phục sinh.

Món quà của Chúa Kitô trong hiện tại : “Thân thể Thánh Thể” của Người

Tuy nhiên, quá khứ này chỉ thực sự có ý nghĩa đối với chúng ta nếu nó có thể được hiện thực hóa. Vì vậy, Giáo hội xin Thiên Chúa làm cho quá khứ này trở nên hiện diện trong hiện tại qua tác động của Chúa Thánh Thần. Đây là mục tiêu của phần thứ hai trong lời nguyện, sau Thánh Ca, Giáo hội xin Chúa Thánh Thần thánh hóa bánh và rượu để biến thành thân thể và máu của Chúa Kitô. Đây không phải là một sự lặp lại của quá khứ, bởi vì những gì đã qua không thể tái diễn, nhưng quá khứ này được hiện diện dưới một hình thức khác, đó là qua bí tích Thánh Thể. Món quà của Chúa Kitô trong thân thể Thánh Thể là mục tiêu của phần này trong lời nguyện.

Món quà của Chúa Kitô trong tương lai (đang trở thành): “Thân thể Giáo hội” của Người

Kinh Nguyện Thánh Thể không chỉ dừng lại ở việc thực hiện sự thánh hiến bánh và rượu, mà còn đi xa hơn, vì mục tiêu không chỉ là thực hiện phép thánh hiến các vật phẩm. Qua việc rước Mình Thánh Chúa Kitô, Giáo hội trở thành, như thánh Phaolô nói “thân thể Giáo hội” của Người. Phần thứ ba trong lời nguyện hướng về tương lai. Nó bắt đầu với lời cầu xin Chúa Thánh Thần trong “epiclèse” thứ hai ( Khi tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô, chúng con được quy tụ bởi Chúa Thánh Thần trong một thân thể duy nhất) và kết thúc bằng lời cầu nguyện xin sự sống đời đời. Mục tiêu của phần này là xin Thiên Chúa, nhờ việc tham dự thân thể Thánh Thể của Chúa Kitô, làm cho Giáo hội trở thành thân thể của Chúa Kitô, một thực tại hiện diện nhưng cũng là một lời hứa về sự hoàn thành cuối cùng trong Vương quốc của Thiên Chúa[3].

Cấu trúc của Kinh Nguyện Thánh Thể: Ba món quà, ba hình thức thân thể của Chúa Kitô

Như vậy, Kinh Nguyện Thánh Thể đưa chúng ta qua ba giai đoạn liên quan đến món quà của Chúa Kitô: thân thể lịch sử của Người trong quá khứ, thân thể Thánh Thể của Người trong hiện tại, và thân thể Giáo hội của Người trong tương lai. Quá trình phụng vụ này cho thấy cách thức Giáo hội tạ ơn vì công trình cứu độ, hiện thực hóa công trình cứu độ này trong hiện tại qua việc cử hành Thánh Thể, và mong đợi sự hoàn thành trong Vương quốc của Thiên Chúa.

Tầm quan trọng của Lời Nguyện Epiclèse

Lời nguyện epiclèse (lời cầu xin Chúa Thánh Thần) đóng một vai trò trung tâm trong Kinh Nguyện Thánh Thể. Trước và sau khi cử hành Thánh Thể, Giáo hội xin Thiên Chúa gửi Chúa Thánh Thần:

  • Để thánh hóa bánh và rượu trong epiclèse đầu tiên.
  • Để thánh hóa cộng đoàn trong epiclèse thứ hai.

Điều này dạy chúng ta hai điều quan trọng:

  1. Tác động của Chúa Thánh Thần: Giáo hội, qua vị chủ tế thay mặt Chúa Kitô, không thể thực hiện của lễ trở thành Mình và Máu Chúa Kitô mà không có tác động của Chúa Thánh Thần. Thân thể Thánh Thể của Chúa Kitô không phải là một thân xác vật lý bị ẩn giấu, mà là một “ thân thể thiêng liêng”, như thánh Phaolô nói về Chúa Kitô đã sống lại. Sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể là thật sự, nhưng sự hiện diện này là “bí tích” và “thiêng liêng”, chứ không phải là vật lý.
  2. Sự hiệp thông và mục đích của Thánh Thể: Nếu Chúa Kitô ban Mình và Máu của Ngài trong thân thể Thánh Thể, đó không phải để được thờ lạy (tất nhiên, sự thờ phượng Ngài không bị loại trừ), mà là để được ăn. Mục đích của việc hiệp thông là thực hiện thân thể Giáo hội của Chúa Kitô, là cộng đoàn được Chúa Thánh Thần tập hợp để trở thành thân thể sống động của Chúa Kitô trong thế giới này.

 

Linh mục. Giuse Phan Cảnh

 

Ghi chú

[1] Guillaume de Saint-Thierry (XII° siècle), Sur le sacrement de l’Autel, ch. 12 (PL 180, 361-362) in Catholicisme, Les aspects sociaux du dogme, Œuvres complètes VII, pp. 345-346, Cerf, Paris, 2003

[2] Bernard Sesboüé, Comprendre l’Eucharistie, Salvator, 2020, p. 50 – 96.

[3] Louis-Marie Chauvet ,La messe autrement dit, Salvator 2023, p.81-95.